Ngô Đạo Tử sống trong những năm niên hiệu Khai Nguyên dưới triều nhà Đường. Ông sinh ở Dương Địch tỉnh Hà Nam, nay là Vũ Huyện tỉnh Hà Nam. Từ nhỏ ông đã sớm mất cả bố lẫn mẹ, và phải sống trong một gia cảnh bần hàn. Để kiếm kế sinh nhai, từ tám tuổi ông đã theo học một người th tượng dân gian và sáng nào cậu bé Ngô Đạo Tử cũng phải dậy rất sớm để mài mực. Cậu học tập khắc khổ, cuối cùng đã trở thành một họa sĩ trứ danh.
Hồi còn là thanh niên, Ngô Đạo Tử đã từng làm huyện úy ở Hà Khâu (nay là thị trấn Duyện Châu tỉnh Sơn Đông). Ông đến nhậm chức chưa được bao lâu thì trong huyện bắt được một tên ăn cắp, nhưng một hôm tên kẻ cắp này đã vượt ngục bỏ trốn, Ngô Đạo Tử bèn dựa vào trí nhớ của mình để vẽ lại hình của tên trộm rồi gửi các bức vẽ chân dung ấy tới khắp nơi. Thế là không bao lâu sau những kẻ sai dịch đã dựa vào hình vẽ mà lại bắt được tên kẻ trộm tại Dĩnh Thượng tỉnh An Huy. Chuyện này có thể cho thấy Ngô Đạo Tử vẽ chân dung giống đến mức như thế nào.
Ngô Đạo Tử không những giỏi về vẽ người mà cả đến các môn sơn thủy, điểu ngư, thảo mộc, ông vẽ cũng hết sức xuất sắc.
Tương truyền có một năm vua Đường Huyền Tông muốn được thưởng ngoạn cảnh sơn thủy tươi đẹp ở sông Gia Lăng tỉnh Tứ Xuyên, bèn phái Ngô Đạo Tử đi trước để vẽ.
Trước kia Ngô Đạo Tử đã từng đến Tứ Xuyên rồi, lần này đi lần thứ hai, tất nhiên ông cảm thấy rất là thích thú. Ông ngồi trên một chiếc thuyền, trong lòng sảng khoái, cứ thế ngao du, vừa thung dung ngắm phong cảnh, vừa ghi nhớ sâu trong lòng tất cả những gì mình đã thể hội và cảm thụ.
Sau chuyến đi chơi Tứ Xuyên, Ngô Đạo Tử trở về kinh thành Trường An, Đường Huyền Tông thấy ông trở về tay không, một tờ phác thảo cũng chẳng có, trong lòng cảm thấy rất không vui, vì thế đã bảo ông tới điện Đại Đống để vẽ lại cảnh sơn thủy Tứ Xuyên. Ngô Đạo Tử bèn vung bút, chỉ trong một ngày đã vẽ lại toàn bộ cảnh sơn thủy trên hơn 300 dặm của sông Gia Lăng ở Tứ Xuyên, làm cho Đường Huyền Tông kinh ngạc đến phải kêu lên.
Ngô Đạo Tử hết sức nổi tiếng trong lịch sử hội họa Trung Quốc. Ông được tôn lên làm một vị tổ sư của một thời. Suốt trong cuộc đời, ông đã sáng tác hơn 300 bức bích họa, hơn 100 bức họa cuộn thành trục. Sau triều đại Đường đời nào cũng có người vẽ phỏng theo cách hội họa của Ngô Đạo Tử và cho tới ngày nay người ta vẫn còn hay vẽ như thế. Các họa sĩ dân gian trong các thời đại đều tôn Ngô Đạo Tử là tổ sư. Tại các hội quán của các hàng hội ngành họa đều có bầy thần vị của Ngô Đạo Tử và tôn xưng ông là "Họa tổ" (tổ sư của ngành hội họa).
VÕ DUNG CHI