Tiểu sử, Hồi ký
Tác giả: Châu Hải Kỳ

Nguyễn Hiến Lê - Cuộc Đời & Tác Phẩm Phần…

Chương 5

MẤT ĐI NGƯỜI TRI KỶ

Đau lòng kẻ ở người đi,

Lệ rơi thấm đá, tơ chia rũ tầm.

(Nguyễn Du)

THÔI RỒI MỘT NGÔI SAO RỤNG

Má các cháu hớt hãi gọi tôi: "Anh Kỳ, có điện tín!".

Tôi đang dạy kèm con một người quen học tiếng Pháp ở trên gác, bỏ đó chạy xuống. Má các cháu trao cho tôi bức điện, tôi trông thấy cắp môi mím mấp mấp mà không mở nổi để nói được một lời dường như cổ họng đang bị nghèn nghẹn hai má thì đỏ ừng ừng, cặp mắt cũng đỏ như bị cái mùi ớt hăng làm cho cay xốn lên và rươm rướm nước mắt. Tôi phập phồng, nghi có sự chẳng lành, tôi hỏi nhanh: "Điện của ai đó". Không thấy trả lời, tôi vội lấy bức điện đã mở nơi tay má các cháu rồi đọc: "Ông Lê mất 22-12 tại Kỳ Đồng - Sàigòn - Nguyễn Thị Liệp". Mặt tôi choáng váng. Mắt tôi hoa lên. Tôi sợ mắt không kiếng tôi đọc lầm. Tôi đọc lại. Rõ ràng đích thực chị Lê báo cho tôi biết tin anh Lê mất. Con gái lớn tôi đang ôn thi học kỳ dừng học, sững sờ nhìn tôi đang im lặng đứng như chết cứng. Cái tin đau đớn đột ngột và hết sức bất ngờ khiến tôi không khóc được nữa; vốn yếu tim, tôi mệt xỉu, lảo đảo ngồi xuống chiếc ghế mây. Một chập - cũng khá lâu - tôi mới nghe từng nhịp đập của trái tim tôi, nó rỉ ra tiếng khóc. Tôi sờ lên đôi mắt, nước mắt ứa ra thầm lặng lăn xuống má từ bao giờ! Nhà tôi hẹp mà tôi cảm thấy như có một phép màu làm bung hết các vách tường tứ phía và một cảnh hoang vu bao la khủng khiếp trước mặt...

Má các cháu, vừa qua được cơn xúc động mãnh liệt thình lình, quay lại hỏi tôi: "Bây giờ tính sao? Có đi Sài Gòn không"?

Nghe hỏi, tôi trấn tỉnh. Nhìn đồng hồ: 4 giờ kém 15 ngày 23 tháng 12. Đi Sài Gòn đưa tiễn anh Lê là rất cần thiết, nhưng chắc chắn không thể kịp rồi. Gặp hồi xe cộ rất khó khăn, đi tàu lửa Thống Nhất phải đăng ký trước năm ngày; đi xe hơi phải trước một ngày và phải là cán bộ, công nhân viên chức mới được. Còn bao nhiêu điều kiện khác nữa. Sự việc ngỡ ngàng cấp bách không thể giải quyết kịp. Tôi quyết định đi đánh điện "đau đớn thổ lộ nỗi ngậm ngùi của mình cùng chị Lê, rất tiếc không thể vào đưa đám và xót xa chia buồn cùng tang quyến".

Tôi đạp xe sang báo tin cho thi sĩ Quách Tấn biết, rồi đạp luôn ra Trung Tâm Điện Báo đánh điện khẩn vào 12/3C Kỳ Đồng.

