Tiểu sử, Hồi ký
Tác giả: Hứa Hoành

Những Phú Hộ Lừng Danh Nam Kỳ

Chương 13: Huỳnh Công Tấn và “cậu hai Miêng”: Cây đắng sanh trái ngọt?

Về cuộc kháng chiến chống Pháp của anh hùng Trương Công Định, từ trước đến nay nhiều sách báo đề cập đến, viết đi viết lại nhiều lần, chúng tôi sợ nói thêm làm nhàm chán độc giả. Hơn nữa, yếu tính của những bài viết có liên quan đến lịch sử phải là những khám phá mới lạ. Ở đây chúng tôi nói đến một nhân vật bị người đòi lên án, nguyền rủa nhiều nhất là Lãnh binh Huỳnh Công Tấn (1838-1875) mà ngay cả những bài học lịch sử cũng nói rất ít về bản tính, con người của ông ta do quan niệm “văn dĩ tải đạo” (văn chương chuyên chở đạo lý).

Theo truyền thuyết của người địa phương kể lại thì Huỳnh Công Tấn là hậu duệ, thuộc hạ của nhóm di thần nhà Minh, tới vùng Cù Úc, Định Tường vào cuối thế kỷ 17. Huỳnh Công Tấn làm tội phản phúc, đã sát hại chủ tướng của mình để tranh đoạt quyền lực vinh thân phì gia. Một nguồn tin khác cho rằng, “viễn tổ của Huỳnh Công Tấn gốc Đàng Ngoài (tỉnh Quảng Bình) di dân vô Nam thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Hai thuyết có sự khác biệt, nhưng có một điều giống nhau về cá tính: “Tấn dốt nát, hiếu sát, nhiều tham vọng”.

Theo “Hồ sơ lãnh binh Huỳnh Công Tấn” do nhà văn Sơn Nam kể lại thì chính Tấn đã kể lại với Paulin Via ngày 31-7- 1869 thì “Tấn bị Pháp bắt trong một trận hành quân, và sau đó hắn xin đoái công chuộc tội”. Nhưng theo cụ Nguyễn Văn Vực, một người bạn vong niên của chúng tôi, một người chuyên nghiên cứu chuyện xưa tích cũ ở miền Nam, thì “Tấn là người có tật đam mê đàn bà con gái, thường trêu chọc và có những hành vi bất chánh với phụ nữ, nên có một lần bị chủ tướng là Trương Công Định tát tai để cảnh cáo”. Tấn căm thù để bụng và chờ dịp trả thù. Tấn bí mật liên lạc với một người quen cũ là Nguyễn Hữu Nguồn, đã đầu thú Pháp, để được Nguồn giới thiệu Tấn xin hàng”. Nguồn đưa Tấn về Chợ Lớn trình diện với Trung uý Francis Garnier, lúc đó làm tham biện tại đây. Lúc bấy giờ, F. Garnier rất quan tâm đến việc vãn hồi trật tự, an ninh trong vùng mới chiếm, nhứt là vùng từ Chợ Lớn qua tới Cần Giuộc nằm trong phạm vi trách nhiệm của hắn. Francis Garnier là một người trẻ tuổi, rất hăng hái hoạt động. Mấy năm sau, F. Garnier theo phái đoàn Doudart de Lagrée đi thám hiểm sông Cửu Long. Xưa nay trong chiến trận, tiếp nhận kẻ địch về hàng để khai thác là một lợi thế của kẻ làm tướng, ít khi bỏ qua. F. Gamier đối đãi với Tấn lịch sự, niềm nở và chỉ đường cho Pháp trong những trận ruồng bố các vùng Tân An, Mỹ Tho, Gò Công. Hoàn toàn không có mặc cảm khi ra phục vụ chủ mới, Tấn dẫn đường cho Pháp tìm diệt nghĩa quân. Thấy Tấn hăng hái lập công, Pháp cho Tấn làm đội trưởng mã tà. Hai năm sau, Tấn được đề bạt chức “Lãnh binh” là quan võ coi việc quân sự trong một tỉnh thời đàng Cựu. Có chức, có quyền, Tấn vừa tận tuỵ phục vụ chủ mới vừa tìm cách mua điền đất của nhà giàu bỏ chạy để làm của riêng.

Năm 1862, ba tỉnh Biên Hoà, Gia Định, Định Tường đã mất nhưng Gò Công nhờ địa thế hiểm yếu, rừng rậm âm u, sông rạch chằng chịt, mà Đại tướng Trương Công Định còn cố thủ được thêm 3 năm nữa. Ngoài yếu tố địa thế, tại đây, lòng người vẫn còn hướng về triều đình vì có dòng họ ngoại của nhà vua. Nhiều lần từ Định Tường, Tấn dẫn quân Pháp đánh qua Chợ Gạo, tới Thạnh Nhứt, Gò Bầu và đụng độ với nghĩa quân nhiều trận, không tiến xa hơn được. Mỗi lần như thế, Pháp lại rút về Mỹ Tho củng cố lại lực lượng. Vẫn theo kế sách dùng gián điệp, Pháp tìm cách mua chuộc một người địa phương có thế lực mà dân chúng gọi là “bá hộ Huy” (không rõ họ gì). Huy là người quê ở Đồng Sơn, bí mật hẹn làm nội ứng cho pháp. Quả nhiên lần này Pháp ruồng xuống, tấn công các vị trí hiểm yếu của nghĩa quân, tiến sát rồi bao vây tỉnh Gò Công, bắt sống tri huyện Đỗ Trình Thoại (sách Pháp gọi là “tri huyện Toại) rồi giết đi. Đỗ Trình Thoại là người huyện Tân Hoà, trước kia làm tri huyện Long Thành, tỉnh Biên Hoà. Khi Pháp chiếm Gia Định, Đỗ Trình Thoại cùng Thủ khoa Huân, Trương Công Định chiêu mộ quân ứng nghĩa, chiếm địa bàn Tân An, Gò Công làm căn cứ. Khi Pháp chiếm Gò Công, tri huyện Thoại cho mở đường máu để thoát. Hai bên đánh xáp lá cà, tri huyện Thoại đâm chết tên lính Bodier, nhưng bị Pháp bắt rồi giết tại trận. Sau đó, Pháp rút về Định Tường, phong bá hộ Huy làm tri huyện, cai trị Gò Công. Lúc đó, Trương Công Định bận qua Lý Nhơn, chiêu tập thêm binh sĩ để lập chiến khu Bình Xuân. Hay tin Gò Công mất, Định đem quân về bắt tri huyện Huy giết đi, đuổi tàn quân Pháp về phía Gò Bầu, và chặn đánh thêm mấy trận phục thù.

Đại tướng Trương Công Định giữ Gò Công được 3 năm (1862-1864). Do đó, lần này Pháp quyết tâm triệt hạ Gò Công. Lần đó Huỳnh Công Tấn làm hướng đạo, dẫn đường cho Đề đốc Jaurés đem 3 chiến thuyền từ Vàm Bao Ngược tiến vào sông Tra, đổ bộ lên Xóm Tre (nay là Bình Thành Đông) bắn phá các đồn luỹ của nghĩa quân, nhưng không chọc thủng phòng tuyến được ở mặt trận này. Vốn thông thạo địa hình, Tấn bày kế cho Pháp đem mấy tàu chiến chạy vòng trở ra biển, vào Cửa Tiểu, tấn công vào phía Đông tỉnh thành. Pháp đổ quân ở Bến Chùa, vào Cửa Khâu, đánh bọc lên Giồng Nâu, Tân Quân Trung, rồi chiếm thành Gò Công. Đại nguyên soái Trương Công Định gom tàn quân rút về phía rừng Sác, nằm gần biển, gọi là “đám lá tối trời” mất dạng. Thất vọng vì không bắt được Trương Công Định, Tấn tức giận lắm, tìm mọi cách để trả thù. Tấn tung ra một số tiền để mướn những người chỉ điểm, phát giác chỗ lẩn trốn của Trương Công Định. Trong một lần ruồng bố vào Bình Xuân, Tấn bị thương ở bắp chân, được Pháp ưu ái săn sóc, chở về Sài gòn điều trị. Lành bịnh, Tấn hung hăng đánh phá không ngừng nghỉ. Về cái chết của Trương Công Định, truyền thuyết của địa phương thường kể lại rằng:

“Buổi chiều 17 rạng 18 tháng 7 âm lịch năm 1864, lối 3 giờ chiều, Đại tướng Định cảm thấy trong người bần thần bứt rứt khó chịu. Ông muốn đi Lý Nhơn, nên gọi hai tên hộ vệ bảo sửa soạn ghe thuyền chèo đưa ngài đi. Nhưng có người thuộc tướng tên gọi Xã Tài, năn nỉ cầm Ngài ở lại vì anh ta đang làm tiệc rượu sắp dọn ra. Vì thế Ngài hoãn chuyến đi Lý Nhơn. Đêm ấy, sau buổi tiệc, Trương Công Định ngủ lại tại nhà Xã Tài cùng mấy mươi binh lính thân tín, bị Tấn đem binh đến bao vây. Ngài phá vòng vây thoát ra ngoài nhưng bị Tấn bắn một phát quỵ xuống. Tấn lại khuyên Định ra hàng. Ngài tuất gươm chỉ vào mặt Tấn mắng nhiếc rồi tự đâm vào bụng tự sát”.

