Tiểu sử, Hồi ký
Tác giả: Châu Hải Kỳ

Nguyễn Hiến Lê - Cuộc Đời & Tác Phẩm Phần…

Chương 6

KẾT LUẬN

Viết phần về đoạn đời cuối của ông, tôi phải đọc lại một số tác phẩm ông đã in và chưa in. Sau những giờ phút rối bù chạy sống, âm thầm đón đọc lại những tác phẩm ít nhất cũng đã quen một lần rồi ấy với các hân hoan của một người đi xa về gặp những người thân yêu cũ. Tôi sống lại những ngày tháng bình yên thơ mộng, nhàn nhã nằm đọc sách, viết văn đầu óc thanh nhàn sau mỗi ngày đi dạy học tư về.

Qua tác phẩm của ông, bằng một niềm thiết tha lớn đối với cuộc sống, với con người - con người không phân biệt - ông đã sáng tạo một đời sống văn hoá tinh thần lành mạnh thể hiện bằng tư tưởng, tinh cảm, đạo đức thanh cao nhất, mang đầy bản sắc dân tộc nhất, số sách đó mang đến cho người đọc những ý tưởng, những ước vọng, những cảm xúc nồng thắm, gần gũi, thân thiết thật đẹp đẽ của một con người. Những nhận định thực tiễn, sáng suốt trong các tác phẩm của ông đã đi thẳng vào đầu óc, vào trái tim từng người đọc, nhất là lứa tuổi từ trung niên trở lên thì hết sức hâm mộ, xem sách ông viết còn thân hơn cả người đời của mình; nó làm cho vơi đi ở họ nỗi băn khoăn về cuộc sống, làm dịu đi nỗi khổ đau và đem lại cho tâm hồn cái khoẻ khoắn, lạc quan, tin tưởng. Họ học ở ông cái tác phong bình dị. Những điều ông viết mới đọc thì không thấy có gì cao xa, nhưng càng đọc càng thấy tầm nhìn mở rộng, tìm hiểu mãi vẫn thấy rút chưa cùng, hiểu chưa tận. Đó là tiếng nói của thực tế, của đạo đức, chân lí nó khắc sâu vào con tim khối óc người đọc. Mỗi hàng chữ, mỗi trang văn là mỗi nhịp đời, một hình ảnh sống - cuộc sống thật sự của chính bản thân ông, cuộc sống bằng cây bút một cách trong sạch và nghiêm túc và cuộc sống của tất cả độc giả, của những người bình thường. Bởi thế chúng ta không thể tách rời tác phẩm của ông với sự sống.

Như chúng ta đã biết, ông bẩm sinh có tinh thần rất tò mò mà rất độc lập; vấn đề nào cũng muốn biết, muốn học, nhưng không chấp nhận bất cứ tư tưởng nào không thấy là đúng, là hữu lí. Ông lại rất thành thực, can đảm sống theo ý hướng của mình. Quan niệm rằng mình cũng chỉ là một con người mà không phải là một vị thánh, ông không hề lấp liếm, che đậy cái "chất người" nơi ông. Ông lập gia đình rồi, thế nhưng trong cuộc sống gia đình nề nếp hạnh phúc, ông vẫn một mực theo luân lí riêng của ông bất kể người ta nói "vợ một, vợ hai": cảm mến đức tính bình dị, hiền nhu của người con gái đã xử sự cao đẹp với ông trước đây. Do vậy mà hai mươi năm (1) sau ông hoàn toàn mãn nguyện chắp thêm mối duyên cầm sắt cùng người bạn đời thứ hai ấy, thản nhiên tìm hạnh phúc khi Sài Gòn, khi Long Xuyên...

Ông có một quan niệm đạo dức về nhân sinh tự rút ở cuộc đời mình - đời một người đã sống qua nhiều chế độ xã hội để có một sự chọn lựa, ông thích nhất là đạo đức của Khổng Tử. Trên ba mươi năn trứ tác (kể tới 1980), tính ra ông đã bỏ hơn mười năm (khoảng một phần ba thời giờ) và hai mươi tác phẩm Cổ học Trung Hoa, bảy đến 8.500 trang (mới ra mắt độc giả được hai phần ba). Theo ông thì "Khổng Tử gần chúng ta, rất hiểu tâm lí con người. Học thuyết của Khổng Tử thật đầy đủ từ tu thân đến tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Khổng Tử thực tiển, sáng suốt mà ôn hoà (2).

