Tôn giáo, Tư tưởng
Tác giả: Nguyễn Khắc Thuần

Việt Sử Giai Thoại - Tập 7: 69 Giai Thoại…

Chương 29: 26 - TÙ NHÂN LÊ DUY DIÊU ĐƯỢC...TÔN LÊN NGÔI VUA!

Chỉ mấy tháng sau khi được tôn lên ngôi chúa, Trịnh Doanh đã kiếm cách bắt vua Lê Ý Tông (1735 - 1740) phải từ bỏ ngai vàng. Người được chọn làm vua thay cho Lê Ý Tông là Lê Duy Diêu, lúc ấy đang là ... tù nhân !

Lê Duy Diêu là con trưởng của vua Lê Thuần Tông (1732 - 1735), là cháu gọi vua Lê Ý Tông bằng chú ruột. Thời chúa Trịnh Giang, do cớ chú ruột là Lê Duy Mật tổ chức khởi nghĩa chống họ Trịnh, cho nên, Lê Duy Diêu bị nghi ngờ rồi bị cầm tù. Khi được tôn lên ngôi chúa, để ra oai với thiên hạ, Trịnh Doanh liền đưa Lê Duy Diêu lên ngôi, đó là Lê Hiển Tông (1740 - 1786). Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 38, tờ 32) chép về sự kiện này như sau :

"( Lê ) Duy Diêu là con trưởng của Thuần Tông và là cháu của vua (Lê Ý Tông - ND), râu rồng, mắt phượng. Là con trưởng (của vua Thuần Tông), lẽ ra, Lê Duy Diêu đã được lập làm vua từ trước. nhưng vì (Lê Duy Diêu) có chú ruột là (Lê) Duy Mật khởi binh (chống họ Trịnh) cho nên bị Trịnh Giang truất quyền kế vị và bị giam cầm đã lâu.

Khi lên ngôi chúa, Trịnh Doanh mật sai người đưa (Lê) Duy Diêu đến ở nhả Bính Quận công Vũ Tất Thận, nhưng (Vũ) Tất Thận lại không biết trước việc này. Một đêm (Vũ Tất Thận) nằm mơ thấy một người ra dáng kẻ cả vào nhà, có cờ quạt và nhã nhạc, nghi trượng y như một vị thiên tử thời thái bình. Thế rồi đến sáng hôm sau thì thấy (Lê) Duy Diêu đến. (Vũ) Tất Thận bèn đem việc này nói với (Trịnh) Doanh. (Trịnh) Doanh cũng muốn cậy nhờ phúc đức của (Lê) Duy Diêu, nên nhân đó, bàn với các đại thần tôn (Lê Duy Diêu) lên ngôi vua, và xin Nhà vua (là Lê Ý Tông) hãy nhường ngôi cho (Lê) Duy Diêu. Chiếu truyền ngôi của Lê Ý Tông có đoạn :

- Những nghĩ bọn ngu muội và gian ngoan vẫn còn quấy rối khắp nơi, nay muốn cho kinh kì được yên, bốn biển được tĩnh, bèn theo lẽ chính đáng mà suy tôn người đích trưởng, trước là để lo sự kính trọng tông thống, sau là để thuận theo lòng dân.

Tờ chiếu ban ra, ai ai cũng vui vẻ.

Sau khi nhường ngôi, Thượng hoàng ra ở điện Kiến Thọ, số (th uế) do các xã dân cung phụng, chuẩn cho được lấy một phần ba so với phần được hưởng khi còn làm vua".

Lời bàn : Sử cũ tả Lê Duy Diêu (tức vua Lê Hiển Tông sau này) có râu rồng mắt phương, kể cũng lạ đời. Lê Duy Diêu sinh năm 1717, lên ngôi lúc mới hai mươi ba tuổi mà đã có râu rồng, ắt là bởi kiếp tù đày đã làm cho Nhà vua già trước tuổi đó thôi. Còn như mắt phượng là cặp mắt nhân từ pha lẫn chút ngơ ngác, có lẽ cũng là quà tặng tự nhiên của cuộc đời ba chìm bảy nổi. Không thấy sử tả gì về tâm can và trí tuệ của Nhà vua như từng tả đối với bao vị vua khác. Hay là bởi những thứ đó, có cũng như không !

Đưa tù nhân Lê Duy Diêu lên ngôi, hẳn là Trịnh Doanh muốn nói, ta coi ngai vua chẳng khác một mảnh đất trống, cho ai ngồi vào là kẻ ấy được ngồi. Lời cẩn án của các tác giả sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục về sự kiện này, quả là rất xác đáng :

"Triều Lê, từ khi họ Trịnh làm việc bạo nghịch là giết vua, tính đến đây đã được sáu đời. Tất cả đều cùng một duộc, bắt chước thói xấu của nhau, lấn lướt hết mọi quyền bính của nhà vua. Lấy nghĩa lớn của Kinh Xuân Thu mà xét, tất nhiên, bọn chúng phải chịu tội búa rìu. Trịnh Doanh muốn nương nhờ phúc đức của vua Lê Hiển Tông, đã biết tôn lập, thế mà lại còn tác oai tác quái, tự nắm lấy hết quyền bính trong nước. Truyền thêm một đời nữa, đến con hắn là Trịnh Sâm cũng bắt chước theo, chuyên quyền áp bức vua Lê còn tệ hơn nữa. Sấm ngữ có câu Lê bại Trịnh vong (nhà Lê mà mất thì họ Trịnh cũng mất theo). Sự thể thật vô phương cứu chữa. Vậy thì, những kẻ giả thác danh nghĩa, chẳng nên lấy đó làm gương để răn mình hay sao ? (Quyển 38, tờ 33).

Chúa chuẩn lương cho vua đã là một sự lạ. Chúa chuẩn lương cho Thượng hoàng chỉ bằng một phần ba khi còn làm vua là hai sự lạ. Chuyện cười ra nước mắt là đấy chăng ?

Hết Chương 29: 26 - TÙ NHÂN LÊ DUY DIÊU ĐƯỢC...TÔN LÊN NGÔI VUA!
Thông tin sách