Tôn giáo, Tư tưởng
Tác giả: Hòa thượng K. Sri Dhammananda

Các Vấn Đề Của Xã Hội Hôm Nay

Chương 31: NUÔI DƯỠNG TỘI ÁC

Mảnh đất phì nhiêu nuôi dưỡng tội ác là gia đình. Mặc dù với nhiều biện pháp áp dụng để giảm thiểu tỷ lệ tội hành hung trong gia đình, nhưng tỷ lệ này càng ngày càng tăng trong nhiều gia đình tại những xã hội hiện đại kỹ nghệ tiến bộ. Hầu hết trẻ em trở thành các tội phạm do cách dưỡng dục của cha mẹ.

Tại một số quốc gia, trong khi tỷ lệ phạm tội ác của người lớn giảm thiểu, thì tội ác của giới trẻ lại gia tăng. Chúng ta được biết qua thông tin đại chúng nhiều trẻ em đã mang súng đi học. Đôi khi chúng ta nghe thấy có trẻ nít thậm chí dưới năm tuổi bắn anh chị em hay cha mẹ ruột. Thuờng thường tội phạm trong thanh thiếu niên gây ra do ma túy và rượu chè, những thứ này sæn có tại nhà. Người ta không đẻ ra kẻ phạm tội mà bởi sự thiếu hướng dẫn, thiếu quan tâm của gia đình, và môi trường chung quanh.

Một kiểu mới trở thành của thế kỷ 20 là nhiều người ăn ở với nhau như vợ chồng nhưng không cưới. Có một số trường họp, trẻ sinh ra trong hoàn cảnh ấy đau khổ vì bị bỏ mặc. Những trẻ này lớn lên dưới sự chăm sóc và hướng dẫn của một người, thường là người mẹ. Cha, hoặc mẹ vô trách nhiệm thường bỏ con cho cha hoặc mẹ ghẻ chăm sóc. Người đàn bà, thường bị kỳ thị, phải làm việc gấp đôi đàn ông cùng nghề để có thể nuôi bản thân và con cái. Kinh tế thế giới hiện đại là thế đấy, phụ nữ bị thất lợi hơn cả người đàn ông ở tầng lớp dưới. Vì cách cấu trúc toàn thể xã hội đã đi theo môt con đường khác biệt hẳn con đường truyền thống, việc nuôi dưỡng gia đình hầu như không còn tồn tại ở nhiều quốc gia. Kết quả các phụ nữ đau khổ nhiểu hơn, những khó khăn phản ảnh trong gia đình họ nuôi dưỡng.

Trẻ em nuôi dưỡng bởi một người, cha hoặc mẹ, thường không nhận được đầy đủ tình thương và chăm sóc nơi cha mẹ. Cha mẹ bị sa sút tâm lý không thể làm tròn nhiệm vụ tình cảm với con cái. Những người giữ trẻ đôi khi chỉ là những máy truyền hình hay những người được giao phó tương tự như vậy để làm nhiêm vụ giữ em. Nhiều trường hợp, người giữ trẻ là những thiếu nữ cần tiền vì ma túy và rượu chè. Họ không có qua một lớp huấn luyện về giữ trẻ nào. Trong khi giữ em, chính họ hút thuốc hay dùng ma túy bất hợp pháp. Trong hoàn cảnh đó, trẻ em đâu có được đầy đủ săn sóc, hướng dẫn, thương yêu cần thiết và quan trọng nhất là giáo dục căn bản.

Không một người giữ trẻ nào có thể cho tình thương và chăm sóc như người mẹ cho con. Những đứa con không bao giờ nói đến người giữ chúng như chúng nói đối với cha mẹ của chúng.

Khi lớn, những đứa trẻ như vậy có thể bắt đầu lối sống cẩu thả và sai lầm. Chúng không nhận được sự giáo dục đạo lý thích đáng. Chúng cũng không biết cách tự mình khám phá đạo lý. Tệ hại hơn nữa, bạo động trên truyền hình là thần tượng của chúng. Nhiều nhà sản xuất và viết kịch bản, những chuyện phim khích động bạo lực với mục đích dễ kiếm tiền. Những đứa trẻ lớn lên không có sự hướng dẫn thích đáng, chăm chú vào những chuyện phim ấy, cố gắng bắt chước như chúng nhìn thấy trên truyền hình hay đọc trong sách.

Nhiều bậc cha mẹ cũng không thận trọng về súng và rượu. Nhiều bậc cha mẹ uống rượu và hút thuốc trước mặt con cái. Khi họ không còn giữ được tinh thần trách nhiệm do ảnh hưởng của rượu, tri giác của họ trở nên đần độn, họ không còn nhớ đến cất dấu chai rượu, thuốc lá, và súng vào những chỗ an toàn để con cái không thấy được. Họ cũng không lưu tâm đến việc giữ súng có đạn sæn khiến con cái có thể lấy được. Con cái vô tình được khuyến khích do bản tính tò mò tự nhiên bằng cách sử dụng súng, uống rượu, dùng ma túy, hay hút thuốc lá sæn có trong nhà.

Một số chính các cha mẹ cũng xuất thân từ những gia đình đổ vỡ, thiếu giáo dục về luân lý, hạnh kiểm, không giữ ý nên đã không giữ tư cách trước mặt con cái. Một số cha mẹ, ông bà, chú bác, và anh em đã lạm dụng tình dục con trẻ. Những đứa trẻ bị xâm phạm tiết hạnh lớn lên trong hận thù người gây tội lỗi. Đôi khi chính chúng cũng trở thành những tội phạm tương tự lúc trưởng thành.

Nhiều khi, xã hội làm cho vấn đề tệ hơn cho những gia đình và con cái khủng hoảng. Những nhà sản xuất vũ khí lại rất vừa lòng thấy càng ngày ngày càng nhiều người sử dụng vũ khí để tăng doanh thu. Kẻ buôn bán ma túy có lãi lớn bằng cách dùng trẻ em, nhất là các trẻ từ những gia đình tan vỡ, trong việc phân phát và sủ dụng ma túy. Đứa trẻ kiếm tiền trong việc bán ma túy, làm mọi điều để khuyến khích chúng bạn dùng và buôn bán ma túy. Khi cha mẹ không có nhà, bọn trẻ vui sướng rộn ràng lấy ma túy hay rượu của cha mẹ cất tại những nơi không khóa.

Ly dị trở thành tiêu chuẩn ngày này tại các xã hội kỹ nghệ mở mang. Kẻ bị đau khổ nhất do ly dị là con cái. Trong tuổi thơ ngây, trẻ nít cần đến tình thương và chăm sóc của cả cha lẫn mẹ. Đó là tuổi mà chúng cần chỉ dẫn thích hợp, và gương tốt để noi theo. Đó là tuổi tâm trí thâu thập mọi thứ rất nhanh như miếng bọt biển hút nước. Khi cha mẹ ly dị hay ly thân, con cái tan nát và bối rối. Chính cha mẹ cũng phải phấn đấu để tự trấn an và lo lắng đời sống của mình, không thể hướng dẫn con cái đúng hướng, cũng không thể để hết tâm lực cần thiết đến việc nuôi nấng con cái. Nếu bị bỏ bê, con cái tìm cách giải quyết những khó khăn của chúng nơi bạn bè mà đa số cũng xuất thân từ những gia đình tan vỡ. Không ai trong số bạn bè thực ra có thể giúp đỡ chúng được.

Cả đến những gia đình không gặp khó khăn vì ly dị con cái cũng không thân cận gần gũi với cha mẹ. Một số người tham công tiếc việc để có đời sống tiện nghi cho chính mình và con cái. Họ thường không có nhà vì phải làm hai công việc để có nhiều tiền hơn. Một số phải xa nhà vì phải du hành buôn bán nơi xa. Một số tuy không phải đi xa nhưng lại làm thêm tại

sở. Một số như người ghiền rượu không thể bỏ một phút nào mà không nghĩ đến công việc của mình. Hoặc, từ sáng sớm họ đã đi làm, trở về nhà muộn còn mang việc của sở về nhà làm. Đã di ngủ rất trễ nhưng họ vẫn còn suy nghĩ đến công việc ngày mai. Họ bận từng giây phút trong ngày, bận rộn nghĩ đến công việc ngày mai lúc ngủ.

Hỏi họ tại sao quá ám ảnh bởi công việc như thế, họ trả lời họ phải làm việc như vậy để kiếm tiền, dành dụm để nuôi dưỡng gia đình. Nhưng vì lúc nào cũng sống trong tình trạng căng thẳng nên lúc nào họ cũng cáu kỉnh, cục cằn. Họ càu nhàu lúc sáng dậy, càu nhàu lúc đi ngủ ban đêm. Một chút nhỏ nhặt cũng làm cho họ cáu kỉnh. Họ không có thì giờ cho chính họ và cho con cái. Họ tin là nếu họ kiếm được nhiều tiền thì tương lai của con cái sẽ được bảo đảm. Nhưng dù kiếm được bao nhiêu đi nữa, cũng vẫn chưa đủ. Một số có nhiều hơn nhu cầu vẫn không có thì giờ cho con cái vì họ bỏ nhiều thì giờ với bạn hữu hơn là với gia đình.

