Tôn giáo, Tư tưởng
Tác giả: TT Thích Chân Quang

Các Kỹ Năng Hoằng Pháp Trong Đạo Phật: Đàm Đạo

Chương 8: HOẰNG PHÁP 6: NÓI CHUYỆN VỚI TRẺ

1. Trẻ em là tương lai của đạo pháp

Ta tạm quy định rằng trẻ em là những người chưa đến tuổi trưởng thành, dưới 18, hoặc còn yếu kém trong nhận thức. Tuy nhiên trong thực tế, có nhiều người chưa đủ 18 mà khôn chịu không nổi, và cũng có những người hơn 30 tuổi rồi vẫn phạm nhiều sai lầm.

Dù sao thì Phật Pháp vẫn rất cần những thế hệ nối tiếp phát triển để kế thừa giữ gìn đạo lý cho chúng sinh. Vì thế, việc hoá độ trẻ là nhiệm vụ thiêng liêng của những người đi trước. Tăng Ni phải lo cho trẻ đã đành, mà bất cứ Phật tử nào đã hiểu đạo đều phải quan tâm tới trẻ.

Giúp cho trẻ hiểu đạo và biết tu dưỡng, ta đã giúp cho gia đình đó được an vui lâu dài, ta đã đóng góp cho đất nước những công dân tốt trong tương lai, ta đã xây dựng đội ngũ kế thừa trong Phật Pháp. Công đức này thật là vô biên vô lượng.

Tuy nhiên, trẻ có những đặc tính riêng, thể chất khác... mà ta phải biết để tạo nên sự thân ái khi tiếp xúc.

Thứ nhất trẻ hầu như chưa phải bương chải làm ăn nên chưa va chạm với những mặt xấu của đời nhiều, còn nhìn đời với ước mơ và hy vọng. Đây cũng là điểm đáng yêu của trẻ, và ta cũng không nên làm mất đi sự ngây thơ đó.

Thứ hai, trẻ đang trong giai đoạn phát triển nên cơ thể luôn bị thúc đẩy phải hoạt động, không thể ngồi yên lâu. Ta vừa phải thuận theo tính chất đó, vừa giúp trẻ biết chuẩn bị cho sự điềm đạm về sau. Sự hiếu động cần cho sự phát triển của cơ thể, nhưng cũng làm căng thẳng não bộ mai sau. Vì vậy trẻ phải được rèn luyện thiền định song song với hoạt động thể chất.

Thứ ba, trẻ chưa đủ khả năng tư duy trừu tượng vì vậy khi nói chuyện, ta không nên nói lý thuyết nặng nề quá, mà phải dùng nhiều ví dụ hay chuyện kể cụ thể rõ ràng. Thật ra cả người lớn cũng thích chuyện kể và ví dụ rõ ràng. Người hoằng pháp mà có nhiều chuyện kể hay ví dụ cũng là một lợi thế lớn.

Thứ tư, trẻ cũng tò mò về những chuyện của người lớn và hay bị bạn bè đầu độc, sách vở, phim ảnh, internet gây ô nhiễm đầu óc. Vì thế, ta phải hiểu rằng bên cạnh sự ngây thơ đó cũng ẩn chứa một sự vẫn đục, nên ta phải khéo léo cẩn thận khi tiếp chuyện. Những trẻ đang vào giai đoạn dậy thì thì tâm sinh lý có nhiều biến đổi, là một phần của thiếu nữ, một phần của thanh niên, vì vậy ta cũng phải biết giữ sự chừng mực, khoảng cách.

Thứ năm, những ấn tượng ghi khắc vào tâm hồn trẻ thường sẽ ghi dấu suốt đời, định hướng cho trẻ suốt đời, vì vậy, ta phải hết sức cố gắng gieo vào lòng trẻ những gì tốt đẹp nhất, cho trẻ được chứng kiến những tấm gương cao cả nhất, để trẻ được một dấu ấn đúng đắn lâu dài về sau.

Có những trẻ hiếu động, năng nổ, và cũng có trẻ nhút nhát; có trẻ hay hỏi, và cũng có trẻ chẳng biết hỏi gì. Ta cũng tùy theo tâm tính từng em mà có lối nói chuyện cho thích hợp.

