Văn học
Tác giả: Nguyễn Nam Trân

Tổng Quan Lịch sử Văn Học Nhật Bản

Kokin Waka-Shuu (Tân Cổ Kim Hòa Ca Tập)

Thi tuyển đánh dấu thời hoàng kim của thơ quốc âm Nhật Bản

TIẾT I : PHONG CÁCH MỚI CỦA THƠ WAKA :

A) Waka (Hòa Ca) từ thời Kamakura (1185-1333)

Phong cách waka mới do Fujiwara Shunzei (Đằng Nguyên,Tuấn Thành) dấy lên cuối thời Hei-an đã được con trai ông là Fujiwara Sada-ie [157] (còn đọc là Teika, Đằng Nguyên, Định Gia) và các nhà thơ waka theo mới như Fujiwara Ietaka [158] (Đằng Nguyên, Gia Long) thừa kế và tiếp nối.Thiên hoàng (thứ 82) Go-toba [159] (Hậu Điểu Vũ, trị vì từ 1183 đến 1198), tượng trưng cho thế lực đối kháng với chính quyền mạc phủ ở Kamakura, đã muốn chấn hưng waka ở triều đình Kyôto như là một tượng trưng cho văn hóa truyền thống của lớp quí tộc.Các hội thơ (uta-awase) như hội Hyakushu Waka (Bách Thủ Hòa Ca = Một Trăm Bài) mở năm 1200 hay Sengohyakuban (Thiên Ngũ Bách Ban ca hợp = Hội Thơ Một Nghìn Năm Trăm Bài) năm 1203 là hội thơ lớn chưa từng có đã được tổ chức và chính thiên hoàng đứng ra tham dự tích cực với tư cách một nhà thơ.Các giám khảo (hanja = phán giả) là bọn các ông Shunzei mười người. Cùng với Rokuhyakuban Uta-awase (Lục Bách Ban ca hợp), hội thơ nói trên là cơ sở tài liệu quan trọng để biên soạn Shin Kokin Waka-shuu.

B) Shin Kokin Waka-shuu (Tân Cổ Kim Hòa Ca Tập)

Tập thơ nầy do năm soạn giả Minamoto-no-Michimoto (Nguyên, Thông Cụ), Fujiwara Ari-ie (Đằng Nguyên, Hữu Gia), Fujiwara Sada-ie (Đằng Nguyên, Định Gia), Fujiwara Ietaka (Đằng Nguyên, Gia Long), Fujiwara Masatsune [160](Đằng Nguyên, Nhã Kinh) và tăng Jukuren [161] (Tịch Liên, đang soạn nữa chừng thì mất) làm xong năm 1205.

Năm 1201, trong cung đã lập ra cơ quan phụ trách về thơ gọi là Wakadokoro [162](Hòa Ca Sở) và tháng 11 năm ấy, có chiếu của thái thượng hoàng Gotoba-in ra lệnh cho bọn sáu người các ông Fujiwara Sada-ie soạn Shin Kokin Waka-shuu. Chính tay Gotoba-in chọn lọc lại những bài đã được sáu ông đó tuyển lựa, chỉ thị cho họ phải thêm bớt như thế nào [163] . Do đó có thể nói là Gotoba-in (có tên trong Tam Thập Lục Ca Tiên) đã đóng vai quan trọng của người giám sát và quyết định trong việc tuyển khảo. Shin-kokin Waka-shuu là tập thi tuyển Waka cuối cùng trong "các tập của tám đời" (Bát Đại Tập) đã nói đến ở trên.

Tập Shin-kokin Waka-shuu gồm 20 quyển, có chừng 2000 bài, trong đó thơ của tăng Saigyô (Tây Hành) là nhiều hơn cả (94 bài), sau đó đến thái thượng hoàng Gotoba-in, các soạn giả rồi đến các ca nhân nổi tiếng khác như tăng Ji-en [164] (Từ Viên), Fujiwara Ryôkei [165] (Đằng Nguyên, Lương Kinh), Fujiwara Shunzei (Đằng Nguyên, Tuấn Thành) , công chúa Shokushi [166] (Thức Tử nội thân vương), bà con gái ông Shunzei [167] (Shunzei-no-Musume), bà Kunai Kyô [168] (Cung Nội Khanh) vv...toàn là thi sĩ tiêu biểu của thời ấy.Không còn thấy những bài thơ vô danh như trong Kokin và số lượng thơ phái nữ đã tăng nhiều.

Về nội dung, tập chia thành bốn mùa xuân (thượng, hạ), hạ, thu (thượng, hạ) , đông, (khánh) hạ, ai thương, biệt ly, lữ hành, luyến ái (1 đến 5) , tạp (thượng, trung, hạ) thêm vào những tiết mục như tế thần, (giải) thích (tôn) giáo. Nó cũng có hai bài tựa, một bài bằng Hán văn (Manajo) do Fujiwarano Chikatsune diễn đạt ý của thái thượng hoàng, còn bài tựa bằng Nhật ngữ (Kanajo) là do Fujiwara no Yoshitsune viết.Từ khi mạc phủ Kamakura được thiết lập, việc làm hàng trăm bài theo một tựa đề đưa ra đã trở thành chuyện phổ thông và lối sáng tác thơ bằng cách dựa vào các điển cố đã có (honsetsu) như những bài waka nổi tiếng làm ra trước đó (honka) hay từ sự tích các truyện kể và từ thơ chữ Hán, trở thành thông dụng.

Trong bài tựa chữ Hán, thái thượng hoàng Go-Toba đã biện minh cho sự can thiệp của cá nhân ông vào công trình của 5 người bầy tôi, như sau:

"Thơ 5 người biên tập dựa trên những tiêu chuẩn khác nhau, do đó, ta phải tự mình soạn lại lần nữa. Ta không cho đăng bài nào trong 7 tập soạn theo chiếu chỉ từ Kokin-shuu trở đi kể cả những bài chép lại từ Man.yô-shuu Tuy vậy những bài thơ (hiện đại) hay nhưng bị bỏ sót có thể hãy còn nhiều. Thơ thu thập được có chừng 2000 bài, biên thành 20 quyển.

Xưa kia ta ở ngôi thiên hoàng, nhưng nay đã làm thái thượng hoàng, sống trong động phủ. Đương kim thiên hoàng, con ta, gặp thời thịnh trị, thiên hạ thái bình. Do đó ta mới dốc lòng nghiên cứu và biên tập waka, mong sao để lại cho đời.