Nhân điều này thiết tưởng cũng đáng để người đọc chúng ta để ý. Tự do, bình đẳng là tư tưởng chung của các triết gia phương Đông như Khổng, Lão, Thích Ca. Tuy nhiên chỉ thấy ông viết về Khổng, Lão mà trên một trăm hai mươi nhan đề sách gồm trên 160 cuốn ông đã viết, ông không hề viết một cuốn nào về đạo Phật, ngoại trừ ông viết về Huyền Trang trong tác phẩm Ý chí sắt đá (Nhà xuất bản Thanh Tân - năm 1971). Sự dồi dào và súc tích của công trình tiểu sử danh nhân này chứng tỏ ông đọc và nghiên cứu, rút nhiều tài liệu qua nhiều sách báo Việt, Pháp, Trung Hoa về Sử, Địa, Văn học, tiểu thuyết thần quái, khảo luận dịch Kinh về Phật... có liên quan đến vấn đề (báo sách, tài liệu ông rút dẫn đều có ghi chú rõ ràng).

Ông Lê Ngộ Châu có kể cho biết: khoảng mười năm trước, ông Lê Ngộ Châu nhiều lần đã gợi cho ông Lê viết một cuốn về đạo Phật để ông "được đọc mà khỏi phải tìm hiểu ở những sách khác, nhưng ông Lê tránh né". Ông Lê Ngộ Châu có lưu ý một điều nữa là "thường thường sách nào ai tặng, ông Lê đều đọc qua và có ghi bút chì nhận xét của ông ở trang đầu hay trang cuối. Chỉ có cuốn Phật học tinh hoa của Nguyễn Duy Cần là không thấy có bút tích của ông, có thể là ông không đọc". Cả việc tang ma của ông, ông cũng dăn dò người nhà đừng mời nhà sư đến tụng niệm. Tôi rất tiếc là trước đây không nghĩ tới để hỏi ông nguyên nhân ông không viết về Thích Ca, trong khi ở miền Nam độc giả của ông là tín đồ Phật giáo không phải là không đông.

Trong nhiều năm trở lại đây, hình như mọi người trong này, từ thằng bé cho đến người già, tuổi chỉ còn đợi ngày đến "nghĩa trang qui hoạch" nhận "nắm mồ tiêu chuẩn" điều có mang trong lòng ít nhiều điều u uẩn; nhất nữa là một nhân sĩ có lương tri lại làm nghề cầm bút thì điều u uẩn kia lại càng chắc chắn không thể không có. Vốn tính khẳng khái, căm ghét sự đầu hàng thoả hiệp, qua những tác phẩm, những loạt bài ông viết trước đây, chúng ta phải nhìn nhận rằng, với trách nhiệm của một nhà cầm bút độc lập, ông đã mạnh dạn nói lên những việc cần phải nói mà không sợ uy quyền, không sợ lời công kích của những người thiếu phẩm chất lương thiện. Trách nhiệm đòi hỏi người cầm bút phải đứng đắn, phải có cái tâm hồn cao đẹp và có cái nhìn tích cực, lành mạnh đối với nhiều mặt của cuộc sống. Tác phẩm viết ra có giá trị vĩnh cữu ở chỗ nó phục vụ người dân đúng với thời đại của mình, nó lên án những thế lực hà khắc giúp cho người dân thấy được cái không khí xã hội, chính trị, trong đó họ là nạn nhân của sự khốn khổ, nghèo nàn, áp bức, bốc lột...

