Tiểu thuyết
Tác giả: Nhiều Tác Giả

Biết Tất Tật Chuyện Trong Thiên Hạ

Chương 116: Tại sao Đỗ Phủ được tôn xưng là "Thi thánh"?

Chu môn tửu nhục xú,

Lộ hữu đống tử cốt.

(Cửa son rượu thịt thối

Trên đường đống xương chết)

Quốc phá sơn hà tại,

Thành xuân thảo mộc thâm.

(Nước mất núi sông còn,

Thành xuân rễ cây sâu.)

Những câu thơ này được muôn đời truyền tụng, nhà nhà ghi nhớ và đều là của nhà thơ lớn đời Đường Đỗ Phủ. Trong cuộc đời vẻn vẹn có 59 năm Đỗ Phủ đã viết hàng ngàn bài thơ, trong đó các bài như Tự kinh phó Phụng Tiên huyện, Vịnh hoài ngũ bách tự (Từ kinh đô đi huyện Phụng Tiên vịnh nhớ 500 chữ), Xuân vọng (Ngóng xuân), Tam lại (Ba thư lại), Tam biệt (Ba lần ly biệt) đều là những tác phẩm có sức mạnh, lưu danh muôn thưở.

Đỗ Phủ xuất thân từ một giạ đình thế tộc chuyên về thi thư, ông nội của ông Đỗ Thẩm Tín là một nhà thơ thời đầu nhà Đường. Vì Đỗ Thẩm Tín có đi lại với anh em Trương Dị là sủng thần của Võ Tắc Thiên, cho nên sau khi anh em họ Trương bị giết Đỗ Thẩm Tín cũng mắc tội phải đi đầy, tuy nhiên gia đạo không hề suy bại.

Đỗ Phủ thông minh ham học từ nhỏ, có chí lớn báo đền ơn nước, nhưng sau khi ông trưởng thành nhà Đường đã từ thời kì hưng thịnh chuyển sang suy vi. Đường Huyền Tông đem việc triều chính trao cho người anh của Dương Quý Phi là Dương Quốc Trung, làm cho thiên hạ tràn ngập trong những lời oán hận. Một sủng thần khác của nhà vua là An Lộc Sơn thừa cơ làm loạn, đẩy nhân dân vào tai họa chiến tranh.

Đỗ Phủ đi thi không lần nào đỗ, cho nên không làm thế nào có được cơ hội để sử dụng tài năng của mình. Trái lại, trong chiến tranh ông phải lưu lạc nhiều nơi, sống cuộc đời cùng khổ cho nên chính mắt nhìn thấy cảnh nhân dân phải chịu những tai ương trầm trọng. Vì thế ông càng ngày càng có được nhận thức rõ ràng về cái hiện thực xấu xa trong xã hội.

Nhờ đó các tác phẩm của ông miêu tả được một cách sâu sắc và tinh vi các nỗi khổ đau mà chiến tranh đã gây ra cho nhân dân. Vạch trần một cách sắc bén sự thối tha của giai cấp thống trị, đồng thời phê phán mạnh mẽ dã tâm của bọn thống trị phong kiến.

Đỗ Phủ giỏi về thơ cổ thể và thơ luật, các tác phẩm của ông có phong cách đa dạng nhưng chủ yếu là thể hiện nỗi u uất trầm trọng, sự khổ đau của nhân dân. Ngôn ngữ trong tác phẩm rất tinh luyện, có sức biểu đạt cao. Vì các tác phẩm của ông phản ánh được quá trình lịch sử chuyển biến từ thịnh đến suy của triều đại nhà Đường mà lại có giá trị nghệ thuật rất cao, ảnh hưởng rất mạnh tới sáng tác thi ca của các thời đại về sau, cho nên ông được đời sau tôn vinh là "Thi thánh".

LA DUẪN HÒA

Hết Chương 116: Tại sao Đỗ Phủ được tôn xưng là "Thi thánh"?
Thông tin sách