Ngồi trong phòng khách, lướt tầm mắt qua cửa sổ, tôi nhìn ra bên ngoài. Từ đêm qua, trận tuyết đầu mùa đã bắt đầu rơi xuống thành phố. Sáng nay, quang cảnh như được bao phủ bởi một màu trắng tinh khiết. Nhìn những bông tuyết đang lất phất bay ngoài trời, tim tôi chợt thắt lại... vì nỗi nhớ thương một người. Tôi thật không ngờ, đã hơn năm năm trôi qua, vậy mà cứ mỗi khi nhìn thấy tuyết rơi là tôi lại nhớ thương day dứt. Hình như có ai đó đã nói rằng, mối tình đầu là mối tình khó quên. Điều này đối với tôi chỉ đúng có một nửa, bởi vì mối tình đầu của tôi không chỉ là khó quên, mà thật sự là không thể nào quên được. Ánh mắt của chàng, nụ cười của chàng, ngay cả những cái nhăn mày của chàng khi giận dỗi, và nhất là cái lúm đồng tiền xinh xinh trên má khi chàng cười... Tất cả đều còn rất đậm nét trong trí nhớ của tôi, như thể chỉ mới là ngày hôm qua hay hôm kia thôi, chứ không phải là năm năm.
Năm năm, thời gian không dài so với một đời người, nhưng để cố quên đi một người thì thật sự không phải là ngắn. Tôi không hiểu trong năm năm trời này tôi đã sống như thế nào, nhưng tôi biết rõ một điều, nếu không có bé Đông và không vì bé Đông, có lẽ tôi đã ngã gục từ lâu lắm rồi. Biết bao nhiêu lần tôi muốn buông xuôi, nhưng nhìn lại con mình, tôi lại cố gượng dậy và đứng vững trở lại. Bé Đông không có tội gì, có tội chăng là tội của cha mẹ nó, đã tạo ra nó mà không làm tròn trách nhiệm của cha mẹ. Nó đã vô phúc không có cha từ lúc lọt lòng, thì tôi chẳng những phải làm tròn bổn phận người mẹ, mà còn phải thay thế cả người cha để đền bù phần nào sự bất hạnh của bé Đông.
Từ nhỏ, tôi đã cố gắng lo lắng thật đầy đủ không để con tôi thiếu thốn một thứ gì. Tôi có thể nhịn ăn hoặc là không mua sắm cho mình, nhưng với con tôi thì mọi thứ đều phải chọn thứ hạng nhất, dĩ nhiên là nếu tôi có đủ khả năng. Cũng may, từ khi bé Đông hai tuổi, tôi đã tìm được một việc làm tốt, lương cao, lại tương đối nhàn hạ. Buổi sáng, tôi đem con gửi nhà trẻ, buổi chiều tan sở đến đón con về. Lúc đầu, chiều nào đón bé Đông về hai mẹ con cũng ôm nhau khóc. Con khóc vì cả ngày nhớ mẹ, còn mẹ khóc vì tội nghiệp con, và vì tủi than. Nhưng dần dần đâu cũng vào đấy, bé Đông quen cô, quen bạn đã bớt khóc nhè. Mẹ nó thì cũng quen với nhịp sống bon chen và dồn dập của xã hội nên cũng chai lì đi phần nào.
Thời gian trôi qua, bé Đông mới đó đã năm tuổi. Tháng chín vừa qua bé đã vào mẫu giáo, và lúc này mới là lúc tôi phải đối diện với một vấn đề khó xử. Dù cho tôi có thể lo lắng về vật chất cho bé Đông đầy đủ như thế nào đi nữa, tôi cũng không thể mua cho nó một người cha. Hôm qua đi học về, nó mếu máo hỏi tôi tại sao nó không có ba như những bạn khác. Tôi đã cứng miệng không trả lời được cho con tiếng nào. Tôi thật sự chưa chuẩn bị tinh thần để trả lời những câu hỏi như vậy, tôi không nghĩ là con tôi đủ lớn để đặt những câu hỏi như thế này. Quả thật tôi đã lầm, trẻ con nhạy cảm hơn tôi tưởng. Tôi đâu để ý là những lần đến trường đón con, nó đã nhìn thấy bạn bè có cả cha lẫn mẹ, còn nó thì chỉ có mẹ thôi.
