Trước đây rất lâu tại huyện An Khê tỉnh Phúc Kiến có một người theo đạo Phật tên là Ngụy Ẩm. Một hôm Ngụy Ẩm phát hiện thấy một cây chè non trên vách núi phía trước tòa miếu thờ đức Phật Quan Âm. Thế là anh ta đào cây chè lên hết sức cẩn thận và đem về trồng ở ngay trước cửa nhà mình.
Chuyện nói ra thì cũng lạ. Nhưng sau khi được chăm nom cẩn thận, cây chè này ra những cái lá vừa dày vừa nặng, sắc lá màu lục sẫm như sắt, hương khí bay ra làm cho ai ngửi thấy cũng rất thích. Vì cây chè này đã được đào đem về từ trước miếu Quan Âm cho nên người ta mới nghĩ rằng đây là Bồ Tát Quan Âm ban cho. Từ đó cây chè này được gọi là cây Quan Âm.
Cây Quan Âm này càng lớn lên lại càng có dáng vẻ khác thường. Lời truyền tụng ngày càng đưa đi xa, vì thế những người ở cách đấy vài chục dặm cũng đều biết rằng ở đây có một cái cây lạ. Do đó dân địa phương cho rằng cái cây này chính là Bồ Tát Quan Âm hóa thân và thường đem hương nến tới dưới gốc cây để khấu đầu làm lễ.
Chuyện này dược đưa đến tai quan huyện Chu Xuân Hổ. Vừa đúng tháng Hai năm ấy hoàng đế Càn Long tuần du đến vùng này. Chu Xuân Hổ bèn đem chuyện này tâu lên hoàng đế. Càn Long nghe thấy thế, hết sức vui mừng, ông hẹn cho Chu Xuân Hổ trong ba ngày phải đem cây Quan Âm vào kinh.
Càn Long vừa trông thấy cây Quan Âm đã nghĩ thầm: "Quả nhiên là một cái cây rất tốt". Những cái lá màu xanh lục đậm, mùi hương thơm nức. Giữa lúc ấy thái tử ở trong cung đang mắc một căn bệnh nguy cấp chưa có phương thuốc nào chữa khỏi. Có người bèn hiến kế, nói rằng không biết có thể dùng lá của cây Quan Âm sắc lên dùng thay thuốc cho thái tử uống hay không. Càn Long bên ra lệnh cho thái tử uống nước sắc bằng lá cây Quan Âm này.
Không ngờ thứ nước trà hơi đăng đắng này lại tỏ ra rất tốt. Thái tử vừa uống vào, không những đã khỏi bệnh ngay mà lại còn cảm thấy tinh thần phấn chấn và ăn ngon miệng. Càn Long thấy thế hết sức phấn khởi, ông luôn miệng khen ngợi :
- Đúng là được Bồ Tát Quan Âm bảo hộ. Thứ chè này tên gọi là chè Quan Âm, nhưng vẫn phải thêm một chữ "thiết" đặt lên trước thì mới hay.
Từ đấy về sau, thứ chè này đã có cái tên chính thức là "Thiết Quan Âm" và cái tên này đã được lưu truyền cho tới ngày nay.
HIỂU BA