Man.yô-shuu là nguồn cội của waka nhưng dù sao cũng là thơ đời xưa nên không biết đã được soạn ra theo cách nào.Thời thiên hoàng Daigo, ngài đã ra lệnh cho bọn 5 người biên soạn Kokin-shuu, đến lượt thiên hoàng Murakami lai ra lệnh 5 người khác soạn Gosen-shuu. Sau đó, các tập thơ soạn theo chiếu chỉ như Shuui-shuu, Go-Shuu-ishuu, Kin.yô-shuu, Shika-shuu, Senzai-shuu đều là công trình của một nhà biên soạn cho nên việc bỏ quên để sót tất phải có. Nhân thế, theo tiền lệ "nhiều người cùng soạn" của Kokin-shuu và Gosen-shuu, ta mới quyết định dùng 5 người vào việc biên tập.

Còn nói về việc ta thân đứng ra soạn lại một lần nữa là điều đã có tiền lệ bên Trung Quốc nhưng mới xãy ra lần đầu ở Nhật.Ngoài ra, việc đăng thơ của người ra lệnh thì xưa cũng có nhưng chỉ dưới mươi bài.Trong tập thơ nầy thơ ta có những trên 30 bài, đó cũng do trong số những tác phẩm vụng về của ta, ta rối trí không biết lấy hay bỏ bài nào.Cái nghiệp gây ra bởi lòng chấp nê đối với waka là như thế nên xin đành để hậu thế phê phán".

(Trích Bài tựa viết xong năm Genkyuu thứ hai, 1205)

Sau đây xin trích dẫn một số bài thơ trong tập Shin Kokin Wakashuu nầy, cùng với Man.yô-shuu và Kokin-shuu là 3 tuyển tập waka lớn của Nhật Bản:

Trải tuyết sương, Yoshino,

Núi đồng lại thấy cố đô xuân về

(Thơ Xuân, tập thượng 1, bài Mi Yoshino wa, Fujiwarano Yoshitsune)

Gió đưa hương, tỉnh giấc hoa,

Tay áo ướm gối, biết là mộng xuân

(Thơ Xuân, tập hạ 1, bài Kaze kayo-u, Shunzeikyô no Musume)

Nhớ xưa am cỏ mưa đêm,

Buồn nghe cuốc núi, đẫm thêm lệ sầu.

(Thơ Hạ 201. Bài Mukashi omo.u, Fujiwarano Shunzei)

Trong tập Shin Kokin nầy, các kỹ thuật như cách ngắt câu ở câu một hay câu ba, cách sử dụng danh từ hay đại danh từ ở cuối câu để "hãm"(tome) câu lại (taigendome = thể ngôn chỉ) trong thơ waka (và ảnh hưởng đến haiku về sau nữa) được dùng rất nhiều, phát huy được khả năng của ngôn ngữ để biểu hiện hình ảnh và tình cảm mà tác giả muốn gợi lên. Chẳng hạn trường hợp kỹ thuật cơ bản của waka là honkadori (bản ca thủ) tức là "không nhắc tới vật mình muốn nói trong lời thơ mà vẫn làm cho người ta hiểu mình muốn nói về nó" nhờ những điển tích có trong thơ xưa. Một ví dụ: vì đã có bài thơ nổi tiếng coi như thơ gốc (honka) của thi hào Ietaka tả cảnh ánh trăng chiếu trên bãi biển Shiga-no-ura rồi thì người đời sau, khi làm thơ, chỉ cần "chộp" (tori) điển cố "Shiga-no-ura" là người đọc liên tưởng được đến vầng trăng sáng đêm nào. Cũng vậy Jakuren đã cho ta ví dụ về bút pháp đó khi ông dựa vào một honka của Tsurayuki để viết một bài ca mới:

Tsurayuki trong Kokin-shuu (905? 914?) có câu:

"Mỗi năm dòng Tatsuta

Đưa bao xác lá hồng xa núi rừng

Mùa thu có đến cửa sông?"

Jakuren trong Shinkokin-shuu (1205):

" Xuân đi, nào có hay miền?

Sông Uji những con thuyền củi khô

Trôi về xuôi giữa sương mờ "

Ngoài việc Shin Kokin có nhiều ngắt nghỉ nhỏ ( tiểu hưu chỉ = shôkyuushi) giữa bài (để mô tả được nhiều hơn) và có số lượng honkadori khá cao (để nội dung được súc tích hơn) khiến cho nó khác với Kokin, ta còn có thể bảo thơ của Shin Kokin thiên về tượng trưng và đi theo con đường "monogatari" nghĩa là mang chủ đề liên quan đến những tình tiết trong truyện Ise hay truyện Genji. Nói cách khác, tuy nó có hình thức mới nhưng nội dung chất chứa nhiều hoài niệm về xã hội vương triều, như muốn từ khước cái xô bồ, phiền toái của xã hội đương thời.

Thơ trong Shin Kokin thiên về tượng trưng thì có thể trích dẫn bài thơ sau đây của thái thượng hoàng Go-Toba.

"Khói bay trên đống củi chiều

Nghẹn ngào nhớ lửa xưa thiêu xác người"

(Bài Omoi dezuru no. Shin Kokin, quyển 8, Go-toba �in)

Sở dĩ bài thơ đạt được một trình độ tương trưng bởi vì hầu như mỗi chữ trong bài để có hai nghĩa. Ori có nghĩa là " lúc, cơ hội " lại có nghĩa là "bẻ (củi)". Shiba vừa có nghĩa là " củi khô" lại có nghĩa là "thường thường". Yukemuri là "khói chiều ", "khói thổi cơm chiều " và "khói thiêu xác" nữa.. Musebu nghĩa là "nghẹn" nhưng có thể là "nghẹn khói" hay "nghẹn nước mắt". Wasuregatami được hiểu là "khó quên" nhưng katami trong chữ ghép wasuregatami còn có ý nói "di vật của người chết".Nếu không được một người Nhật như ông Katô Shuuichi giảng thì độc giả ngoại quốc chúng ta khó lòng thưởng thức được bài thơ nầy. Ngoài ra chi tiết ghi trong sách Gotoba-in gonkuden (Hậu Điểu Vũ Viện Ngự Khẩu Truyền) "Truyện nghe nói về ngài thái thượng hoàng Goto-ba" cho biết ông viết bài nầy sau khi đảo chính thất bại , đã chứng kiến bao nhiêu cái chết chung quanh ông, bị đày ra đảo Oki hoang vu là chi tiết quan trọng để hiểu tâm sự tác giả.