Khi tự thấy mình bất lực trước trách vụ ấy, ông tự ý, âm thầm "rút ra ngoài vòng cương toả". Trước đây, người đọc thấy bàng bạc trong các tác phẩm của ông cái tinh thần thực tế, lạc quan, yêu đời, yêu tự do, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, ông không cho cuộc sống là vô nghĩa và hằng cổ võ lối sống cần có lí tưởng. Sau ngày giải phóng, sống với thời buổi mà việc làm văn chương, nghệ thuật không được đi chệch ra ngoài những phương hướng rõ ràng, chặt chẽ của nhà nước; sự việc và tình cảm phải sít sao theo quan điểm chỉ đạo trong mỗi lúc thì việc viết lách, xuất bản độc lập chỉ có thể có được trong ảo tưởng. Sự hiện diện của ông không còn cần thiết với chế độ xã hội mới, con người mới. Cái giai đoạn thích ứng để một nhà văn cũ như ông làm sự nghiệp đã chấm dứt trong cái nhìn và sự nhận định của lớp người làm chủ tập thể đang hăng say tiếp đón tư tưởng cách mạng. Làm nghề cầm bút mà bắt buộc phải giấu, phải xa lìa với thị hiếu, tư tưởng, ý kiến thực của mình, không thể nói lên, chia được một cách vô tư với người chung quanh lối sống ủ dột, nỗi rung động lo âu hay điều suy nghĩ đúng với tâm hồn sở thích của họ, dù còn gặp lại số ít bạn cùng chí hướng, có thiện cảm với mình, có thể thành thực cởi mở với nhau trong sự giao du, khỏi phải giữ gìn ý tứ trong những ngày tàn của đời mình. Những sự kiện đó có thể khiến ông, nếu không chìm đắm trong công việc gì để "mà quên" thì ông cảm thấy bi quan, chán nản, thấy cuộc đời vô nghĩa - một hiện tượng mà trước kia không hề thấy biểu lộ ở ông -, ông thay đổi lập trường, thái độ, tâm trạng, phong cách xử sự, quan điểm sống... Trong một số bức thư ông gửi cho tôi cũng như qua các tác phẩm ông viết sau này, tôi mang máng hiểu điều ấy. Quả có thể có sự thay đổi trong ông: có những điều ông khoắc khoải âm thầm trong lòng mà không thể nói ra; ngay trước giờ phút tự cảm thấy mình "chắc chết", vỗ tay chỉ người vợ hiền ngồi lên bên cạnh mình, môi mấp máy, rồi ra dấu bảo đưa giấy bút..., nhưng rồi cũng không nói, không viết được một lời nào. Đối với tôi, cái bi thiết nhất của ông là lặng lẽ nhập đài lửa thiêng vào cỏi hư vô, mang theo nỗi đau đớn, uất ức của mình. Một người có cái nghị lực đặc biệt, dị thường, có cái ý chí rắn rỏi, sắt đá, lại giàu tình cảm, dễ xúc động như ông làm gì khỏi có mối bận tâm giày vò, ân hận, hối tiếc thầm kín, nếu bộc lộ có thể làm sửng sốt chúng ta?

Nếu điều nhận định của tôi có sai lầm, bị gán ghép là "quá giàu tưởng tượng", tôi rất mong hương hồn hiển linh của ông tha thứ cho tôi, cũng như lúc sinh thời ông không hề chấp nê sự nông nổi, non nớt của tôi bao giờ...

Kết thúc chương chót này, tôi xin cầu mong ông cho phép tôi trưng ra đoạn thư trích tôi có đề cập ở Lời thưa trước (3) để gọi là ghi lại một kỉ niệm đặng giới thiệu với độc giả về bút tích của ông đồng thời cũng để xác minh sự thật tôi trình bày ở trên:

"Ý này" (ông viết ở mặt sau), xin sao lại nguyên văn đoạn thư đó: "(...) Họ không đọc gì hết mà phê bình thì mình bắt bẻ làm quái gì, phí công. Chẳng hạn trong Nhà giáo họ Khổng tôi nói rõ ràng rằng trước Khổng chỉ có những trường của triều đình cho con quí tộc học, Khổng là người đầu tiên mở trường tư dạy bất kì hạng người nào, từ kẻ nghèo chỉ mang lại một gói nem; và ông dạy như vậy chủ ý để tạo hạng bình dân có học thay bọn quí tộc vô học trong việc trị nước. Công ơn lớn lao như vậy mà họ chê là phong kiến, thì nhắc tới làm gì cho phí giấy. Thôi đi anh ơi (...)".

Theo ý ông nhận xét về "tập đầu tiên" và sự góp ý của một anh bạn tôi đưa cho xem, tôi thay đổi hẳn hình thức thể loại và viết lại hoàn toàn Chương I. Bản thảo lần thứ hai này, tôi viết cụ thể và dẫn chứng nhiều hơn, theo ý của ông, "viết hay hơn bản trước nhiều".