Trở về tôi mới cảm thấy buồn - cái buồn đứt ruột đi được. Vợ tôi, các con tôi đều buồn; bữa cơm tối dọn ra, ai nấy đều chẳng buồn ăn, chẳng buồn nói chuyện, ăn quấy quá cho xong. Nỗi buồn nhớ thương như bị khuấy động lên; giữa cái im lặng chết trong một bữa ăn gia đình, nỗi khắc khoải càng thêm dữ dội... Con tôi bưng cơm đi rồi, tôi còn ngồi âm thầm lặng lẽ. Mấy con chim sẻ chiều chiều hay bay đến ẩn náo cái lạnh cắt thịt chưa hề thấy của mùa đông năm nay ở cái xứ biển này tại vòm cây dừa sát hiên nhà tôi, giờ phút này chưa thấy về tới? Và thường khi những buổi chiều không mưa, theo ánh nắng ảm đạm, rơi rớt chìm dần về phía núi xa, trên bầu trời bên trên chỗ tôi mắc võng nằm lại thấy hiện ra loạn xạ những hình tượng cổ quái kết thành hình con hổ xám vằn vện nhe nanh múa vuốt một cách dữ dằn, lạ lùng chiều nay cũng chui nhủi biệt dạng ở một hang ổ nào mất! Bầu trời thấp, lất phất mưa, giọt rời và nhẹ. Một con nhện tơ buông từ một mái gác, lơ lửng nơi khoảng không một hồi như để quan sát rồi không cuốn mình trở lên mà lại loà xoà hạ xuống vừa đúng ngay chấm nước mưa nơi sàn như để nuốt cho được giọt lệ ứa của Trời cao! Tạo hoá rầu rĩ xem chừng đã cạn nước mắt mà lòng tôi vẫn ủ ê một nỗi buồn dai đẳng, khôn nguôi...

Bẵng đi nhiều tháng liền, tôi không nhận được thư nào của ông. Thư có đi. Mà không có lại. Tôi lo lắng đạp xe hỏi thăm ông Quách Tấn. Ông Tấn đáp: "từ mấy tháng nay, tôi cũng bặt thư anh Lê". Chúng tôi đều nghi anh đau. Mãi đến trung tuần tháng 8, tôi mới nhận được thư anh. Anh cho biết: "Có tới 8 - 9 tháng rồi, tôi mới nhận được thư anh. Vậy là bao nhiêu thư anh gửi cho tôi về Long Xuyên đều mất hết rồi. Bưu điện ở đó làm việc bê bối kinh khủng - tới điện tín cũng mất, đề thi cũng mất... mà chẳng ai chịu trách nhiệm cả. Ngay các sở, ty ở Long Xuyên cũng không tin họ nữa, cũng không bỏ thư ở Long Xuyên mà phái người mang đi các nơi...! Khiếp chưa!".

"Tôi chỉ muốn biết anh thôi việc, có được lương hưu trí không? Bao nhiêu? Có dạy tư ở nhà không? Sinh kế ra sao? Sức khoẻ có bình thường không? Thế thôi. Tôi mong Hải Thuỳ (1) được làm ở Nha Trang. Làm về recherche (2); ở ngoài đó có nhiều phương tiện nhất về hải sản (Hải Thuỳ với Hải sản, có lẽ do tiền định rồi, cháu có duyên với nghề đó)".

"Vợ chồng tôi đều đau. Nhà tôi thì huyết áp lên xuống thất thường, từ 12 vọt lên 18, 20 uống thuốc thì xuống lại. Nhưng ít lâu sau lại vọt lên nữa. Tôi thì như nói nhiều lần với anh trong thư, ăn kém, ngủ kém, uể oải như trái banh xì hơi, không muốn cử động, rọi phổi, làm cardiagramme (điện tâm đồ) không thấy gì nặng, vậy mà uống thuốc Tây không hết, uống thuốc Bắc cũng chưa có kết quả".

(Trích thư tháng 8-1984)

Cũng thượng tuần tháng 11 đó, tôi nhận được một bức thư của anh - thư ngắn thôi - anh hỏi sức khoẻ của tôi và nhắn lời thăm thi sĩ Quách Tấn. Không dè bức thư đó là bức thư chót anh viết cho tôi.

Nhìn cái chồng thư dày cộm tôi xếp cẩn thận theo thứ tự ngày tháng nhận được tôi bùi ngùi. Bệnh trạng của tôi anh theo dõi, hỏi han, giúp đỡ thật chí tình và chu tất. Gélusil chị Tuệ gửi về cho anh trị bệnh bao tử, nghe tôi đau, anh gửi ra cho một lần hàng trăm viên. Độc giả, bạn hữu chỉ cho anh nhiều phương pháp trị bệnh bao tử, bệnh thấp khớp..., chép biếu anh nhiều bài thuốc gia truyền, những kinh nghiệm trị liệu của chính bản thân anh..., anh chép hết gửi ra cho tôi với mọi chỉ dẫn chi li. Chỉ một sự anh thường xuyên hỏi han chăm sóc ấy cũng đủ làm cho tôi giảm đau rồi. Anh thường hỏi tôi kết quả việc dùng thuốc hay thực hiện các toa như thế nào? Thuốc tôi dùng chưa hết, vẫn còn cất giữ một số đề phòng khi bất thình lình cơn đau bao tử hành hạ thì uống; các bài thuốc tôi chỉ mới thí nghiệm có một nửa mà nay anh đã bỏ tôi anh đi thì kết quả và kinh nghiệm, tôi biết trao đổi với ai? Theo như nhà thơ Bàng Bá Lân ghi trong hồi ký của mình thì mãi đầu tháng 12-84, anh vẫn còn viết thư cho ông ta, "còn tin vận số năm sau sẽ khá"

(Thư đề ngày 1-12-84 ông gửi cho ông BBL).

Và ngày 11-12 anh vẫn phúc đáp thư ngày 6-12 của ông Vương Hồng Sển gửi cho anh "với lời lẽ chí thiết tâm tình và còn hẹn lúc khỏi bệnh sẽ lại nhà xem cặp ghế "Thái sư kỷ" kia mà!

(Thư ngày 3-1-1985 của

ông Vương Hồng Sển gửi ông Lê Ngộ Châu)

-----------------------

(1) Hải Thuỳ, con gái đầu của tôi, học Đại học Thuỷ Sản - Nha Trang.

(2) Nghiên cứu - Gf.

ĐÃ CHẾT THẬT RỒI A?

Đáp lại điều tôi mong đợi, trước tiên là một phong thư của một người bạn tôi ở Sài Gòn, trước giải phóng là một độc giả (1) rất ái mộ tác giả của hơn một trăm tác phẩm. Phong thư chỉ vỏn vẹn có một phiếu "cảm ta" cắt ở một tờ báo xuất bản tại Thành phố Hồ Chí Minh:

"Phiếu cảm tạ" như sau:

Cảm tạ

Chúng tôi chân thành cảm tạ

Bà con tổ 14 - P.17 - Q.3 cùng thân bằng quyến thuộc

đã chia buồn tiễn đưa linh cữu của chồng tôi

Nguyễn Hiến Lê

Từ trần ngày 22-12-84, Hường thọ 74 tuổi tới nơi

Hoả táng tại Xá Lợi Phật đài Thủ Đức

Nguyễn thị Liệp và tang gia

Thư không lời - ngay đến xuất xứ của tấm phiếu (cắt ở tờ báo nào) cũng không chú cho biết - nhưng lại nói rất nhiều...

Tiếp là thư trả lời của bà Nguyễn Hiến Lê: Bà kể sơ lược về tình trạng và cái chết của chồng bà và xót xa đáp lời tôi hỏi ("anh có kịp trối trăng gì với chị không?"):

"Nhà tôi ra đi đột ngột sau cơn mệt dai dẳng do tim làm anh không trối được lời nào với tôi khiến tôi đau đớn quá. Điều an ủi cho tôi là nhà tôi được vừa ý trong việc hoả táng và đám tang được một số văn hữu thân thiết tiễn đưa".

(Trích tư ngày 4-1-85 của bà Nguyễn Thị Liệp)

Tiếp đến , vắn tắt mà rành rẽ lớp lang, thoả mãn được lòng tôi mong mỏi, ông Lê Ngộ Châu vẽ lại "khúc phim diễn tiến" từ lúc cơn bệnh ông phát nặng cho đến khi xong đám tang. Đến nay mỗi lần đọc lại phần chót bức thư mô tả "cuốn phim kết thúc", tôi cứ ngỡ là ông Lê vẫn còn sống:

"Ông Lê mất rồi, xác đưa về nhà trông như ngủ, không có gì gây sợ hãi. Lò thiêu ở một đỉnh đồi Thủ Đức, phong cảnh thật đẹp. Cả bọn đưa đám tang mà tưởng như cùng ông Lê du ngoạn, không có cảm tưởng gì là ông Lê đã mất. Mất, thật rồi sao?".

