Lm. Trần Văn Kiệm
Sau mấy lần thăm dò, biết chắc Việt Nam yếu hèn, tháng 7 năm Mậu Ngọ (1858) là năm Tự Đức thứ 11, liên quân Pháp và I-pha-nho mới quyết chí sống mái. Với một lực lượng không đáng kể (3000 quân sĩ trên 14 chiến thuyền) tướng Rigault de Genouilly đem theo giám mục Pellerin trở lại Đà Nẵng. Cứ như giám mục dự tính, quân Pháp mà nổ súng, thì người có đạo trong cả nước sẽ nhất tề nổi dậy, sau đó liên quân sẽ đổ bộ tiến vào kinh thành... Nhưng người Thiên Chúa giáo đâu có phản quốc, họ đâu có theo kẻ xâm lăng! Thấy kế hoạch bế tắc, liên quân bỏ Đà Nẵng xuống Gia Định. Ở đây họ đã làm chủ tình thế dễ dàng. Kéo vào thành, họ thu được 200 khẩu đại bác rỉ và cũ, 80 ngàn kí thuốc súng và 180.000 franc, và đao kiếm lương thực không biết bao nhiêu mà kể.
Tới đây thì bên Trung Quốc liên quân Anh Pháp đụng độ với quân nhà Thanh ở Hoàng Hải, rất cần hạm đội Pháp đương hoạt động tại Việt Nam gửi quân tới tăng cường. Vì vậy tướng Rigault de Genouilly - rồi sau đó tới tướng Page nối quyền ông trước cầm đầu liên quân - mấy lần xin giảng hòa. Họ chỉ ra một điều là Việt Nam chấm dứt cuộc bắt đạo. Vua tôi nhà Nguyễn chẳng hiểu tình hình gì cả, cứ ngồi im, không đánh cũng không giảng hòa. Chờ cho tới năm 1861, việc can qua bên Tàu đã êm, viện binh xé lẻ đã trở lại đầy đủ, tướng Pháp là Charner với 3.500 quân đã đánh chiếm luôn Định Tường, Biên Hòa, Vĩnh Long...
Để chuộc lại ba tỉnh mới mất, vua Tự Đức sai ông Phan Thanh Giản cầm đầu một sứ đoàn sang Paris. Việc không thành, nhưng thấy vua Tự Đức thúc đẩy mãi, có khi còn mỉa mai ông nữa, lão thần Phan Thanh Giản đành để lại một lá thư tuyệt mệnh, xếp đồ triều phục và sắc phong, rồi nhịn ăn mà chết năm 1867, thọ 71 tuổi. Được tin ông tự tử, vua Tự Đức xuống chỉ đục bỏ tên ông Phan Thanh Giản ra khỏi tấm bia ghi tên các tiến sĩ.
Sau khi mới đi sứ Pháp trở về, họ Phan kêu gọi triều đình phải mau cải cách. Quần thần không có ai chịu nghe, còn buộc cho ông tội tâng bốc người, làm giảm uy thế mình, khiến cho ông phải than thở:
Từ ngày đi sứ Tây kinh
Thấy việc Âu châu phải giật mình.
Kêu tỉnh đồng bang mau kíp bước,
Hết lời năn nỉ chẳng ai tin!
Sau ông Phan Thanh Giản còn rất nhiều người khác, như ông Nguyễn Trường Tộ đã lên tiến xin vua Tự Đức tỉnh ngộ, nhưng kết quả không tốt đẹp hơn.
