Chúng ta chưa có thói quen sống theo các chuẩn mực của xã hội công dân. Trong một xã hội được tổ chức tốt, các quan hệ giao tiếp, xử sự giữa người và người đều dựa trên ý thức về quyền chủ thể. Trong cuộc sống dân sự tồn tai nhiều loại lợi ích vật chất và phi vật chất, khi một lợi ích nào đó thuộc về một người, thì nó không thể thuộc về một người khác. Xã hội chỉ có trật tự, nếu trong điều kiện một lợi ích thuộc về một người, tất cả những người khác phải tôn trọng việc người đó thụ hưởng lợi ích thuộc về mình.
Việc một người"có" trong khi những người khác "không có" tạo ra một tình trạng mà thoạt trông có vẻ không công bằng. Song, tính công bằng của giải pháp thể hiện ở chỗ người có lợi ích, đến lượt mình, phải tôn trọng việc một người khác thụ hưởng một lợi ích khác thuộc về người đó. Một người có quyền ưu tiên vượt ngã tư khi đèn xanh, bởi vì chính người này phải dừng lại ở ngay ngã tư đó khi đèn đỏ, để nhường quyền ưu tiên vượt ngã tư cho người khác. Khi có nhiều người cùng xếp hàng mua vé xem đá bóng, thì người đến sau phải nhường quyền ưu tiên mua vé cho người đến trước bằng cách xếp hàng chờ đến lượt mình, nếu chính người này đến trước thì quyền ưu tiên đó thuộc về họ. Xuất phát từ suy nghĩ ấy, người ta nói rằng người vượt đèn đỏ coi như đã có hành vi ăn cắp quyền sử dụng đèn xanh của người khác, người không chịu xếp hàng mà chen lấn giành mua trước là người có hành vi ăn cắp lượt ưu tiên của người đến trước.
Ở Việt Nam, nhà trường và gia đình thường không dạy như thế. Điều đó giải thích sự phổ biến của các hành vi ứng xử rất kém văn minh diễn ra công khai và vô tư: điều khiển xe vượt đèn đỏ hoặc chạy ngược chiều quy định, chen lấn, giành lượt ở các quầy vé, xả rác, tiều tiện, khạc nhổ ở nơi công cộng.