Sống vào cái hoàn cảnh đã nói là "hiện thực, thăng tiến" mà cứ như đang sống trong ảo tưởng, hễ mở mắt ra là thấy xáo trộn làm cho đầu óc tôi rối bù lên mà đâm ra hoài nghi cả một điều đã suy nghĩ, đã chứng kiến chẳng biết nó quả còn đúng sự thực tai mình nghe, mắt mình thấy không. Như vậy chỉ nói về mặt bạn bè thôi, ngoài cái đức cao đẹp, tín cẩn, tôn trọng sự ăn ở thuỷ chung trước sau như một có điều gì đáng gọi là chân lí tuyệt đối mà phải nghĩ tới thay đổi cho thêm nhọc lòng nhọc trí.

Vì cái lý do đó, mặc dù có thể bị cho là không vửng vàng, là hạn hẹp, bảo thủ, tư tưởng cổ hủ, để giữ vững niềm tin đối với người đã khuất và cũng để tỏ mối tình cảm thân yêu său sắc đối với Người, Chương I viết lại này, gởi vào ông đọc như sao, tôi giữ y thế ấy. Cụ thể ở cả ba Chương I, II, III, tôi không sửa một chữ nào, chỉ thêm ở phần cuối Chương I một lý do nữa về nhân sinh quan của ông (rút trong tác phẩm Hồi kí Đời viết văn của tôi) đã khiến tôi coi ông là "bậc đàn anh" mà thôi.

-------------------------

(1) Làm quen với bà Nguyễn Thị Liệp từ năm 1935. Cầu hôn lần đầu khoảng 1935-1936 và cưới bà năm 1956 (cưới bà Trịnh Thị Tuệ từ năm 1937) - Gf.

(2) Trích trong Đời viết văn của tôi.

(3) Chúng tôi không tìm thấy Lời thưa trước của tác giả trong tác phẩm chúng ta đang đọc - Gf.

THAY KẾT LUẬN CHUNG TOÀN TÁC PHẨM

(Gồm 3 phần)

Viết xong hai tập đầu trước giải phóng, nhưng vì thời cuôc không in được. Cho nên tôi cất có đến hơn một năm mới lấy ra xem lại, sửa chữa, thêm bới và đánh máy hai tập bản thảo đó (mỗi tập 4 bản). Tôi gởi vào biếu ông mỗi tập 2 bản.

Sau đó tôi nhận được thư của ông cho biết ý kiến mà tôi mạn phép in ra dưới đây, vừa để chấm dứt phần Phụ lục phần III của tôi, vừa dùng làm Kết luận chung cho tác phẩm hoàn chỉnh tôi đã viết về ông (1) .

Sao y lại dưới đây:

Ngày 19.9.77

Thân gởi anh Châu Hải Kỳ.

Tôi đã nhận được thư ngày 23-8 rồi, lại mới nhận được tập đánh máy của anh. Vui lắm. Bớt đau bao tử được vài hôm.

(...) Lần này anh sửa chữa rất công phu: đảo lên đảo xuống, cắt bớt. Bố cục chặt chẽ, không rườm, mà đọc vui, vẫn cảm động.

Chính tôi đọc mà có chỗ cũng rươm rướm nước mắt, nhớ lại tuổi trẻ của mình, thích tuổi đó lắm.

Tôi thấy anh biết rõ về tôi và người thân của tôi (các cụ) còn hơn là vợ con tôi biết nữa. Đó là một hạnh phúc cho tôi và một danh dự cho tổ tiên tôi nữa. Tôi không nói quá đâu. Cảm ơn anh nhiều lắm!

Anh có biết tôi đọc xong, tôi nhớ tới gì không? Nhớ tới bài Thư gởi quan xá nhân họ Âu Dương của Tăng Củng - trang 423 bộ Cổ văn Trung Quốc của tôi. Con cháu tôi không chắc có đứa nào đọc bộ Cổ văn Trung Quốc của tôi mà để ý đến bài đó. Nhưng nếu có, thì tất nó phải có cảm tưởng tâm sự như Tăng Củng trong hai đoạn gần cuối bài (tr. 424) từ: "Kẻ học giả trong đời... đều do công của ngài cả".

