Tam Hoàng Ngũ Đế đều là những bậc đế vương trong truyền thuyết của thời cổ đại Trung Quốc. Nhưng trong những thời đại khác nhau, Tam Hoàng Ngũ Đế lại có những tên gọi khác nhau.
Đầu tiên Tam Hoàng gồm có: Thiên Hoàng, Địa Hoàng và Nhân Hoàng, hoặc giả Nhân Hoàng được thay bằng Thái Hoàng. Nhưng theo với đà phát triển về xã hội và kinh tế thì lại có Toại Nhân, Phục Hy và Thần Nông. Ngoài ra lại còn có Nữ Oa, Cộng Công, Hoàng Đế, Chúc Dung cũng được coi là Tam Hoàng.
Thần Nông được truyền thuyết coi là người phát minh nông nghiệp và môn y dược. Toại Nhân là người phát minh ra cách xoáy khoan lên gỗ để lấy lửa trong truyền thuyết. Phục Hy và Nữ Oa thì được coi là thủy tổ của nhân loại trong truyền thuyết.
Theo truyền thuyết thì hai người này là anh và em gái, toàn nhân loại đã bắt nguồn từ họ. Phục Hy dạy cho dân chúng biết đan lưới, làm các công việc đánh cá, săn bắn. và chăn nuôi. Nữ Oa luyện đá ngũ sắc để vá trời, trị được nạn hồng thủy, giết các loài mãnh thú, làm cho nhân dân được an cư lạc nghiệp. Chuyên Húc là viên quan coi giữ lửa, được người đời sau tôn lên làm thần lửa. Tất cả các nhân vật ấy đều là những vị anh hùng trong truyền thuyết, đã lãnh đạo loài người tiến hành các cuộc đấu tranh chống thiên nhiên.
Sau Tam Hoàng và trước triều đại nhà Hạ thì lại có truyền thuyết về Ngũ Đế song ở các thời kì khác nhau, Ngũ Đế cũng có những tên khác nhau. Đầu tiên Ngũ Đế là Hoàng Đế, Chuyên Húc, Đế Hạ, Đế Nghiêu, Ngu Vũ. Về sau là Phục Hy, Thần Nông, Hoàng Đế, Nghiêu và Thuấn. Ngoài ra lại thấy Viêm Đế, Thái Hạo, Thiếu Hạo, Cao Tân (Đế Hạo) được quy vào Ngũ Đế. Tất cả đều là những lãnh tụ của bộ lạc hay nhóm bộ lạc trong xã hội nguyên thủy mà truyền thuyết đã ghi lại.
VƯƠNG QUỐC DŨNG