QAHAL = Cộng đoàn Israel (từ Do thái có nghĩa là đám đông): Một trong những thuật ngữ chỉ dân Israel với tư cách là một cộng đoàn phụng tự, hoặc với tư cách dân này được tập hợp lại theo sự triệu tập để nghe những huấn dụ của Môsê hoặc của Esdras.
QOHÉLET = Giảng viên (l'Ecclésiaste) (tiếng Do thái = người thuyết giảng): Tước hiệu mà tác giả quyển sách trong Cựu Ước mang tên này tự gán cho mình để nói lên rằng ông muốn nói chuyện với cộng đoàn Israel (Qahal) một cách long trọng.
QUADRAGÉSIME = Chúa Nhật thứ I Mùa Chay: Tên gọi dành cho Chúa Nhật thứ I Mùa Chay, ăn chay bốn mươi ngày —>Quarantaine. Từ này lấy tên gọi từ sự kiện Chúa Nhật này là ngày thứ bốn mươi trước Thứ Sáu Tuần Thánh º Tuần Chay: Tên gọi này cũng chỉ chính sự chay tịnh sáu tuần lễ đã được tuân giữ ở Rôma trước năm 384 và đi trước thời gian chay tịnh rất đặc biệt của Pascha hay Tam nhật Phục sinh (Tridium paschal) được khởi sự vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh hiện nay. Vào cuối thế kỷ V, ngày Thứ Tư và Thứ Sáu trước Chúa Nhật này đã thuộc về Mùa Chay rồi —>Quinquagésime, nhưng tên gọi ngày thứ bốn mươi vẫn còn được dùng để gọi ngày Chúa Nhật này.
¨ Quadragésimal = Thuộc Mùa Chay (Tính từ): Nêu lên phẩm tính của tất cả những gì có liên quan đến Mùa Chay —>Quadragésime.
¨ Quarantaine = Thời gian 40 ngày: Cựu Ước. Khoảng thời gian được tính bằng con số bốn mươi và chỉ một thử thách chuẩn bị cho con người lãnh nhận một ân huệ của Thiên Chúa: sự thử thách, và đó là trường hợp 40 năm Dân Chúa đã trải qua trong sa mạc trước khi vào Đất Hứa, sự ăn chay và cầu nguyện, và đó là trường hợp của Môsê ăn chay 40 ngày trên núi Sinai trước khi lãnh nhận Lề Luật, và đó là trường hợp của Êlia đi 40 ngày trong sa mạc để gặp gỡ Thiên Chúa trên núi Horeb. Những thời gian thử thách và ăn chay này cũng là những thời gian mà Thiên Chúa nói với tâm hồn —>Désert º Tân Ước: Désert de la quarantaine = Hoang địa bốn mươi ngày: Hoang địa, nơi Đức giêsu ăn chay trong vòng 40 ngày và đã bị cám dỗ trước khi bắt đầu rao giảng Tin Mừng º Phụng vụ. Sainte Quarantaine = Mùa Chay Thánh bôn mươi ngày. Tên gọi dành cho 40 ngày ăn chay trong Mùa Chay Thánh. Trong việc tính từng khoản các ân xá, một mùa chay thánh 40 ngày tương đương với 40 ngày ăn chay với bánh và nước lã mà những sách cáo giải chỉ nam (les pénitentiels) ra hình phạt đối với một số lỗi phạm như là sự khởi đầu nghiêm túc của nhiều năm chay tịnh ít nghiêm túc hơn.
¨ Quarante heures —>Heure
¨ Carême = Mùa Chay, Mùa tứ tuần. Khoảng thời gian 40 ngày thánh hiến cho việc sám hối và chuẩn bị mừng lễ Phục Sinh º Prêcher un Carême = Giảng Mùa Chay: Trong một giáo xứ, bảo đảm những cuôc thuyết giảng ngoại thường được diễn ra trong Mùa Chay Cả.
QUADRAGESIMO ANNO = Thông điệp Quadragesimo Anno. Thông điệp của Đức Piô XI (ngày 15 tháng 5 năm 1931) nhắc lại và xác định giáo lý xã hội của thông điệp Rerum Novarum của Đức Lêô XIII, nhân dịp kỷ niệm 40 năm thông điệp này.