Như vậy thì rõ ràng là cái vạ nước ta mất vào tay người Pháp phải quy cho các vua nhà Nguyễn và quần thần. Đâu có phải là do người Thiên Chúa giáo bán nước! Thực ra, không phải là tất cả các quan lại nhà Nguyễn đều u mê tối tăm. Bên cạnh Phan Thanh Giản còn có những ông Trương Minh Giảng, Bùi Viện, Nguyễn Công Trứ... hết lòng phục vụ quốc gia. Đặc biệt có một vị đại thần thuộc loại Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Tiến đời các chúa Nguyễn: nghĩa là ông làm quan mà không bao giờ cắp quyển đi thi. Chung quanh ông đám sĩ phu ngơ ngác: có người như ông Phan Đình Phùng hận vì nước mất nhà tan bèn trút cơn giận lên đầu mấy đồng bào theo Thiên Chúa giáo vô tội; người khác như Tôn Thọ Tường, Hoàng Cao Khải thì khuất thân bắt chước Tôn phu nhân qui Thục mong được tối uống sâm-banh, sáng sữa bò; kẻ khác nữa như ông Phan Bội Châu lại hô hào lớp trẻ xuất dương học tập, chờ cơ hội mới. Riêng vị đại thần này chủ trương không khác ông Phan Chu Trinh: người cầm đầu phải sống với dân chết với dân, giang sơn đã đổ nát thì công dân phải can tâm chấp nhận sự thực mà bảo nhau xây dựng lại, và muốn được như vậy mọi người phải giải tỏa các mối hiềm khích giữa anh em, càng bị kẻ thù đè nén mọi người càng phải sát cánh với nhau bảo trì tài sản kinh tế và văn hóa ông cha để lại, đồng thời học hỏi cái hay từ chính kẻ thù... Ông là một linh mục Thiên Chúa giáo: Cha Trần Lục.
Linh mục Trần Lục, tục danh là Hữu. Ông sinh năm 1825 tại làng Mĩ Quan, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Từ nhỏ theo học Hán tự. Lớn lên cậu Hữu (tới đây đổi tên là Triêm) đã học thêm Latin, triết lý và thần học; nhưng chưa kịp trở thành một linh mục thì vào năm 1858, trong mộc cuộc quan quân truy nã người theo Thiên Chúa giáo, chàng phải bắt giải về Phủ Lý, và hôm sau bị điệu lên Hà Nội. Tại công đường, viên chánh án đòi chàng đạp chân lên thập giá để chứng minh chàng sẵn sàng bỏ đạo. Nhưng chàng không nghe cho nên đã chịu tra tấn cực kỳ dữ tợn rồi sau cùng bị phát vãng lên Lạng Sơn. Bấy giờ là năm Tự Đức thứ 11, trúng vào năm liên quân Pháp I-pha-nho bắn phá Đà Nẵng và lăm le đổ bộ tiến vào kinh thành. Sau 11 năm dưới quyền đám người bất tài cai trị, khắp nước Việt Nam giặc giã nổi lên như ong. Chung quanh Lạng Sơn, hay nói đúng hơn là suốt một giải đất từ Quảng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh cho tới Cao Bằng, có tên Phụng nổi lên quấy phá. Mạo xưng là Lê Duy Minh, con cháu nhà Lê, tên Phụng thông đồng với giặc khách, lại liên lạc cả với thiếu tướng Bonard ở Nam kỳ, đồng thời không quên kêu gọi những người theo Thiên Chúa giáo mau mau nhập đảng với y để được tự do giữ đạo.
Hãy trở lại nói chuyện "thầy Triêm". Tuy là thân tội đồ, nhưng có tài giao thiệp lại hay chữ, cho nên không bao lâu thầy Triêm được quan tỉnh Lạng Sơn thu làm thơ kí. Cùng bị phát lưu lên Lạng Sơn, có người em của thầy tên là Pháp. Anh em gặp nhau chưa kịp tay bắt mặt mừng thì cậu Pháp đã chết sớm: chàng kiệt lực sau mấy năm sống cảnh lưu đồ.
Với tư cách là kẻ thân tín của quan tỉnh, "thầy Triêm" đã giúp quân triều đình đóng ở Lạng Sơn đánh thắng được tên Phụng nhiều trận. Đặc biệt nhất là trận giải vây thành Lạng Sơn; trong đó cả dân cả quân cố thủ trong thành có thầy Triêm và nhiều người công giáo. Biết rõ tình hình, tên Phụng kêu gọi những người công giáo theo y làm phản, nhưng không ai nghe. Sau khi lập được nhiều chiến công, thầy Triêm được đi lại thong thả, và tuy nhà nước lúc đó còn cấm đoán, nhưng thầy Triêm vẫn giảng đạo khá công khai. Thấy thế giám mục Jeantet (tên Việt là Khiêm) kêu thầy bí mật trở về Kẻ Sở gần Phủ Lý, truyền cho thầy chức linh mục rồi bảo cứ trở lại Lạng Sơn mà hoạt động dưới danh xưng mới là Cụ Sáu, phiên nôm tên bộ của ngài là Trần Lục.
