Tiểu thuyết
Tác giả: Vương Trí Nhàn

Người Việt Xấu Xí

Chương 30: Gặp Tây ! Ta ứng xử như thế nào

Trong một cuộc họp lớn, một nữ tiến sĩ luật của ta còn rất trẻ, đến muộn và không có chỗ. Một chuyên gia nước ngoài đứng lên để nhường chỗ cho cô ngồi cạnh nam đồng nghiệp người Đan Mạch. Thay vì cảm ơn, nữ tiến sĩ lại đỏng đảnh cười: "Thôi không ngồi cạnh tây đâu, hôi lắm. Sống ở tây mãi rồi còn lạ gì!"...

Văn hoá và ứng xử luôn luôn có vị trí hết sức đặc biệt trong đời sống, không chỉ giữa người mình với nhau mà còn giữa người Việt với người nước ngoài khi đất nước ngày càng mở rộng cửa để hội nhập với thế giới..

1. Tại cuộc họp ở cơ quan lớn nọ, nữ chuyên gia người Hà Lan, tư vấn của một tổ chức phát triển thế giới được mời tới để giúp cơ quan này cải cách bộ máy và tăng cường chất lượng nhân sự. Các quan chức chủ nhà ngẩn người ra một lúc như để lục lọi trí nhớ những kiến thức của mình về đất nước của khách. Rồi vị lãnh đạo cao nhất của cơ quan thốt lên như tìm ra phát minh mới bằng một tràng tiếng Anh ngọng nghịu nhưng nhấn trọng âm của câu rất đúng chỗ: "A, Hà Lan hả? Tôi rất thích uống "sữa" cô gái Hà Lan!" Các vị chủ nhà khác hùa theo: "Chúng tôi ở đây vẫn luôn đố nhau tìm xem cô gái nào mà lại có "sữa" đấy!". Thế rồi tất cả cùng rộ lên cười.

Xa hơn nữa, một vị còn mạnh dạn hơn khen cô xinh đẹp và hoạ bằng một câu ca dao: "Em giòn cái tỉnh tình tinh cũng giòn...", rồi nhất quyết muốn người phiên dịch chuyển lại câu pha trò đó, đặc biệt là nghĩa ám chỉ của cụm từ "cái tỉnh tình tinh", cho khách mặc dù người phiên dịch đã có ý từ chối bằng cách im lặng.

2. Vẫn một phái đoàn của tổ chức phát triển nọ, nhưng lần này gồm những thành viên khác và tới làm việc với đoàn gồm các cán bộ từ nhiều cơ quan khác nhau. Đó là một buổi Hà Nội trời nóng gắt, lại mất điện, hai bên phải ra ngoài sân ngồi chen chúc một chút để có thể vẫn tiếp tục làm việc theo lịch trình. Một nữ tiến sĩ luật của ta còn rất trẻ, đến muộn và không có chỗ. Một chuyên gia nước ngoài đứng lên để nhường chỗ cho cô ngồi cạnh nam đồng nghiệp người Đan Mạch. Thay vì cảm ơn, nữ tiến sĩ lại đỏng đảnh cười: "Thôi không ngồi cạnh tây đâu, hôi lắm. Sống ở tây mãi rồi còn lạ gì!".

Chẳng biết cô định khoe với mọi người xung quanh về lai lịch đã từng học tập ở Liên Xô trước đây hay cô đùa vậy để tránh khỏi phải ngồi cạnh người lạ, khó bề tâm sự vặt trong thời gian họp. Chỉ buồn cho cô là anh chuyên gia Đan Mạch nọ vẫn dành tuần hai buổi học thêm tiếng Việt trong hơn hai năm qua nên có biết tiếng mẹ đẻ của cô!

3. Vẫn lại là một cơ quan phát triển, nhưng lần này là của một nước hàng đầu trong châu lục, chuyên tài trợ phát triển cơ sở hạ tầng cho VN. Đại diện của cơ quan này tổ chức buổi tiệc chúc mừng quan chức của một bộ trong lĩnh vực nhận vốn nước ngoài.

Vậy mà, sau khi được nghe giới thiệu tên của vị quan khách nước bạn, một quan chức của ta đã không ngại ngần: "Ồ cái tên ông giống tên cái xe máy của tôi quá...". Và thế là một tràng cười hưởng ứng từ phái đoàn ta, kèm theo những lời tán thưởng rất rôm rả...

Một sự trùng hợp thú vị, trong buổi họp về cải cách nhân sự ở câu chuyện thứ nhất, tôi học được từ chuyên gia tư vấn rằng một trong ba phẩm chất cần thiết của nhà lãnh đạo là tính hài hước để biết cách giảm bớt căng thẳng trong công việc.

Song hài hước như các vị quan chức, các vị tiến sĩ của ta trong những mẩu chuyện đã kể trên đây thì thật đáng xấu hổ! Nếu tất cả người Việt đều ứng xử như thế này thì...

Thiếu tính hợp tác

Nhiều người lớn từ lâu vẫn đùa chơi với một phép tính như thế này: ba người Nga thì bằng một người Do Thái, ba người Do Thái thì bằng một người Việt Nam, nhưng ba người Việt Nam thì... cái phép tính cuối cùng này mỗi người tính một cách, chỉ có chữ "nhưng" là vẫn giữ nguyên ý nghĩa cho phép người tiếp nhận dù không thể cân đo vẫn hiểu được thâm ý của phép so sánh. Lại còn một hình ảnh ví von khác, cũng chẳng biết là từ đâu ra: một người Việt Nam rớt xuống hồ thì tự leo lên được, nhưng ba người thì không, vì người này lên thì người kia kéo xuống...

...Những câu chuyện truyền miệng có tính phóng đại, ai cũng biết thế nhưng giải thích nguyên nhân thì thật khó khăn và thật khó hiểu nổi vì sao.

Cái tính thiếu hợp tác và manh mún, nhiều người còn nói nặng lời là tính đố kỵ nhau, rõ ràng đã là mâu thuẫn với tinh thần đoàn kết, nhất là tình đoàn kết chống ngoại xâm mà dân tộc Việt Nam đã có truyền thống từ bao đời. Hay là để sống cho hoà bình, trong xây dựng và ổn định, mình sống có khó khăn hơn?

Đoàn kết là một truyền thống của dân tộc Việt Nam, truyền thống tốt đẹp ấy không bao giờ mất. Nên cái băn khoăn mà câu hỏi vừa nêu ra tôi giới hạn câu trả lời của mình trong suy nghĩ về người trí thức, không nên suy diễn ra xa hơn nữa.

Tôi xin bắt đầu bằng một kỷ niệm. Năm 1970, tại một hội nghị quốc tế về giáo dục ở Tokyo, một đồng nghiệp Nhật Bản đã nói với tôi trong một cuộc trò chuyện thân mật: "Các ông trí thức Việt Nam giống như những viên kim cương, còn chúng tôi là một bãi cát...". Là một người Việt Nam, tôi nhạy cảm với mọi lời nhận xét của người nước ngoài về nước mình, nhưng lúc đó tôi chỉ nghĩ đó là một lối nói khiêm tốn đặc trưng của người Nhật Bản, và sau đó không ngừng nhắc lại câu nói ấy với các đồng nghiệp trong nước để cùng nhau hởi lòng hởi dạ. Chúng mình là kim cương cơ mà!

Nhưng rồi khi lòng mình lắng lại, dần dần cùng với thực tế, nghĩ thêm và đọc thêm, tôi mới nhận ra hết được ý nghĩa thâm thuý của câu nói ấy. Thì ra ông bạn Nhật Bản muốn nhắc một câu nói của Tôn Dật Tiên, từng ví dân tộc Trung Hoa trước cách mạng là "một bãi cát lỏng lẻo", nhưng cách mạng đã biến họ thành "một tảng đá cứng được hình thành bằng cát trộn với xi măng". Từ đó tôi luôn đặt câu hỏi trí thức Việt Nam có thật, và có nên nghĩ rằng mình là những viên kim cương hay không?

Kim cương thì quý, vì hiếm nên quí chứ không hẳn do công dụng thực tiễn của nó. Nhưng kim cương thì khó đẽo gọt, lại khó có thứ gì như xi măng để có thể kết hợp chúng lại thành "một tảng đá cứng". Mà ai cũng biết tự cho mình là viên kim cương cả nên muốn dùng ánh sáng của riêng mình để tự phát sáng, hay tự phô trương...

Nguyên nhân của sự "khó ngồi với nhau" còn đó, nên khi chưa được sử dụng đúng với vai trò của mình nên hiều khi kim cương lại bị coi là cát. Thời bình cần trí thức nhiều hơn và một trong những điều kiện bắt buộc là họ cũng "ngồi với nhau", là phải cũng hướng đến lợi ích chung, phải quên bớt bản thân mình đi.

Nhiều khi trí thức Nhật Bản mà tôi thấy, khi đứng riêng lẻ ai cũng là người giỏi nhất, nhưng khi họ biết cách làm việc cùng nhau, họ đã làm được những công trình thật sự lớn lao. Quá trình hiện đại hóa càng phát triển lại càng đòi hỏi nơi mỗi cá nhân một sự hợp tác chặt chẽ và đó là một đòi hỏi tất yếu.

Lỗi của dân trí

Xả rác, phóng uế bừa bãi nơi công cộng, đi lại lộn xộn trên đường phố, đeo bám quấy nhiễu du khách, mở nhạc to hết cỡ làm náo động cả xóm trong đêm... Lý giải những thói xấu đó nhiều người cho là tại dân trí còn thấp, cần nhắc nhở giáo dục. Nhưng ở đây, có thật là do dân trí thấp?

Xả rác, phóng uế bừa bãi nơi công cộng, đi lại lộn xộn trên đường phố, đeo bám quấy nhiễu du khách, mở nhạc to hết cỡ làm náo động cả xóm trong đêm... Lý giải những thói xấu đó nhiều người cho là tại dân trí còn thấp, cần nhắc nhở giáo dục. Nhưng ở đây, có thật là do dân trí thấp?

Một người ít học, thậm chí mù chữ, nhưng tâm trí bình thường liệu có xả rác, phóng uế bừa bãi trong nhà của họ không? Một cậu thiếu niên học lớp 5 chẳng hạn, không thể không biết rằng ra đường phải đi lề bên phải, thấy đèn đỏ ở ngã tư phải dừng xe và rằng đêm khuya người ta cũng cần... đi ngủ.

Đó là những phép tắc rất sơ đẳng mà họ hoàn toàn biết rõ - nói chữ nghĩa một chút, họ hoàn toàn nhận thức được sự đúng-sai, được phép hay không được phép và hậu quả tốt hay xấu của hành vi đó.

Thế nhưng họ vẫn cứ làm những việc gây ảnh hưởng xấu cho người khác, cho xã hội. Nếu hiểu dân trí là trình độ nhận thức về hành vi, cách ứng xử đối với người chung quanh, rộng ra là xã hội của người bình thường thì những vi phạm phép tắc sơ đẳng đó hoàn toàn không do trình độ dân trí thấp.

Một vụ án hình sự trên địa bàn Hà Nội gây xôn xao dư luận gần đây càng cho thấy rằng dân trí không phải là nguyên nhân của nhiều hành vi phạm pháp. Những ông tiến sĩ (chủ mưu vụ tạt axit hàng xóm), thạc sĩ (chủ mưu vụ thuê côn đồ chém người giành bạn gái) hoàn toàn có dư kiến thức chuyên môn, và cả sự hiểu biết về luật pháp nói chung để dạy dỗ những người dân bình thường. Thậm chí trong đó có cả một quan chức có cỡ của ngành thanh tra - một ngành bảo vệ pháp luật. Thế nhưng họ vẫn hành xử như thể Nhà nước không có pháp luật, giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn riêng theo kiểm đâm chém "giang hồ". Rõ ràng không thể đổ lỗi cho "dân trí".

Hẳn nhiên, khách quan mà nói, về nhiều phương diện, chẳng hạn kiến thức khoa học, lịch sử, địa lý, kinh tế..., sự hiểu biết về tổ chức xã hội và nội dung chính của các bộ luật..., trình độ người dân bình thường nói chung còn thấp. Nhưng chuyện xả rác bừa bãi nơi công cộng như thuê côn đồ hành hung, tạt axit người khác... thì dứt khoát không dính dáng gì đến dân trí.

Vậy, nguyên nhân sâu xa nào khiến những người có hiểu biết nhất định, thậm chí có học vị cao, lại hành động như vậy? Câu trả lời xin dành cho các cơ quan điều tra và các nhà xã hội học, luật học, tâm lý học, tội phạm học...

Ở đây chỉ xin ghi nhận đôi điều: tình trạng phạm pháp đã nghiêm trọng, tính răn đe của luật pháp đã quá yếu ớt, đã bị "lờn".

Thứ đến, cần quan niệm đúng hơn, đầy đủ hơn về dân trí: xác định rõ đâu là cái cần nhắc nhở, cần trang bị và nâng cao đối với công dân nói chung và đâu là cái cần áp dụng nghiêm luật lệ, chấn chỉnh cứng rắn. Không nên nghĩ rằng, giáo dục luật pháp chỉ là công việc phổ biến, tuyên truyền về pháp luật mà chính việc thực thi pháp luật đúng đắn, nghiêm minh - từ pháp lệnh về xử lý hành chính (lâu nay hiếm khi nghe nói đến việc phạt vi cảnh), luật dân sự, luật kinh tế cho đến luật hình sự - là một cách giáo dục tốt nhất, hiệu quả nhất. Không lý do gì cứ đi "nhắc nhở, giáo dục" những người biết sai mà vẫn cứ làm.

Qua các vụ án này, một lần nữa, dư luật lại báo động về tình trạng "xuống cấp" đạo đức trong xã hội hiện nay. Phải chăng, trong nhiều thứ mà ta gọi là giáo dục đạo đức từ nhà trường, gia đình và xã hội lâu nay, còn thiếu hoặc là xem nhẹ nội dung giáo dục con người biết cách xử sự kiềm chế, tôn trọng và thân thiện với người khác, kể cả thân thiện với loài vật và thiên nhiên, sống sao cho khỏi thẹn với lương tâm, cho "có đức" như ông bà đã dạy?

Bê tráp theo thầy" và làm "khoa học rỏm"!

Xưa nay, chuyện học trò tự hào vì được theo học thầy giỏi, thầy tự hào vì đào tạo được học trò tài cao cũng là chuyện thường tình. Nhưng dẫu sao thì không phải học trò yêu nào cũng được thầy trao cho "ấn tín" để có thể nối nghiệp.

Những trường hợp như thế thường xảy ra với những ông thầy vốn là người có thực tài, là người khởi xướng một trường phái học thuật, là người nung nấu một (nhiều) ý tưởng khoa học nhưng quỹ thời gian ngắn ngủi của cuộc đời không cho phép họ hoàn thành, hoặc ít ra cũng là một học giả uyên thâm... Tương tự như vậy, học trò phải là người có tư chất trí thức, yêu nghề, hiểu thầy, dám xả thân cho sự nghiệp thầy hằng theo đuổi...

Hơn nửa thế kỷ qua ở Việt Nam, học trò của GS Cao Xuân Huy như Nguyễn Tài Cẩn, Nguyễn Hồng Phong; học trò của GS Trần Đình Hượu như Trần Ngọc Vương, Nguyễn Kim Sơn, rồi học trò của GS Đặng Thai Mai, GS Nguyễn Từ Chi... quả đã không làm hổ danh những người thầy của họ. Từ sự tin cậy gửi gắm của thầy, từ sự nỗ lực của chính bản thân mình, họ đã đạt được không ít thành tựu đáng để đồng nghiệp nể trọng. Không có điều kiện quan sát thời họ theo thầy học hành, song tôi tin họ không phải là những đệ tử "bê tráp theo thầy" kiếm chút thơm lây, cầu danh cầu lợi, như không ít vị "tiến sĩ, thạc sĩ tương lai" mà tôi đã gặp.

Thời còn cặm cụi học hành mong kiếm được chiếc bằng cử nhân, tôi thật sự ngưỡng mộ những anh chàng được thầy ưu ái cưng chiều, được thầy cho xách cặp tháp tùng đi đây đi đó. Liên tưởng tới những học trò tài danh của Khổng Tử, Platon..., tôi càng ngưỡng mộ. Mỗi lần thấy họ khoa chân múa tay trò chuyện bình đẳng với thầy, tôi không khỏi chạnh lòng tủi thân vì sự kém cỏi của mình đã không đủ sức làm cho thầy để mắt.

Một lần, tới dự buổi thuyết trình của một giáo sư nổi tiếng tổ chức tại Viện Văn hoá - Nghệ thuật Việt Nam, tôi may mắn được ngồi cạnh một anh mà trước giờ lên lớp vị giáo sư giới thiệu là một "nghiên cứu sinh nhiều triển vọng". Thấy anh chăm chú nghe như nuốt lấy từng lời, thi thoảng lại ậm ừ hoặc ầm ĩ thốt lên đôi ba hư từ hàm chứa tinh thần thán phục rồi hí húi ghi chép, tôi đâm ngại không dám thì thào bắt chuyện làm quen. Rồi do muốn học hỏi phương pháp học tập, tôi ghé mắt nhìn sang thì thấy trang vở của anh loằng ngoằng những nét dọc nét ngang giống đồ hình một mê lộ. Tôi cố đoán xem đó là cái gì mà không đoán ra, đành tự giải thích: người tài năng có cách thức ghi chép riêng, người bình thường không thể theo được. Tới giờ giải lao, anh mới dành cho tôi chút ít thời gian, không phải để làm quen mà để giảng giải cho tôi đôi điều sâu sắc. Tôi chỉ biết tròn mắt "kính nhi viễn chi", lòng càng củng cố niềm tin về trí tuệ hơn người của những tài năng lớn.

Năm tháng qua đi, tôi còn vinh dự được nghe vị giáo sư này giảng bài thêm vài lần nữa. Không kể mỗi lần giảng là một lần "bổn cũ soạn lại", chỉ kể tới những "tài năng trẻ" được ông giới thiệu, tôi cũng đã được tiếp xúc với năm bảy vị. Song tiếc thay, theo dõi vài chục năm nay, tôi vẫn chưa thấy họ "phát tiết tinh hoa" như ông thầy của họ quảng bá!

Như một sự trùng hợp, những anh chàng xăng xái "bê tráp theo thầy" bao giờ cũng áo quần bảnh bao, tóc râu nhẵn nhụi, và luôn sẵn sàng nổ máy mô tô, móc điện thoại di động gọi taxi để cùng thầy vi vu. Săn đón bên thầy, họ luôn cố gắng chứng tỏ mình là người gần gũi, thân thiết.

Mà kể cũng lạ, nhiều ông thầy coi cái sự quan tâm chăm sóc này như một trách nhiệm hiển nhiên. Nghĩa là ông thầy không nỡ lòng từ chối tấm lòng hiếu thảo của các học trò. Sau mấy năm sôi kinh nấu sử, nghiền ngẫm tư duy, luận án hoàn thành, phần lớn các tiến sĩ, thạc sĩ tân khoa liền ca bài goodbye, chuyển giao sứ mạng chăm sóc ông thầy cho một học trò khác đặng giúp cho quá trình bảo dưỡng khỏi bị đứt đoạn.

Tuy nhiên, khi thấy ông thầy bị người ta phê phán thì có vị cũng muốn chứng tỏ lòng thành hăng hái ra trò. Năm 2002, để chứng minh cuốn sách của thầy là một cống hiến cho khoa học nước nhà, ông thạc sĩ HM đưa ra một tuyên bố xanh rờn rằng có thể đọc "nó" - cuốn sách, bằng nhiều cách khác nhau. Than ôi! đưa ra tuyên bố này ông HM đã bộc lộ một sự non kém không xứng đáng với tầm cỡ một thạc sĩ, đó là: người ta chỉ có thể đọc một tác phẩm văn học với nhiều cách khác nhau, chứ với một công trình khoa học thì chỉ có một cách đọc và đó cũng là một trong những sự khác nhau cơ bản giữa đánh giá một tác phẩm văn chương với đánh giá một công trình khoa học!

Đối với những tiến sĩ, thạc sĩ kiểu này, thường thì sự nghiệp khoa học của họ chỉ dừng lại ở chính cái luận án mà chỉ có cao thủ về "toán tập mờ" may ra mới có khả năng phân định đâu là kết quả nghiên cứu của tác giả, đâu là kết quả nghiên cứu của... người ta. Chẳng thế mà mấy năm trước đọc luận án về văn hoá của ông HXL, tôi ngớ người vì thấy tác giả "thuổng" nguyên văn mấy trang từ một bài tiểu luận tôi đã đăng. Nghe tôi phàn nàn, ông bạn của vị thạc sĩ không tin, liền hỏi: "Tại sao ông lại bảo người ta lấy của ông?", tôi trả lời: "Văn tôi mùi thum thủm, ngửi là thấy ngay"!

Trong văn chương, câu chuyện cũng không kém phần lý thú nếu xem xét tính "đa hiệu quả" của một số tác phẩm lý luận - phê bình. Nhìn từ góc độ văn học, một công trình lý luận - phê bình khi được in thành sách là có đủ tư cách tác phẩm và người ta có thể nuôi khát vọng hướng nó tới một giải thưởng văn chương. Nhìn từ góc độ khoa học, vẫn công trình ấy lại có đủ tư cách xếp vào chủng loại sản phẩm thuộc khoa học xã hội và nhân văn. Nên mới có chuyện khôi hài là chỉ một công trình nhưng lại có thể nhận hai giải thưởng thuộc hai lĩnh vực khác nhau!

Nên khi một vài ông thầy với một vài cuốn sách cũng có thể xơi liền hai giải thưởng cỡ quốc gia, thì đôi ba học trò cũng nhanh chóng tận dụng ưu thế để trở thành nhà lý luận - phê bình, bằng cách: bê luận án ra in thành một cuốn sách và nghiễm nhiên đủ tiêu chuẩn nộp đơn xin vào Hội Nhà văn. Lợi cả đôi đường. Thế là bản luận án còn có khả năng biến một vị mới hôm nào còn "bê tráp theo thầy" bỗng trở thành một "học giả" vừa có học vị cao, vừa là nhà lý luận - phê bình chuyên làm sách sưu tầm, tuyển chọn, hoặc xuân thu nhị kỳ viết một bài đọc sách!

Hơn thế nữa, bên hiện tượng số luận án văn học thật sự có chất lượng chỉ đếm được trên đầu ngón tay, còn lại là khá nhiều luận án xếp loại xuất sắc nhưng không một tiếng vang, tôi còn thấy một tỷ lệ không nhỏ số luận án tập trung nghiên cứu văn học Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945 (chủ yếu là các tác giả Thơ mới, cùng các cụ Thạch Lam, Nguyên Hồng, Nam Cao...) và hầu như không đưa ra được kiến giải gì mới mẻ. Có vị như không thoát khỏi cái bóng của Hoài Thanh, cứ nghiên cứu Nguyễn Bính là chú mục vào hai chữ "chân quê", cứ nghiên cứu Xuân Diệu là tán tụng "say đắm, tha thiết, nồng nàn"...

Dường như người ta tìm thấy hứng thú trong khi cố gắng cày thêm một đường cày trên cái cánh đồng đã được cày bừa tan nát! Phải chăng đây là cách thức để không phải tốn công khám phá, phát hiện và cũng là cách thức để dễ bề "huy động" kết quả nghiên cứu của các bạn nghề? Phải chăng đây cũng là lý do tạo ra nghịch lý: "khoa bảng văn chương" thì nhiều nhưng thành tựu khoa học thì ít?