(Trích thư ngày 11-1-85)

---------------------

(1) Trước và sau giải phóng, anh đã đôi ba lần đến nhà thăm và trò truyện cùng ông Nguyễn Hiến Lê. Hồi anh còn đi giao dịch làm ăn khắp các tỉnh miền Nam Việt Nam, cuốn sách Ý chí sắt đá của ông Nguyễn Hiến Lê là sách cẩm nang gối đầu giường của anh. Mỗi lần gặp rối rắm là anh mở sách ra đọc để cố lấy niềm tin mà tiến bước. Nhờ đó mà dần dà anh gây dựng nên sự nghiệp. Trong dịp vào Sài Gòn, tôi ghé lại thăm, anh đã cho biết rằng cái tin ông Lê từ trần đã làm anh xúc động và buồn thương tiếc, hình ảnh người chết đã ám ảnh anh tới mấy ngày.

KHÚC PHIM: CUỐI MỘT ĐỜI NGƯỜI - KHÉP MỘT SỰ NGHIỆP

Bệnh tình diễn biến:

Ông bà Lê về Long Xuyên được nửa năm thì ngày 22-6-1984 lại trở lên Sài Gòn để chữa bệnh. Ông hơi bị lớn tim và bị bệnh rối loạn nhịp tim (arythmie). Theo ông Lê kể thì hễ cơn bệnh lên là tim đập thật mau, rồi tiếp đập chậm lại, chậm đến nổi người bệnh nghẹt thở. Ở Long Xuyên thoạt tiên cứ một, hai tháng mới trở cơn bệnh (crise) một lần; sau thì hai, ba tuần một lần, rồi đến một tuấn một lần, ông phải tức tốc về Sài Gòn chữa. Lúc này ông cũng bị viêm phổi nặng. Ông chữa cả Tây y lẫn Đông y. Đông y với cụ Định Ninh Lê Đức Thiệp (cũng đã từ trần); Tây y có đo điện tâm đồ. Tây y chỉ chữa khỏi bệnh viêm phổi. Bệnh tim thì khó chữa vì chỉ có thuốc làm nhẹ cơn bệnh mà thôi. Còn bà Lê thìhuyết áp cao thật trầm trọng, lại bị chứng lục nội chướng (glaucome) (1) phải vào viện mổ một bên mắt.

Tuy nhiên, vào tháng 10, tháng 11 ông Lê đã khoẻ dần, ông đã tiếp khách, có khi nói chuyện gần một tiếng đồng hồ mà chỉ thấy hơi mệt thôi. Bà Lê thì mổ mắt xong cũng đã dễ chịu bắt đầu tập dưỡng sinh. Hai ông, bà trù tínhsửa về Long Xuyên ăn Tết.

Thượng tuần tháng 12, đột nhiên - có lẽ một bữa thời tiết lạnh - ông bị cảm, lại viêm phổi, ho hoài không dứt. Vì không biết chứng bệnh thực của mình, cứ ngỡ là cảm lạnh bị ho, chỉ uống thuốc ở nhà. Ông lại ngại xê dịch, không chịu đi bác sĩ chuyên khoa nên bệnh mỗi ngày một nặng. Khoảng 17-18 tháng 12, ông viêm phổi nặng thêm. Ông Lê Ngộ Châu và Văn Thanh lại thăm, bà Lê cho biết "ông Lê ho suốt đêm không ngủ được và cũng ăn rất ít".

Ngày 19-12 vợ chồng ông Châu lại đến thăm. Khi vào thấy ông nằm tựa gối và chăn nâng cao đầu và mình ông lên, vừa nằm vừa thở hổn hển. Hôm đó có gió đông nhiều. Hễ gió nhiều là ông sợ lắm, cho đóng kín các cửa sổ.