Ngày mồng 5 tháng 6 năm 1862, vua Tự Đức xuống chỉ tha đạo. Cụ Sáu được tự do trở về Nga Sơn chưa bao lâu thì tới năm 1865 giám mục bổ ngài về Phát Diệm, một trung tâm công giáo lúc đó rất xác xơ: nhà thờ là một mái tranh, còn hai cha sở thì mới theo nhau bỏ mình vì đạo Chúa.
Sẵn tài kinh bang tế thế, "bể một góc mà (Cụ Sáu) mưu thành nơi đông đúc" (sắc phong tử hậu do vua Khải Định ban ra năm 1925), và cứ như thế khả năng Cụ Sáu càng ngày càng nổi bật.
Công tác đầu tiên có tầm vóc quốc gia Cụ Sáu hoàn thành được, đã xảy ra vào năm 1874.
Bấy giờ người Pháp đã lấy thêm ba tỉnh miền Tây và hoàn toàn làm chủ Nam kỳ. Họ đặt soái phủ tại Sài Gòn và tha hồ dùng sông Cửu Long làm đường buôn bán với Cao Miên. Nhưng Cao Miên sánh thế nào được với Vân Nam? Vì vậy họ lăm le muốn chiếm luôn miền châu thổ sông Hồng, để dùng sông này làm đường buôn bán với nhiều tỉnh Trung Quốc. Muốn thực hiện kế hoạch, có người lái buôn tên là Jean Dupuis tìm đến Hà Nội. Dựa thế mình đã có giấy phép của vua quan nước Tàu, y tự tiện chở muối gạo lên Vân Nam. Nhà cầm quyền Việt Nam có ý ngăn chận thì y gây khó dễ. Thấy việc không xuôi, triều đình Huế yêu cầu thống đốc Nam kỳ đứng ra hòa giải. Người Pháp chỉ chờ có thế. Họ lập tức gọi đại uý Francis Garnier từ Thượng Hải về, và sai đi Hà Nội. Đến đâu đại uý cũng được tiếp đón nồng hậu. Ngờ đâu vừa tới nơi thì Garnier liên lạc ngay với Dupuis rồi tự ý tuyên bố mở sông Hồng cho các tàu buôn Pháp, Tây Ban Nha và Trung Quốc được tự do đi lại. Bị Hà Nội phản đối, Garnier nã súng bắn vào thành. Hôm ấy là ngày 20-11-1873. Cầm cự được non một giờ thì thành đổ, khâm sai Nguyễn Tri Phương bị trọng thương và bị bắt. Quá tủi nhục, ông Nguyễn Tri Phương nhịn ăn mà chết.
Hạ xong Hà Nội, Francis Garnier mộ lính tập ở các tỉnh được 14.000 người và với quân số chưa luyện tập đó, không đầy một tháng đại uý đã lần lượt hạ luôn các thành Ninh Bình, Phủ Lý và Nam Định.
Sử gia Trần Trọng Kim viết: "Quân ta hễ thấy người Tây đến là bỏ chạy. Bởi vậy, chỉ có người Pháp là Hautefeuille và 7 người lính Tây mà hạ được thành Ninh Bình".