Từ hôm qua đến giờ tôi đã suy nghĩ thật lâu mà không tìm ra một giải thích nào để nói cho bé Đông hiểu. Nói nó không có ba? Dĩ nhiên không thể được, trẻ con ở đây không dễ gì bị gạt như vậy. Nói ba nó chết rồi? Càng không thể được, không thể nói như vậy khi mà ba nó còn sống và đang ở cách nó không xa lắm. Cuối cùng tôi chỉ còn cách nói là ba con phải đi làm xa. Nó ngây thơ hỏi chừng nào ba về hở mẹ? Tôi chảy nước mắt đáp đại, chừng nào bé Đông lớn hơn, ngoan hơn, ba sẽ về. Tội cho con tôi, nó đã tin như vậy, và nó đã nói rằng Đông sẽ ngoan, sẽ cố ăn nhiều cho mau lớn để ba mau về.
Tôi ôm đứa con tội nghiệp của mình vào lòng, áp má vào mặt nó. Nó còn hỏi, sao mẹ khóc vậy mẹ, mẹ cũng nhớ ba sao? Tôi nghẹn ngào không thể trả lời con. Tim tôi gào tên chàng, anh đang ở đâu? Có biết con anh đang bị em gạt hay không? Có lẽ anh cũng chẳng cần gì đứa con này, bởi vốn anh chẳng biết anh đã tạo ra nó. Có nó hay không đối với anh chắc cũng không quan trọng, vì chỉ những đứa con chính thức của vợ chồng anh mới thật sự là con của anh. Đã năm năm qua rồi, ngoài đứa con bằng tuổi bé Đông, không biết anh đã có thêm bao nhiêu đứa nữa? Tôi lắc đầu, xua đi những tư tưởng vớ vẩn. Cũng tại cái trận tuyết đầu mùa này, đã khiến tôi nhớ chàng quay quắt. Dĩ vãng của mười năm trước hiện về như một cuốn phim quay chậm...
***
Ngày đó, khi quen chàng, tôi hai mươi mốt tuổi. Với những người con gái khác, có thể đó là một lứa tuổi đầy hoa mộng. Nhưng đối với tôi thì không hoa, cũng chẳng mộng. Tôi là con gái lớn nhất trong một gia đình có bốn anh chị em, hai trai, hai gái. Năm mười chín tuổi, tôi được ba mẹ gửi đi vượt biên với gia đình người dì, và tôi theo gia đình dì dượng sang định cư tại Montreal. Hai đứa em họ trạc bằng tuổi tôi được dì dượng nuôi cho đi học tiếp. Còn tôi, tôi hiểu rõ thân phận của mình nên đâu dám đòi hỏi được giống như họ. Vả lại, cả gia đình năm người còn lại ở Việt Nam đang trông chờ vào tôi, cho nên tôi phải lăn xả ra đi kiếm việc làm.
Lúc ở Việt Nam tôi đang học năm thứ hai đại học dưới chế độ cộng sản, qua đây coi như bỏ đi. Cái bằng tốt nghiệp phổ thông đổi ra tương đương với bằng trung học bên này làm sao xin được việc làm gì. Cho nên tôi đành làm tất cả những công việc nào mà họ chịu mướn tôi, miễn là kiếm được càng nhiều tiền càng tốt.
Năm đầu tiên, tôi làm đủ thứ việc. Từ vô hộp, đóng thùng ở một hãng làm chén dĩa, cho đến đi bán thức ăn ở Mac Donald. Tôi làm ban ngày, làm cả ban đêm. Cũng may, dì dượng tôi cũng thông cảm với hoàn cảnh gia đình tôi, cho nên không lấy tiền nhà. Vì vậy bao nhiêu tiền dành dụm được, tôi gửi hết về Việt Nam. Thời đó Việt Nam mới thay đổi chính sách, ba mẹ tôi mang số tiền tôi gửi về, ra mở một cửa tiệm bán quần áo, có lẽ cũng tạm đủ để nuôi mấy đứa em còn lại của tôi.