Trong một buổi tiếp xúc với trẻ, ta nên chia làm 3 phần. Một phần nói về giáo lý; một phần dạy trẻ một kỹ năng gì đó như khí công, võ thuật, âm nhạc, cơ khí gia dụng, điện gia dụng, nữ công gia chánh...; phần còn lại là vui đùa. Trong phần nói chuyện, ta nên kể chuyện nhiều hơn lý luận.

Có những tổ chức Phật tử trẻ đã dành nhiều thời gian cho việc xếp vòng tròn vỗ tay ca hát. Việc đó đã không còn thích hợp khi mà bên ngoài nhiều trò chơi điện tử hấp dẫn hơn nghìn lần. Nhiều trẻ đã thẳng thắn bày tỏ ý kiến không hứng thú với trò chơi vỗ tay ca hát nhiều như thế. Bây giờ ta phải thực tế hơn, hoặc là dạy cho trẻ kiến thức âm nhạc vững chắc, hoặc là dạy những kỹ năng thường được sử dụng trong đời sống, hoặc là vui chơi có tính rèn luyện thân thể, nghĩa là phải có lợi ích thiết thực, vì thời gian bây giờ rất quý giá.

Nếu có nhiều em cùng đến, ta nên tập cho các em kỹ năng đội hình. Chính việc đứng ngồi bước chạy theo hiệu lệnh tập cho các em thói quen vâng lời và tinh thần kỹ luật. Tinh thần kỹ luật cũng là yếu tố quý giá cho các em bước vào cuộc đời mai sau.

Thời đại hôm nay rừng hoang dã đã hết dần, thay vào đó là nhà cửa phố thị chen chúc. Con người xa dần thiên nhiên cũng là mất dần cội nguồn mầu nhiệm của cuộc sống. Vì thế, nếu có dịp, ta nên cho trẻ cơ hội vui chơi trong rừng hoang để tìm lại cội nguồn của sự sống, để tập yêu thương cây cỏ thiên nhiên.

Trong việc tiếp xúc với trẻ, ta có 2 trường hợp: hoặc là tiếp xúc ngẫu nhiên số ít, hoặc là tiếp xúc với đội nhóm. Mỗi loại hình tiếp xúc như vậy đều cần một cách giao tiếp thích hợp. Tuy nhiên trong trường hợp nào, ta cũng phải cho trẻ được cơ hội nói năng hay hành động để phát huy sự chủ động. Đừng để cho trẻ ngồi im lắng nghe quá lâu.

2. Trò chuyện với trẻ

Ta có vô vàn cách để bắt chuyện với trẻ khi gặp trẻ tại chùa hay tại gia đình. Nếu là đã quen biết thì dễ; nếu chưa quen thì phải làm quen. Thông thường ta gọi trẻ bằng con, xưng là thầy hoặc cô. Nếu ta cũng còn quá trẻ thì đành phải xưng là chú, là cô, và gọi trẻ theo tên vì không thể gọi là con. Nếu quý Phật tử cũng phát tâm dẫn dắt trẻ về với đạo thì xưng hô thích hợp với tuổi tác và vai vế của mình là được.

Ta sẽ hỏi trẻ học lớp mấy, thích môn nào nhất, có hay đi chùa không v.v... có nhiều khi trẻ lặng lẽ trả lời yes và no rồi im lặng chờ ta hỏi tiếp. Ta hỏi nguyên một câu dài ngoằn ngoèo mà trẻ chỉ đáp có một tiếng. Vì vậy, ta phải chủ động dẫn câu chuyện, làm quen, tạo tình thân. Có khi lần đầu chưa nói chuyện được nhiều, thì để dành lần sau vậy.

Hỏi: Con có hay đi chùa không?

Đáp: (lắc đầu)

Hỏi: Hôm nào con đến chùa lễ Phật nhé!

Đáp: (gật đầu)

Hỏi: Năm nay con học lớp mấy? Con thích môn nào nhất? Toán hả. Thầy cũng vậy, cũng thích môn toán. Chính vì thầy thích môn toán nên thầy hiểu được đạo Phật rất hay. Ai kém toán sẽ khó hiểu đạo Phật.

Trẻ: Bộ đạo Phật có học toán hả?

Nói: Đạo Phật không có học toán, chỉ học đạo đức sống ở đời, mà đạo đức sống ở đời cũng khó như toán vậy con à.

Trẻ: Đạo đức là gì vậy?

Nói: Đạo đức là khi gặp người lớn con cúi chào, khi thấy bạn khó khăn con giúp đỡ, khi thấy tiền rơi con nhặt trả lại, khi cha mẹ rầy con biết xin lỗi, khi bạn bè rủ rê điều xấu con quyết liệt khuyên can, khi thấy chúng bạn bất hòa con hòa giải, khi học tập con chăm ngoan...

Trẻ: Nhiều quá làm sao làm cho hết được?

Nói: Đâu phải làm tất cả những điều đó một lúc mà sợ con. Có khi mỗi ngày chỉ làm một điều gì đó mà thôi. Hôm nay con gặp tiền rơi, nhặt tìm trả lại. Hôm khác bạn rủ con trốn học đi xem phim, con khuyên bạn phải làm đứa trẻ chăm ngoan không được làm điều gì mà chưa xin phép cha mẹ và thầy cô giáo.

Trẻ im lặng thì ta bắt đầu hỏi lại: Con thích xem phim gì nhất? (Thời đại hiện nay trẻ rất mê phim ảnh, ta mà thiếu kiến thức phim ảnh cũng khó nói chuyện. Nhưng nếu ta nghiên cứu phim ảnh nhiều thì bị loãng thời khóa tu hành)

Trẻ: Con thích xem phim đánh nhau.

Nói: Vậy con có tập võ không?

Trẻ: Con có tập sơ sơ.

Nói: Hôm nào con đến chùa quý thầy sẽ dạy thêm cho. Con có tập xoạc hai chân thẳng không? Con có tập uốn dẻo lưng không? Những công phu đó giúp cho những đòn đánh đá của mình phát huy hết công lực. Nhỏ mà không tập trước thì lớn lên gân cứng khó tập. (Ta có thể tập cho trẻ xoạc hai chân, uốn dẻo). Võ thuật giúp ta có sức khỏe và tự tin. Võ đạo giúp ta làm người có nghĩa khí.

Trẻ: Nghĩa khí là gì ạ?

Nói: Nghĩa khí nghĩa là sống rất can đảm, không hèn nhát sợ hãi, dám đương đầu với nguy hiểm, nhưng không làm điều gì sai trái hại người, chỉ giúp người mà thôi. Ví dụ, khi thấy người bị ăn hiếp ta dám bênh vực, thấy nhà bị cháy ta dám giúp dập lửa, nhưng tuyệt nhiên không bao giờ dùng sức khỏe để hiếp đáp người khác. Nếu ta hiếp đáp bắt nạt người khác thì sau này ta sẽ bị quả báo có người ăn hiếp ta trở lại. Trên đời này ta gieo nhân gì sẽ gặt quả nấy.

Trẻ: Nghĩa là sao ạ?

Nói: Đức Phật dạy rằng luật Nhân quả chi phối mọi điều trên đời. Ai sống đạo đức sẽ được hưởng hạnh phúc, ai sống hư hỏng sẽ bị đau khổ. Ví dụ như con hay giúp đỡ người khó khăn thì sau này tự nhiên con học giỏi và thi dễ đậu; ví dụ như con lễ phép với người lớn thì sau này con có thể làm quan; ví dụ như con hay hướng dẫn bạn bè thì sau này con thông minh trí tuệ...

Từ đây có thể nói nhiều về luật Nhân quả cho trẻ giống

như bài trước, chỉ khác là ta không lý luận trừu tượng mà luôn luôn kể chuyện và cho ví dụ cụ thể. Nên nói nhiều về luật Nhân quả cho trẻ thấm nhuần. Những gì gieo được từ khi ấu thơ sẽ ghi dấu rất đậm suốt đời còn lại.

Nói: Khi con thấy bạn học giỏi, con có vui không?

Trẻ: Có khi con vui, có khi con ghét. Bạn nào thân với con thì con sẽ vui khi bạn đó học giỏi; bạn nào không thân với con thì con không thích.

