Tôn giáo, Tư tưởng
Tác giả: Nhiều Tác Giả

Cuộc Đời Và Sự Nghiệp Của Linh Mục Trần Lục…

Chương 5: VIỆC DẸP PHE ĐẢNG VĂN THÂN

Tuy nhiên, hậu quả của thời kỳ cấm đạo là sự kỳ thị lương - giáo, nhất là tại 3 tỉnh: Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hóa. Khi phe đảng Văn Thân nổi lên khá mạnh với chủ trương triệt hạ các làng công giáo mà quan quân triều đình không thể dẹp nổi, đôi nơi còn dung túng. Tình hình bi đát, hỗn quân hỗn quan đó, Linh mục Trần Công Hoán đã kể lại như sau:

"Khi thấy tình hình tang tóc và đẫm máu, nhất là trong ba tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hóa, và không thể nào dẹp nổi, quan Kinh lược Nguyễn Hữu Độ đến Phát Diệm gặp cha Sáu, kể tình hình, rồi yêu cầu ngài nhậm chức Tuyên phủ sứ, để cùng với các quan lập lại trật tự và an ninh, nhưng cha nhất định không nghe. Thấy vậy, quan mật tâu vào Kinh, xin vua lấy quyền ép cha phải nhận, và phong cha Tham Tri, Sung Lưỡng Quốc Khâm Sai Tuyên Phủ Sứ, giao hẳn cho ngài quyền trấp an trong ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. Nhận được tờ mật sớ, vua liền châu phê: Kẻ dâng người hiền, thì đáng trọng thưởng; nhà ngươi liệu như vậy, là thậm phải lắm. Việc mà được trôi xuôi, là do người hiền biết dụng người hiền. Trẫm đã xét, phải tuân như vậy" [7]

Mặc dầu từ chối đề nghị của quan Kinh lựơc Nguyễn Hữu Độ, sắc chỉ của vua Tự Đức vẫn gởi tới Phát Diệm. Khi nhận được sắc chỉ của vua, Cụ Sáu liền đến Kẻ Sở hồi tháng 4 năm 1885 để lĩnh ý Đức cha Puginier (Phước). Vì quá đột ngột, Đức cha Puginier xin để một đêm cầu nguyện và suy nghĩ. Sáng hôm sau, Đức cha Puginier đã cho phép với điều kiện là thi hành nhiệm vụ trong thời gian càng ngắn càng tốt. Từ đây người ta xưng hộ Cụ Sáu là Cụ Lớn Khâm. [8]

Tới Thanh Hóa, ngài hội thương với các quan tỉnh và truyền phổ biến Tuyên Cáo An dân. Trong Tuyên cáo có đoạn viết như sau:

"Triều Đình đã giao cho tôi trách nhiệm trấp an. Vậy các nơi đâu đấy phải thôi hẳn lòng ngờ vực và hiềm ghét nhau. Nơi đã yên ổn, phải thêm âu yếm nhau hơn; nơi bị tàn phá, phải rủ nhau trở về và kiến thiết.

Còn những phường tụ tập làm điều phi pháp, phản quốc hại dân, bất luận nhỏ to, bất cứ thù xướng hay a tòng, hẹn cho trong hai tháng phải đầu hàng quy thuận. Ta sẽ sớ Triều đình miễn xá cho. Bằng ai trái lệnh vi phạm, ta sẽ thẳng tay trừng trị, chứ không làm thinh đâu.

Vậy các thôn xã hãy an cư lạc nghiệp; ai trái lệnh sẽ không thể dung thứ.