QUADRATUS = Quadratus. Tác giả một cuốn sách biện giáo về Kitô giáo gởi cho hoàng đế Adrianô khoảng năm 123 hoặc 129. Quadratus có lẽ sống ở Tiểu Á. Eusêbiô thành Cêsarê đã lưu giữ một phần tác phẩm của ông. Mới đây, người ta đã thử đồng nhất hóa tác phẩm của Quadratus với quyển sách biện giáo vô danh được biết dưới tựa đề là A Diognète (gởi cho Diognète).
QUADRIVIUM = Cao đẳng tứ khoa: Trong đại học thời trung cổ, chu trình học tập bao trùm các kiến thức khoa học: toán học, hình học, âm nhạc, thiên văn. Cùng với cao đẳng tam khoa, cao đẳng tứ khoa cấu tạo nên toàn bộ những nghệ thuật tự do.
QUAKERS = Giáo phái Quakers, giáo phái anh em: Do một từ tiếng Anh có nghĩa là "người run rẩy", phong trào tôn giáo nảy sinh vào thế kỷ XVII, trước tiên dưới một hình thức không có tổ chức. Georges Fox (1624-1691) đã cấu tạo phong trào này trở thành một "Hội tôn giáo những Người Bạn" (Société religieuse des Amis). Không có phụng vụ, cũng không có cấu trúc Giáo Hội, phong trào này có đặc tính như là một chủ nghĩa chủ quan tôn giáo được linh hứng bởi ánh sáng bên trong của Thần Khí. Người ta tính khoảng 200.000 quakers, gần như chỉ có trong các xứ anglo-saxons.
QUALITÉ = Phẩm tính, phẩm chất (tiếng La-tinh qualitas, phái sinh do qualis: nào, gì): Cách hiện hữu, tốt hoặc xấu º Luật. Tư cách: Thể thức mà dưới đó người ta hành động (ví dụ: với tư cách là người bảo trợ) º Xã hội học. Phẩm giá; quý phái: Đẳng cấp, giai cấp (ví dụ một người quý phái, sinh trưởng trong gia đình quý tộc) º Triết. Phẩm tính: Phương thức nội tại hoặc sự chỉnh bị nội tại của một bản thể. Một trong mười phạm trù (prédicaments hay catégories). Cùng với lượng (quantité) và tương quan (relation), phẩm tính là quan trọng nhất trong các tùy thể của bản thể. Nó đối lập với lượng số (quantité) ở chỗ nó không thể cân đo được; đối lập với tương quan (relation) ở chỗ nó thay đổi bản thể về thực chất º Bốn loại phẩm tính: 1. Tập quán (habitus) và chỉnh bị (disposition) được sắp xếp cho việc nảy nở, hoặc sự tan rã của bản chất của chủ thể (đừng nhầm lẫn habitus-qualité = tập quán-phẩm tính với habitus prédicamental = trang hụ thuộc phạm trù) 2. Tiềm năng (la puissance) và bất lực (l'impuissance) ra lệnh cho bản thể hành động hoặc chịu (lãnh nhận tác động) 3. Những thụ động (les passions) và những phẩm tính khả thể (les qualités possibles) cấu tạo nên cách thức của bản thể khả giác với tư cách bị chạm từ bên ngoài hoặc bị biến chất 4. Biểu tượng (la figure) là cái xuất phát từ cách mà lượng số (la quantité) kết thúc bản thể º Luận lý. Đặc tính của những mệnh đề tùy theo chúng là khẳng định hay phủ định.
¨ Qualitatif = Thuộc phẩm tính, thuộc phẩm chất: Thuộc lãnh vực phẩm tính hay phẩm chất º Différence qualitative = Sự khác nhau về phẩm, sự sai biệt về phẩm: Sự khác nhau trong lãnh vực phẩm theo nghĩa sát nhất, chứ không phải trong lãnh vực lượng hoặc bản thể º Changement qualitatif = Sự biến đổi về phẩm: Sự biến đổi trong lãnh vực này (ví dụ sự biến chất).