Thấy biến, triều đình một mặt sai ông Trần Đình Túc làm khâm sai đại thần và hai ông Nguyễn Trọng Hợp, Trương Gia Hội làm phó sứ ra ngay Hà Nội dàn xếp với Garnier; một mặt sai hai ông Lê Tuấn và Nguyễn Văn Tường vào Sài Gòn thương thuyết với Súy phủ Pháp. Cùng đi với phái đoàn Trần Đình Túc và Nguyễn Trọng Hiệp có giám mục giáo phận Huế là Sohier (tên Việt là Bình). Tới Phát Diệm, phái đoàn đón thêm Cha Trần Lục, và tới Hà Nội lại có linh mục (có người viết là giám mục, có khi là vị phụ tá của giám mục Puginier?) Dangelzer nhập bọn. Công việc thương thuyết chưa kịp bắt đầu, thì đại uý Francis Garnier bị quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc phục kích giết chết ở ô Cầu Giấy gần Hà Nội.
Tất cả những mưu kế xâm lăng Bắc Việt đều do Soái phủ Sài Gòn sắp đặt mà không hỏi ý kiến Paris. Nguyên tại Âu Châu, nước Pháp đã bị nước Phổ đánh thua xiểng liểng vào năm 1870, và cho tới lúc đó là năm 1873, vẫn chưa phục hồi, thành ra Pháp đình không muốn sinh sự với ai cả. Vì vậy khi được tin đại uý Garnier làm quá trớn, Paris liền phái ông Philastre, với tư cách pháp quan ra ngay Hà Nội thẩm định tình hình. Cùng đi có Nguyễn Văn Tường. Hai người chưa tới nơi thì được tin Francis Garnier tử trận. Xém chút nữa thì Philastre tức giận bỏ về, nhưng nhờ có Nguyễn Văn Tường khéo léo giải thích, thống soái Philastre đã đi tiếp đoạn đường còn lại, và khi đến nơi, ông ra lệnh trao cả các thành đã bắt được cho triều đình Việt Nam; còn tàu bè và quân lính Pháp thì tập kết cả về Hải Phòng chờ ngày rút lui sau khi ký xong hiệp ước.
Tới đây thì Soái phủ Sài Gòn cho ông Rheinard ra thay thế ông Philastre cần trở về Sài Gòn hội kiến với thiếu tướng Dupré, để hạ bút xong thì ông này sẽ đem tờ hòa ước về ngay cho chính phủ Pháp.
Mặc dù trên giấy tờ, đại diện cho Pháp là thiếu tướng Dupré không phải là Philastre, và đại diện cho Việt Nam không phải là các ông Nguyễn Trọng Hiệp và Trần Đình Túc nhưng là hai ông Lê Tuấn và Nguyễn Văn Tường, thế nhưng vì các điều thỏa hiệp đã xác định ngay tại Hà Nội, cho nên lịch sử quen lấy tên ông Philastre mà đặt cho tờ hòa ước này. Tờ hòa ước có tất cả 22 khoản, và sau đây là mấy khoản chính yếu:
Khoản 2: Chính phủ Pháp nhận quyền độc lập của Việt Nam- một nước không phải thần phục nước nào - và mỗi khi vua nước Nam cần đến binh lực, nước Pháp sẵn lòng giúp mà không đòi điều kiện.
Khoản 3: vua nước Nam chấp nhận chính lược ngoại giao của nước Pháp, đặc biệt là chiến lược ngoại giao hiện hành vào lúc ký hòa ước.
Ngoài ra nước Pháp lại tặng vua nước Nam:
- 5 chiến hạm trang bị đầy đủ;
- 100 khẩu đại bác mẫu mới, mỗi khẩu kèm thêm 200 viên đạn.
- 1000 khẩu súng tay kèm thêm 5000 viên đạn, tới giúp quân đội nước Nam; cho kỹ sư sang giúp xây cầu cống, và cho chuyên viên tới đào tạo công chức hành chính.
Khoản 5: Vua nước Nam phải nhượng đứt Nam kỳ cho nước Pháp.
Khoản 9: Vua nước Nam phải để cho các giáo sĩ được tự do giảng đạo và người dân được tự do theo đạo.
Khoản 11: Vua nước Nam phải mở cửa Thị Nại (Qui Nhơn), Ninh Hải (Hải Phòng), và sông Hồng kể cả Hà Nội cho các tàu ngoại quốc được tự do buôn bán.