Việc này đã thảo luận với quan Tỉnh và Triều đình, và đã được sự thỏa thuận. Ta làm tờ yết để nhân dân biết và tuân cứ... [9]

Nhờ sự hỗ trợ thiêng liêng là cầu nguyện và với tài trí thiên phú. Cụ Sáu đã làm cho lương - giáo hiểu nhau, sống hòa hoãn trong an cư lạc nghiệp và phe đảng Văn Thân phải sợ uy danh mà phần đông ra đầu thú, chỉ còn một số ít lẩn lút vào rừng. Từ đó danh tiếng Cụ Sáu ngày một lên cao, nên đã nảy sinh ra sự đố kỵ, ghen tương nơi các quan cả Pháp lẫn Việt. Đức cha Puginier theo dõi sát công việc của Cụ Sáu và thấy rõ tình thế đó, ngài liền khuyên Cụ Sáu từ nhiệm sau 35 ngày hoạt động. Như đã vâng lời ra đi thi hành nhiệm vụ "quan lớn Khâm" thì nay cũng vâng lời trở về nhiệm vụ mục vụ của một linh mục. Cao độ của đức vâng lời nơi Cụ Sáu là một tấm gương sáng chói. Trong Tự tình Cụ Sáu có ghi:

Tấm lòng vì nước vì dân

Lo vui lương - giáo đồng nhân bao nài.

Ép mình vâng lệnh Khâm sai

Song bề giảng giáo khôn nguôi lòng mình [10]

Thế mà ông linh mục Trương Bá Cần (Việt Nam) trong tham luận hài tội công giáo theo ngoại bang, đọc tại Hội nghị công giáo yêu nước hồi tháng 5/1978 tại Sài Gòn (kẻ viết những hàng này có mặt tham dự) đã lên án Cụ Sáu là "phò tây và sát hại mầm mống cách mạng dân tộc là phong trào Văn Thân). Nhưng khi viết về phe đảng Văn Thân, cụ Lệ Thần Trần Trọng Kim đã viết như sau:

"Tháng Giêng năm Giáp Tuất (1874) là năm Tự Đức thứ 27, đất Nghệ An có hai người tú tài là Trần Tấn và Đặng Như Mai hội tập cả các văn thânt rong hạt Nghệ An, rồi làm một bài hịch gọi là Bình Tây sát tả, đại lược nói rằng: Triều đình dẫu hòa với Tây mặc lòng, sĩ phu nước Nam vẫn không chịu, vậy trước nhất xin giết hết giáo dân, rồi sau đánh đuổi người Tây cho hết, để giữ lấy cái văn hóa của ta đã hơn 1000 năm nay... Bọn Văn Thân cả thảy đổ non 3000 người, kéo nhau đi đốt phá những làng có Đạo. Nước ta mà không chịu khai hóa ra như các nước khác là cũng bởi bọn sĩ phu cứ giữ thói cũ, không chịu theo thời thế mà thay đổi. Nay sự suy nhược của mình đã sờ sờ ra đấy, thế mà vẫn cứ không chịu mở mắt ra mà nhìn, lại vì sự tức giận một lúc mà việc nông nổi càn rở, để cho thiệt hại thêm, như thế thì cái tội trạng của bọn sĩ phu đối với nước nhà chẳng to lắm ru!" [11]

Quả vậy, nếu nhìn vào tình hình chính trị cực kỳ phức tạp và phân hóa thời Cụ Sáu, chúng ta thấy rõ những xu hướng chính trị như là:

- Nịnh bợ thực dân Pháp để vinh thân phì gia.

- Ngoan cố trong thái độ bế quan tỏa cảng và lạc hậu.

- Gặp thời thế bất đắc dĩ phải mất nước thì khi còn chút khả năng nào là nỗ lực hoạt động cho dân cho nước giữa thế lực ngoại xâm hùng mạnh và triều đình bất lực, không cầu an hoặc ngồi than khóc trứơc nạn vong quốc, Cụ Sáu đã đi theo xu hướng này.

Học giả Hoàng Xuân Việt đã viết trong cuốn Thắng cảnh Phát Diệm những nhận định sâu sắc về vị trí Cụ Sáu trong thời kỳ đó như sau:

"Ngày nay lật lại trang sử cũ, soát lại một số cử chỉ ứng phó thời thế của Cụ Sáu, người có công tâm thấy ngài là một con người biết vận dụng trí tuệ ngoại giao lỗi lạc để vừa phục vụ tổ quốc vừa phục vụ Giáo hội. Cụ Sáu tiếp xúc với chính quyền thực dân Pháp mà không phạm tội thỏa hiệp với bọn xâm lược. Cụ Sáu đã đứng về phía triều đình để bênh vực tổ quốc và phục vụ nhân dân mà không sa lầy trong ngoan cố, hủ lậu và không bị chết chìm trong chủ nghĩa Sôvanh mù quáng, phản dân hại nước. Cụ Sáu chứng tỏ mình là người của Đức Chúa Trời, chết sống cho quyền lợi của Dân Chúa, của Giáo hội Việt Nam mà không ẩn núp thực dân Pháp để bị thực dân sử dụng như khí cụ Việt gian, bán nước và cũng không làm tay sai cho triều đình để đồng loã trong sự đầu độc dân tộc bằng chính sách khép kín, ngu dân và lạc hậu". [12]

Hơn nữa, trong Tuyên cáo An dân, Cụ Sáu cũng đã minh định lập trường rõ ràng rằng: "Đức Hoàng thượng, con Đức Tiên đế, trên thì tuân ý bà Từ Dũ Thái hoàng Thái hậu, mẹ vua Tự Đức; dưới thì được Triều đình thuận cử cất đặt, để có đấng làm đầu làm chủ trong việc Triều đình dân sự; thực là bởi ý Trời xui khiến. Còn việc ngoại giáo, Triều đình đã xê xếp cắt đặt đâu vào đấy. Vậy lúc này ai nấy phải lo yên phận để tuân lệnh Triều đình, can chi còn tiếc rẻ nỗi xa xưa cho bận." [13] Nghĩa là đất nước đã có chủ, có chính quyền hẳn hoi thì phận làm con là phải tuân hành mệnh lệnh. Những phe nhóm như Văn Thân, Cờ Đen, Cờ Vàng... nổi dậy đốt phá giết hại, khiến cho dân tình lao đao khổ cực thì việc dẹp tan những phe nhóm ấy là cứu dân cứu nước, không thể nói là "triệt hạ mầm mống cách mạng" được. Một nước không thể có hai vua, không thể có hai chính phủ đối chọi nhau, huống hồ những phe phái nổi dậy kia đều xưng hùng xưng bá cả. Chính vì công nhận một chính quyền duy nhất của Việt Nam thời đó, mà Cụ Sáu đã phải nhận trách nhiệm trấn an hầu mưu cầu hạnh phúc cho người dân. Chứng cứ của Trần Trọng Kim và học giả Hoàng Xuân Việt đã đủ để phi bác lập luận của ông linh mục (quốc doanh) Trương Bá Cần. Có điều đáng tiếc là bây giờ, 1993, ở cuối thế kỷ 20 mà lập luận đó còn được lặp lại trên vài tờ báo ở hải ngoại, như tờ Bông Sen chẳng hạn, khi nhắc lại truyện Ba Đình. Có một giai thoại được nhiều người thường hay kể lại: một viên chức Pháp đến Phát Diệm và trong câu chuyện trao đổi với Cụ Sáu, đã nói những lời khinh miệt dân An Nam. Cụ liền nghiêm sắc mặt trả lời: ông sinh trưởng ở Âu Châu chứ nếu ông sinh trưởng ở đất nước Việt Nam thì ông không đáng xách giày cho chúng tôi. Viên chức Pháp kia phải xin lỗi mãi. Sự việc đã nói lên Cụ Sáu không có óc vọng ngoại và không thể nói Cụ Sáu "phò tây" mà phải nói Cụ Sáu là một nhà ái quốc "một lòng vì nước vì dân". Trong cuốn Le Père Six của Giám mục Olichon đã trích văn thư của vua Tự Đức gửi cho Cụ Sáu có những lời khẳng định tấm lòng vì nước vì dân như sau:

"Trần Lục đã hòa giải và đem lại thuận hòa giữa lương dân và những người theo đạo Giatô tại Đông Kinh, và ông làm được điều đó là do công tâm của ông như người ta đã từng biết như vậy. Trẫm và hết các quan trong nước đều tin cậy"[14].