¨ Qualificateur = Thẩm định viên: Nhà thần học được Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin giao nhiệm vụ xem xét các ý kiến mới có liên quan đến đức tin hoặc các phong tục, quy cho chúng một nhận xét (note) được gọi là kiểm định giáo lý (censure doctrinale) và đệ trình một báo cáo biện minh lên Thánh Bộ nói trên.
¨ Qualification = Sự thẩm định: Nhận xét hoặc thẩm định giáo lý được đưa ra bởi một thẩm định viên.
QUAM SINGULI = Sắc lệnh Quam Singuli. Sắc lệnh của Thánh Bộ Các Bí Tích (ngày 8 tháng 8 năm 1910), khuyên bảo trẻ em, vừa đến tuổi khôn, lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể.
QUANDO = Khi (tiếng Hy-lạp to poti = cái "khi"): Chỉ phạm trù thời gian, hoặc, một cách chính xác hơn, phạm trù vị thế của một hữu thể trong thời gian (ví dụ: hôm qua) º Phạm trù thứ chín: tức vị thế (situation)
QUANTA CURA = Thông điệp Quanta Cura. Thông điệp của Đức Piô IX (ngày 8 tháng 12 năm 1864) mà văn kiện Syllabus được kèm theo đã đưa ra danh sách những sai lầm chính của chủ nghĩa tự do hiện đại.
QUANTITÉ = Lượng. Triết. (tiếng La-tinh quantitas, phái sinh do quantus = lớn bao nhiêu): Tùy thể chỉ cái mà trong hữu thể, có thể cân đo được hoặc đếm được (ví dụ, số người của một nhóm; thể tích của một chất lỏng); chủ yếu gồm trong sự có thể chia được ở bên trong hoặc trong ngoại diện của các phần, trong một vật thể (hoặc trong một toàn thể). Ở đâu không có lượng thì ở đó không có tính bên ngoài của các phần nữa, cũng không có cộng, không có chia, không có bằng hoặc không bằng, không có cân đo nữa º Hai loại lượng: quantité continue ou concrète = lượng liên tục hoặc lượng kết: (ví dụ: chiều dài của một sợi dây, diện tích của một bề mặt, thể tích hoặc trọng lượng của một vật thể); quantité discontinue ou discrète = lượng gián đoạn hoặc lượng rời (ví dụ: số những cá thể) º Luận lý. Sự nới rộng ít hoặc nhiều nghĩa của một từ (phổ quát, riêng biệt, số ít): do phái sinh: đặc tính của một mệnh đề theo nghĩa nới rộng được quy cho hạn từ.
¨ Quantitatif = Thuộc về lượng: Thuộc lãnh vực lượng mà đặc tính là có thể đo lường được, khác với cái thuộc về phẩm (le qualitatif) là cái không thể đo lường được và chỉ có thể được cảm nhận º Différence quantitative = Sự khác nhau về lượng, sự sai biệt về lượng: Sự khác nhau chỉ chạm đến lãnh vực lượng º Changement quantitatif = Sự biến đổi về lượng: Sự tăng lên hoặc giảm xuống.
Quarantaine —>Quadragésime.
Quarante heures —>Heure
QUARTE CANONIQUE = Lộc phần tư chiếu luật: Ngày xưa, những khoản khác nhau bằng hiện kim hay hiện vật, phải nộp cho nhanh chóng giám mục giáo phận vì phẩm tước và trách vụ của ngài. Những khoản mà các giáo dân trong giáo xứ phải nộp cho cha xứ vì thừa tác vụ của ngài. Một cách chính xác hơn, sự chu cấp cho vị giám mục và cha xứ một phần (trên nguyên tắc là một phần tư) các của cải do một trong những người thuộc giáo phận hoặc giáo xứ của họ, đã qua đời, để lại cho Giáo Hội, do đó mới có tên là Quarte Funéraire = Lộc phần tư di chúc º Lộc phần tư lễ qui lăng: Ngày nay, phần những chi phí chôn cất, được Hội đồng giáo phận đánh giá, thường là một phần tư, do nhà thờ khác với nhà thờ giáo xứ, nơi mà lễ qui lăng đã được cử hành, bỏ ra cho cha xứ chính của người quá cố hoặc cho những người mà, theo luật, thay thế cha chính xứ.
