Tiểu thuyết
Tác giả: Nhiều Tác Giả

Biết Tất Tật Chuyện Trong Thiên Hạ

Chương 295: Chùa và miếu có như nhau hay không?

Người Trung Quốc gọi những ngôi nhà dùng thờ Phật là "tự miếu" (chùa miếu). Nhưng thật ra chùa và miếu không hoàn toàn như nhau.

Chùa là nơi thờ cúng Phật, giảng các kinh Phật.

Còn miếu lại là nơi mà người Trung Quốc xưa thờ bài vị của tổ tiên.

Theo cách giải thích trong Nhĩ Nhã là bộ tự điển giải nghĩa từ cổ của tiếng Hán thì chữ "miếu" vốn nghĩa là "dung mạo hình trạng", tức nơi thờ cúng tranh, tượng của các bậc tiên tổ. Về sau người đời xưa lại có một số quy định về việc xây dựng các miếu. Theo những điều ghi lại trong quyển tập Lễ Kí viết về các nghi lễ trước đời Tần và đời Hán, vua các nước chư hầu có thể xây dựng năm miếu, các khanh hầu đại phu được xây dựng ba miếu, còn kẻ sĩ thì chỉ có một miếu.

Từ đời Tần về sau lại có quy định rằng chỉ những người có công lao to lớn đối với quốc gia, thì sau khi chết mới được thờ trong miếu và được hưởng đồ cúng tế. Vì thế các tòa miếu truyền lại từ hồi xưa ở Trung Quốc phần lớn đều thờ những nhân vật nổi tiếng có công với nước. Chẳng hạn như Khổng miếu (thờ Khổng Tử), Quan Đế miếu (thờ Quan Công), Nhạc miếu (thờ Nhạc Phi...).

Vì miếu là nơi được người ta tôn sùng kính mộ, cho nên về sau nơi ở của các bậc đế vương cũng được gọi là miếu đường. Các kế sách lớn mà họ soạn ra được gọi là miếu toán, miếu sách. Danh hiệu mà các vua chúa được truy phong sau khi chết thì gọi là miếu hiệu.

Đời xưa những người có công lớn khi sống thường được "phong hầu" (phong tước hiệu và cấp đất), sau khi chết đi được "miếu thực" tức là được thờ cúng trong miếu và được hưởng tế lễ. Người ta coi đó là lí tưởng cao quý nhất.

Sau khi được truyền nhập vào Trung Quốc, đạo Phật đã được thờ phụng rộng rãi trong dân gian. Các chùa cũng như các miếu đều trở thành những nơi mà người ta tôn sùng kính mộ nhất, vì thế hai từ chùa và miếu đã tự nhiên được ghép liền với nhau.

LA DUẪN HÒA

Hết Chương 295: Chùa và miếu có như nhau hay không?
Thông tin sách