Được "hết các quan trong nước tin cậy và nhà vua tôn trọng" thì phải là bậc cao minh, tài đức, tức là một vĩ nhân. Cụ Sáu quả là một bậc vĩ nhân, nguyên một lúc nhận được Kim khánh và 5 Kim tiền với những lời ghi: Triều đình tin cậy, làm cho dân hạnh phúc, nhân dân tín nhiệm, làm cho dân giàu thịnh, trung thành không đua nịnh. Sự kiện này càng chứng tỏ Cụ Sáu trội vượt hơn người đương thời, chưa nói tới việc chính phủ Pháp cũng tặng Cụ Sáu huy chương Bắc đẩu Bội tinh nữa.

Cũng như sau này, thời kỳ 45-54, Giám mục Lê Hữu Từ đã phải xuất đầu lộ diện đối mặt với Việt Minh cộng sản, lập nên khu tự trị Phát Diệm không ngoài mục đích an dân [15].

Ngoài công trạng an dân, lạc nghiệp, Cụ Sáu còn vĩ đại ở chỗ lưu lại cho hậu thế một quần thể kiến trúc tuyệt vời tại Phát Diệm. Đức cha Bùi Chu Tạo, Giám mục chính tòa Phát Diệm, đã tán thưởng trong bài giảng khai mạc ngày 7/10/1990, kỷ niệm 100 năm nhà thờ Chính tòa Phát Diệm như sau:

"Để thấy công lao và tài ba của ngài (Cụ Sáu), chúng tôi lưu ý mọi người là: thửa đất chúng ta đang ngồi đây, bây giờ là đất phù sa, bãi lau, bãi sậy, nói tắt là bãi biển. Để xây cất ngôi nhà thờ này, ngài đã mất 10 năm sắm vật liệu, gỗ lấy ở Bến Thuỷ (Nghệ An) cách 200 km, hoặc từ Hồi Xuân (Thanh Hóa) đem về làm cột. Nhà thờ lớn có 48 cây cột, trong đó 16 cây cao tới 11m, nặng tới 7 tấn. Đá thường thì lấy ở Thiện Dưỡng cách 30 km, thứ quí lấy ở núi Nhôi Thanh Hóa cách 70km, có phiến nặng trên 20 tấn. Gỗ, đá cứ chất lên bè lên mảng chở về, tới nơi chờ nước thuỷ triều lên thì kéo lên bến, từng trăm bé nổi nối đuôi nhau mà vào... Trong 34 năm làm cha xứ Phát Diệm, ngài đã làm được nhiều công việc lớn lao, trong đó có việc xây dựng khu Thánh đường này. Khu này gồm 3 hang đá, 5 ngôi nhà nguyện nhỏ, trong số đó có một ngôi làm toàn bằng đá, với nhà thờ Lớn và tháp chuông quen gọi là Phương Đình đang đứng sừng sững trước mặt chúng ta đây..." [16]

Quần thể kiến trúc đồ sộ này đã được nhiều tác giả trong nước cũng như ngoài nước mô tả tỉ mỉ và khen tặng. Thậm chí, năm 1988, chính quyền Cộng sản Việt Nam đã liệt kê quần thể kiến trúc Phát Diệm, đặc biệt là ngôi nhà thờ đá vào danh sách "di tích văn hóa Việt Nam" chẳng những ngang hàng với các di tích văn hóa lịch sử khác mà còn hơn hẳn về lối kiến trúc và an bài. Nó là một kỳ quan đúng nghĩa và nếu so sánh với Kim Tự Tháp Ai Cập thì, có thể nói, nó hơn về độ bền vững vì nó được xây dựng trên mặt đất tân bồi phù sa.

Giám mục Olichon, tác giả cuốn Le Père Six, curé de Phát Diệm, Vice-roi de l'Annam đã nhận định về công nghiệp Cụ Sáu như sau: "Trên những đầm sình lầy, Cụ Sáu không chỉ có dự định làm cho lúa mọc lên, mà ngài còn muốn cho mọc lên những lâu đài, những đại giáo đường nữa. Ngài đã thành công và các núi công sức đó ngày hôm nay làm cho du khách thán phục. Nếu từ ngữ "sáng tạo" được phép dùng cho các công trình của con người, thì ở đây đúng là phải sử dụng từ ngữ ấy. Trên những ao đầm sình lầy của Phát Diệm, Cụ Sáu không có gỗ, không có đá, không có gạch, không có cơ giới kiến trúc, không có kiến trúc sư mà Cụ Sáu chỉ có tre nứa, những bàn tay, trí tuệ và ý chí dẻo dai mà thôi..."