QUARTODÉCIMANS = Nhóm 14 Nizan (do từ La-tinh quattuordecim = mười bốn): Tên gọi dành cho các Kitô hữu Đông phương, theo một truyền thống tông đồ đáng kính, vào thế kỷ II vẫn kiên trì cử hành lễ Phục Sinh theo phong tục Do thái giáo, vào ngày 14 tháng Nizan, cho dù ngày này rơi vào bất cứ ngày nào trong tuần, trong khi Tây phương chủ trương rằng chính vào ngày Chúa nhật tiếp theo ngày 14 tháng Nizan mới phải cử hành lễ này. "Sự tranh cãi về lễ Phục Sinh" này, mà dấu hiệu đầu tiên là cuộc hội kiến ở Rôma vào cuối năm 154, giữa Pôlycarpô thành Smyrne và Đức Giáo Hoàng Anicêtô, đã suýt xâu xé Giáo Hội, khoảng năm 192, dưới triều đại Giáo Hoàng Victor. Nhờ sự can thiệp ôn hòa của thánh Irênê và những người khác mà tránh được sự ra đời của một ly giáo mới và cuộc tranh cãi đã dịu lại, trong thế kỷ III, với cái chết của các vị giám mục danh tiếng của Tiểu Á là những người chủ trương truyền thống này.
Quasi-contrat —>Contrat
Quasi-curé —>Curé
Quasi-délit —>Délit
Quasi-domicile —>Domicile
QUASIMODO (Dimanche de) = Chúa Nhật thứ I Phục Sinh: Tên gọi dành cho Chúa Nhật bát nhật lễ Phục Sinh, do hai từ đầu tiên phần Nhập lễ của Chúa Nhật này: quasi modo geniti infantes ... (Như trẻ em sơ sinh) (1 P 2, 2). Chúa Nhật này cũng mang tên là Clausum Paschae (Kết thúc lễ Phục Sinh) và còn mang tên là In Albis (Chúa Nhật áo trắng), hoặc chính xác hơn Post Albas (Chúa Nhật sau (những ngày) áo trắng), vì ngày hôm đó, các tân tòng bỏ áo trắng (alba) mà họ đã mặc trong đám đông Kitô hữu suốt cả tuần lễ Phục Sinh.
Quasi-paroisse —>Paroisse
Quatre-temps —>Temps
QUATTROCENTO = Thời Phục hưng Ý thế kỷ XV: Tên gọi dành cho thế kỷ XV của Ý, danh tiếng nhờ cả một phong trào nở rộ các nghệ sĩ. Thực vậy, chính trong những năm 1400 mà thời Phục hưng Ý đã phát triển.
Quésimonie —>Quête
QUESNEL (Pasquier) = Pasquier Quesnel. Linh mục dòng Oratôriô, sinh năm 1634, qua đời năm 1719, đồ đệ của Arnauld, người bệnh vực hăng say thuyết của Jansênius. Giáo thuyết của ông đã bị lên án bởi sắc chỉ Unigenitus của Đức Clêmentê XI năm 1713.
QUÊTE = Sự lạc quyên, sự tìm kiếm (do từ La-tinh quaerere = tìm kiếm): Thực hành phụng vụ xưa như Kitô giáo gồm có việc quyên góp, trong khi cử hành Thánh Thể, những của dâng cúng của các tín hữu, bằng hiện vật hoặc hiện kim để phân phát cho những người xấu số. Bằng chứng bác ái và thông phần tích cực của các tín hữu º Cũng chỉ tất cả những cuộc lạc quyên khác và chính kết quả của các cuộc lạc quyên này º Quête de Dieu = Sự tìm kiếm Thiên Chúa: Sự khiêm tốn tiến đến đức tin.
