Bán đấu giá (phách mại) còn có tên là "cánh mại", là một phương thức mua bán trong hoạt động thương nghiệp.
Phương thức này được tiến hành theo những quy tắc nhất định vào thời gian và tại địa điểm đã quy định, thông qua phương pháp công khai trả giá. Kẻ bán hàng đem vật phẩm bán cho người trả giá cao nhất, nói chung thì người bán đấu giá đưa ra giá thấp nhất, sau đó những người mua đấu giá đưa ra những giá cao hơn nhau, cho đến khi không còn người nào đưa ra giá cao hơn nữa. Đến lúc ấy người bán đấu giá cầm một cái búa sắt hay một miếng gỗ đập xuống bàn, ý nói cuộc giao dịch đã thành công và món hàng đã được bán cho người trả giá cao nhất. Vì cách mua bán này lấy việc đập một vật xuống bàn làm động tác tượng trưng cho việc đã bán xong hàng, cho nên từ "phách mại" (bán đập) đã từ đó mà có.
Bán đấu giá cũng có thể được tiến hành với phương pháp giảm giá dần. Người Hà Lan có một cách bán đấu giá các hàng tươi sống là người bán đầu tiên hô lên giá cao nhất, rồi sau giảm giá xuống thấp dần cho đến khi có người tỏ ý nhận mua mới thôi. Phương thức này được gọi là "bán đấu giá kiểu Hà Lan". Hiện nay nhiều nước trên thế giới còn thiết lập những cửa hàng làm dịch vụ bán đấu giá.
Theo quy tắc bán đấu giá, thì tất cả các món hàng mang ra bán đấu giá, đầu tiên phải nhập vào kho của cửa hàng bán đấu giá sau đó cửa hàng này dựa theo những tiêu chuẩn nhất định, tiến hành lựa chọn phân loại, sau đó căn cứ vào tình trạng của các món hàng, in thành danh mục và công bố. Khách mua có thể tới kho xem hàng trước ngày giờ bán đấu giá.
Trong quá trình bán đấu giá, nếu không được phép trước thì chủ hàng không được tham gia trả giá, sau cuộc bán đấu giá, những người mua phải trao tiền mua hàng cho cửa hàng bán đấu giá trong thời hạn quy định
Bán đấu giá được chia làm hai loại: tự nguyện và cưỡng chế. Trường hợp tự nguyện là chủ hàng ủy thác việc bán đấu giá cho cửa hàng. Trường hợp cưỡng chế ví dụ như khi chủ hàng bị phá sản, bị buộc phát mại tài sản.
LIÊU KIỆN HOA