Lyautey, một Thống chế danh tiếng của Pháp và là Hàn lâm học sĩ của Hàn lâm viện Pháp, sau khi thăm Phát Diệm về, đã tán thưởng như sau: "Đây là một công trình bất hủ của giáo đô Phát Diệm, qui tụ chung quanh bởi 5 giáo đường phi thường. Đại thánh đường có 3 nóc, làm bằng đá hoa cương và bằng những khối gỗ lim khổng lồ. Những vật liệu to lớn này (một bàn thờ cao bằng nguyên một tảng đá hoa cương) được mang về, được cất lên do một tập thể nhân công mà không cần khí cụ hiện đại. Ông Rousseau, Toàn quyền Đông Dương, vốn là một kỹ sư, đã cảm thấy hoàn toàn kinh ngạc và nói sẽ gởi đến đây một kiến trúc sư để ghi chép về kỹ thuật của công trình phi thường này... và công trình này lại là một khối nghệ thuật nữa. Nó được trau tria lộng lẫy, không phải theo kiểu thế kỷ 16. Cụ Sáu đã có óc tưởng tượng tuyệt vời, đã hội tụ những gì Cụ đã biết, cho nên người ta thấy nghệ thuật Trung Hoa phối hợp với nghệ thuật Việt Nam trong cách chạm trổ và trang trí tỉ mỉ. Rồi kiểu Gôtích huy hoàng trên đầu các cây cột. Chúng tôi sửng sốt và kinh ngạc vì không có cái gì xấu, cũng không có cái gì chướng mắt. Cụ Sáu đã làm cho tất cả những cái ấy hài hòa. Quả thật là Cụ Sáu đã sáng tạo một mô hình của riêng Cụ... (Sđd, trang 123).

Như vậy, quần thể kiến trúc khu Thánh đường Phát Diệm là một kỳ quan không chỉ riêng cho Việt Nam mà cả cho thế giới vì nó giữ vị trí độc nhất vô nhị, nhất là nhà thờ Lớn và nhà thờ đá.

Chúng ta cũng đọc được tâm tư khiêm tốn của Cụ Sáu khi kiến thiết khu Thánh đường Phát Diệm qua mấy vần thơ ghi trong sách ca vè Cụ Sáu nơi mục Tự tình Cụ Sáu như sau:

Lòng xấu xa nói ra thẹn miệng

Biết lấy gì làm tiếng ngợi khen

Một nhờ tiếng đá tự nhiên

Hát mừng cảm tạ vô biên lòng người. [17]

Ngoài tài ba kiến thiết khu Thánh đường Phát Diệm nguy nga và kỳ quan, Cụ Sáu còn để lại cho hậu thế sáu nghìn câu thơ vừa lục bát, song thất lục bát, vừa thơ 4 chữ. Tương truyền rằng kinh Cầu hồn và kinh Lạy Chúa Ngôi hai in trong sách kinh địa phận Hà Nội là do Cụ Sáu trứơc tác. Pho Sách thuật lại ít nhiều ca vè Cụ Sáu đã làm doThiện bản Ninh Bình ấn hành năm 1911 và tái bản năm 1914, gồm 4 cuốn là:

- Cuốn 1 viết về Thánh Gioankim, Thánh nữ Anna và Đức Mẹ Maria.

- Cuốn 2 viết về Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần

- Cuốn 3 viết về sự tích nhà thờ Trái tim ở Phát Diệm và hạnh tích một số vị hiển thánh.

- Cuốn 4 chuyên chú về giáo dục với những đề mục: Hiếu tự, Nữ tắc và Nịch ái vong ân.

Đọc những ca vè do Cụ Sáu trước tác, người ta đều có chung một ý nghĩ: Cụ Sáu đã khéo léo dùng lối văn vận để phổ cập những tư tưởng thần học, lịch sử, xã hội, giáo hóa và cả chính trị nữa.