Ngày 20-12 bà Lê ngỏ ý lo sợ cho bệnh trạng của ông, muốn đưa ông vô bệnh viện, nhưng ông cứ gạt đi. Ông Châu phải góp sức, dựa cả vào yếu tố tâm lí để thuyết phục ông, như dỗ ông vô chừng đôi bữa sẽ khỏi liền, lại trở về nhà ngay. Bởi biết tánh ông dù đau cũng không muốn rời khỏi nơi mình quen thuộc. Thí dụ hôm 20-12 bà Lê tỏ nỗi lo của mình với ông Châu là vào ban đêm bà ngủ ở dưới nhà (2), ông Lê ở trên lầu một mình, mà ông đi lại hay ngã, nên sợ tối có chuyện gì, ở dưới nhà không hay được. Ông Châu bàn với bà là kê cho ông một đivan ở phòng khách, gian trong để ông xuống nhà nằm. Và ông Châu cho người con trai lại kê đivăn như đã bàn, nhưng rồi ông Lê không chịu rời phòng của ông.

Thuyết phục. Và ép buộc nữa. Sau rốt ông cũng chịu, nhưng khất lại một ngày để còn đi khám một bác sĩ chuyên khoa về phổi đã (đúng như lời ông nói, chiều 20 ông có nhờ người đưa đi bác sĩ Đỗ Chí Đồng ở bệnh viện Hồng Bàng (3). Bác sĩ Đồng là bậc thầy hồi trước).

Sáng 21-12, ông Châu lại nói thêm, nghe ông kể lại chuyện tới thăm bác sĩ Đồng, thấy ông tỉnh táo hơn, nói chuyện được nhiều, có vẻ như bớt ho.

Nhưng chiều đó, Ông Châu nhận được thư của bà Lê mời lại gấp (bà Lê chỉ có người đi chợ giúp việc làm cơm buổi sáng, còn buổi chiều và tối thì chỉ có một mình bà. Bởi vậy muốn gởi cho ông Châu mấy chữ, bà phải mướn một anh xích lô, coi như đi một cuốc xe). Ông Châu, vợ ông và ông Văn Thanh cùng tức tốc tới ngay. Bà Lê cho biết bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã mang đến cho hai giấy giới thiệu vô Bệnh viện An Bình (Chợ Lớn).

Lại hội ý với ông Lê (lúc đó đó có cả vợ chồng thầy giáo Quế), ông "nhất trí" sáng 22 sẽ vô bệnh viện.

Sáng sớm 22, ông Châu đến, vợ chồng thầy giáo Quế đã có mặt ở đó như đã bàn hẹn từ chiều hôm trước rồi. Ông Lê mặc một áo bà ba, một áo len ngồi trên giường, thầy Quế đỡ cho ông ngồi. Sau đó bà Lê đưa vô một li sữa, có bánh mì bẻ nhỏ bỏ vô đó. Ông ăn hết ít bánh đó và uống sữa bằng một ống hút. Ăn uống khó khăn, nhưng tỉnh táo, thỉnh thoảng vẫn nói chuyện.

Trong lúc đó thì ông Châu ngồi ở bàn ông Lê thường làm việc, mặt nghiêm nghị, vì có nhiệm vụ làm áp lực, buộc ông Lê giữ đúng lời hứa chiều hôm trước là vô bệnh viện.

Nhưng không có chuyện gì, dù có thúc giục ông mà ông vẫn chần chờ, mãi đến 8 giờ 30, ông cũng chịu xuống lầu, ông lê chân bước từng bước một, từ chối tất cả sự giúp đỡ của người thân có mặt, cứ tự mình tay vịn cầu thang mà đi. Tuy vậy ông Châu và thầy Quế vẫn đi hai bên phòng ông té. Trước khi đi, ông còn nhắc "nhớ đem theo cho tôi cuốn sách đang đọc dở, cây bút chì và cặp kính".