Xét cho cùng, nguồn cơn của tình trạng làm khoa học "nửa mùa" không hoàn toàn là lỗi của nghiên cứu sinh. Các ông thầy (không rõ là "cây đại thụ" hay "cây lưu niên"?) cũng có lỗi phần nào nếu không nói là lỗi lớn nhất. Thầy có thực tài và làm việc nghiêm cẩn thì làm sao học trò có thể qua mặt để "úm ba la".

Như câu chuyện giáo sư QV cùng mấy "đệ tử" cho ra một cuốn giáo trình về văn hoá Việt Nam để giảng dạy trong các trường đại học chẳng hạn. Sau khi ông giáo sư cho ra mắt giáo trình rồi rầm rộ tập huấn ngoài Bắc trong Nam thì người ta phát hiện ra một hai "đệ tử" của vị giáo sư đã viết lách linh tinh và "đạo văn" vô tội vạ. Mà các vị này lại toàn là những tiến sĩ, thạc sĩ mới quả là gay go. Cực chẳng đã, thầy trò bảo nhau tu bổ lại cuốn giáo trình, sửa sang những chỗ đã trót "cầm nhầm", thêm vài lời cảm ơn những người phê phán và nhanh chóng tái bản. Bằng động thái này, thầy trò vị giáo sư đã làm được hai việc: một là lờ tịt số phận trôi nổi của 1.000 cuốn giáo trình "đạo văn" đáng lẽ phải bị thu hồi, hai là học hàm học vị không bị sứt mẻ chút nào lại được thêm tiếng thơm là người cầu thị. Khôn thật!

Từ sự kiện này tôi đặt ra câu hỏi: viết có mấy chương giáo trình còn phải đi "đạo văn" thì liệu cái luận án tiến sĩ, thạc sĩ của mấy "đệ tử" có cùng chung cảnh ngộ hay không? Nhưng hỏi thì hỏi vậy thôi, chứ câu trả lời có lẽ chỉ ông trời mới biết!

Đọc công trình, tiếp xúc với luận điểm, nghe bài giảng của một số ông thầy, đôi lúc tôi thích làm khổ mình bằng câu tự vấn "những thành tựu đó liệu có khả năng sống được với thời gian?", chỉ vì lẽ tính phát hiện của chúng quá mờ nhạt. Đó là chưa nói việc tôi còn được thưởng thức những phát kiến có khả năng biến khoa học thành sàn diễn "đời cười".

Không biết các ông giáo sư, tiến sĩ mà tôi dẫn lại dưới đây đã tham gia đào tạo nghiên cứu sinh nào chưa, nếu có thì thật lòng tôi rất nghi ngờ kết quả đào tạo của các ông. Chẳng là vài năm trước, ông tiến sĩ Triết học VT - Chủ nhiệm Khoa Triết của một trường đại học đã viết trên một tạp chí: "Đầu Công nguyên, tầng lớp thượng lưu, quan lại Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu đậm của triết lý Nho gia với việc tu thân để tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, nếu tiến thì vi quan, còn thoái thì vi sư". Tiến sĩ VT quả là đã có một nhận định động trời: vào thời Bà Trưng, Bà Triệu chưa cất tiếng khóc chào đời mà nước Nam ta đã có "tầng lớp thượng lưu, quan lại", không những thế, họ còn "chịu ảnh hưởng sâu đậm của triết lý Nho gia"! Chỉ riêng với phát hiện này, theo tôi chí ít ông tiến sĩ VT cũng xứng đáng được trao giải "Mâm xôi Vàng".

Nghiên cứu thì như thế, còn tri thức thì ra sao, xin kể câu chuyện về PGS TS Triết học HQ - người được học trò chơi chữ gọi là "PGS thất học" vì ông giảng dạy hẳn bảy bộ môn khoa học khác nhau! Lên lớp cho nghiên cứu sinh về Kitô giáo, thấy ông nhiều lần nhắc tới tín điều "tam vị nhất thê", học trò hơi bị lạ tai liền đề nghị ông cho biết "tam vị nhất thê" là cái món gì. Ông tỉnh queo giải thích: "Tam vị là ba người gồm Đức chúa cha, Đức chúa con và Thánh thần, nhất thê là chỉ bà Maria. Tam vị nhất thê tức là ba ông lấy chung một vợ". Người học khiếp quá, nhưng cũng chỉ biết nhấn chìm trận cười vào trong bao tử. Dù sao thì cũng phải nghĩ tới kỳ thi hết môn nữa chứ!