Nói: Nếu con vui mừng khi bạn học giỏi thì sau này con sẽ học giỏi; nếu con khó chịu khi bạn học giỏi thì sau này con sẽ học kém. Đó là nhân quả. Vì vậy, con nên vui mừng khi bạn học giỏi, được thầy cô khen ngợi, được phần thưởng cao quý, dù bạn đó thân với mình hay không.

Nói: Lớn lên con thích làm ngành nghề gì?

Trẻ: (Mỗi trẻ sẽ có ước mơ khác nhau, thậm chí có trẻ không biết sẽ làm gì. Ta tùy theo tâm tính của từng trẻ mà trả lời thích hợp) Con thích làm Công an.

Nói: Vậy là con với thầy hợp tác được rồi. Thầy sẽ dạy cho mọi người đừng làm điều ác; con sẽ xử phạt nếu ai làm điều ác. Nếu thầy dạy không có kết quả thì vẫn còn nhiều người làm ác, lúc đó công việc con sẽ nặng nề. Nếu thầy dạy có kết quả thì con sẽ đỡ vất vả hơn.

Trẻ: Con thích làm thầy cô giáo.

Nói: Tuyệt vời. Con sẽ đem kiến thức và đạo đức dạy cho biết bao nhiêu thế hệ mai sau. Con sẽ ươm mầm thương yêu hy vọng cho biết bao nhiêu học trò của mình. Nhớ là dù con dạy môn nào thì vẫn phải bỏ ra vài ba phút để dạy về đạo đức cho học trò nhé.

Trẻ: Con thích làm bác sĩ. Con thích làm thủ tướng. Con thích làm ca sĩ...

Nói: Con có bao giờ bị bạn bè rủ xem phim đồi trụy chưa? (Có khi trẻ đã bị và tâm hồn đã bị vẫn đục; có khi chưa. Ta cứ đặt vấn đề như là trẻ đã bị, vì đây là tình huống khó). Con nên biết những phim đó là nanh vuốt của ác quỷ cấu xé tâm hồn ngây thơ của các con. Nếu bạn nào rủ con xem loại phim đó, con nên quyết liệt khuyên bạn phải tránh xa nó, phải để dành tâm hồn cho những ước mơ cao đẹp trong đời. Con kéo được một bạn ra khỏi sự sa ngã là con có thêm một chút phước.

(Hiện nay tình trạng trẻ bị lôi kéo xem phim ảnh đồi trụy khá nhiều. Đạo Phật phải có trách nhiệm góp phần ngăn chận hiểm họa này)

Nói: Ngày xưa có một đứa bé bướng bỉnh hay cãi lời cha mẹ. Vì đứa bé đó là con trai duy nhất nên được cha mẹ hết mực nuông chìu. Đứa bé đã không biết quý trọng tình thương yêu của cha mẹ nên càng xem mình như là vua, buộc mọi người phải theo ý của mình. Nếu ai không chìu, bé khóc lóc la hét. Lớn lên một chút, trong một lần đi chơi xa, cậu bé vì không vâng lời cha mẹ nên bỏ đi xa khỏi cha mẹ rồi bị lạc luôn. Chú bị người xấu dắt về nhà cho ăn uống nhưng hành hạ đánh đập bắt làm lụng cực khổ mà không giúp chú tìm lại cha mẹ. Chú muốn bỏ trốn thì bị họ đánh đập nhiều hơn. Suốt hai năm bị bắt làm nô lệ như vậy chú mới trốn được đến đồn công an nhờ đưa về nhà. Chú hối hận biết rằng trước đây chú bướng bỉnh vô lễ hỗn xược với cha mẹ là tội lỗi khủng khiếp. Chú đã phải trả quả báo thê thảm trong hai năm. Từ đó chú ngoan ngoãn lễ phép và hầu hạ cha mẹ rất mực chu đáo. Lớn lên chú học giỏi thi đậu và thành đạt. (Sau khi kể chuyện, ta giải thích thêm cho trẻ hiểu và áp dụng)