Trước khi bước chân lên xích lô, ông đếm số người hiện diện: một, hai... tám, chà đưa tôi đông quá, tất cả tới tám người (vì có bà láng giềng)! Dọc đường thấy vợ chồng thầy giáo Quế đạp xe kèm theo xe xích lô chở ông bà, ông hỏi bà về sinh kế và gia đình của người học trò mà ông thương nhất đó. Ông hỏi tiền xe, cho là rẻ và nhận cả trời đẹp nữa, ông ngửa mặt nhìn bầu trời xanh ngắt, nắng sớm đẹp tươi cười.

Giấy giới thiệu của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc có kết quả rất tốt. Xuống xe, vào phòng cấp cứu của bệnh viện, liền có bác sĩ và sinh viên Y khoa đến khám và hỏi căn bệnh; ông trả lời rành mạch. Họ cho lên nằm ở lầu ba, ngồi xe đẩy và có thang máy đưa. Ông được nằm một phòng dành cho cán bộ cao cấp, cùng với một cán bộ hưu trí cỡ trên dưới bảy mươi (hai người một phòng). Do sự giới thiệu ông Châu, cả hai người - ông Lê và ông cán bộ - đều có nói với nhau xã giao. Phòng đủ tiện nghi, giường khá rộng, sạch sẽ, gối nệm trắng muốt, ông tỏ vẻ khó chịu (4).

Sau khi bác sĩ khám và cô ý tá chích thuốc cho ông, ông cảm ơn ông Châu và vợ chồng thầy Quế, bảo "yên tâm về đi". Chỉ còn lại bà Lê và bà láng giềng mà bà Lê nhờ theo giúp.

Mười một giờ, bà cho ông ăn cháo và đưa đi tiêu (ông bảo dắt vào vào cầu chớ không chịu ngồi "pô"), xong đỡ ông nằm nghỉ. Mới nằm xuống đã bảo đưa cuốn sách (cuốn Búp sen xanh ông dặn mang theo đấy) và cặp kính cho ông. Bà ăn cơm (do bà giúp việc mua dùm. Bà mới và miếng cơm thì thấy cuốn sách rời khỏi tay ông, ông nằm nghiêng mà đầu gục xuống, hơi thở nặng nề. Bà vội bỏ cơm, chạy lại đỡ ông, miệng hối người giúp việc đi mời bác sĩ liền cho. Bác sĩ đến xem mạch xong gọi điện thoại chở bệnh nhân xuống phòng cấp cứu. Bác sĩ, y tá vây quanh người bệnh, người bắt mạch tay, người đo tim, rồi chích thuốc, lại cho toa đi mua thuốc tiêm. Khoảng mười hai giờ, bà giúp việc lấy tiền và toa rồi đi luôn không trở lại. Bác sĩ đành dùng thuốc sẵn có trong bệnh viện.

Từ đó đàm kéo lên, thở mệt nhọc, phải nhờ hút đàm. Hút đàm lần thứ nhất. Lần thứ hai. Đến lần thứ ba ông bảo thôi. Hễ thấy ông khò khè nhiều thì bà đỡ ông lên rồi móc đàm ra, song chỉ thấy một chất nhờn chớ không thấy đàm cục. Hết hút đàm thì y ta cho thở ô-xi mà vẫn không thấy khoẻ. Mãi đến bốn giờ chiều, bà hỏi ông "ăn cháu không". Ông lắc đầu đáp "không thấy đói".

Bà luôn ngồi ở chân giường ông, rồi lại đứng sát đầu ông chực đỡ ông lên cho ông khạc đàm.

Biết bà mỏi mệt, ông nhích qua một bên, vỗ tay chỉ chỗ bên cạnh ông.

Bà hỏi: "Mình làm gì vậy?". Vẫn nhắm mắt đáp: "Lại còn phải hỏi nữa?".

Bác sĩ và y tá luôn luôn có mặt, chích thuốc, lớp chích gân, lớp chích thịt. Bà nhìn mặt ông không thấy vẻ gì đau đơn khi mũi kim đâm vào thịt.

Đến sáu giờ, Dũng đi làm về vô thăm ông. Dũng thay bà đỡ ông và cầm ống ô-xi cho ông thở. Lúc đó ông nói "chắc chết". Một chặp sau, ông cựa mình, phiều phào: đi cầu. Dũng đỡ cho ông đi tiêu xong, thay đồ. Lúc này ông hỏi Dũng: "Nô-en có đi đâu chơi không?"

