Hoàng Ngũ Phúc người xã Phụng Công, huyện Yên Dũng, nay thuộc Bắc Giang, sinh năm nào không rõ, chỉ biết khi mất (năm 1775), ông đã là một lão tướng.
Hoàng Ngũ Phúc xuất thân là hoạn quan, từng được phong tới chức Tả Thiếu giám. Từ tháng hai năm Quý Hợi (1743), ông được chúa Trịnh Doanh (1740 - 1767.) cử làm tướng. Đời võ nghiệp của Hoàng Ngũ Phúc bắt đầu kể từ đó. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 39, tờ 28 và 29
"(Hoàng) Ngũ Phúc là người giàu mưu kế nhưng lại xuất thân từ hoạn quan. Trước đó, hắn là Tả Thiếu giám, được sung chức Nội sai ở Hình Phiên. Bấy giờ, vì thấy triều đình luôn phải điều quân đi đánh dẹp, (Hoàng Ngũ Phúc) bèn dâng (Chúa) mười hai điều về binh pháp, được chúa Trịnh Doanh cho đem áp dụng, nhân đấy (Chúa) cho thống lãnh kì binh đạo Hải Dương, cùng với quan Thống tướng Chánh dạo là Hoàng Công Kỳ, cùng đi tiễu trừ Nguyễn Hữu Cầu ở Đồ Sơn.
Khi mới nghe mệnh Chúa, (Hoàng) Ngũ Phúc rất lấy làm lo lắng, vì chưa từng tham gia chiến trận bao giờ. (Thấy vậy), có người khách khuyên rằng :
- Hãy mau vay nhà nước một vạn quan tiền để mộ lấy những bậc tráng sĩ mà dùng.
( Hoàng) Ngũ Phúc nói :
- Bây giờ mà vay tiền công, ngày sau ắt phải trả, hỏi lấy tiền đâu mà trả được ?
Người khách nói :
- Tục ngữ có câu Tướng vô tài, sĩ bất lai (nghĩa là người làm tướng mà không chút của cải thì dũng sĩ chẳng tìm đến bao giờ). Nếu như ông thật lòng muốn theo mưu kế của tôi thì tráng sĩ sẽ hết sức báo đáp cho ông, quyết đánh tan kẻ địch, từ đấy ắt sẽ sang giàu, ngại gì món nợ một vạn quan ? Còn nếu như lỡ mà gặp sự chẳng lành thì ai mà nỡ trách cứ món nợ này nữa ?
( Hoàng) Ngũ Phúc cho là phải, bèn theo lời, do đấy về sau, (Hoàng) Ngũ Phúc cậy nhờ sĩ tốt, lập được công to, trở thành viên tướng lừng danh một thời".
Lời bàn : Thời ấy kẻ được đào tạo một cách bài bản, nhưng, bất tài vẫn hoàn bất tài, cho nên, nặng lời trách cứ chư vị tướng quân đương thời cũng được mà than cho việc đào tạo bấy giờ hủ lậu quá mức cũng được.
Tất nhiên, đặt trong bối cảnh đó, hoạn quan Hoàng Ngũ Phúc thực sự là người có tài, chí ít là cũng đủ để dạy thêm cho các bậc Tạo sĩ (tức Tiến sĩ hàng võ), cái mà họ tưởng là họ đã nhất thiên hạ. Mười hai điều binh pháp của hoạn quan Hoàng Ngũ Phúc, kể cũng đủ dùng cho tướng sĩ thời chúa Trịnh Doanh. Thương hại thay !
Khách của Hoàng Ngũ Phúc kể cùng là người tài. Hắn nhanh trí nghĩ ngay ra trò mượn danh nghĩa của tướng quân họ Hoàng để vay của công mà chiêu mộ tráng sĩ, đó là một lần tài. Chỉ cho tướng quân họ Hoàng cách dùng quyền chức để mở lối vào chốn vinh thân phì gia, lấy của nhà dân mà trả cho nhà nước, đó là hai lần tài. Cuối cùng, hắn cả gan chỉ cho tướng quân họ Hoàng biết rằng, giữa thời loạn lạc, nếu có mệnh hệ nào thì cũng chẳng ai nỡ đào mồ của tướng quân lên mà đòi nợ. Đó là ba lần tài. Có điều xin tạo hóa chớ làm trò trớ trêu, đừng sinh ra những người tài đại loại như thế nữa để sinh linh con đỏ còn được yên phận mà làm ăn.