Trước cái chết của người anh hùng lãnh đạo cuộc kháng chiến, dân chúng và nhứt là giới sĩ phu hết lòng thương tiếc. Trong số những bài thơ của tác giả vô danh ca ngợi Trương Công Định có những câu:

Gò Công mấy trận thắng Gò Bầu,

Địa hiểm, Trương Công dụng võ mầu,

Quốc biến loạn thần cùng phản tặc,

Một trung, hai nịnh khó đương đầu.

Một trung là Trương Công Định, hai nịnh là Huỳnh Công Tấn và Xã Tài, lập mưu giết chủ tướng. Theo lời ông Việt Cúc:

“Đến những năm đầu thế kỷ 20, Gò Bầu trở thành sào huyệt bọn cướp nổi tiếng. Chúng đem đồ gian ăn cướp được, dắt trâu bò khắp nơi quy tụ về đây, nhốt dưới hầm kín, để cho bè bọn dẫn đi bán nơi khác cho mất tích. Đồng loã, chủ chứa là Ba Dư, Sáu Nhọn, Mười Ngỗng... chỉ sốnlg sung túc nhờ nghề bất lương ấy. Thật là một cõi chợ đen có tổ chức hoàn toàn bí mật, qua mặt nhà chức trách. Nhưng cũng được một thời gian sôi đọng, sau rồi cơ mưu bại lộ. Nhà chức trách vây bắt nhiều phen, nhóm ấy lần hồi tan rã. (“Gò Công, cảnh cũ người xưa”, trang 78)

Khi Bình Tây Đại tướng Trương Công Định chết rồi, nhiều tuỳ tướng của ông lần lượt sa lưới Pháp hoặc bị bắt, hoặc bị giết.

Đốc binh Chấn, người lập chiến công trong trận đánh sông Tra, và trận phục kích tại Gò Sơn Quy, Xóm Tre tới Gia Thuận... bị bắt, kết án lưu đày ra Côn Đảo tới 9 năm sau mới trả tự do. Khi được tha về nhà, ông Chấn mở trường dạy học tại Giồng Tháp, cho đến khi mất vì tuổi già. Các ông đội Nhon, đội Được, đội Sài cũng bị giam mấy năm tại đề lao Mỹ Tho mới được thả về làm ruộng. Riêng đội Tùng bị đày và mất tại Côn Đảo. Ông đội Lang bị án 4 năm tù, khi mãn hạn về quê làm ruộng, phá mé rừng Cóc, dạy học trò khá đông. Chỗ này về sau gọi là xóm “Đội Lang”.

Khi hạ được Trương Công Định, Pháp ra lịnh đem xác Ngài về Gò Công phơi nắng 3 ngày, cho đến khi sình thúi mới ra lịnh cho thân nhân chở về chôn. Một bà thiếp của Ngài dừng ra làm lễ mai táng. Ít ai biết rằng trong đạo quân “Bình Tây” của Đại nguyên soái Trương Công Định có một toán nghĩa quân do nữ binh giỏi võ nghệ tên Phạm Thị Hiền cầm đầu. Bà Hiền là em ruột của ông Phạm Tự, cùng là tuỳ tướng của Trương Công Định. Khi Định rút về Gia Thuận, Kiểng Phước và “đám lá tối trời”, thì toán nghĩa quân của bà Phạm Thị Hiền giữ nhiệm vụ giao liên, tiếp tế. Đến khi Trương Công Định thọ hại, Phạm Thị Hiền cũng bị bắt và bị giết cùng một số đồng đội. Ông anh cả vượt sông Tiền, sông Cổ Chiên lánh nạn ở Rạch Rừng, bây giờ là xã Hựu Thành, quận Vũng Liêm. Về sau do sự phát hiện của tổng Dõng, ông này cũng bị bắt và bị giết.

Hiện nay lăng mộ của Trương Công Định ở tại châu thành Gò Công, nằm trên đường Kinh lấp cũ tức đường Phạm Đăng Hưng. Sau khi Định chết rồi, Huỳnh Công Tấn càng ngày càng hống hách. Hắn bắt người tình nghi tra tấn khảo của. Tấn ngang nhiên cướp ruộng đất của các nhà giàu bỏ chạy xuống 3 tỉnh miền Tây ty nạn. Ngoài ra Tấn còn mở sòng bạc lấy xâu. Chỉ trong một thời gian ngắn hơn 10 năm, Tấn trở thành người giàu nhứt Gò Công, có hàng ngàn mẫu ruộng. Để củng cố lòng tin của Pháp, Tấn còn đem quân qua Cần Giuộc để dẹp một cuộc khởi nghĩa do Bùi Duy Nhứt lãnh đạo... Sẵn uy quyền Tấn mặc tình sanh sát với mục đích làm tiền. Nghi ngờ ai có mặc tình với nghĩa quân, Tấn cho bắt về tra khảo. Người nhà nóng lòng, đem vàng bạc đến xin đút lót cho vợ Tấn để xin tha. Cũng trong thời gian này, nhiều người vì tư thù cũng tố cáo lẫn nhau “là quân hoang dã” để chúng mặc tình hãm hiếp, cướp bóc. Trời bất dung gian. Năm 1875, Tấn ngồi ghe hầu đi Sài gòn. Giữa đường Tấn bị cảm rồi chết trên ghe, năm đó hắn mới 37 tuổi!