Trong Tự tình Cụ Sáu, Cụ đã thổ lộ tâm tình như sau:

Thấy dân vui việc, quên nghèo

Mọc trong gan ruột lắm điều thiết tha

Câu mộc mạc, khúc văn hoa

Tự nhiên xuất khẩu, ấy là thành chương

Phải chăng là việc chơi thường

Ghi để làm ích đôi đường người ta... (Sách đã dẫn)

Cuộc đời và sự nghiệp cũng như nhân đức của Cụ Sáu Trần Lục là một trường thiên kỳ bí với nhiều giai thoại ly kỳ, có thể viết hoài không hết. Ở đây chúng tôi chỉ tóm lược mấy nét đại lược để chứng minh Cụ Sáu Trần Lục là một con người vĩ đại, một con người của lịch sử Việt Nam hiện đại. Như lời vua Đồng Khánh đã viết trong sắc phong cho Cụ Sáu Phát Diệm Nam tước năm 1925 rằng:

"Ta nhớ ông Trần Lục, một linh mục hưu, đã mất: vị anh tài của nước, cựu thần của Tiền Triều, bậc cứu thế độ dân, theo đạo mầu La Mã. Lòng trong sạch, học lực cao sâu, ví được như Nguyên Long, biết cơ sáng tối, biết lẽ cứng mềm, lừng tiếng hơn người trong và ngoài nước. Nên ra nên ẩn, nên nói nên không, đạo biến Ông thảy đều xuôi xắn.

Tuần tuyên đâu, dân đều được an lạc, như Phục Hâm xưa giữ cõi Bình Nguyên trần phủ đâu, hạng lang yêu phải tuyệt hết; cũng thế như Thế Thích vững được Trấn ấp nhờ bức thành dài.

Muốn nước thịnh dân giàu, Ông chú vào những kế sâu xa: khẩn điền lập ấp; lại biệt tài về cách kinh doanh; bể một góc mà Ông mưu thành nên nơi dân đông đúc, nửa Ninh Bình... Vậy trẫm truy tặng ông: phẩm Thượng Thư, tước Phát Diệm Nam; thảy được ghi nơi sắc gấm... [18]

"Được ghi nơi sắc gấm" tức là được ghi vào lịch sử triều đại nhà Nguyễn cũng là lịch sử Việt Nam hiện đại vậy.

Chú thích

[1] Trần Hữu Quảng, Lịch sử Việt Nam tr.4

[2] Hoàng Xuân Việt, Thắng cảnh Phát Diệm tr.11

[3] Xuân Huy: Lê Hữu Từ và Phát Diệm, tr.9

[4] sđd, tr.5 do Thiện Bản Ninh Bình xb 1911, tb. 1914.

[5] Vũ Văn Thanh: Việt Văn tr.188

[6] Linh mục Trần Công Hoán: Tiểu sử Cụ Sáu tr.59

[7], [8], [9] Linh mục Trần Công Hoán: Tiểu sử Cụ Sáu tr.57.58.74

[10] Pho Sách thuật lại ít nhiều ca vè Cụ Sáu đã làm tr.5

[11] Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, tr.290

[12] Hoàng Xuân Việt, Thắng cảnh Phát Diệm tr.104

[13] Linh mục Trần Công Hoán: Tiểu sử Cụ Sáu tr.74

[14] Giám mục Olichon, Le Père Six tr.78

[15] Xem cuốn Lê Hữu Từ và Phát Diệm: Những năm tranh đấu hào hùng.

[16] Trần Phúc Long: Kỷ yếu Phát Diệm 1891-1991 tr.156

[17] sđd

[18] Linh mục Trần Công Hoán: Tiểu sử Cụ Sáu tr.134

Tiểu sử tác giả Vũ Huy Bá

- Sinh quán Phát Diệm, Kim Sơn, Ninh Bình.

- Bút hiệu Xuân Huy. Biên tập viên báo Thẳng Tiến (1965-1975); đồng tác giả cuốn Lê Hữu Từ và Phát Diệm (1973); chủ biên tờ Đối Thoại (1974); chủ biên tờ Sống Đức tin (1975-1981). Hiện sống tại Hoa Kỳ.

Tác giả: Nhóm Trần Lục

Hết Chương 5: VIỆC DẸP PHE ĐẢNG VĂN THÂN
Thông tin sách