¨ Question = Câu hỏi, vấn đề: Hình thức chủ yếu của việc giảng dạy vào thế kỷ XIII. Nó nhắc lại sự chú giải đơn giản các bản văn đã có giá trị lâu đời. Hình thức văn chương của câu hỏi (ví dụ trong Tổng Luận Thần Học của thánh Tôma Aquinô), rập khuôn theo kiểu tranh luận; lý chứng bênh và chống cấu tạo nên việc đặt vấn đề: kêu gọi đến một thẩm quyền để thẩm quyền đó giới hạn ít nhiều đến cuộc bàn cãi và đưa nó vào vị trí: quyết định hoặc giải đáp được đưa ra bởi một người thầy: trả lời những vấn nạn º Questions disputées = Những vấn đề được tranh luận: Các cuộc tranh luận ở đại học về một đề tài được đề nghị trước mà ở đó người thầy, vào thế kỷ XIII, xác định học thuyết và trả lời các vấn nạn; những cuộc tranh luận này mang đến sự thú vị và đôi khi cả những đam mê, những vấn đề "thời sự" và những việc có được lập trường º Questions disputées de S. Thomas = Những vấn đề được tranh luận của Thánh Tôma: Toàn bộ 510 cuộc tranh luận mà Thánh Tôma đã đưa ra trong hai lần giảng dạy ở Paris (1256-59 và 1269-72) cũng như ở Ý º Questions quodlibétiques = Những vấn đề linh tinh: Những cuộc tranh luận mà người thầy, vào thế kỷ XIII, trả lời những câu hỏi đột xuất của cử tọa º Hình khổ mà những người bị cáo phải chịu (question préparatoire = sự tra vấn sơ khởi) mà những người đã bị kết án phải chịu (question définitive = sự tra vấn chung cục) để bắt họ phải thú nhận hoặc tố cáo những người đồng lõa.
¨ Question romain = Vấn đề Rôma: Khi những người người Ý, do sự thúc đẩy của các vua miền Piémont và vài tướng lãnh đánh thuê, vào thế kỷ XIX, đã thống nhất Bán Đảo, thì vần đề các Quốc Gia giáo hoàng và Rôma được đặt ra một cách gay gắt trước toàn thể thế giới. Giải pháp bằng vũ lực (các toán quân Ý chiếm Rôma) không bao giờ được chấp nhận bởi các Giáo Hoàng Piô IX, Lêô XIII, Piô X và Bênêđitô XV là những vị từ chối công nhận Bộ luật Ý về những Bảo đảm (Loi des Garanties), và tự xem mình là những tù nhân ở Vatican. Các thỏa hiệp Latran, ký ngày 11 tháng 2 năm 1929 giữa Đức Giáo Hoàng Piô XI và vua Victor-Emmanuel đã mang lại một giải pháp cho vấn đề đau buồn này.
¨ Inquisition = Sự thẩm tra (do từ La-tinh inquisitio = sự tìm kiếm): Thủ tục giáo luật xưa được Đức Innocentê III thiết lập, trong đó vị thẩm phán được phép tìm kiếm những chứng cớ của tội ác, và chính thức theo đuổi một tội phạm mà không cần phải đợi chờ sự thỉnh cầu của một sự cáo buộc hoặc tố cáo º Các cơ quan khác nhau đảm trách việc dẹp tan lạc giáo và muốn đạt hiệu quả này, nên sử dụng thủ tục thẩm tra º Les Tribunaux de l'Inquisition = Các Tòa án thẩm tra: Các tòa án mà vào thời Trung cổ, đã được Tòa Thánh thành lập vì mục đích này º Inquisition espagnole = Tòa thẩm tra Tây-ban-nha: Tòa án được thành lập bởi các vua Tây-ban-nha và đã hoạt động từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX º la suprême Congrégation de l'Inquisition = Bộ điều tra tối cao: Thánh Bộ được Đức Phaolô III thành lập năm 1542 để tiến hành thủ tục chống lại các người lạc giáo, đã tồn tại cho đến năm 1967 trong Bộ Thánh Vụ, là Bộ duy nhất còn sử dụng thủ tục điều tra đã bị giáo luật hủy bỏ này º Sự canh tân Bộ Thánh Vụ sau Công đồng Vatican II chẳng những đem lại cho Bộ này, về tên gọi, là Bộ Giáo Lý Đức Tin mà còn về các phương pháp được cập nhật hóa theo tinh thần của sự hình thành luật hiện thời, nhất là về những gì có liên quan đến thủ tục tố tụng.
¨ Inquisiteur = Thẩm tra viên: Theo nghĩa rộng, người mà do sự ủy nhiệm của Đấng thường quyền đảm trách việc điều tra về một trọng tội º Theo nghĩa hẹp, thành viên của một tòa án thẩm tra º Grand inquisiteur = Chủ tịch đoàn điều tra: Người cầm đầu tối cao của Tòa điều tra.
¨ Conquête = Sự chinh phục: Hành động chinh phục º Một trong những từ-chủ (maýtre-mots) của Công Giáo Tiến Hành trong những năm trước 1939 và dần dần đã biến mất sau chiến tranh. Từ ngày nay thường bị tố cáo là xuất phát từ một "tinh thần thập tự chinh": hoặc như không còn thích hợp nữa, theo những vẻ bề ngoài, với tỷ lệ nhỏ nhoi của các Kitô hữu trên thế giới. Nó đã được thay thế bằng từ chứng tá (témoignage), là từ, đến lượt nó, cũng có khả năng già cỗi.
¨ Quêrimonie = Đơn khiếu tố: Đơn khiếu tố được trình lên một vị thẩm phán Giáo Hội để xin công bố một lời cảnh cáo chống lại một người bị tình nghi hoặc một tội phạm.
Quetoubim —>Ketoubim
QUICUMQUE (Symbole) = Bản tuyên tín Quicumque. Bản tuyên tín, cũng được gọi (sai) là Kinh Tin Kính của Thánh Athanasiô, là bản trình bày một cách sáng sủa đức tin về Thiên Chúa Ba Ngôi, và về Kitô học như người ta đã lập thành công thức ở Tây phương vào thế kỷ V. Bản này đã được soạn thảo vào thế kỷ V hoặc VI, có lẽ trong miền nam xứ Gaule.
QUID = Cái gì? (Tiếng La-tinh: cái gì; tiếng Hy-lạp; ti esti = điều chính là) : Đại từ nghi vấn giống trung diễn tả, trong mệnh đề quid sit (cái gì đó?) sự ước ao chủ yếu của trí tuệ muốn biết thực tại là gì trong chính nó º Khác với nghi vấn an sit? (Thực tại có hay không? Nó có tồn tại không?) là nghi vấn đầu tiên, ở đó người ta chỉ tự hỏi sự vật có hay không, và khác với quomodo sit? (Thực tại như thế nào?), ở đó người ta tìm cách xác định cách mà nó có, nó hiện hữu.
¨ Quiddité = Niệm tính (tiếng La-tinh quiddites, phái sinh do từ quid = cái gì): Cái đáp lại câu hỏi quid sit? (Cái gì đó?) diễn tả yếu tính (essence) hoặc định nghĩa (la définition) º Quiddité des choses sensibles = Niệm tính của các sự vật khả giác: đối tượng riêng của đơn thức con người, đối với triết học kinh viện.
QUIÉTISME = Thuyết an tĩnh (do từ La-tinh quies = sự nghỉ ngơi): Học thuyết thần bí, dựa trên những tác phẩm của Molinos, linh mục Tây-ban-nha (1627-1696), chủ trương sự trọn hảo Kitô giáo bao gồm trong tình yêu của Thiên Chúa và sự an tĩnh của linh hồn º Semi-quiétisme = Thuyết bán an tĩnh: Thuyết an tĩnh giảm nhẹ: học thuyết về tình trạng tình yêu tinh tuyền, là tình trạng mang một sự vô tư liên lĩ về sự cứu độ bản thân và về ước muốn tiến bộ trong đàng nhân đức.
¨ Préquiétistes = Những người tiên phong thuyết an tĩnh: Những người tiên phong của những người theo thuyết an tĩnh vào thế kỷ XVII. Họ đề nghị những phương pháp ngắn gọn và dễ dàng mà họ tin là sẽ cho phép nhanh chóng và chắc chắn đạt đến sự chiêm niệm ở đỉnh cao.
¨ Requiem = Bài hát Requiem: Từ đầu tiên của Ca Nhập lễ của thánh lễ cầu cho những người quá cố º Bộ kinh hát lễ mồ: Theo nghĩa nới rộng, toàn bộ những bài hát của thánh lễ cầu cho người quá cố º Nhạc phức điệu thánh có rất nhiều bài hát Requiem.