Hai tập của anh lúc này tôi không thể gời qua Pháp cho nhà tôi và cháu nó đọc được, tôi sẽ chỉ chép lại một đoạn ngắn anh nói về nhà tôi ở cuối tập I gởi qua thôi. Nhưng tôi sẽ đưa cho vài người thân đọc; sẽ đem về cất ở Long Xuyên (Vì rồi đây chúng tôi cũng sẽ về đó dưỡng già) và thời cuộc sẽ có lúc thuận tiện, nhà tôi và con cháu tôi ở Pháp sẽ đọc được.

Lần sửa này, anh bỏ đi năm mươi trang như anh nói, chắc anh cũng tiếc. Tôi không nhớ hết những chỗ anh bỏ, nhưng đọc bản này tôi thấy hay hơn bản trước. Tác phẩm của anh có giá trị. May ra anh chị có thể thọ tới cuối thế kỷ, mà các cháu Thuỷ, Bằng... chắc chắn lúc đó sẽ có dịp cho in được - từ nay tới đó sẽ thay đổi nhiều. Công của anh sẽ không phí đâu. Tôi tin như vậy. Chỉ tiếc anh không gặp thời, mới viết được về anh Ngư (2) và tôi đã phải thôi; dự định của anh chưa thực hiện được mấy.

(...)

Kí tên: NHL

(...) là những đoạn ông hỏi thăm sức khoẻ của gia đình chúng tôi, khen cháu Hải - Thuỳ (con gái đầu của tôi) đã phụ tôi các bản thảo kia và kể vắn tắt đôi dòng về đời sống và bệnh tình của một bạn văn - anh Nguiễn Hữu Ngư lúc đó.

--------------------------

(1) Cuối mỗi phần đều có chương Kết luận (nội dung chỉ liên quan đến phần đó thôi).

(2) Đó là cuốn Nguyễn Ngu Í Cuộc đời và tác phẩm, NXB Văn hoá Thông tin, 1993 (BT).

Viết về một người bạn

Của tin: "còn một chút này"

"Tôi gặp Châu Hải Kỳ lần đầu năm 1973. Ông người bé nhỏ, gân guốc, mắt sáng, hiền lành, thành thực, đa cảm, quê miền Trung (tôi không nhớ là Quảng Nam hay Bình Định), đậu Tú tài Pháp kém tôi khoảng mười tuổi, dạy Viêt văn ở trường Trung học công giáo ở Nha Trang, tận tâm, được học trò kính mến, rất thích văn chương, đọc nhiều sách, thỉnh thoảng đăng bài trên tạp chí, nhất là trên tạp chí giáo dục. Ông tính chuyên về viết tiểu sử các nhà văn như Vi Huyền Đắc, Quách Tấn, Võ Phiến, Bình Nguyên Lộc... mới viết được một cuốn về Nguiễn Hữu Ngư, bạn thân của ông, nhờ tôi đề tựa, chưa kiếm được nhà xuất bản. Ông viết tiếp cuốn thứ nhì về tôi, mới xong bản thảo thì miền Nam thay đổi chế độ, thế là nguyện vọng của ông đành tạm bỏ. Ông rất buồn.

Hiện nay ông làm ở Ti Giáo dục Phú Khánh.

Bà dạy học ở Nha Trang (1), để nuôi mấy đứa con.

Lần đó (năm 1973) ông từ Nha Trang vào phỏng vấn tôi để viết về tôi. Tôi ngạc nhiên thấy ông đọc đủ các tác phẩm của tôi (non 100 cuốn) mà đọc rất kĩ nên biết rõ về đời tôi còn hơn một số người thân của tôi nữa, mặc dù chưa gặp tôi lần nào.

Đầu năm 1975 viết xong tiểu sử của tôi, ông gởi cho tôi xem có sai chỗ nào không và dặn tôi coi xong, đưa cho ông Lê Ngộ Châu, tạp chí Bách Khoa. Ông Châu đọc xong lại đưa cho VP và VP đã viết một bài giới thiệu đăng trên Bách Khoa số 1 426 ngày 4-75" (2).

N.H.L

- HẾT -

Hết Chương 6
Thông tin sách