Hơi thở ông bắt đầu yếu dần, môi mấp máy, đưa tai sát vào miệng ông cũng không nghe được tiếng nào. Ông ra hiệu đưa cho ông giấy bút. Đưa giấy bút lại, ông cầm cây bút chì chỉ trong vài giây (từ lúc đưa bút vào tay, làm cử đợng viết, nhưng không cất tay lên được), rồi buông xuôi cây bút không viết được gì, và thở dốc bằng miệng...

Bỗng bà bác sĩ trực kêu bà nói: "Ông cụ xấu lắm rồi, vậy bà cụ muốn gì cứ nói?"

- Xin bác sĩ - bà đáp - rán giúp cho nhà tôi qua cho được khỏi đêm nay.

- Chúng tôi hết sức cố gắng, song sợ không được. Bà cụ còn muốn gì nữa không?

- Vậy nhờ cho bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc ở Bệnh viện Nhi Đồng 1 hay.

- Bà bác sĩ cầm ống nói gọi điện thoại liền. Bên kia đầu dây trả lời là bác sĩ Ngọc vừa rời khỏi bệnh viện.

Bà quay lại giường bệnh, bỗng thấy ông rướn người lên nấc, nấc, xong thở ra, rồi nín luôn. Ông đã vĩnh viễn ra đi. Dũng coi đồng hồ: 9 giờ kém 10 phút.

Bà kể lại cái giây phút cõi lòng tan nát ấy mà tôi nghe thấy bà vẫn giữ được bình tĩng trong khi tôi chỉ được nghe bà kể thôi mà không kiềm được cảm xúc; thú thật tôi nghẹn ngào, nước mắt rơm rớm:

"Tôi vuốt mắt ông vái: Ông nên nhắm mắt đi cho êm ái, đừng nuối ai hết vì đường xa diệu vợi không một thân nhân nào đến được đâu.

Tôi lấy khăn chêm cằm nhà tôi lên cho miệng khép kín lại. Dũng liền quay hạ đầu giường xuống, sửa tay chân lại cho ngay ngắn, lấy khăn đắp mặt lại.

Liền khi đó một cô y tá hỏi: "Bà tính chở xác về nhà ngay hay đem đi nhà xác?"

Tôi xin để ông nằm yên tới sáng. Cô bảo "không thể được, trái với luật lệ bệnh viện. Còn chở về ngay thì kí tên vào mẫu đơn có sẳn để xin xe Hồng Thập Tự". Cô còn có nhã ý giúp mời ông chủ nhà đòn đến lãnh việc tang ma cho nữa. Chúng tôi lúc ấy hết sức bối rối nên chỉ nhờ mời ông ta tới nhà tính.

Xe đến đậu ngoài sân, chúng tôi cám ơn vội vã các bác sĩ và y tá rồi vội vàng ra xe. Hai người khiêng băng ca để khiêng xác nhà tôi ra. Rồi xe rồ máy đưa về nhà ở Kỳ Đồng vào lúc 9 giờ 15 phút đêm hôm đó (thứ bảy 22-12-1984). Sao lúc đó tôi tối tăm quá đến nỗi quên mất việc thù lao cho hai người khiêng băng ca, luôn cả chú tài xế nữa.

Về nhà vắng hoe. Đặt xác nhà tôi xuống chõng kê sẳn ở tầng dưới xong thì ông Trung tá ở biệt thự bên trong chạy qua hỏi địa chỉ của thân nhân bạn bè nào muốn cho hay. Và ông đi xe Honda tới các nơi tôi nhờ, báo tin ngay".

(Tài liệu do bà Nguyễn Hiến Lê -

bà Nguyễn Thị Liệp - cháu Dư Kim Dũng và ông

Lê Ngộ Châu kể lại cho tôi nghe phúc cảo thư tôi hỏi)

Người đi không trở lại

Vợ chồng ông Lê Ngộ Châu tới ngay, rồi tới vợ chồng thấy giáo Quế và bà Kế. Sau khi thoả thuận xong với nhà Đòn, các người có mặt, người thì lãnh phần đi thông báo đánh điện cho bạn bè, thân nhân ở nội địa, kẻ lãnh việc đánh điện ra nước ngoài v.v...