¨ Inquiétude = Sư lo lắng, sự bất an: Tình trạng của người không thể tìm được sự an nghỉ hoặc e ngại tương lai một cách mạnh mẽ º (Tu đức) Trở ngại đối với đời sống thiêng liêng.
Quinisexte —>Trullo
QUINQUAGÉSIME = Chúa Nhật năm mươi (do từ La-tinh quinquagesimus = thứ năm mươi): Tên gọi dành cho Chúa Nhật sau cùng trong ba Chúa Nhật chuẩn bị Mùa Chay º Cũng như Chúa Nhật bảy mươi và Chúa Nhật sáu mươi, nó không phải là một ngoại diện phụng vụ thuần túy, nhưng nó chứng tỏ một cố gắng đưa việc ăn chay của Mùa Chay đến 50 ngày. Thực vậy, Chúa Nhật này là ngày thứ năm mươi trước lễ Phục Sinh, nhưng Rôma, trong khi tổ chức các chặng Mùa Chay (Stations de Carême) kể từ Thứ Tư của Chúa Nhật năm mươi vẫn trung thành với việc ăn chay 40 ngày bằng cách đặt Tuần Thánh riêng ra, và tính việc ăn chay từ Thứ Tư của Chúa Nhật năm mươi đến Thứ Sáu trước Tuần Thánh. Tuy nhiên, sự kiện có 7 tuần lễ giữa khởi đầu việc ăn chay và lễ Phục Sinh sẽ làm người ta giữ lại từ Chúa Nhật năm mươi, từ năm 560, để nói lên phẩm tính của Chúa Nhật đi liền trước khởi đầu việc ăn chay 40 ngày.
QUIRINIUS = Quiriniô. Tổng trấn xứ Syria năm thứ 6 sau CN. Ông đã tổ chức trên lãnh thổ này một cuộc kiểm tra dân số mà Lc 2, 2 đã ám chỉ đến, nhưng người ta vẫn chưa biết phối hợp tốt bản văn của Tin Mừng với niên đại học.
QUMRAN = Vùng Cum-ran: Phong cảnh gần bờ Tây-Bắc của Biển Chết; năm 1947 người ta đã dọn dẹp ở đó những đổ nát (tiếng A-rập: Khirbet) mà vào cuối thế kỷ II trước CN đến đầu thế kỷ II sau CN đã có một giáo phái ở đó. Một số người đồng nhất hóa giáo phái này với những người Essênô. Những người khổ tu này đã sử dụng nhiều hang động: mười một trong số các hang động đó đã cung cấp một tài liệu cổ văn học rất phong phú: khám phá hiện đại quan trọng nhất về khảo cổ Kinh Thánh. Hàng trăm thủ bản này và những mảnh, theo qui ước, được chỉ bằng những chữ tắt: ví dụ 1. Q p Hab có nghĩa là hang động thứ nhất của Cum-ran, "pescher" (chú giải) của Habaquo.
QUO = Do đâu, bởi đâu (bởi ai hoặc bởi cái gì)
QUOD (điều mà) = Điều mà: Từ Quo diễn tả cái mà nhờ đó một sự vật tồn tại, điều mà nhờ đó một thực tại được biết, điều mà nhờ đó một hành động được phát sinh; nguyên lý hình thức, lý do hình thức, tiềm năng, nhân đức hoặc tật xấu º Từ Quod diễn tả cái tồn tại: thực tại hiện có hoặc được biết, hoặc là cái đang hoạt động º Hai thuật ngữ này tương ứng với hai cách hiểu biết thực tại của chúng ta: cách thức trừu tượng và cách thức cụ thể. Thường người ta sẽ phải xác định xem, giữa cái lần lượt được chạm tới bởi cái quo hay cái quod, có một sự phân biệt theo lý trí (ví dụ giữa màu trắng - le blanc - (quod) và sắc trắng - la blancheur - của màu trắng này (quo), không có sự phân biệt thực sự, trong khi giữa cái đang tồn tại (ens: quod) và cái mà nhờ đó mà nó tồn tại (esse : quo) có một sự phân biệt thực sự.
Quodlibétiques (Questions) —>Question