Nghe tôi bàn luận về tình trạng làm khoa học "nửa mùa" của một số ông thầy và một số tiến sĩ, thạc sĩ đương thời, sau khi đồng cảm chia sẻ một anh bạn tôi lại dịu dàng khuyên nhủ: "Thời nào mà chẳng có học thật học giả, ông để ý làm gì!". Nghe anh nói tôi cũng thấy xuôi xuôi. Nhưng vẫn cứ băn khoăn: trong số hàng vạn ông bà có học vị trên đại học kia liệu có bao nhiêu người thật sự có tài năng, có tâm huyết, và liệu có bao nhiêu người đang tồn tại một cách "hữu danh vô thực" trên chính cái mảnh đất khoa học đã khai sinh ra họ.

Ngày nay, khi tri thức đang trở thành một bộ phận của lực lượng sản xuất xã hội thì nó cần tới sự học hành và đào tạo nghiêm chỉnh. Nó không dung nạp những trí thức "nửa mùa" mà sự tồn tại chỉ gắn liền với bằng cấp, không gắn liền với năng lực. Chính vì thế, lẽ nào một xã hội muốn phát triển lại không cần nghiêm khắc với vấn đề nói trên?

Tật huyền hồ lý tưởng

Xét trong văn chương nước Nam, điều gì cũng toàn huyền hồ giả dối hết cả, không có cái gì là thực tình. Người làm thơ thì ngâm những cảnh núi Thái Sơn, sông Hoàng Hà, giời cao, bể rộng. Núi Tản Viên, sông Nhị Hà sờ sờ trước mắt, thì cảnh không ứng bao giờ. Có cao hứng mà vịnh đến thì cũng phải viện đến cái gì ở đâu xa, chưa biết, chưa trông thấy.

Thời tiết nước mình thì không biết một chút chi chi, tả đến tứ thời thì xuân phải phương thảo địa, hạ phải lục hà trì, thu phải hoàng hoa tửu, đông phải bạch tuyết thi.

Họa may có điều gì cảnh mình hợp với cảnh Tàu thì có ra hay, nhưng thỉnh thoảng đưa những ngô đồng với bạch tuyết, lá rụng, hoa rơi, đều là hão huyền cả. Chớ mùa thu ta nào thấy lá rụng, mùa đông ta nào thấy tuyết sa. Thành ra câu hát cũng hát cho người, cảnh nhà mình thì như mù mắt điếc tai. Mượn chữ người, mượn đến cả phong cảnh, tính tình, chớ không biết dùng cái vật liệu mượn ấy mà gây dựng lấy văn chương riêng, cho nó có cái lý tưởng đặc biệt.

Anh thợ vẽ kia, thì sao khéo bôi xoa "Tiều phu Lã Vọng", "tòng lộc", "liên áp", "trúc tước", "mai điểu" quanh quẩn chỉ có thế, mà nay lại mai đề, không biết chán ngọn bút. Con cò nó lặn lội bờ sông, con trâu nó kéo cày dưới ruộng, là những cảnh ngày nào cũng trông thấy, thì ra chú khách không cho kiểu, cho nên chịu không sao ngâm được, không sao vẽ được.

Bác thợ chạm khéo đục "dây nho con sóc" mà chẳng biết cây nho ở đâu, con sóc nơi nào. Thế ra xưa nay cứ thấy làm sao bào hao làm vậy. Xem tranh vẽ chim, vẽ cây, chẳng hiểu người ta ngụ ý gì mà vẽ nên tranh, thấy nó cũng đỏ đỏ, cũng xanh xanh, thì tựu đắc ngồi rung đùi mà thú cho lấy được.

Còn về đạo cương thường, cứ nói rằng ta thâm nhiễm của Tàu nhiều lắm rồi, nhưng xét ra thì người An Nam chưa có điều gì gọi là thâm nhiễm. Trong hết cả số người theo Nho học, thì họa có mấy ông vào bậc học giỏi, hiểu biết được đạo Khổng Mạnh. Còn những bậc làng nhàng thì thường cứ thấy người ta học cũng học, học cho thuộc sách mà thôi, chớ không có định bụng rằng theo những điều nào, trong đạo Nho cốt tử ở trên, kháp đạo ấy vào tính tình riêng người nước mình nó ra làm sao, chắc hỏi những câu ấy không có mấy thầy đồ cắt cho gẫy gọn được.

Tôn giáo thì đã nói rồi, xem ra cũng một cách huyền hồ như vậy mà thôi.

Đến như việc chính trị, thì vua Gia Long bỏ luật Hồng Đức đi mà làm cả một pho luật mới, chép tuốt cả của Tàu, cả từ điều nước mình có cho đến những điều mình không có, cũng bắt chước. Thành ra luật phép cũng hồ đồ cứ thi hành được đường nào hay đường ấy.

Xét ra thì cương thường đạo lý, phong tục chính trị, toàn là giả dối hết cả, không có điều gì là có kinh có điển.

Thế mà ngày nay có cải lương cái gì, sợ rằng trái đạo lý cũ của mình. Đạo lý cũ của mình là thế nào, có ai biết đâu?

Con khóc cha mà cũng phải tìm trong "Thọ mai gia lễ" hay là "Văn công gia lễ", xem ngày xưa ở bên Tàu các ông ấy khóc cha mẹ ra làm sao, thì cứ thế mà khóc. Giản hoặc trong hai cách có điều gì khác nhau, thì cũng biết vậy, lúc túng việc thì vớ quyển nào theo quyển ấy. Gọi cho nó theo một lệ nào đó, thì là nhà văn phép.

Xét ra trong các trò chơi, như hát tuồng, hát chèo, cũng hay bắt chước những cách vô lý, tỏ ra rằng người An Nam không có lý tưởng nhất định về chuyện gì, cứ gặp sao nên vậy.

Tấn tuồng thì hay lấy sự tích của Tàu mà lúc ra hát thì quên cả dến thời đến xứ. Cứ nhân được chỗ nào có dịp hát mấy câu nam, thì nam cho mấy câu. Chỗ nào có dịp khôi hài thì khôi hài. Thấy người xem có mấy người dễ cười thì làm mãi. Chẳng có kinh điển nào cả.

Đến như cái lý tưởng đẹp thì người An Nam lý hội điều đẹp cũng có một cách lạ.

Sách Tàu tả người đẹp, môi son, mắt phượng, mày ngài. Khuôn giăng minh liễu, thì bao giờ tả người đẹp cứ thế mà tả.

Có người nói thấy cái xe, ngồi lên thì nhanh mà đỡ mỏi, không sợ mưa nắng, đi đâu ba bốn người rủ nhau đi thuê một cái, xếp hàng họ, rổ rá, gồng gánh lên đó, rồi hai người ngồi trên, có khi ba người ngồi chồng lên nhau, đau lưng, mỏi cổ, sái chân, méo xương sườn, nắng chiều chiếu xiên khoai vào mặt, lệch đà lệch đệch, đi bước một, giá đi chân nhanh bằng hai. Nhưng mà đã thấy nói rằng đi xe nhanh mà tiện, thì ngồi xe dầu có cực đến thế nào cũng cho là nhanh lắm, tiện lắm.

Đó là những việc thường, mới trông ra thì tưởng nhàm, nhưng xét cho kĩ thì là những tật của trí khôn người An Nam ta, làm cho khó bảo, khó khiến được cho vào đường văn minh, cho chịu nghe những nghĩa lý phải.

Lấy hoà làm quý

Một người Việt Nam lớn lên vẫn không quen với rất nhiều lời răn dạy về cách sống, cách cư xử ở đời... thôi thì chịu chín bỏ làm mười, một sự nhịn chín sự lành, thôi thì đóng cửa bảo nhau, thôi thì dĩ hoà vi quý... tất thảy đều mang một tấm lòng khoan nhượng. Nhưng những tính tốt ấy có phải lúc nào cũng là một cách sống tích cực?

Nếu nhìn vấn đề ở góc độ lịch sử, những cái đang trở thành nhược điểm của người Việt Nam hiện nay chủ yếu được hình thành trong thế kỷ 20.

Một thế kỷ đầy biến động, chúng ta kế thừa một thứ chủ nghĩa phong kiến để chống chủ nghĩa thực dân và đế quốc, và quy luật chiến tranh đè bẹp, lấn át mọi quy luật kinh tế xã hội. Ở miền Bắc hình thành cơ chế bao cấp - không có cơ chế đó chúng ta không thắng Mỹ được.

Nhưng bao cấp, nhất là bao cấp kéo dài sau năm 1975 lại làm nảy sinh hai đứa con tệ hại là thói đạo đức giả và thói vô trách nhiệm. Báo "Ong đất" của Bungari nhìn lại thời kì này của chính họ, đã tổng kết nên 6 nghịch lý mà ta có thể tham khảo :

- Ai cũng có việc làm nhưng không ai làm việc.

- Ai cũng không làm việc nhưng ai cũng có lương.

- Ai cũng có lương nhưng không ai đủ sống.

- Ai cũng không đủ sống nhưng ai cũng sống.

- Ai cũng sống nhưng không ai hài lòng.

- Ai cũng không hài lòng nhưng ai cũng giơ tay "đồng ý".

Bây giờ cơ chế thị trường lại sinh ra hai đứa con là nóng ruột kiếm tiền và cắm đầu hưởng thụ. Mọi nhược điểm chỉ phát huy tác dụng trong môi trường của bốn thói xấu này. Một câu nhịn, tốt quá. Nhưng nếu tôi vô trách nhiệm, đó là sự biện hộ cho thói vô trách nhiệm của tôi.

Hết Chương 30: Gặp Tây ! Ta ứng xử như thế nào
Thông tin sách