Tôn giáo, Tư tưởng
Tác giả: Nguyễn Khắc Thuần

Việt Sử Giai Thoại - Tập 7: 69 Giai Thoại…

Chương 27: 24 - CHÍNH SỰ THỜI CHÚA TRỊNH GIANG

Thời chúa Trịnh Giang (1729 - 1740), chính sự rối bời đến độ đảo điên. Xin theo sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 38), liệt kê ra đây ba sự kiện tiêu biểu.

Sự kiện thứ nhất là sự kiện mua quan, bán tước :

"(Trịnh) Giang hạ lệnh cho quan và dân, nếu ai nộp tiền thì sẽ được bổ làm quan hoặc thăng chức tước. Cả quan và dân đều cho phép được nộp tiền để xét cất nhắc như sau : Quan trong triều từ lục phẩm trở xuống, nếu nộp 600 quan sẽ được thăng chức một bậc, dân thường mà nộp 2.800 quan sẽ được bổ làm Tri phủ, nộp 1800 quan sẽ được bổ làm Tri huyện.

Bấy giờ, (Trịnh) Giang chơi bời xa xỉ, của cải ngày một hao mòn, cho nên mua quan, bán tước, không việc gì là không làm, vì vậy mà sinh ra loạn lạc sau này" (tờ 5).

Sự kiện thứ hai là đặt hẳn một hệ thống quan chức dành riêng cho hoạn quan, gọi là Giám Ban :

"Theo điển lệ cũ, triều đình chỉ có hai ban là Văn và Võ. Đến đây, hoạn quan lộng quyền, cho nên (Trịnh) Giang mới lập ra Giám Ban. (Trịnh Giang) hạ lệnh : họan quan mà khảo thí, được trúng cách thì cũng sẽ được trao cho quan chức (như những người khác). Các quan đều lấy đó làm sự hổ thẹn nhưng không ai dám nói gì. Mãi đến đầu đời Cảnh Hưng (niên hiệu của vua Lê Hiển Tông, dùng từ năm 1740 đến năm 1786 - ND) mới bãi bỏ Giám Ban" (tờ 9).

Và sự kiện thứ ba là sự kiện mạo nhận được tấn phong làm An Nam Thượng Vương :

"(Trịnh) Giang không còn biết kiêng sợ là gì nữa, tự ý tiếm quyền, vượt cả danh phận của riêng thâ phong cho mình làm Bác Đạt Mậu Hòa Tuy Du Dụ Nghĩa Trịnh Vương.

Bấy giờ, (Trịnh) Giang đang ngao du ở xã Quế Trạo vùng Kinh Bắc (Bắc Ninh - ND), quê hương của viên hoạn quan là Hoàng Công Phụ. (Trịnh) Giang xây dựng phủ đệ để ở, xong, bí mật sai hai viên quan là Nguyễn Trác Luân (người xã Bình Lao, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, đỗ Tiến sĩ năm 1721 - ND) và Trần Văn Hoán (người xã Từ Ô, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương, đỗ Tiến sĩ năm 1724 - ND), chạy ngựa trạm từ kinh sư lên, kính dâng sắc văn và ấn ti, vờ nói là của sứ thần nhà Thanh sang, phong cho (Trịnh) Giang làm An Nam Thượng Vương" (tờ 13 và 14).

Lời bàn : Với sự kiện thứ nhất, Trịnh Giang đã làm cho guồng máy chính trị đương thời vốn đã mục ruỗng càng thêm mục ruỗng. Khi mà cả đến chức tước và học vị cũng được đem ra mua bán thì lòng ưu thời mẫn thế, trí tuệ và đạo đức... nghĩa là tất cả những gì tốt đẹp, đều phải ngậm ngùi đội nón ra đi.

Với sự kiện thứ hai, Trịnh Giang đã chà đạp lên luân thường của thời mình, rẻ rúng hết thảy văn thần và võ tướng. Các quan đều cho việc làm này của Trịnh Giang là đáng hổ thẹn nhưng không ai dám nói gì. Bảo họ chí khí kém cỏi, không có nổi chút khẳng khái của đấng đại trượng phu cũng được, mà bảo là Trịnh Giang tàn bạo không cho phép ai được trái ý mình cũng được. Khi mà xã hội muốn hiểu sao thì hiểu, khỏi bàn cũng đủ rõ, chính sự rối bời đến mức nào.

Với sự kiện thứ ba, Trịnh Giang đã tự cho thấy rằng không có chuyện gì hắn không làm. Trên thì thiên triều và vua, dưới thì bá quan văn võ và thần dân... tất tất đều bị coi thường và bị lừa dối. Các tác giả sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục đã phê rằng : "Muốn làm gìược, không cướp ngôi vua thì thôi, hà cớ gì phải dối trá. Đồ điên cuồng, thật đáng chê cười lắm thay."

Ba sư kiện, một sự tình, tang thương đang len lỏi khắp mọi ngõ ngách của đời sống chính trị nước nhà thời trị vì của chúa Trịnh Giang !

Hết Chương 27: 24 - CHÍNH SỰ THỜI CHÚA TRỊNH GIANG
Thông tin sách