Tôn giáo, Tư tưởng
Tác giả: Nguyễn Khắc Thuần

Việt Sử Giai Thoại - Tập 7: 69 Giai Thoại…

Chương 32: 29 - NGÔI VƯƠNG ĐẦU TIÊN CỦA XỨ ĐÀNG TRONG

Sách Đại Nam thực lục (Tiền biên, quyển 10

"Giáp Tí, năm thứ sáu (tức năm 1744 - ND), mùa hạ, tháng tư. Bấy giờ, nhân thấy có cây sung nở hoa, ai cũng cho là điềm tốt, cho nên, bọn bề tôi là Nguyễn Đăng Thịnh dâng tờ biểu, xin Chúa lên ngôi vương. Tờ biểu ấy, đại lược nói rằng : Buổi đầu đổi mới, trước phải cần chính danh; Tích đức đã trăm năm, tất phải sửa lễ nhạc; Ôi, nghiệp bá vững bền, phía đông nam cờ vàng xuất hiện; Ngôi vương xa thấy, Bắc phương kia ấn ngọc hiện rồi. Nay, bọn bề tôi xin sắp hàng mà tâu rõ : Các vì sao đã chầu về Tử Vi, mặt trời đã đi vào Hoàng Đạo. Xưa, chỉ bảy mươi dặm mà (nhà Thương) cũng dựng nên nền huyền điểu, giờ đây, lẽ đâu đã có những ba ngàn dặm dư đồ mà vẫn cam giữ phận hàn khê ?

Chúa nhún nhường không chịu nhận. Bọn bề tôi phải nài xin đến hai ba lần, Chúa mới nghe theo. Ngày Canh Tuất (tức ngày 13 tháng 4 năm 1744 - ND) đúc xong ấn Quốc Vương. Trước kia, khi cần bổ dụng quan lại. Chúa chỉ dùng hai chữ Thị phó, phía dưới đóng dấu kiềm, ghi bốn chữ Thái phó Quốc công và dùng ấn Tổng trấn Tướng quân để đóng.

Ngày Kỉ Mùi (tức ngày 12 tháng 4 năm 1744 - ND), Chúa lên ngôi vương ở phủ Phú Xuân, xuống chiếu đại xá toàn cõi".

Sách trên cũng chép lại tờ chiếu đại xá lúc lên ngôi vương của chúa Nguyễn Phúc Khoát. Sau khi dẫn đủ điển xưa tích cũ, phần kết của tờ chiếu có đoạn như sau :

"Thầm nghĩ, nước chưa thống nhất, giặc dã chưa dẹp xong, ta vẫn gắng noi gương tiên thế. Chẳng ngờ, người người đồng tâm, thần lại báo điềm tốt, tất cả ân cần thúc giục ta xưng vương. Vừa rồi, trên dưới đều tin, thứ lớp rành mạch. Như theo hào bốn quẻ Kiền thì thấy rõ tượng rồng nhưng còn khiêm tốn chờ thời đó thôi; Như theo hào ba quẻ Khôn thì thấy ngay hình ngựa tốt đi nhanh, nên ai cũng mọt lòng giúp rập. Mặc dầu đã thoái thác đến ba bốn lần, vẫn khó ngăn được nguyện vọng của thần dân, nên ta buộc phải thuận theo ý chúng. Cho nên, ngày 12 tháng 4 năm nay (tức năm 1744 - ND), ta lên ngôi vương, đại xá thiên hạ, cốt làm sáng thêm đức lớn của tám đời (chỉ tám đời chúa Nguyễn trước Nguyễn Phúc Khoát - ND), để tỏ lòng thương dân khắp cõi. Mong sao thần dân, ai ai cũng được thấm nhuần mĩ hóa".

Từ đó trở đi, chúa Nguyễn Phúc Khoát quy định : tất cả văn thư dâng lên chúa đều phải dùng chữ tấu, văn kiện đối nội thì vẫn dùng niên hiệu của vua Lê, nhưng tất cả công văn trao đổi với các nước bị xứ Đàng Trong coi là phiên thuộc, chúa Nguyễn xưng là Thiên Vương.

Lời bàn : Trước đó, nước đã có vua Lê lại còn có thêm chúa Trịnh, thế là một lần thừa, thế cuộc đẩy đưa, nước lại có thêm chúa Nguyễn nữa, vậy là hai lần thừa. Trong một sự thừa, không có gì đáng sợ bằng việc thừa... chúa. Ôi, tạo hóa trớ trêu, giá đấng cao xanh có con mắt tỏ tường, ban phép lạ cho dân tình đói khổ thời ấy, có thừa... vài củ khoai có phải hơn không ?

Đã ở ngôi chúa rồi thì xưng gì cũng vậy mà thôi. Chúa Nguyễn không muốn kém chúa Trịnh về phẩm tước, đó là sự thường. Cũng có người nói rằng, chúa Nguyễn xưng vương là có ý chia cắt đất nước một cách lâu dài. Lời ấy, quả là có khiên cưỡng. Bấy giờ, đã có ai đáng mặt đại diện cho ý chí thống nhất đâu ? Vả chăng, phê phán chúa Nguyễn mà bỏ qua những hành vi tương tự của vua Lê và của cả chúa Trịnh là điều không công bằng.

Đọc tờ chiếu đại xá của Nguyễn Phúc Khoát mà thương thay cho thân phận dân đen thuở nào. Các đấng chăn dân sao mà khôn ngoan quá thể, khi cần che lấp hành vi đáng chê cười của mình, chỉ cần nói : đó là ý dân !

Hết Chương 32: 29 - NGÔI VƯƠNG ĐẦU TIÊN CỦA XỨ ĐÀNG TRONG
Thông tin sách