Sau đây là một bài thơ của Teika, không theo honkadori nào cả, chỉ mượn chữ yume no ukihashi (mộng phù kiều) trong Genji.Ukihashi có nghĩa là "cầu nổi" thường là chiếc cầu làm bằng thuyền ghép vào. Tuy nhiên, nó cũng có nghĩa "nỗi buồn của chàng Kaoru buồn nhớ nàng Ukihashi (Phù Kiều) sau khi nàng xuống tóc đi tu", cảnh thấy trong chương cuối cùng của truyện Genji. Ở đây còn ám chỉ "chiếc cầu ghép mong manh có thể làm mình ngã giữa chiêm bao". Teika có c âu thơ làm khi nửa đêm tỉnh mộng nhìn ra ngoài thấy mây giăng ngang trời đang bỏ đỉnh núi bay đi. Tạm dịch:

"Mây thành, đỉnh núi chia đôi

Đêm xuân cầu nổi mộng trôi phương nào"

(Bài Haru no yo no yume, Shin Kokin, quyển 1, Fujiwara no Teika)

Qua vần thơ trên, ta thấy Sada-ie (Teika), người đứng đầu nhóm các nhà biên soạn thi tập nầy, đi xa hơn nữa trong quan niệm văn học u huyền (ugen) mà cha của ông (Shunzei) đã đề xướng. Ông đi tìm vẻ yêu kiều diễm lệ (yô-en = yêu diễm) và chủ trương nhà thơ trước hết phải để vẻ đẹp lắng đọng thấm thía tận đáy lòng mình rồi sau mới tìm cách đem tấm lòng đó vào thơ (ushin= hữu tâm). Ông đã để lại rất nhiều bài waka mà đặc điểm là phong cách diễm lệ và huyền ảo. Đây là tập thơ waka đầu tiên kể từ Kokin-shuu đã đưa quan niệm thẩm mỹ của vương triều lên đỉnh cao và ảnh hưởng đến đời sau.

C) Saigyô (Tây Hành, 1118-90)

Tăng Saigyô , người có thơ đăng nhiều nhất trong Shin Kokin (94 bài), tên thật là Satô Norikiyo, đi tu lúc còn trẻ (1140) và sau đó, du hành khắp nước Nhật.Tập Sanka-shuu (Sơn Gia Tập) của ông không biết rõ soạn vào thời điểm nào nhưng có đến 1550 bài và một số đã được trích đăng trong Shin Kokin. Thơ ông không trau chuốt như thơ Teika nhưng đơn sơ và trực tiếp, đầy lòng yêu thiên nhiên, tự nhiên tự tại. Đối với ông, việc làm thơ còn có một ý nghĩa tôn giáo. Ông xem việc làm một bài thơ như khắc một bức tượng Phật.

"Cuộc đời ngắn ngủi làm sao,

Sống nghìn năm, thoáng chiêm bao , khác gì!"

(Bài Hakanashina. Sankashuu tập thứ ba, tạp thi, Saigyô)

"Nếu lòng trăm mối ngổn ngang,

Thì ta cứ để tuôn tràn, đã sao!"

(Bài Ukaretazuru, Sanka-shuu, tập trung, tạp thi, Saigyô)

Saigyô cũng làm thơ theo những chủ đề đương thời nghĩa là bốn mùa, hoa anh đào, chim chóc, gió, trăng...như quí tộc thời Heian nhưng ông đã đem đến cho chúng một giá trị có tính cách tượng trưng hơn họ. Đây là bài thơ làm ở nhà trên núi vào một buổi chiều thu khi ông thấy chim shigi (sandpiper), một loại chim đậu trên cát ướt, bay vụt khỏi mặt đầm. Cái đầm đó ở tỉnh Kanagawa nay còn mang tên Shigitatsu-sawa tức "đầm chim shigi bay vụt lên" để nhớ đến ông:

"Vô tâm nào biết chi sầu

Cũng nghe thấm thía tình thu chiều tàn

Khi cánh chim vút mặt đầm"

(Bài Kokoro naki, quyển 4, phần Thu (thượng), thơ Saigyô)

Cái khác của ông đối với những nhà thơ vương triều là ông đi nhiều trong khi họ ít khi bưóc chân ra khỏi kinh đô và chỉ lấy các mẫu uta-makura cố định làm điểm t ựa. Thế nhưng ông cũng không có đề tài mới mẻ gì hơn họ, chứng tỏ ông vẫn trung thành với văn hóa vũ sĩ là giai cấp gốc gác của mình:

"Ước sao chết giữa xuân sang,

Dưới vòm đào thắm, trăng vàng chiếu soi"

(Bài Negawaku wa, Sanka-shuu, tập trung, Tạp thi, Saigyô)

Ông muốn chết giữa mùa xuân như đức Phật Thích Ca và người ta bảo hình như ông đã được toại nguyên. Đời sau biết đến ông như một nhà thơ du hành không ngừng nghỉ và đã đem ông vào các bản tuồng hát và thi văn như một nhân vật thần thoại. Bashô lấy ông làm mẫu mực, người hướng dẫn tinh thần của mình.

D) Hyakunin Isshu [169] (Bách Nhân Nhất Thủ)

Tập thơ này được nhiều người cho là công trình biên soạn của Fujiwara Sadaie (Định Gia) vào khoảng năm 1235 và thơ dựa trên Hyakunin Shuuka (Bách Nhân Tú Ca) tức thơ hay của trăm nhà mà ông đã chọn để viết trên giấy họa để trang trí biệt thự ở dưới chân núi Ogura nên nó còn có tên là Ogura Hyakunin Isshu nữa. Hyakunin Isshu (quen gọi tắt là Hyakuninshu) chọn của 100 tác giả mỗi người một bài thơ (từ thiên hoàng Tenji (Thiên Trí) cho đến Juntoku-in (Thuận ĐứcViện, tức cựu thiên hoàng (thứ 84) Juntoku, trị vì 1210-1221) và lấy những bài đó ở các thi tập soạn theo sắc chiếu, tính từ Kokin-shuu (Cổ Kim Tập, 24 bài) cho đến Shoku-Gosen-shuu (Tục-Hậu Tuyển Tập, 2 bài). Không chỉ có thơ các thiên hoàng mà thôi. Thơ trong tập phần lớn là của 36 thi hào (ca tiên) với những tên tuổi lớn như Kakinomotono Hitomara, Kino Tsurayuki, Otomo no Yakamochi, Yamabeno Akahito, Kino Tomonori, Kiyoharano Motosuke vv...Thơ trong tập sách nầy (43 bài về tình yêu và 16 bài về mùa thu) đều đặc sắc nên đã được chú thích cặn kẽ, truyền bá rộng rãi về sau dưới mọi hình thức nghệ thuật kể cả việc nó trở thành món giải trí của thường dân. Chẳng hạn vào đầu thời Edo, có trò chơi Utagaruta (Ca Gia Lưu Đa) tức trò "ai nhanh tay" bốc những quân bài ( karuta = Carta, gốc tiếng Bồ Đào Nha ) có in câu dưới của bài thơ trong Hyakunin Isshu là thắng cuộc. Khi giám khảo ngâm câu trên trong yomifuda tức quân bài để đọc thì phải biết mà bốc quân bài có ghi câu dưới trong torifuda tức là quân để bốc. Đây là một trò chơi tao nhã rất phổ biến trong quần chúng vào dịp Tết nhất cho đến tận giờ.

