Cách thành phố Lạc Dương tỉnh Hà Nam 10 km về phía đông có một ngôi chùa, bên ngoài cửa chùa có bức tượng đá tạc con ngựa trắng thồ kinh Phật trên lưng. Đó là ngôi chùa đầu tiên được xây dựng sau khi đạo Phật được truyền nhập vào Trung Quốc có tên là chùa Bạch Mã.
Chùa Bạch Mã được xây dựng dưới triều nhà Hán cách đây hơn 1900 năm. Năm 67 sau Công nguyên, vua Ninh Đế nhà Hán tên là Lưu Trang sùng bái đạo Phật. Ông có sai hai người là Sái Âm và Tần Cảnh sang Tây Vực để cầu xin kinh Phật. Hai người xuất phát từ Lạc Dương, vượt núi lội sông, trải qua ngàn vạn gian khổ, cuối cùng đến được nước Đại Nguyệt Thị (nay ở phía đông Apganistan). Tại đấy họ gặp hai nhà sư đến từ nước Thiên Trúc ( Ấn Độ thời xưa). Một người tên là Nhiếp Ma Đằng, còn người kia tên là Trúc Pháp Lan. Sau khi hỏi rõ ngọn ngành, bốn người kết bạn với nhau, rồi dùng một con tuấn mã lưng trắng chở kinh và tượng Phật quý báu từ miền Tây Vực xa xôi trở về tới Lạc Dương. Sau khi làm xong rất nhiều công việc chuẩn bị, năm sau, tức là năm 68 sau Công nguyên, ngôi chùa đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc đã được xây dựng ở Lạc Dương. Để kỉ niệm công lao của con ngựa trắng đã mang trên lưng kinh Phật từ miền xa xôi tới đây, người ta đã dùng đá để tạc bên ngoài cổng ngôi chùa một con ngựa trắng rất sinh động và đặt tên cho chùa này là chùa Bạch Mã.
Hồi ấy chùa Bạch Mã có quy mô kiến trúc hết sức hùng vĩ, trong chùa có rất nhiều báu vật. Nhưng vì lâu năm không được tu sửa, lại bị giặc ngoại xâm cướp phá, cho nên ngày nay trong chùa chỉ còn có điện Thiên vương, điện Đại Phật, điện Đại Hùng, điện Tiếp Dẫn, gác Tỳ Lư. Hai bên đông và tây cửa sơn môn có mộ chôn hai vị sư Nhiếp Ma Đàm và Trúc Pháp Lan. Trong chùa còn giữ được nhiều lá cờ viết kinh thời nhà Đường, các bản bia khắc thời nhà Nguyên rất có giá trị nghệ thuật. Riêng bức tượng Bồ Tát Di Lặc chạm bằng đá đã bị lấy cắp đem sang nước Mỹ.
VƯƠNG CẦN