Không biết dì tôi đã nói gì với mẹ tôi mà bà đã viết thư sang bảo rằng bên này đã đủ sống rồi, con không cần gửi về nhiều nữa. Nhưng, cho dù mẹ tôi không nói đi nữa, có lẽ tôi cũng không còn có đủ khả năng để gửi về nhiều như lúc trước, vì sau một năm làm việc quá sức và ăn uống không điều độ, tôi đã bị đau một trận thật nặng. Sau đó, bác sĩ khuyên tôi không được làm việc quá sức, phải nghỉ ngơi và ăn uống cho đầy đủ nếu không muốn bệnh cũ tái phát.
Đúng vào lúc này, dượng tôi được một hãng lớn bên Mỹ nhận nên cả gia đình dì dượng dọn đi Mỹ. Dĩ nhiên tôi không được đi vì tôi không phải là con của dì dượng. Vả lại tôi cũng không muốn đi, vì sau một năm sống ở cái xứ được mệnh danh là "xứ lạnh tình nồng" này, tôi đã nẩy sinh một chút tình với nó. Trước khi đi Mỹ, dì tôi sợ tôi ở lại môt mình lại lo làm việc không biết giữ gìn sức khoẻ, nên dì nhờ người quen đưa tôi vào làm thư ký cho hãng SD, một hãng xuất nhập cảng của người Việt Nam làm chủ. Dì nói ông chủ hãng này tốt lắm, chuyên môn giúp đỡ người mình, như tôi vào làm thư ký cũng không cần bằng cấp, miễn làm được việc thì thôi, vừa làm vừa học cũng được.
Về chỗ ở thì dì nói con gái ở một mình không tiện, cho nên dì giới thiệu cho tôi đến ở chung với một chị độc thân cũng làm ở SD. Dì nói hai người, dù là con gái cũng đỡ hơn một người. Lo lắng chu đáo cho tôi xong dì mới yên tâm cùng gia đình đi Mỹ.
Còn nhớ, tôi bắt đầu nhận việc ở SD vào giữa tháng Bẩy, đúng vào hai tuần nghỉ hè, cho nên khi tôi vào thì chỉ có một số ít người làm việc. Đa số đều đã đi nghỉ hè, gia đình ông chủ cũng vậy. Tôi nghĩ thầm, như vậy cũng hay, tôi có đủ thời gian để thích nghi với công việc trước, để sau này khi ông chủ về đỡ bị khớp. Theo lời chị Mai, chị bạn ở chung nhà, thì công ty này là một kiểu kinh doanh gia tộc, ngoài ông chủ lớn, còn có một ông chủ con. Ông chủ lớn mà mọi người thường gọi là ông Thành rất hiền lành, phúc hậu hay giúp đỡ người đồng hương. Bà chủ thì có vẻ nghiêm khắc và dữ hơn ông chủ nhưng không thường xuyên có mặt trong hãng.
Ông bà Thành chỉ có một người con trai duy nhất, tên Hưng. Đó chính là ông chủ con, người mà theo lời chị Mai thì khoảng hai mươi sáu, hai mươi bẩy tuổi, đẹp trai, lịch sự, rất galant với phái nữ, ăn nói dịu dàng, đối xử với mọi người rất nhã nhặn dù là những người dưới quyền mình. Chưa bao giờ thấy anh ta nổi giận hay to tiếng chửi mắng ai, bởi vậy ở trong hãng có thể nói ai cũng thích anh ta, đặc biệt là phái nữ. Nhưng, cũng theo lời chị thì rất tiếc cho các cô nàng để ý đến anh ta bởi vì anh ta đã có vị hôn thê rồi, và rất là môn đăng hộ đối do gia đình hai bên sắp đặt, là con gái của ông chủ một công ty lớn hơn công ty SD.