Nói: Ngày xưa có một đứa bé không vâng lời cha mẹ, ít khi chịu theo cha mẹ đi chùa lễ Phật. Những khi phải lên chùa lễ Phật, nếu cha mẹ mãi lo lễ Phật không để ý là chú chạy biến ra ngoài vườn bắt bướm. Một hôm cha mẹ gọi chú đi chùa, chú giả vờ kêu cha mẹ đi trước rồi chú sẽ đi sau. Cha mẹ đi rồi, chú theo chúng bạn đi ra bờ sông câu cá. Trong lúc đùa giỡn, chú bị nước xoáy cuốn ra xa dìm xuống. Mấy đứa bạn sợ bị liên lụy đã bỏ chạy về nhà im thin thít giống như không biết chuyện gì xảy ra. Trong cơn nguy biến đó, chú chợt nhớ cha mẹ chú có dặn là khi gặp tai nạn hãy niệm Bồ tát Quán Thế Am cầu cứu. Thế là chú niệm liên hồi. Chợt một khúc chuối cây trôi trên sông chạm vào người và chú bám lấy. Chú bơi được vào bờ và mãi hôm sau người ta mới đưa chú về nhà giúp. Từ đó chú siêng năng đi chùa, chịu làm lễ quy y, học hỏi giáo lý. (hình như bây giờ chú đi tu luôn)

Nói: Ngày xưa có một chú bé có lòng thương yêu thú vật và cỏ cây. Chú thương chó mèo chim chóc, và thương cả cá tôm, thậm chí bắt trùng dưới đất đùa chơi rồi thả. Chú thương cây cối quanh nhà, và thương những lùm bụi ven đường đi. Nhà chú lúc nào cũng có chim từ xa bay qua reo hót, hoặc mèo chó rượt đuổi vui đùa với nhau. Những cây hoa kiểng, dây leo lủng lẳng khắp vườn. Một hôm mẹ chú bệnh nặng, nhà nghèo, chạy chữa không nổi, và bà hấp hối chờ chết. Chú ngồi bên cạnh khóc lóc thảm thiết. Chợt một ngày sau, người mẹ tỉnh dậy đòi ăn và khỏe hẳn. Bà kể rằng, khi nằm mê man, bà trông thấy hàng chục con chim ngậm cây thuốc bay đến mớm vào miệng bà. Suốt đêm như vậy bà được chim trong mộng cho ăn cây thuốc và đến sáng thì hết bệnh. Chú bé hiểu rằng tình yêu thương thiên nhiên của chú đã được đền bù. Lớn lên chú làm nhà bảo vệ môi trường kêu gọi mọi người bảo vệ rừng và động vật hoang dã.

Đại khái quý thầy cô phải biến những giáo lý trừu tượng thành vô số chuyện kể để cho trẻ ưa thích lắng nghe. Sau đó ta mới phân tích đạo lý trong những câu chuyện kể đó.

Khi trẻ bắt đầu biết yêu quý đạo lý thì ta nên dạy trẻ ngồi thiền dần dần để giúp trẻ kềm chế khuynh hướng hiếu động sẽ làm trẻ căng thẳng về sau.

Nói chung, một tính chất không thể thiếu của nhà hoằng pháp là lòng yêu thương con trẻ. Mỗi khi nhìn thấy trẻ, ta phải bị thôi thúc một điều là sẽ gieo vào lòng trẻ những gì tốt đẹp nhất của nhân loại, của Phật Pháp. Ta mong cho trẻ được no ấm, được học hành tử tế, được thấm nhuần đạo đức, và lớn lên là người hữu

dụng cho cuộc đời.

Có thể ta không tổ chức trẻ thành đoàn thể như tổ chức Gia đình Phật tử, nhưng ta cũng sẽ tạo điều kiện cho trẻ sinh hoạt theo nhóm để rèn luyện cho trẻ tính kỷ luật, biết vâng lời, biết đoàn kết, biết nhường nhịn, biết chăm sóc. Ta sẽ không thiên về tổ chức vui chơi mà khéo léo vừa dạy vừa cho vui chơi trong bài học.

Giáo dục trẻ chính là ta đang xây dựng tương lai cho Phật Pháp.

Hết Chương 8: HOẰNG PHÁP 6: NÓI CHUYỆN VỚI TRẺ
Thông tin sách