Xin đơn cử 15 bài [170] tuyển chọn trong số 100 bài ấy:

1 - Bài Aki no ta no ( số 1) của thiên hoàng Tenji, đặt mình vào cảnh ngộ của nhà nông qua đêm trong vựa chứa lúa đặt tạm giữa ruộng vào vụ gặt để vịnh kiếp sống gian khổ của họ, khi mà những giọt sương khuya thấm áo cũng có thể là nước mắt:

Ruộng thu, lều tạm, mái thưa,

Tay áo người để sương khuya thấm tràn (Go-sen-shuu, quyển 6)

2-Bài Harusugite (số 2) của nữ thiên hoàng Jitô vịnh cảnh người ta đem quần áo ra phơi trắng lớp giữa màu xanh lục của ngọn núi Kaguyama khi trời mới vào hè, nói lên được sự nhạy cảm của người Nhật thời cổ trước những biến chuyển của thiên nhiên.:

Xuân vừa đi hạ đến rồi,

Áo ai phơi trắng núi đồi Kagu (Shin Kokin-shuu, quyển 3)

3-Bài Ashibikino (số 3) của nhà thơ Kakinomoto no Hitomaro, một thi nhân lỗi lạc vào thời kỳ thứ hai của Man.yô, giỏi về chôka, nói về nỗi cô đơn lẻ bạn khi ngủ một mình trong núi.Tương truyền, loài chim trĩ núi (yamadori = copper pheasant) , trống mái đến đêm tẽ ra đi ngủ riêng. Tâm sự chờ người yêu nên khó ngủ của Hitomaru cũng giống như con chim trĩ trống .

Đuôi chim buông dài thật dài,

Đêm khuya dằng dặc, nhớ ai khôn nằm (Shuui-shuu)

4-Bài Okuyama ni (số 5) của Sarumaru-dayu vịnh cảnh nai đực đi tìm nai cái , gọi bạn giữa rừng thu lá đỏ. Bài này có thuyết cho là tác phẩm đã gợi hứng cho Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư:

Núi sâu, rẽ lối lá phong,

Nai kêu chi để chạnh lòng sầu thu ( Kokin-shuu, quyển 4)

5- Bài Kasasagi no (số 6) của quan tham nghị Ôtomo no Yakamochi khi ngắm trời đêm, nhìn thấy giá băng sáng mùa đông đã đóng trên bậc thang lên điện Shishin (Tử Thần Điện) mà ông ví với cầu ô thước đưa Khiên Ngưu đến gặp Chức Nữ. Ông biết đêm đã hầu tàn và ước mơ gặp gỡ trở thành vô vọng.

Sương đông đã trắng lối sang,

Đêm tàn, ô thước lỡ làng cầu qua (Shin Kokin-shuu)

6-Bài Ama no hara ( số 7) của học tăng Abe no Nakamaro, người tương truyền có đến Việt Nam, làm quan thứ sử Giao Châu dưới đời nhà Đường, nhìn vầng trăng trên trời Trung Quốc nhớ về vầng trăng quê hương núi Mikasa nước Nhật trước ngày lên đường:

Trời cao, trăng mọc xa xa,

Phải chăng trăng núi quê nhà xuân xưa? (Shuu-i-shuu, quyển 10)

7-Bài Hana no iro wa (số 9) của trang tuyệt thế Nhật Bản Onono Komachi, một trong Lục Ca Tiên, nhìn hoa anh đào héo úa mà buồn cho nhan sắc phai tàn:

Màu hoa phai, nhan sắc tàn,

Cảm thương thân thế, trông hàng mưa sa (Kokin-shuu, quyển 2)

8-Bài Koreya kono (số 10) của nhà thơ mù Semimaru khi đi ngang qua cửa ải Afuzaka đầyngười qua kẻ lại mà xót thương cho kiếp người lưu lạc trôi nổi:

Trên ải kẻ lại người qua

Dù quen dù lạ cũng là chia tay (Gosen-shuu, quyển 15)

9-Bài Watano hara (số 11) của quan tham nghị Ono no Takamura, phó sứ trong sứ bộ qua nhà Đường, vì tranh chấp với chánh sứ Fujiwara no Tsunetsugu mà bị tội lưu ra ngoài hoang đảo Oki giữa biển Nhật Bản, một vùng khí hậu khắc nghiệt. Giữa mùa đông lạnh, cô đơn, chèo thuyền loanh quoanh trong chùm đảo nhỏ, đi mãi mà chưa đến nơi. Ông nhớ về mẹ già và vợ con còn ở kinh đô:

Chèo quanh biển, chưa đến nơi,

Nhắn ông câu hỏi thăm người kinh đô (Kokin-shuu, quyển 9)

10-Bài Ama no kaze (số 12) của tăng nhân Sôjô Henjô, tục danh là Yoshimine Munesada. Ông cảm động vì vẻ đẹp của các nữ vũ công trông cung đình nên ví họ với những nàng tiên nữ. Ông nhờ gió thổi đem mây chắn lối họ về thiên cung để giữ thêm ít lâu cái vẻ đẹp ấy cho trần gian:

Gió ơi hãy khóa lối mây,

Để cho tiên nữ ở đây không về (Kokin-shuu)

11-Bài Naniwa-gata (số 19) của Ise, nhà thơ nữ, sống khoảng năm 900. Bà vốn con gái quan đầu tỉnh vùng Ise (Ise no Kami) một trong 36 ca tiên ngang hàng với Ki no Tsurayuki, mang nỗi niềm tuyệt vọng, gửi tặng một người đàn ông bạc tình, hận vì người yêu với mình như hai đốt một cây lau trên bãi Naniwa, tuy gần nhau nhưng không bao giờ tìm gặp được nhau:

Hai đốt lau ngắn mà lìa,

Như người trên bãi đã chia ngấn lòng (Shin-Kokin-shuu, quyển 10) 12-Bài Akenureba (số 52) của Fujiwara no Michinobu tức Ason, một nhà thơ tài hoa nhưng mệnh yểu. Trong bài nầy, ông nói đến cái nỗi khổ tâm phải chia tay (chia áo = kinuginu, tức mặc lại quần áo) với người yêu khi trời sáng để ra về, dù biết rằng đêm đến sẽ lại gặp nhau:

Biết đến đêm lại gặp nhau,

Sáng nay chia áo vẫn sầu khôn nguôi (Go-shuui-shuu)

13-Bài Taki no oto wa (số 55) của quan tham nghị cấp cao Fujiwara no Kintô, nói lên lòng hoài cựu khi nhìn cái thác nước xây thời thiên hoàng Saga nay đã khô cạn. Kintô là nhà thơ được xưng tụng là có đến Sanshuu no Sai (tài lớn ba bồ) tức là tài đàn sáo, tài làm thơ waka và tài làm thơ chữ Hán:

Tiếng nước đổ vắng lâu rồi,

Còn tên của thác để đời mà thôi (Shuui-shuu)

14-Bài Hototogisu (số 81) của quan Tả Đại Thần Gotokudaiji nói lên niềm vui khi nghe tiếng cuốc đầu tiên gọi vào hè:

Nghe tiếng cuốc gọi vào hè,

Nhìn theo chỉ thấy trăng khoe ánh rằm (Senzai-shuu, quyển 3)

15-Bài Yono naka yo (bài 83) của Toshinari, chức đại phu trong cung hoàng thái hậu, ý nói muốn lánh đời mà không sao lánh được khi nghe tiếng nai kêu buồn trong núi sâu (vì ở trong núi đời cũng buồn không kém):

Dẫu lánh đời biết đi đâu,

Vì nghe trong núi nai sầu kêu thương (Senzai-shuu, quyển 17)

Có thể nói 97% thơ trong tập này do thi nhân thời Heian viết ra và khi Teika chọn lọc, ông đã chọn theo tiêu chuẩn của mình nên nó mới được thống nhất. Tiêu chuẩn đó là sự lưu loát và diễm lệ của thể thơ gọi là ushin (hữu tâm) nghĩa là sự thấu hiểu đối tượng trong thái độ sáng tác, khác với thể thơ yugen (u huyền) thần bí của Shunzei, cha ông. Tập nầy là sách gối đầu giường của trường phái Nijô, tức một trong ba trường thơ mà con cháu ông lập nên. Nó đã được các bậc thầy trong làng phê bình đời sau như Sôgi (Tông Kỳ), Yuusai (U Trai), Teitoku (Trinh Đức), Azuma-maro (Xuân Mãn), Mabuchi (Chân Uyên), Norinaga (Tuyên Trường) giảng nghĩa và chú thích, trở thành sách nhập môn cho người nghiên cứu văn học Nhật Bản.

E) Kinkai Waka-shuu (Kim Hòe Hòa Ca Tập, 1215)

Tập thơ do Fujiwara no Sada-ie (Teika, 1162-1241) gồm thu khoảng 660 đến 700 bài (con số không nhất định vì có nhiều dị bản) củatướng quân đời thứ ba mạc phủ Kamakura, Minamoto-no-Sanetomo [171] (Nguyên, Thực Triều, 1192-1219), một nhà thơ có định mệnh bi đát. Tức vị Tướng Quân từ lúc mới lên 11 tuổi sau khi anh ông là Yoriie bị ám sát . Nhân họ ngoại Hôjô [172](Bắc Điều) mượn tiếng giữ chức Shikken (Chấp Quyền) dành mất quyền bính, ông rút lui khỏi triều chính và chỉ hoạt động trong lãnh vực văn hóa. Ông học tập thi pháp từ tập thi luận Kindai Shuuka (Cận Đại Tú Ca) của Sada-ie cho nên dù ở Kamakura (vùng Kantô) xa xôi đối với kinh đô thi ca là Kyôto và bị ám sát chết lúc mới 28 tuổi bởi người cháu (con của Yoriie), ông đã để lại những bài thơ rất xuất sắc có cả phong cách diễm lệ, huyền ảo của Shin Kokin và hùng tráng của Man.yô-shuu..

Tăng Jien (Từ Viên) trong tập bình luận lịch sử Gukanshô rất nghiêm khắc đối với ông, cho ông đã là một nhà lãnh đạo lại quá mê thơ để thiệt thân và đến nỗi không còn để lại dấu vết trong lịch sử. Tuy vậy, tên ông hãy còn mãi trong văn học sử, được mọi người chú ý trong khi tên tuổi Jien chỉ được một dúm người nghiên cứu lịch sử biết đến..

Kinkai là tập thơ riêng của Sanetomo sau nầy được học giả quốc học thời Edo là Kamo no Mabuchi (Hạ Mậu, Chân Uyên, 1697-1769) và các nhà thơ lớn cận kim như Masuoka Shiki (Chính Cương, Tử Quy, 1867-1902) và Saitô Mokichi (Trai Đằng, Mậu Cát, 1882-1953) hết sức tán dương. Họ xem ông là một trong hai,ba nhà thơ lớn thời trung cổ. Xin trình bày hai bài thơ tượng trưng cho phong cách nhà thơ Sanetomo:

"Giây tím từ kết tóc xanh,

Bao giờ ta nghĩ cạn tình em đâu"

(Bài Yuisomete, Kinkai-shuu, Tạp thi, tập hạ, Minamoto no Sanetomo)

Cạnh bài nầy có đề thêm một câu "Có người con gái tôi âm thầm đi lại, một ngày bảo tôi nàng muốn đi đến một nơi thật xa. Thế rồi...". Dĩ nhiên chữ "kết tóc" thời nầy được các thi nhân dùng một lúc hai nghĩa và Tướng Quân Sanetomo tuy quyền cao chức trọng nhưng là một người cô độc và bất hạnh. Ông còn viết bài thơ sau đây như muốn nói lên nổi niềm uất ức đó:

"Biển khơi sóng muốn xô ghềnh,

Đánh ầm, bủa khắp, rồi im tan tành"

(Bài Ôumi no kiso mo, Kinkai-shuu, Tạp thi, tập hạ, Minamoto no Sanetomo).

Tuy Sanetomo hâm mộ văn hóa vương triều nhưng thơ ông có cái gì khác họ và đôi khi vượt họ vì sống ở mạc phủ Kamakura, xa Kyôto, ông là một nhà thơ độc lập với xã hội cung đình.Rất tiếc là thơ ông làm trong giai đoạn 1215-1219 tức là 4 năm trước khi chết không thấy đâu cả.

F) Thập Tam Đại Tập

Sau khi Shin Kokin, tập cuối cùng của Bát Đại Tập đã ra đời, thi đàn bỗng mất dần sức sống. Sada-ie (Teika) còn soạn thêm Shin Shokusen Waka-shuu (Tân Sắc Tuyển Hòa Ca Tập, 1235) nhưng phong cách không nghiêng về mỹ thuật, diễm ảo như Shin Kokin mà nhẹ nhàng, giản dị đi. Phong cách của Shin Shokusen sẽ là nền tảng cho các thi tập waka soạn theo chiếu chỉ của thiên hoàng về sau.

Sau Sada-ie (Teika), đến lượt con trai ông là Tame-ie (Vi Gia, 1198-1275) tiếp tục cầm đầu thi đàn và sau khi ông nầy mất, các con ông ta ) nối nghiệp cha ông nhưng lại đối lập với nhau, chia thành ba phái gọi là" tam gia" (sanke). Tame-uji (Vi Thị) trở thành ông tổ chi Nijô (Nhị Điều), Tamenori (Vi Giáo), ông tổ chi Kyôgoku (Kinh Cực) còn Tamesuke (Vi Tướng) thành ông tổ chi Reizei ( Lãnh Tuyền). Phái Nijô của Tame-uji được sự bảo trợ của dòng thiên hoàng Bắc Triều ở Kyôto, tục gọi là dòng Ji-myô-in (Trì Minh Viện), có khuynh hướng bảo thủ trong lối diễn tả lẫn ngữ vựng. Phái Kyôgoku, trái lại, được sự bảo trợ của dòng Daikakuji (Đại Giác Tự) của các thiên hoàng Nam Triều, đóng đô ở vùng Yoshino, thì mới mẻ, diễm lệ hơn. Thành thử sự đối kháng về quan niệm thi ca của anh em Tame-ie được lồng khung trong cuộc tranh ngôi của hai triều đình Nam Bắc [173]cuối thời Kamakura. Phái Nijô xem Shin Shokusen (Tân Sắc Tuyển) của tổ phụ Sada-ie như khuôn vàng thước ngọc để soạn các tập thơ theo chiếu chỉ khác, chủ trương tôn trọng truyền thống, ôn hòa tao nhã. Trong khi ấy, phái Kyôgoku đi tìm cái mới, gần gũi với thiên nhiên, thấy qua các thi tập họ soạn ra như Gyokuyô Waka-shu (Ngọc Diệp Hòa Ca Tập, 1312) và Fuuga Waka-shuu (Phong Nhã Hòa Ca Tập, 1344-49). Thi nhân quan trọng của phái Kyôgoku đã góp phần vào việc soạn Gyokuyô là Vi Kiêm (Tamekane) [174]. Reizei. tức phái thứ ba của Tamesuke chủ trương tương đối tự do, đứng giữa hai nhà nhưng ảnh hưởng không quan trọng bằng họ.

Như thế, sau Bát Đại Tập của các đời trước, qua thời Nam Bắc Triều (1337-1392) đến thời Muromachi (1333-1568), lại có thêm "các tập mười ba đời" (Thập Tam Đại Tập) nữa. Đó là Tân Sắc Tuyển (1235), Tục Hậu Sắc (1251), Tục Cổ Kim (1265), Tục Thập Di (1278), Tân Hậu Tuyển (1303), Ngọc Diệp (1312), Tục Thiên Tải (1320), Tục Hậu Thập (1326), Phong Nhã (1349), Tân Thiên Tải (1359), Tân Thập Di (1364), Tân Hậu Thập Di (1384), Tân Tục Cổ Kim (1439). Soạn giả những tập thơ nầy hầu hết là ông, con, cháu nhà Fujiwara Sada-ie (Teika), một đại gia đình văn học.

G) Waka thời Nam Bắc Triều (1337-1392) và Muromachi (1333-1568) [175]

Dưới thời Nam Bắc Triều, hai nhà thơ waka phái Nijô (theo Bắc Triều) được biết tiếng nhiều nhất là Ton-a [176] (còn đọc là Tonna, Đốn A) và tăng Kenkô (Kiêm Hảo), tức tác giả tập tùy bút Tsurezuregusa (Đồ Nhiên Thảo).Ngoài ra còn có hoàng thân Muneyoshi [177] (Tông Lương thân vương), người đã soạn Shinyô Waka-shuu (Tân Diệp Hòa Ca Tập, 1281) nói lên tình cảm bi thương của người theo Nam Triều.

Sang thời Muromachi, có thêm tập thơ soạn theo sắc chiếu cuối cùng là Shin Shoku Kokin Waka-shuu (Tân Tục Cổ Kim Hòa Ca Tập, 1439) nhưng waka không còn là địa hạt của giới quí tộc cung đình nữa. Nó đã sang tay những người viết mới: vũ sĩ, tăng lữ...trong đó nổi tiếng có nhà thơ kiêm vũ tướng Imagawa Ryôshun [178] (Kim Xuyên, Liễu Tuấn) thuộc phái Reizei và môn nhân của ông là Shôtetsu [179] (Chính Triệt). Shôtetsu chịu ảnh hưởng của Sada-ie (Teika) và chủ trương phục hưng phong cách diễm lệ, tình cảm của Shin Kokin nhưng gặp trở ngại ở cách thức truyền thụ phong cách của thơ xưa (thường có chỗ "bí truyền" tức giữ bí mật), cho nên waka dần dần ngã về việc chú trọng về hình thức và suy thoái đi.

H) Các tập Karon, bình luận về Waka

Khi waka được hưng thịnh và phổ biến thì tất nhiên sẽ nẩy ra những cuộc thảo luận về phương pháp, kỹ thuật làm thơ, phẩm bình chung quanh người làm thơ cũng như những điều tâm đắc rút ra từ đó. Truyền thống bình luận thơ hay karon (ca luận) của đời trước được nối tiếp và chung đúc trong các tác phẩm phê bình thơ. Đáng để ý nhất là Mumyôshô [180] (Vô Danh Sao) của Kamo-no-Chômei (Áp, Trường Minh), Kindai Shuuka [181] (Cận Đại Tú Ca) và Maigetsushô [182] (Mỗi Nguyệt Sao) [183] và Go-toba-in Gokuden (Hậu Điểu Vũ Viện Ngự Khẩu Truyền). Quyển cuối cùng ghi chép những nhận xét sắc bén về thơ của cựu thiên hoàng đa tài và bất hạnh Go-toba.

TIẾT II: HÌNH THỨC LIÊN NGÂM RENGA [184] (LIÊN CA):

Renga là hình thức văn nghệ dùng xướng họa (tsuke-ai) để vui chơi, theo đó, trước tiên một người ngâm 3 câu đầu của bài Tanka (phần thượng = kami) nghĩa là ba câu 5/7/5. Xong người thứ hai ngâm 2 câu dưới (phần hạ= shimo) tức 2 câu 7/7. Trong Manyôshuu thời Nara đã có ví dụ về loại nầy rồi. Trong thi tập soạn theo sắc chiếu Kinkai (1127) lần đầu tiên đã có một mục đặc biệt dành cho Renga nữa. Lối xướng họa gồm hai vế 17 (hay 5/7/5) và 14 (hay 7/7) chữ nói trên được gọi là Tanrenga (Đoản Liên Ca). Từ cuối thời Hei-an trở đi thì nó được kéo dài liên tiếp như một chuỗi dây xích 5/7/5 � 7/7 � 5/7/5 � 7/7........và được mệnh danh là Chôrenga (Trường Liên Ca) hay Kusari-renga (Tỏa Liên Ca).

Đến đời Kamakura các nhà biên soạn Shin Kokin như Fujiwara Sada-ie (Teika) cũng thừa dư hứng của tanka mà bước luôn qua lãnh vực renga. Họ rất yêu thích renga và mở các cuộc họp bình thơ gọi là renga-awase (Liên ca hợp), gặp gỡ nhau ở cung thái thượng hoàng Go-toba-in. Có hai loại renga: loại thứ nhất có tính hoạt kê, hài hước, vô tư lự... nên được gọi là "vô tâm liên ca" (mushin renga) hay kurinomoto renga (liên ca dưới cây hạt dẻ). Loại thứ hai đứng đắn thâm trầm được các nhà quí tộc được quyền lên điện (đường thượng quí tộc = dôjô kizoku) yêu chuộng thì gọi là "hữu tâm liên ca" (ushin renga) hay kakinomoto renga (liên ca dưới cây quả hồng).

Cuối đời Kamakura, renga được phổ biến rộng rãi trong quần chúng hạ tầng (địa hạ = jige, ở dưới đất, nghĩa là những kẻ không được phép lên điện) như tăng lữ, vũ sĩ, thứ dân....Họ ngâm nga xướng họa renga dưới hoa anh đào, phối hợp với những trò múa hát dân dã (dengaku), trò khỉ (sarugaku) để mua vui. Cho nên renga còn có hình thức mang tên "xướng họa dưới hoa" (hana no moto renga).

A) Tsukuba-shuu (Thố Cửu Ba Tập) [185]:

Đến thời Nam Bắc Triều, Renga càng phồn thịnh. Nijô Yoshimoto [186] (Nhị Điều Lương Cơ) tuy là một quí tộc cao cấp đã làm đến các chức quan trọng như kanpaku (quan bạch), sesshô (nhiếp chính) nghĩa là từng nắm vận mạng quốc gia nhưng lại vô cùng yêu thích renga. Ông thờ soạn giả liên ca bình dân (jige renga) tên là Kyuusei (còn đọc là Gusai [187], Cứu Tế) làm thầy, và với sự hợp tác của ông nầy, đã biên soạn tập renga đầu tiên mang tên Tsukuba-shuu (Thố Cửu Ba Tập). Sách ra đời khoảng năm 1356-1357.Sau đó, tập nầy được liệt vào hàng thi tập soạn theo sắc chiếu. Điều đó đưa địa vị của renga lên ngang hàng với waka.

NijôYoshimoto còn đặt lề lối, qui tắc cho renga. Ông viết Renga Shinshiki (Liên Ca Tân Thức) còn được biết là Ô-an Shinshiki (Ứng An Tân Thức) (1372) và soạn tập luận thuyết về renga tên là Tsukuba Mondô (Trúc Ba Vấn Đáp) (trước 1372). Nhưng mấy năm sau, Yoshimoto cùng với tướng quân Ashikaga Yoshimitsu (Túc Lợi Nghĩa Mãn), hai học tăng Gidô Shuushin [188] (Nghĩa Đường, Chu Tín), Zekkai Chuushin [189](Tuyệt Hải, Trung Tân) của trường phái văn học Gozan [190] (Ngũ Sơn) họp nhau lại lại làm thơ liên cú Hòa Hán [191] và chịu ảnh hưởng của thơ văn chữ Hán. Họ dần dần có khuynh hướng rời xa renga.

B) Kỹ thuật renga hoàn thành:

Bước vào thời Muromachi, lại có những soạn giả renga như Bontô Anshu (Phạn Đăng, Am Chủ) và đệ tử là Sôzei (Tông Thế), Senjun (Chuyên Thuận), Shinkei [192] (Tâm Kính) ra đời. Shinkei học lâu năm ở cửa ca nhân Shôtetsu (Chính Triệt), muốn tìm cách diễn tả cái Diễm (En), Lãnh (Hie), Tịch (Sabi) nghĩa là vẻ đẹp ưu nhã, lạnh lẽo, tịch mịch, những tiêu chuẩn của thơ quốc âm Nhật Bản. Shinkei đã trình bày những luận điểm xuất sắc của ông trong các tác phẩm như Sasamegoto (Nói thầm,1463), Hitorigoto (Nói một mình), Oinokurigoto (Già lập đi lập lại)...

C) Minase Sangin-Hyakuin (Thủy Vô Lại tam ngâm bách vận)

Người tiếp nối được truyền thống của bọn các ông Shinkei là Sôgi [193](Tông Kỳ). Sôgi lấy ugen (u huyền) và ushin (hữu tâm) làm lý tưởng, cùng các cao đệ như Shôhaku [194](Tiêu Bách), Sôchô [195] (Tông Trường) soạn ra Minase Sangin-Hyakuin vào năm 1488. Đây là một kiệt tác của thể loại renga hyakuin. Bài hát do ba người (tam ngâm của Sôgi, Shôhaku và Sôchô) cùng ngâm liên tiếp một trăm câu (bách vận). Đó là thơ renga đọc lên ở đền Minase trong dịp lể tế vong hồn cựu thiên hoàng Go-toba-in, một người am tường văn học (đã nhắc đến bên trên), thờ ở đấy.