Chị còn nói cô ta không đẹp lắm, nhưng nhờ biết cách trang điểm và ăn diện đồ đắt tiền nên coi cũng tạm được. Có điều vì được nuông chiều từ nhỏ nên bản tánh rất phách lối, ngang tàng, nhiều khi vì một lý do thật nhỏ nhặt mà mắng chửi người ta không tiếc lời. Tuy cô ta không làm ở SD, nhưng buổi trưa hay đến để cùng đi ăn trưa với vị hôn phu cho nên ai cũng biết mặt. Chị Mai dặn tôi sau này có gặp cô ta ở đâu thì nhớ tránh mặt, bởi vì hình như cô ta không có thiện cảm với những người đàn bà đẹp hơn mình.
Về gia đình ông chủ thì tôi tạm hiểu như vậy, còn về việc làm thì tương đối dễ dàng hơn tôi nghĩ, công việc của tôi chỉ là ghi chép sổ sách, hàng vào, hàng ra, giá cả, học sử dụng một chút computer. Với trình độ của tôi thì những việc này khá đơn giản, chỉ cần một tuần lễ là gần như tôi đã thạo hết mọi việc.
Hai tuần lễ sau, gia đình ông chủ trở về. Ngày thứ Hai đầu tuần tôi phải vào yết kiến ông Thành. Đúng như mọi người đã nhận xét, ông Thành quả thật là một người hiền lành và giàu lòng thương người. Ông đã không ra mặt ông chủ với tôi mà còn khuyên tôi nên cố gắng học hỏi. Ông nói ngày xưa khi ông mới sang định cư cũng chỉ với hai bàn tay trắng, nhưng với sự cố gắng không ngừng ông đã tạo nên sự nghiệp hôm nay.
Qua bao nhiêu lời tán tụng, tôi có ý chờ gặp mặt Hưng, nhưng phải sang đến thứ Ba thì tôi mới được gặp chàng. Thật khác với tưởng tượng của tôi, Hưng trông giống như một nghệ sĩ hơn là một người làm thương mại, có lẽ vì mái tóc để hơi dài bềnh bồng rũ xuống trán và cái dáng dong dõng cao của chàng. Trên khuôn mặt vuông cương nghị nổi bật nhất là cặp mắt như biết nói, nằm dưới hai hàng lông mày thật rậm, chiếc mũi cao thẳng, cái miệng khi cười lại có một cái lúm đồng tiền nho nhỏ trông thật có duyên. Đẹp trai như vậy lại là con nhà giàu, hèn gì mà chẳng khiến các cô trong SD điên đảo.
Tôi thầm chắc lưỡi, tiếc là chàng đã có vị hôn thê rồi, nếu không biết đâu trong cái đuôi dài sắp hàng chờ chàng ghé mắt xanh lại chẳng có thêm tôi? Nghĩ là nghĩ chơi cho vui vậy thôi, chứ thật sự tôi biết rõ Hưng thuộc về một giai cấp khác. Một con bé nghèo nàn và không có học như tôi thì đến gần sợ còn không được nữa kìa chứ nói gì đến được chàng để mắt tới, họa chăng chỉ là trong mơ. Hưng đưa cho chị Hương, thư ký riêng của chàng một hộp chocolat lớn bảo đem mời mọi người. Tôi cũng nhón một miếng cho vào miệng, và cảm thấy miếng chocolat hình như ngon hơn bình thường.
Người cuối cùng mà tôi mong được gặp mặt là vị hôn thê của Hưng, Mỹ Lan, cái tên thật đẹp, để xem con người có xứng với chàng không? Trưa thứ Sáu, gần đến giờ ăn trưa thì chị Mai chợt chạy qua khều tôi nói nhỏ, nhìn kìa, bà chủ tương lai của mình kìa. Tôi ngước nhìn, Mỹ Lan đang bước qua bàn của tôi để đi về phía phòng của Hưng. Nhận xét đầu tiên của tôi có được là cô ta chưng diện hơi diêm dúa, từ cách ăn mặc cho đến cách trang điểm, tất cả đều như muốn người khác nhìn thấy được sự giàu có của mình. Cô ta mặc một cái mini jupe màu đỏ, áo thun bên trong màu đen có ánh kim tuyến, chân đi vớ dài màu đen, bên ngoài khoác một cái jacket ngắn bằng da đen, dưới chân mang một đôi giày bốt cao cùng loại da với cái áo jacket.
