Tôn giáo, Tư tưởng
Tác giả: Hòa thượng K. Sri Dhammananda

Các Vấn Đề Của Xã Hội Hôm Nay

Chương 17: MỘT GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC

Quả đúng trong mọi xã hội, gia đình là một đơn vị nhỏ nhất trong xã hội. Nếu mọi gia đình trong một nước hạnh phúc thì cả quốc gia ấy đều hạnh phúc. Cái gì tạo cho gia đình hạnh phúc? Một gia đình hạnh phúc được định nghĩa là một gia đình ổn định về mặt xã hội, kinh tế tâm lý, và các khía cạnh vật chất và tinh thần của đời sống ; và là nơi có tình thương yêu ấm áp và hòa hợp giữa những người trong gia đình. Một gia đình có thể cân bằng giữa những yếu tố trên quả thực là một gia đình hạnh phúc.

Nhưng khi chúng ta nhìn chung quanh chúng ta và nhìn vào tình hình khắp nơi trên thế giới, chúng ta thấy gì? Trẻ con lang thang ngoài phố và trong các tiệm truyền hình. Chúng trốn học. Trẻ con bị ngược đãi, vợ bị đánh đập và các người già thì bị đưa vào các nhà dưỡng lão không đếm xỉa gì đến cảm nghĩ của họ ra sao. Tất cả là những dấu hiệu biểu lộ chân tướng những gì không tốt ở mức độ căn bản nhất của xã hội: đó là những dấu hiệu của xã hội suy đồi.

Đó là một tình trạng đáng buồn khi những giá trị và truyền thống tốt đẹp không còn được thực hiện. Có rất ít tác động qua lại giữa người trong gia đình và bè bạn, ý thức trách nhiệm đối với người trong gia đình ngày càng bị suy yếu. Gia đình không hạnh phúc có thể do đói nghèo, nhưng có tài sản vật chất cũng không bảo đảm là có hạnh phúc, mà đơn giản là do sự phát sinh lòng vị kỷ, độc ác và tham lam.

Đứa trẻ học hỏi lòng trìu mến yêu thương nơi cha mẹ, và cùng nhau, cha mẹ và con cái tạo thành đơn vị gia đình hạnh phúc. Qua cái thế giới vi mô (nhỏ) của xã hội, chúng ta học sự quan tâm, chia sẻ, lòng thương người, và lo lắng cho những người khác. Qua nhiều thời đại, tôn giáo là một lực lượng quan trọng để cấu tạo những giá trị này thành một hệ thống dễ dàng được công nhận và đem giảng dạy. Bởi vậy, gia đình và tôn giáo là những thành phần nòng cốt trong việc truyền đạt và nuôi dưỡng các giá trị này.

Gia đình đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển hội viên trong một gia đình. Tinh hoa trong văn hóa Á Châu và Tây Phương dạy kính trọng người già, thương xót người đau yếu, người thiếu thốn, chăm sóc cha mẹ già và quan tâm đến người trẻ.

Đứa trẻ lớn lên trong những giá trị này sẽ noi gương họ và hành động thích hợp với những người khác. Tuy có được những tiến bộ kỹ thuật rộng lớn trong nền văn minh hiện đại, chúng ta lại đang mất nhanh những giá trị này. Điều cần thiết là phải làm gì để hợp nhất gia đình lại và cứu xã hội.

Chúng ta phải bảo vệ và ủng hộ sự phát triển gia đình như một thể chế dưới ánh sáng của sự thay đổi rộng lớn nhanh chóng về nhân khẩu và xã hội-kinh tế. Gia đình mở rộng (gồm cả họ hàng) đang nhường chỗ cho gia đình hạt nhân (chỉ gồm cha mẹ, con cái). Chúng ta chỉ có thể làm được rất ít trong việc ngăn chặn trào lưu này nhưng những giá trị về sự kính trọng, quan tâm, tình thương phải được gìn giữ. Những giá trị tốt ở Đông Phuơng hay Tây Phương, phải được gìn giữ mặc dù những sự thay đổi về lối sống mang đến do sự hiện đại hóa, kỹ nghệ hóa và thành thị hóa.

Người mẹ là nhân vật quan trọng trong việc phát triển gia đình. Vì chăm sóc, thương yêu, trìu mến và lòng từ bi là những đức tính bẩm sinh, người vợ truyền đạt những chân giá trị này cho con cái mình nuôi dưỡng. Người mẹ do lòng thương yêu, lo lắng, từ bi, kiên nhẫn và khoan dung gắn bó người thân trong gia đình lại với nhau. Sự thực hành những giá trị này có thể truyền thừa cho con cái vì chúng là những người bắt chước rất hay và là những người học hỏi theo gương mẫu của cha mẹ. Chúng ta phải nhóm họp lại để phục hồi chức năng truyền thống của người mẹ, và đương nhiên việc làm này phải phù hợp với nhu cầu và áp lực hiện đại.

Tôn giáo cũng phát triển giá trị nhân bản tốt. Những gia đình sùng đạo và viêc tu tập rất cần thiết trong cuộc vận động phát triển gia đình. Có thể nói một gia đình hạnh phúc là một nhóm người sống thân ái và an lạc cùng nhau đặt tầm quan trọng vào kỷ luật tôn giáo và tư cách cha mẹ để tạo bầu không khí gia đình hạnh phúc. Những giá trị như vậy cần phải gìn giữ và bảo vệ theo tinh thần tôn giáo để gia đình khỏi bị ảnh hưởng bởi những giá trị phản xã hội không thể chấp nhận được.

Những cha mẹ thực tế và hiểu biết đem hạnh phúc cho gia đình. Con đường duy nhất mà cha mẹ có thể xây dựng được một gia đình hạnh phúc là do thể chế hôn nhân. Thể chế này rất tốt trong quá khứ và có thể thực hiện trong hiện tại, chúng ta có thể làm đó thích hợp trước nhu cầu cuộc sống hiện nay.

Hết Chương 17: MỘT GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC
Thông tin sách