Tháng chạp năm Mậu Ngọ (1738), tại Thanh Hoa, có một cuộc khởi nghĩa chống chính quyền họ Trịnh đã nổ ra. Những người có công khởi xướng và lãnh đạo cuộc khởi nghĩa này đều là các hoàng thân của nhà Lê : Lê Duy Mật, Lê Duy Quy và Lê Duy Chúc.
Lê Duy Mật và Lê Duy Quy đều là con thứ của vua Lê Dụ Tông (1705 - 1729), còn Lê Duy Chúc là con thứ của vua Lê Hy Tông (1675 - 1705), tức là chú ruột của Lê Duy Mật và Lê Duy Quy. Việc lớn chưa thành thì Lê Duy Chúc và Lê Duy Quy đều bị bệnh mà mất, Lê Duy Mật trở thành lãnh tụ duy nhất của cuộc khởi nghĩa này. Dưới ngọn cờ của Lê Duy Mật có một vị Tiến sĩ lừng danh, đó là Phạm Công Thế. Phạm Công Thế người làng Hoàng Xá, huyện Đông Quan (nay thuộc Hà Nội), đỗ Tiến sĩ khoa Đinh Mùi (1727), làm quan trải thờ bốn đời vua là Lê Dụ Tông, Lê Đế Duy Phường, Lê Thuần Tông và Lê Ý Tông. Trước khi tham gia khởi nghĩa, ông đang giữ chức Đông các Hiệu thư.
Phạm Công Thế là người hiên ngang, khảng khái, Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 38, tờ 7 và 8) có chép về ông như sau :
"Lê Duy Mật, Lê Duy Quy và Lê Duy Chúc hận về nỗi quyền bính cua vua Lê bị tước đoạt và Trịnh Giang là kẻ bạo ngược giết vua, bèn cùng các quan trong triều là Phạm Công Thế, Vũ Thước và thuộc hiệu là Lại Thế Tế bàn mưu đốt kinh thành nhưng việc này không xong. Vì sợ bị lộ, (Lê) Duy Quy chạy đi Cẩm Thủy (Thanh Hóa - ND), (Lê) Duy Mật và (Lê) Duy Chúc chạy đi Nghi Dương (nay thuộc đất Kinh Môn, Hải Dương - ND). Tại đây, (Lê Duy Mật và Lê Duy Chúc) được viên thổ hào là Ngô Hưng Tạo hộ tống, vượt biển chạy vào Thanh Hoa. (Trịnh) Giang sai binh lính đuổi theo nhưng không kịp. Lúc ấy, Vũ Duy Thước bị bắt, bị tống giam và bị giết. Lê Duy Chúc và Lê Duy Quy sau cũng bị bệnh mà mất, Lê Duy Mật liền chiếm cứ đất thượng du vùng Tây Nam.
Bấy giờ, Phạm Công Thế đang giữ chức Đông các Hiệu thư, theo Lê Duy Mật nổi binh, đánh nhau bị thua trận rồi bị bắt. Các bề tôi trong triều trách ông rằng :
- Đã là người khoa giáp sao lại còn theo bọn phản nghịch ?
Phạm Công Thế cười đáp :
- Danh phận không tỏ đã từ lâu, thuận nghịch lấy đâu mà phân biệt ?
Nói rồi, vươn cổ ra chịu chết chém, không một chút lo sợ hay nao núng gì ".
Lời bàn : Chép xong đoạn sử này, các tác giả của bộ sách nói trên còn trân trọng viết thêm Lời cẩn án khá dài, xin lược trích một đoạn như sau : "Duy Mật là người chí thân của vua Lê, xót xa về nỗi nhà Lê bị chèn áp mãi, bèn đem quân ra chốn rừng núi xa xôi để quyết chí đánh lại. Việc Duy Mật làm có thể gọi là danh chính ngôn thuận, không thể ví với bọn giặược. Dẫu lòng trời không giúp nhà Lê, việc làm của Duy Mật cũng không thành, nhưng nghĩa lớn vua tôi thì không bao giờ mai một được."
Xin được bàn về đoạn cẩn án này : Chí lí thay !
Tiến sĩ Phạm Công Thế quả là bậc khó ai bì. Triều đình bấy giờ nào ít bậc đỗ đại khoa, vậy mà vẫn mê muội, không nhận ra được rằng, thời họ sống là thời rối ren, thời đảo lộn của mọi giá trị xã hội, thời thuận nghịch không có ranh giới rạch ròi... Lời ngắn gọn trước lúc thọ hình của Tiến sĩ Phạm Công Thế quả là sâu sắc, đủ sức để khái quát diễn biến phức tạp của chính sự cả một thời. Kính thay !
Nói xong lời sâu sắc ấy. Tiến sĩ Phạm Công Thế còn nói thêm với hậu thế một lời không ngôn từ nhưng cũng rất đáng khắc ghi, đó là : Phàm đã nuôi chí khuấy nước chọc trời thì phải biết hiên ngang nhận lấy cái chết, như Phạm Công Thế, không một chút lo sợ hay nao núng, như Phạm Công Thế, quả cảm vươn cổ ra....