Khi trẻ em từ trường về nhà tự tung, tự tác muốn làm gì thì làm vì không ai ở nhà để cai quản chúng. Một số trường hợp, cha mẹ đón con tại trường học khi đi làm về, không có đến cả thì giờ để nghe chúng. Họ chỉ muốn nhìn chúng chứ không nghe chúng. Trẻ em lại sợ không dám nói chuyện với cha mẹ, e ngại sẽ làm cho cha mẹ giận vì những vấn đề của chúng. Những khó khăn của chúng ngày một thêm nhiều khi chúng không có thì giờ để thảo luận cùng cha mẹ. Những bạn hữu cùng lứa tuổi cũng chẳng hơn gì để có thể cho chúng những lời khuyên ý nghĩa.

Một số cha mẹ mong mỏi con cái mau trưởng thành rời khỏi gia đình càng sớm càng tốt để họ muốn làm gì thì làm. Buồn thay, con cái cũng mong mỏi mau trưởng thành để thoát được bố mẹ. Có những trường hợp cực đoan, đứa trẻ không được hướng dẫn, nóng lòng đã giết cha mẹ để chiếm hữu tài sản. Trẻ em mong muốn được độc lập càng nhanh càng tốt, trở nên càng ích kỷ hơn. Chúng ta hiểu vấn đề. Không có tình thương yêu khăng khít giữa cha mẹ và con cái. Vậy giải pháp phải như thế nào?

Đương nhiên, cả cha mẹ lẫn con cái có thể độc lập nhưng vẫn có mối quan hệ tốt đẹp với nhau. Mối liên hệ giũa cha mẹ và con cái đã được đề cao bởi Đức Phật. Để xúc tiến mối liên hệ tốt đẹp ấy, Đức Phật chủ trương nhiều biện pháp. Nếu cha mẹ làm tròn bổn phận và trách nhiệm đối với con cái, và nếu con cái làm tròn trách nhiệm đối với cha mẹ, kết quả gia đình hòa thuận và an lạc.

Người coi tiền bạc như hạnh phúc thường là gốc rễ của tội ác hung bạo. Hầu hết tất cả những tội ác gây nên là do những người không được giáo dục về giá trị luân lý và đạo đức. Nếu bạn đầu tư tất cả lợi tức, tất cả năng lực và thì giờ vào kiếm tiền hay vào dục lạc, bạn phải trả giá bằng tương lai của con cái, làm sao bạn có thể trông chờ con cái biết phân biệt giữa điều xấu và điều tốt? Hoặc bạn dạy con bạn ghét người láng giềng vì người này khác bạn không cùng một giá trị như bạn, bạn làm sao có thể hy vọng con cái bạn kính trọng mọi người?

Hay bạn dạy con cái bạn căm thù người theo đạo khác đạo của bạn, làm sao bạn có thể hy vọng con bạn không hung bạo? Hay bạn dạy con cái căm thù người có ngôn ngữ khác mà bạn không hiểu, làm sao bạn có thể hy vọng giảm thiểu tội ác trong xã hội. Tội bạo hành không nhiều trong các xã hội khi mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái và giữa người thân và gia đình được chặt chẽ. Trong những xã hội có sự trao đổi tư do về thì giờ, của cải, năng lực, kiến thức, tình thương và thận trọng, tội bạo hành giảm thiểu.

Phước lành thay cha mẹ và con cái có mối liên hệ thương yêu với nhau. Phước lành thay gia đình có sự thân mật và hòa hợp. Bậc cha mẹ phải hy sinh dành cho con cái tình thương và chăm sóc. Cha mẹ khôn ngoan nên đầu tư thì giờ, năng lực và tiền bạc để tạo bầu không khí gia đình lành mạnh, nơi mà họ nuôi dưỡng con cái thành công hạnh phúc. Để chăm sóc con cái, một số cha mẹ từ chối không làm việc thêm ở bên ngoài. Lời khuyên cho cha mẹ là phải thay đổi chương trình làm việc, nếu cả hai đều phải làm việc để có đủ lợi tức nuôi gia đình. Đôi khi, cha hoặc mẹ phải quyết định ở nhà để chăm sóc con cái nếu một người đi làm đủ lợi tức nuôi gia đình.

Cha mẹ tốt nên nhận thức rằng mình làm gương cho con cái. Muốn cho con cái có kỷ luật, cha mẹ phải tự kỷ luật. Nếu cha mẹ vô kỷ luật, thì không thể mong mỏi con cái giữ kỷ luật. Khi cha mẹ cố gắng đem con cái vào kỷ luật, đôi khi chúng chống lại. Con cái có thể nói chúng ghét cha mẹ. Tuy nhiên, bậc cha mẹ tốt không nên sợ hãi về những câu bình phẩm như thế của con cái. Khi chúng lớn chúng sẽ hiểu cha mẹ áp dụng kỷ luật với chúng là làm lợi lạc cho chúng.