Lúc thịnh thời, lãnh binh Tấn rất hống hách, ai cũng sợ. Gặp ông ta, dân chúng khúm núm: Bẩm ông lớn! và gọi vợ ông ta là “bà lớn” hoặc “bà Lãnh binh”. Tôi được nghe một cụ già, dân cố cựu đất Gò Công kể lại là: “Ông từng nghe ông bà nhắc về Huỳnh Công Tấn khi chết thực dân Pháp cho làm đám ma rất lớn, có dàn nhạc Tây đưa linh cữu. Pháp muốn làm ra vẻ biết ơn một người bản xứ đã cúc cung phụng sự cho quyền lợi đất nước họ. Khi Tấn chết, quan tài quàn trong nửa tháng, để dân chúng vì sợ ông ta đến phúng điếu, lạy và khóc trước linh cữu. Mỗi ngày gia đình Tấn cho vật trâu, bò để đãi hàng trăm thực khách xa gần. Khi động quan, có các chức sắc Pháp Việt, lính mã tà bồng súng đi theo sau quan tài từ nhà Tấn đến làng Tân Luông Đông. Trước khi an táng, hồi đó người ta cho đào sẵn 5 cái huyệt (giống trường hợp cái chết của Tổng đốc Lộc năm 1900) ở 5 chỗ khác nhau. Khi hạ rộng, chỉ có quan binh và người thân trong gia đình mới biết rõ huyệt nào có quan tài, có lẽ sợ kẻ ăn trộm đào mồ cướp vàng bạc. Mỗi năm đến ngày Tết, lễ Thanh Minh, “bà lớn” đi viếng mộ, sai đầy tớ, gia nhân dọn cỏ, quét cả 5 cái mộ ấy. Đến trước mỗi mộ, “bà lớn” đều nói:

- Đây là mộ ông Lãnh binh!

Sau khi Tấn chết rồi, Pháp vẫn để vợ Tấn ở trong một căn nhà lớn phía sau ty Công an thời ông Diệm. Hàng tháng, Pháp cấp cho bà một số tiền tựa như “tử tuất” của chồng. Ngoài số ruộng đất lên tới một ngàn mẫu, gia đình Lãnh binh Tấn thừa hưởng tài sản của ông để lại kếch xù, nên được dân Gò Công liệt vào hạng nhà giàu nhứt địa phương vào cuối thế kỷ 19.

Pháp cho dựng một đài kỷ niệm ghi ơn Lãnh binh Tấn với mấy dòng chữ “à la mémoire du Lãnh binh Huynh Cong Tan, chevalier de la Légion d’ honneur, fidèle servicteur de la France” (Tưởng nhớ Huỳnh Công Tấn, người được ân thưởng Bắc đẩu bội tinh công bộc trung thành với Pháp).

Chỗ đó, khi Nhựt đảo chánh Pháp vào năm 1945, dân chúng phẫn nộ, kéo tới đập phá bia, đem bỏ vào trong chùa Bà, và di ảnh Huỳnh Công Tấn họ thả trôi sông!

Về sau, nhà cầm quyền cho xây dựng Phòng Thông tin, nhưng người cố cựu vẫn gọi di tích đó là “Tháp Lãnh binh”. Kế bên Tháp Lãnh binh có một căn nhà cao, rộng, cất bằng vật liệu nặng, là nhà ông “Thông Sang”, một cộng sự viên đắc lực cho Pháp ở địa phương vào cuối thế kỷ 19. Ông Thông Sang là người theo Pháp vào những thập niên cuối thế kỷ, làm giàu nhỏ Pháp nâng đỡ theo kiểu Huỳnh Công Tấn. Đến năm 1920, nhà ông Thông Sang bán cho công ty Húi Bon Hoa của chú Hoả để mở tiệm cầm đồ.

Hết Chương 13: Huỳnh Công Tấn và “cậu hai Miêng”: Cây đắng sanh trái ngọt?
Thông tin sách