Sau đây xin trích sáu câu đầu.

1- "Chiều về tuyết còn đọng,

Chân núi bồng bềnh sương (Sôgi)

2- Xa xa dòng nước chảy,

Qua làng mai tỏa hương (Shôhaku)

3- Gió sông lay chòm liễu,

Tin xuân đã tỏ tường (Sôchô)

4- Tiếng chèo khua nước sớm,

Trong như nắng ánh gương (Sôgi)

5- Trăng đêm và mù tỏa,

Trên trời, có vấn vương? (Shôhaku)

6- Cánh đồng trùm buốt giá,

Như tin thu lên đ ường" .(Sôchô)

Trong 6 câu thơ trên thì 1 nói về cảnh đông tàn xuân đến trên núi, 2,3, 4 nói về cảnh xuân trên sông và làng quê bổng đổi qua đêm thu, rồi cuối thu đầu đông trong hai câu 5, 6. Nguyên tắc là người làm câu tiếp theo lấy một chủ đề trong câu trước rồi khai triển ra một đề tài mới. Trong sự liên tục ("núi Yoshino / mây / hoa anh đào" hay "sông Tatsuta / mùa thu / lá phong đỏ" chẳng hạn) lại có sự thay đổi và thay đổi có thể đột ngột, không ngờ tới. Sôgi từng nói trong Azuma Mondo, (Ngô thê vấn đáp), một tập vấn đáp về thơ như sau: "Renga khác với waka ở chổ có những câu chữ không ngờ tới".

Tuy nhiên, Nijô Yoshimoto đi xa và chặt chẽ hơn khi bảo: "Renga không nối kết hai ý trước, sau với nhau. Trong đời nầy, thịnh,suy, vui,buồn nối tiếp nhau. Khi ta nghĩ về quá khứ thì hiện tại đang trôi đi, lúc ta đang nghĩ về mùa xuân thì thu đã đến và hoa anh đào thay bằng lá phong đỏ rồi. Làm renga, phải quên đi ý tưởng trước và không lo gì đến câu sau, cứ làm câu tiếp trên cơ sở nhận thức về câu mình vừa được xem. Đó là thái độ mới: sống cho hiện tại, quên quá khứ và không lý đến tương lai. " (theo Tsukuba mondo).

Renga là một hình thức văn nghệ tập đoàn (group literature), hợp với một xã hội dựa trên các tiểu tập đoàn như xã hội Nhật Bản. Truyện Taiheiki (quyển 7) có kể đến các chiến sĩ thường mời các thầy renga đến dự các buổi thơ renga và chính các quân nhân cũng tham gia sáng tác. Nói tóm lại, nếu các uta-awase là nơi họp mặt giải trí của thi nhân cung đình thì hội thơ renga là hình thức tiêu khiển của tầng lớp bình dân vậy. Nó là một trong những đặc điểm của văn học Muromachi.

TIẾT III: HÌNH THỨC HAIKAI RENGA

Trước tiên, haikai (bài hài) có nghĩa là sắp xếp câu chữ hoạt kê để đùa chơi. Khi hội họp hát renga, có lúc vui vẻ thừa hứng hát điệu ấy với nội dung đùa bỡn thì gọi là haikai renga. Nó đi song song với loại mushin-renga (vô tâm liên ca) vốn có từ thời Kamakura. Từ sau thời của Sôki, renga đã qui tắc hóa, đi tìm tính nghệ thuật, xa lánh ngôn ngữ thấp hèn để trở thành nhã chính (junsei renga = thuần chính liên ca). Đến giai đoạn này thì haikai renga lại được lưu hành trong dân chúng vì nó phản ánh những đòi hỏi thích cười đùa ranh mãnh, thích vui chơi của tầng lớp thứ dân.Tập haikai renga sớm nhất là Chikuba Kyôgin-shuu (Trúc Mã Cuồng Ngâm Tập) (1499), sau đó là Inu-tsukuba-shuu (Khuyển Trúc Ba Tập) (1532) của Yamazaki Sôkan (Sơn Kỳ, Tông Giám [196] và Moritake Senku (Thủ Vũ, Thiên Cú) của Arakida Moritake [197](Hoang-Mộc-Điền Thủ Vũ) là những tác phẩm nổi tiếng thuộc loại nầy. Nó là nguồn gốc của haikai rồi haiku mà ta sẽ thấy xuất hiện vào thời cận đại.

Trong haikai renga, có những bài nhại giọng các nhà thơ lớn đời xưa như Hitomaro, Ono no Komachi hay Saigyô. Nội dung của nó dung tục, chế diễu các nhân vật dã sử được tôn kính như anh em nhà Sôga hay sư Benkei, bộ tướng của Minamotono Yoshitsune. Về ngôn ngữ thì hay nhắc đến những bộ phận trong thân thể như "lỗ mũi", "râu mép", "mông", "bìu"...và đề cập đến đủ các món ăn (điều hiếm khi thấy trong waka) cũng như nói đến cơ quan sinh dục nam nữ, miêu tả giao cấu và cả đồng tính luyến ái nữa. Sự tương phản trong hình thức diễn đạt nầy so với sự trang nhã trịnh trọng của waka thời Heian không chỉ nói lên đặc tính thông tục của người bình dân nhưng cũng chứng tỏ chủ tâm chống đối của họ đối với giá trị quan của giai cấp thống trị,

TẠM KẾT

Waka sẽ được nối tiếp bởi haiku, một chi lưu của nó, suốt thời Edo. Tuy suy tàn và nhường chỗ cho thơ mới nhưng thể tanka (đoản ca), loại waka ngắn với 31 âm tiết vẫn được duy trì và vẽ vang nhờ những tài năng sáng giá như Ishikawa Takuboku (Thạch Xuyên, Trác Mộc 1886-1912), Masaoka Shiki ( Chính Cương, Tử Qui, 1867-1902), Saitô Mokichi (Trai Đằng, Mậu Cát, 1882-1953) và gần đây nhất là nữ thi sĩ ăn khách Tawara Machi (Biểu, Vạn Trí, sinh năm 1962).

(Trich Phác thảo Lịch Sử Văn Học Nhật Bản, chưa xuất bản)

Hết
Thông tin sách