Đôi khi, con cái có những vấn đề quan trọng, liên quan đến cảm nghĩ lo âu hay những khó khăn cần biết, hay những vấn đề học hành, bạn bè, mà chúng mong được đem thảo luận cùng cha mẹ. Cha mẹ phải nhẫn nại và bao dung để nghe chúng. Trong lúc thảo luận, nếu con cái dùng ngôn từ quá đáng, cha mẹ phải dạy chúng ngay rồi cho phép chúng được tiếp tục trình bày. Nếu chúng biểu lộ xúc động, cha mẹ không nên tỏ thái độ đồng tình để rồi cũng trở nên xúc động, mà chăm chú nghe chúng hy vọng giúp đỡ chúng. Nói một cách khác, khi chúng giận dữ, cha mẹ phải nhẫn nại, chăm chú nghe chúng chứ không giận dữ, như vậy cha mẹ giúp chúng có hiệu quả. Cha mẹ và con cái nên thường xuyên có những cuộc bàn thảo thân mật cởi mở. Cha mẹ nên chấp nhận nếu có lỗi lầm, và thẳng thắn xin lỗi con cái. Nếu cha mẹ la hét, chửi rủa hay nổi cơn thịnh nộ, lập tức phải xin lỗi chúng ngay hay sau đó phải giải thích cho chúng biết lý do tại sao cha mẹ lại có thái độ như vậy. Cha mẹ phải quyết định là từ nay không tái diễn thái độ như vậy nữa trước mặt con cái. Con cái cũng vậy nên được khuyến khích nhận những lỗi lầm và xin lỗi cha mẹ. Cha mẹ nên tán thưởng những việc làm tốt của con cái và thừa nhận bất cứ tiến bộ nào chúng đạt được. Thưởng phạt có hiêu quả với tất cả mọi người.

Nếu có nhiều con trong gia đình, cha mẹ phải công bằng đối với mỗi đứa con. Giải quyết những khó khăn gia đình, cha mẹ luôn luôn phải thận trọng, công bằng với tất cả các con. Nếu đề cao một đứa trước mặt tất cả có thể làm cho những anh chị em ruột ganh tị đứa được khen thưởng. Khi tràn đầy thương yêu và bi mẫn, cha mẹ sẽ dễ dàng giải quyết mọi khó khăn trong gia đình.

Cha mẹ nên đối xử với con cái với danh dự và phẩm giá khi những chúng sanh tuyệt vời này một một ngày nào đó có thể nắm thế giới trong tay.

Bất cứ lúc nào, con cái làm những điều thiện, cha mẹ không nên quên đánh giá cao và thưởng chúng ít nhất bằng lời khen. Khi con cái làm một điều gì vô đạo đức, vô luân lý, hay tai hại, cha mẹ phải quở mắng ngay chúng, trực tiếp dạy chúng. Cha mẹ phải hiểu lúc nào cần phải răn dạy riêng biệt, lúc nào cần phải quở mắng trước mặt mọi người trong các cuộc hội họp gia đình. Cha mẹ cũng không nên phê bình nhau trước mặt con cái. Cha mẹ nên có những cuộc họp riêng tư để thảo luận những vấn đề.

Cha mẹ nên phải chọn lời nói thích hợp, thái độ chính đáng, đúng lúc và đúng chỗ để nói sự việc đúng cho con cái. Trong mọi trường hợp, cha mẹ luôn luôn tỏ ra thực tình thuơng yêu con cái. Cha mẹ phải bảo đảm là thực tình yêu thương chúng. Nếu quý vị làm bẽ mặt con cái trước mặt mọi người, con cái có thể lén lút làm những điều sai trái. Chúng cũng sẽ học thói đạo đức giả. Cha mẹ phải hết sức chân thật với con cái. Nếu cha mẹ không chân thật, con cái sẽ mất niềm tôn kính với họ. Quý vị là bậc cha mẹ không thể đòi hỏi sự kính trọng nơi chúng nếu chính quý vị không xứng đáng. Quý vị phải cố đạt được sự kính trọng bằng tư cách và thái độ của quý vị với con cái. Không nên kỳ vọng lúc nào quý vị cũng là thầy dạy của chúng. Con cái, cũng có thể là các thầy dạy tốt cho cha mẹ.

"Một điều tốt nhất mà các bậc cha mẹ có thể làm được để thiết lập và duy trì mối giao tế thân mật, thương yêu giũa cha mẹ và con cái là thực hành lòng từ ái và thiền định. Họ nên làm thành thói quen việc trên đây để khuyến khích con cái theo họ vài phút thực hành thiền tập hàng ngày. Trong những gia đình Phật Giáo tốt, cha mẹ và con cái dành ít phút để tụng kinh kệ. Những gia đình này có một bàn thờ, nơi đây gia đình quây quần ít nhất ít phút trong một ngày." -- (Thượng Tọa Henepola Gunaratana, Hoa Kỳ).

Hết Chương 31: NUÔI DƯỠNG TỘI ÁC
Thông tin sách