Khoản 22: Hòa ước ký xong, nước Pháp sẽ đặt sứ thần ở Huế, vua nước Nam sẽ có đại diện ở Sài Gòn và sứ thần ở Paris.
Như vậy thì triều đình nước ta chỉ phải chấp nhận một tình thế đã rồi, và đổi lại nước Pháp thỏa thuận giúp nước ta canh tân. Nếu hai bên thành thực thi hành hòa ước, thì mặc dầu mất Nam kỳ, ít là vua Nam còn giữ được Trung Bắc kỳ, và nhất là vẫn đứng độc lập, không phải thần phục nước nào cả. Kết luận được rằng: trong các giấy tờ ký kết giữa hai chính phủ Pháp Nam, tờ hòa ước năm Giáp Tuất 1874 cũng là năm Tự Đức thứ 27 có lợi cho Việt Nam hơn hết. Phải chăng là vì ông Philastre là con người công bằng? Phải chăng là vì các quan lại nhà Nguyễn đột nhiên trở thành sáng suốt? Hay là nhờ có phái đoàn giáo sĩ ba vị gồm cả Pháp cả Việt hết lòng tranh đấu cho quyền lợi dân nước ta?
Tiếc thay, sau khi "nước Pháp đã công nhận nước Nam độc lập, không thần phục nước nào nữa, mà (sau này) vua Tự Đức vẫn tiếp tục theo lệ cũ mà triều cống nước Tàu, có ý mong hữu sự nước Tàu sang giúp" (Trần Trọng Kim). Vịn cớ đó, người Pháp đã chiếm luôn cả nước Việt Nam.
Dù sao vào lúc này nhà vua đã ban tặng Linh mục Trần Lục kim khánh kim tiền để thưởng công khó nhọc. Nhưng khó nhọc ngần ấy đã thấm vào đâu, nếu đem so sánh với nỗ lực Cụ Sáu đã tận tuỵ hòa giải lương giáo, để đối phó với nạn Văn thân?
Xét tình trạng yếu hèn của nước ta, thì hòa ước năm 1874 phải coi là thuận lợi không thể hơn được. Tuy nhiên ở Nghệ An có hai người tú tài Trần Tấn và Đặng Như Mai chẳng hiểu tình thế gì, cứ cho là triều đình đã đầu hàng người Pháp, nhưng sĩ phu quyết chí không chịu. Họ bèn ra bài hịch gọi là "Bình tây sát tả"; chữ "tả" phải hiểu là người có đạo Thiên Chúa giáo bị buộc tội bán nước cho người Pháp.
Được tổng đốc Nghệ An là Tôn Thất Triệt dung túng, bọn Văn thân cả thảy độ non ba ngàn người kéo nhau đi đố phát những làng có đạo. Sau đó họ còn thông đồng với đám giặc cỏ kéo đi đánh chiếm thành Hà Tĩnh, vây phủ Diễn Châu. Triều đình phải sai ông Nguyễn Văn Tường ra dẹp, vất vả bốn năm tháng mới xong. Tưởng rằng nạn Văn thân tới đây là chấm dứt, nào ngờ nó còn bùng lên lần thứ hai, dữ dội hơn trước dưới sự lãnh đạo của Đình nguyên Phan Đình Phùng.
Ông Phan Đình Phùng là người Hà Tĩnh, đỗ tiến sĩ năm Đinh Sửu 1877. Được sơ bổ về làm tri phủ Yên Khánh, giáp với Kim Sơn Phát Diệm, họ Phan cùng với Cha Trần Lục trở thành lân cận. Tuy nhiên hai người không phải là cận thân, như sẽ thấy sau này.
Vốn dân hai phủ Yên Khánh, Yên Mô lúc đó không có thiện cảm với dân Kim Sơn, kể từ khi ông Nguyễn Công Trứ mộ người Trà Lũ về lập ra huyện mới, cắt đứt phần đất tân bồi của hai phủ, mỗi năm mỗi mở rộng thêm dọc theo bờ biển. Trong một vụ kiện tụng về đất đai giữa người dân huyện bên này với người dân phủ bên kia, Linh mục Trần Lục phải có mặt tại Yên Khánh. Một linh mục Thiên Chúa giáo 52 tuổi, mới lập công lớn và trong tương lai sẽ là Khâm sai Tuyên phủ sứ phụ trách an dân ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, đối diện với một quan tân khoa 34 tuổi, còn say sưa chiến thắng Đình nguyên, và một ngày nọ sẽ chém giết người theo Thiên Chúa giáo không biết là bao nhiêu cũng trong ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, và Hà Tĩnh... việc gì sẽ xảy ra?
Trong cuốn Giai thoại làng nho, Lãng Nhân Phùng Tất Đắc viết: "Họ Phan thấy linh mục hay ỷ thế hiếp dân, nên nhân một vụ lộng quyền, ông cho nọc lịnh mục ra đánh!" Tin phi báo về vua Tự Đức. Nhà vua cho triệu họ Phan về kinh gấp, khiển trách họ Phan quá nóng nảy, rồi năm sau mới cho họ Phan một chức ngồi chơi xơi nước là chức ngự sử Đô sát viện.
Sang năm 1855, Bắc Kì đã mất rồi, quân ta đánh phá đồn Mang Cá ở Huế không nổi, vua Hàm Nghi phải xuất bôn. Khi nhà vua chạy đến Quảng Bình thì họ Phan ra mắt, được phong làm Tán lí Quân vụ. Với chức vị đó, ông lập bản doanh tại Vũ Quảng, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, rồi dưới chiêu bài Cân vương, ông Phan Đình Phùng lên tiếng "bình tây sát tả" một phen sau cùng. Liên lạc với nhóm Ba Đình của Đinh Công Tráng làm thế ỷ dốc, quân lính ông Phan Đình Phùng kéo nhau đi đốt phá các làng có đạo trong ba tỉnh Thanh, Nghệ, Tĩnh. Một điều trớ trêu là chẳng thấy ông đánh Tây được trận nào, ngoài ra dăm ba cuộc đụng độ không mấy quan trọng giữa quân của ông và một số lính tập do một vài sĩ quan Pháp chỉ huy hay là lính triều đình do Nguyễn Thân điều khiển.
Chắc rằng ông Phan Đình Phùng không phải là một thứ Hitler nhưng không hiểu làm sao mà ông thương nước lại không thương nòi? Tại sao ông biết phát đồng phục cho quân lính, và biết luyện cho họ giẫm chân đi đều, vai mang súng kiểu 1874... (tài liệu của đại uý Gosselin), mà ông lại quên không dạy người dưới quyền phải trọng quân kỉ, theo gương ông Lê Trực, cũng phò vua Hàm Nghi như ông?
Cứ như thế cho tới 1895 là năm họ Phan mất. Mặc dù thiếu người lãnh đạo, phong trào Văn thân như rắn mất đầu, không bao lâu đã tan rã hàng ngũ, nhưng từ 1874 cho tới lúc này 1895, phong trào Văn thân đã gây ra bất hòa trầm trọng giữa lương và giáo. Qua nhiều năm vua chúa nước ta bắt đạo, "bên lương" có ưu thế vẫn thương "bên giáo" bị bách hại. Bây giờ bọn Văn thân đã gây nên oán thù chồng chất giữa hai bên rồi, phải chăng đã đến lượt "bên giáo" có ưu thế sẽ báo thù "bên lương"? Đó là lý do khiến triều đình Đồng Khánh kêu gọi Cha Trần Lục ra giúp nước.
Năm 1885, triều đình ban sắc phong Cụ Sáu làm Khâm sai Tuyên phủ sứ, đi an dân ba tỉnh Thanh Nghệ Tĩnh, linh mục đã làm xong phận sự cách tốt đẹp, khiến cho vua Thành Thái vào năm 1899 đã ra sắc phong cho ngài thêm chức Lễ bộ Thượng thư. Nhận được sắc phong mấy ngày thì Cụ Sáu qua đời, sau khi hoàn thành một ngôi đền thờ vĩ đại xây cất theo kiểu Á Đông, hiện nay hấp dẫn khá nhiều khách du lịch.