Tôi không rành lắm về thời trang hay quần áo của những hãng danh tiếng, nhưng nhìn cách ăn mặc của Mỹ Lan tôi biết có lẽ không có gì trên người cô ta là không đáng tiền. Rất tiếc là cô ta đã quá lạm dụng cho nên trở thành diêm dúa. Nói về nhan sắc thì đúng như chị Mai đã nhận xét, Mỹ Lan không đẹp lắm, nhưng cô ta biết cách trang điểm nên nhìn cũng không đến nỗi nào. Chỉ có điều cô ta lại dùng quá nhiều mỹ phẩm khiến cho khuôn mặt mất đi vẻ dịu dàng, tự nhiên.
Mỹ Lan đã vào phòng của Hưng. Một lát sau tôi thấy chị Hương bưng vào một cái tách, có lẽ là cà phê. Tôi cúi xuống tiếp tục công việc của mình. Bổng dưng tôi nghe có tiếng la bằng tiếng Việt chen lẫn tiếng Anh:
-Oh, my God, chị có biết pha cà phê không? Chị đem cho tôi ly cà phê nguội như vậy làm sao mà uống?
Mọi cái đầu đều ngẩng lên, mọi cặp mắt đều đổ dồn về hướng bàn làm việc của chị Hương, kê truớc phòng của Hưng. Tôi thấy chị Hương cúi gầm mặt không nói câu nào trong khi Mỹ Lan đặt mạnh ly cà phê trước mặt chị Hương làm cà phê bắn ra tung tóe lên cả đống giấy tờ đang để trên bàn. Mỹ Lan tay chống nạnh, định chửi tiếp thì tôi thấy Hưng từ trong phòng bước ra, vừa nói gì nho nhỏ vừa kéo tay Mỹ Lan đi về hướng thang máy. Vậy mà cô ta còn cố quay lại nói thêm một câu hằn học:
-Lần này nhờ honey xin cho chị. Nếu còn lần sau thì chị không may mắn như vậy nữa đâu!
Hai người đã đi khuất. Mọi người đến an ủi chị Hương, chị ôm mặt khóc tức tưởi. Tôi nghe trong lòng dâng lên một niềm chua xót, những người nghèo đâu có tội gì, chỉ vì đồng lương mà bị chửi vô lý cũng phải rán nhịn cho qua. Không ngờ một người như Hưng mà lại có thể yêu một cô gái hợm hĩnh như Mỹ Lan. Tôi thầm tiếc rẻ, giống như khi nhìn thấy một tác phẩm hội họa hay điêu khắc có giá trị lại bị rơi vào tay một người không biết thưởng thức, không hiểu chút gì về nghệ thuật.
Tôi tự cười mình, tại sao mình lại có thể so sánh Hưng với một tác phẩm nghệ thuật. Dù gì tôi cũng biết Hưng mới được có mấy ngày, biết đâu anh chàng lại còn hợm hĩnh gấp mấy lần Mỹ Lan, nếu không thì tại sao họ lại có thể cặp với nhau chứ? Tôi trở về bàn của mình, chị Mai nháy mắt với tôi, nói nhỏ, Trâm mới gặp lần đầu đã có show coi rồi. Tôi hỏi chị điều mà tôi vẫn thắc mắc tự nãy giờ, honey mà Mỹ Lan nói là cái gì vậy chị? Chị cười, thì là vị hôn phu yêu dấu của cô ta chứ là cái gì. Không phải chỉ có honey thôi đâu, còn nhiều cái hay nữa, từ từ Trâm sẽ biết.