Vào đầu năm 1969, lúc này Phạm Xuân Ẩn đã chuyển hẳn sang làm cho báo TIME, một loạt các tổ chức tình báo quốc tế "săn đuổi", lôi kéo ông làm cho họ.
Trước hết là CIA. Mặc dù ông Ẩn có mối quan hệ thân tình với các nhân vật CIA đầy thế lực như Lansdale và Conein..., song những người này không bao giờ đề nghị ông làm việc hoặc cộng tác với CIA. Nhưng cấp dưới của họ thì có hai người đề nghị.
Thứ nhất là một trùm CIA ở miền Trung tên là Harper, đề nghị ông vừa làm việc cho báo TIME vừa làm việc cho CIA với mức lương rất hậu. Ông hỏi nếu ông nhận lời thì ông hoạt động theo hướng nào, Harper đề nghị ông thâm nhập vào tổ chức công đoàn của Trần Quốc Bửu để "phát hiện những phần tử Việt cộng" trong tổ chức này. Ông báo cáo với cấp trên chuyện này. Ý kiến của cấp trên là: "Nếu xét thấy làm cho CIA có lợi cho cách mạng thì cứ làm". Tuy nhiên, ông Ẩn đã từ chối Harper.
Người thứ hai là David Hudson, phụ tá của Lansdale. Người này đề nghị ông Ẩn bỏ nghề làm báo để chuyển sang kinh doanh. Ông ta đề nghị ông Ẩn mở một trang trại nuôi bò sữa ở Bình Long. CIA sẽ cho ông Ẩn mượn tiền đầu tư, "lời thì trả, lỗ thì thôi", với một điều kiện là trang trại của ông Ẩn phải nhận một số nhân viên người Kinh và người Thượng vào làm. Ông Ẩn từ chối, lý do là ông không thể bỏ nghề báo - nghề mà ông say mê theo đuổi. Ít lâu sau người này lại đề nghị ông Ẩn đứng ra làm chủ một nhà máy cá hộp, cũng với phương thức như trên. Ông từ chối nốt.
Đối với tình báo Đài Loan. Francis Cao, trùm tình báo Đài Loan ở Sài Gòn đề nghị ông làm tình báo cho "Trung Hoa dân quốc". Cao giới thiệu với ông Ẩn tướng Wang Tchen, người từ Mỹ sang sắp thay thế ông ta. Ông Ẩn vẫn làm quen với tướng Tchen, chứ ông không nhận lời làm tình báo.
Đối với tình báo Anh. Trùm tình báo Anh ở Sài Gòn lúc đó là Fordaz, người từng đóng vai trò quan trọng của cơ quan tình báo Anh cộng tác với CIA lật đổ Mossadegh ở Iran, đến gặp ông để đề nghị cộng tác bằng cách "trao đổi tin tức hai bên cùng có lợi". Fordaz nói với ông Ẩn: "Nhân viên tình báo thường méo mó nghề nghiệp, nhiều báo cáo không khách quan bằng tin tức của các ký giả. Các ký giả có uy tín thường có đủ các loại tin tức rất phong phú, nhưng không bao giờ sử dụng hết, ngoại trừ ký giả đó có tham vọng viết sách. Chúng tôi sẽ trả tiền thù lao cho ông về những tin tức chúng tôi cần chứ không phải mướn ông làm tình báo cho Anh quốc. Tôi biết, nhiều ký giả không thích làm tình báo". Đứng trước một chuyên gia tình báo già dặn như Fordaz, ông Ẩn hết sức cảnh giác và khéo léo từ chối. Đến cuối năm 1969, người này đã đổi đi nơi khác...
Tất cả những lời mời nói trên đều được ông Ẩn báo cáo về trên nghiêm túc và cấp trên để ông tự quyết định có nên làm hay không. Vì vậy câu chuyện về cuộc đời "hai mang" của ông Ẩn mà một số tác giả nước ngoài phỏng đoán là không đúng sự thật.
Máy bay Mỹ bị bắn rơi tại Khe Sanh trong chiến dịch “Bình định cấp tốc” năm 1968 - Ảnh: AFP
Thời kỳ này Mỹ áp dụng "học thuyết Nixon", đang tiến hành "Việt Nam hóa chiến tranh". Quân Mỹ triệt thoái dần, quân Sài Gòn được tăng cường, từ 1969 đến 1971 quân chính quy tăng từ 700 ngàn lên 1,1 triệu, lực lượng bán vũ trang tăng từ 1,5 triệu lên 2 triệu. Địch vừa đẩy mạnh chiến tranh với một quân đội hùng hậu được trang bị vũ khí và phương tiện hiện đại nhất Đông Nam Á. Mặc dù viện trợ Mỹ vẫn giữ vị trí số 1, nhưng chính quyền Sài Gòn đã áp dụng một loạt các biện pháp nhằm phát triển kinh tế để thực hiện chính sách "bình định", coi bình định là biện pháp then chốt của "Việt Nam hóa chiến tranh".
Mặc dù Phạm Xuân Ẩn có quen với Nguyễn Văn Thiệu từ trước, nhưng cho đến năm 1969 ông vẫn "có khoảng cách" với các thuộc hạ thân tín của Nguyễn Văn Thiệu. Lúc này lại xảy ra một sự cố. Giữa năm 1970, ký giả Larsen, con của chủ báo TIME, được phái qua làm Trưởng văn phòng báo TIME ở Sài Gòn. Mặc dù là con của một triệu phú, nhưng có đầu óc phản chiến, Larsen viết bài chỉ trích Nguyễn Văn Thiệu và có xu hướng bênh những người chủ trương hòa bình như Dương Văn Minh. Bộ máy của Nguyễn Văn Thiệu bực tức, Hoàng Đức Nhã đổ tội cho Phạm Xuân Ẩn xúi Larsen chống Thiệu. Hoàng Đức Nhã đâm ra ghét Phạm Xuân Ẩn. Phải mất một thời gian, qua nhiều mối quan hệ giải thích, Hoàng Đức Nhã mới thay đổi thái độ, chuyển sang tin cậy ông. Mối quan hệ này được thắt chặt. Phạm Xuân Ẩn đã giúp rất nhiều tướng tá, chính khách trong việc thiết lập quan hệ với người Mỹ và giới cầm quyền mới để họ củng cố địa vị. Bởi vậy họ đều coi ông là "người nhà", sẵn sàng tạo những điều kiện thuận lợi nhất để phục vụ cho nghề báo của ông. Đối với các tướng lĩnh, chính khách chống Thiệu, ông vẫn giữ thái độ hòa nhã, mực thước.
Bước vào "Việt Nam hóa chiến tranh", sau khi lấy được từ trong trứng nước chiến lược này cũng như các kế hoạch quân sự hằng năm, ông đã cung cấp về trên nhiều tài liệu quan trọng, đặc biệt là:
+ Báo trước kế hoạch đưa quân đội Sài Gòn lên Campuchia đánh vào vùng Ba Thu và dùng không quân yểm trợ cho cuộc hành quân này.
+ Báo trước thời điểm rút quân Mỹ khỏi Campuchia.
+ Báo trước kế hoạch tấn công Hạ Lào mùa khô 1970 -1971 từ đường 9.
+ Kế hoạch bình định.
+ Kế hoạch cải tổ quân đội Sài Gòn.
+ Ý đồ của Mỹ xung quanh cuộc bầu cử Tổng thống Sài Gòn 1971.
+ Báo trước tin Mỹ ném bom trở lại miền Bắc năm 1972...
Thời điểm này có vài tin tức quan trọng ông biết nhưng không báo cáo kịp thời, chủ yếu là do đánh giá thấp nguồn tin. Quan trọng nhất là Mỹ âm mưu đảo chính lật đổ hoàng thân Sihanouk. Tin này ông biết lúc ăn cơm tại nhà một tướng lĩnh quân đội Sài Gòn, có ký giả Shaplen và Sơn Ngọc Thành (Campuchia) dự nhân dịp tất niên. Tại đây, Sơn Ngọc Thành nói ông Sihanouk đang đi Paris chữa bệnh, đây là dịp tốt để lật đổ. Ông ta còn hứa sẽ ưu tiên dành mọi tin tức cho Shaplen - Phạm Xuân Ẩn và đề nghị hai ký giả ủng hộ ông ta. Tại cuộc gặp này, Phạm Xuân Ẩn tập trung chú ý đến một tin tức khác, đó là tin Mỹ thuyết phục Sihanouk không để phía ta sử dụng cảng Sihanoukville. Ông đã không coi trọng tin về âm mưu lật đổ Sihanouk, vì ông coi thường Sơn Ngọc Thành, không nghĩ là Sơn Ngọc Thành được người Mỹ trọng dụng. Vì vậy mà tin tức quan trọng này ông đã lơ đi không báo cáo...
Tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn