Tôi đã về nước được 8 năm. Điều đó thể nói, tự đáy lòng, là tôi chưa bao giờ cảm thấy hối tiếc về quyết định trở về của mình dù tôi đã không thể thực hiện đúng mong muốn các dự án, kế hoạch mà tôi đã ấp ủ với nhiều tâm huyết trong thời gian học tập ở nước ngoài và dù những khó khăn, trở ngại phải đương đầu phức tạp hơn tôi từng nghĩ. Tôi quý trọng những niềm vui và cả những nỗi buồn trong cuộc sống.
Trở về nước: sự lựa chọn sòng phẳng chứ không phải sự hy sinh.
Trong hầu hết trường hợp, người tốt nghiệp ở nước ngoài, dù với thứ hạng cao, không được người ta trải thảm đế mời ở lại. Một số người thực sự giỏi, nếu có nguyện vọng ở lại, sẽ được nhà chức trách nước sỏ tại tạo điều kiện thuận lợi để định cư, nhưng họ cũng phải thỉnh cầu, phải xếp hàng, phải trông cậy vào các cơ hội, như bao nhiêu người. Ở lại nước ngoài, họ cũng phải đương đầu với sự ghen tị, đố kỵ của các đồng nghiệp và cũng phải nỗ lực để vươn lên trong khó khăn, chưa kể những khó khăn riêng dành cho một công dân có nguồn gốc nhập cư.
Không phải không có trường hợp một người dù được mời đích danh, đã từ bỏ cuộc sống ổn định, sung túc ở nước ngoài để trở về phục vụ đất nước và chấp nhận cuộc sống vật chất thiếu thốn. Nhung đại đa số người quyết định trở về là do thực sự có nhu cầu làm việc để kiếm sống và xây dựng sự nghiệp ở quê nhà. Nếu một người có khả năng định cư ở nước ngoài quyết định trở về, thì đó là vì họ có nhu cầu làm việc ở quê nhà, cũng như họ có nhu cầu làm việc ở xứ người và, thay vì chọn xứ người, họ đã chọn quê nhà. Nói như thế không phải để tầm thường hoá việc trở về phục vụ đất nước của người Việt Nam học tập ở nước ngoài hoặc người nước ngoài gốc Việt. Đơn giản, họ đã lựa chọn giữa các con đường có những khó khăn và thuận lợi không khác nhau và phải tự chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình.