Tôn giáo, Tư tưởng
Tác giả: Nhiều Tác Giả

Cuộc Đời Và Sự Nghiệp Của Linh Mục Trần Lục…

Chương 3: NHÀ THỜ PHÁT DIỆM

Nhà thờ Phát Diệm, cách Hà Nội 139 km về phía nam, là một công trình xây dựng vào những năm 1885-1899 dưới sự lãnh đạo của linh mục Trần Lục, quen gọi là Cụ Sáu (1825 -1899).

Đây là một quần thể kiến trúc kiểu phương đông, gồm có, từ hướng nam đi vào: Ao hồ, Phương Đình, Nhà thờ lớn với bốn Nhà thờ cạnh ở hai bên, ba hang đá nhân tạo, Nhà thờ đá.

Ao hồ hình chữ nhật, ở giữa là một hòn đảo nhỏ trên có đài Chúa Giêsu làm vua.

Phương Đình là một kiến trúc đồ sộ bằng đá (chiều ngang 25m, chiều sâu 17m, chiều cao 25m), trên các vách phía ngoài và phía trong có những bức phù điêu bằng đá. Ở tầng giữa và tầng trên cùng có treo một trống cái và một quả chuông (đúc năm 1890, cao l,40m đường kính 1,10m, nặng gần hai tấn.)

Sau Phương Đình là một sân nhỏ có tường đá bao bọc, ở giữa có lăng Cụ Sáu. Đứng ở sân này có thể nhìn bao quát mặt tiền Nhà thờ lớn gồm năm lối vào bằng đá chạm trổ tinh vi, ở trên là ba tháp mái cong.

Nhà thờ lớn (dài 74m, rộng 21m) xây năm 1891, có bốn mái và sáu hàng cột gỗ lim. Hai hàng giữa là 16 cột (cao 11m, chu vi 2,35m), mỗi cột làm bằng toàn thân một cây lim. Bàn thờ chính là một phiến đá dài 3m, rộng 0,90m, cao 0,08m, trên ba mặt có chạm khắc hoa lá. Tất cả bức vách phía sau bàn thờ toàn là gỗ chạm công phu, sơn son thiếp vàng rực rỡ.

Hai bên Nhà thờ lớn có bốn nhà thờ nhỏ hơn, mỗi nhà thờ một kiểu, ở tận cuối phía bắc là ba hang đá bằng những tảng đá núi xây nên, đẹp nhất là Hang đá Lộ Đức ở phía đông bắc. Sau cùng, ở góc phía tây bắc là một nhà thờ nhỏ, quen gọi là Nhà thờ đá vì tất cả cột, xà, tường, chấn song, tháp đều bằng đá.

Xuyên qua những thăng trầm của một trăm năm hiện hữu, Nhà thờ Phát Diệm vẫn sẵn sàng tiếp đón các tín hữu và du khách khắp nơi.

Tài liệu của Tòa Giám Mục Phát Diệm, 1990.

Hết Chương 3: NHÀ THỜ PHÁT DIỆM
Thông tin sách