Sáng ra, Ông Châu và người cháu của bà (Dư Kim Dũng) chỉ liện lạc được một số ít bạn bè thôi như các ông Vương Hồng Sển, Giản Chi, Toan Ánh, Học Năng tức giáo Phát và rể, ông Văn Thanh, Nguyễn Hùng Trương (Khai Trí), bà Đông Hồ, Minh Quân.

Trưa 23 tháng 12 liệm, nhập quan.

Các bạn văn muốn cho số đưa đông hơn nên đề nghị với bà hoãn ngày thiêu lại, song không được vì đã định hoả táng nên chiếc áo quan bằng gỗ xấu để dài ngày không tiện.

Sáng ngày 24 tháng 12 đưa linh cữu lên thiêu ở đài thiêu Thủ Đức.

- Việc hoả táng là do ý kiến của ông. Bà cho biết "lúc sinh thời, nói chuyện với nhau, cả hai đều đồng ý như vậy. Nhà tôi không thích rườm rà, không muốn làm phiền nhiều bè bạn hay bất cứ ai nên có nói "trong đám tang chỉ một số ít bạn thân và quyến thuộc đi đưa là đủ rồi không cần đông, cũng không mời sư sãi tới tụng kinh nữa".

Mà đã từ lâu, cách nay năm năm, trong một bức thư gởi cho nhà thơ Bàng Bá Lân, ông cũng tỏ ý ấy: "Thời xưa mong giữ được mộ 100 năm, thời nay tôi sợ không được vài chục năm. Cho nên tôi tính chết thì hoả táng, đỡ thắc mắc cho con cháu ở xa. Và cúng giỗ, tôi cũng bảo dẹp bớt đi! Không ngờ cái tục lệ thiêng liêng mấy nghìn năm của mình bây giờ chỉ trong có mấy năm mà thay đổi hẳn. Ngay cả tâm trạng mình cũng thay đổi nữa!".

(Trích thư đề ngày 18-7-81 của ông gửi

cho nhà thơ Bàng Bá Lân)

Thể theo ý nguyện của ông, bà tổ chức đám tang rất đơn giản, không nhận phúng điếu, từ chối vái lạy. Tuy nhiên, ai cũng tới vái trước linh cữu của ông. Cảm động nhất là lúc chưa liệm, sáng sớm 23, ông Vương Hồng Sển (năm nay 93 tuổi) (5), tới điếu tang; ông sụp xuống lễ ngay dưới đất (ông Lê nằm trên một giường thấp), vừa lễ vừa khóc rằng: "Anh Lê ơi, từ khi sanh ra, tôi chỉ mới lạy cha tôi lúc người mất, nay là lần thứ nhì, tôi lạy anh vì anh là người tôi quí trọng nhất".

Đám tang được cử hành im lặng mà thân mật đầy tình cảm. Tuy không mời nhà sư đi tụng niệm, nhưng vợ chồng thầy giáo Quế là Phật tử cùng với một số Phật tử khác có niệm Phật đưa linh.

Hiện diện hôm đưa đám có:

- Bà con: bà Lê và hai cháu của bà (Dư Kim Anh, Dư Kim Dũng), người chị chú bác với ông cùng các cháu ở Long Xuyên lên.

- Bạn bè thân hữu: đầy đủ các bạn hữu kể trên, trong đó có hai cặp đi đủ cả chồng lẫn vợ là ông Lê Ngộ Châu và ông , bà Quế, Kế.

- Tổ dân phố: cũng hơn mười người đến phúng điếu và đi đưa.

Tôi được ông Lê Ngộ Châu kể lại cho nghe bữa tiển đưa đó. Cũng xin viết lại để "Khúc phim quay lại" được trọn vẹn với đầy đủ mọi tình tiết, cảnh vật.

"Bữa đó khoảng 8 giờ sáng động quan, khởi hành đi Thủ Đức mất độ nửa giờ. Xe lên trên đồi đến tận đài thiêu. Tại đây có một bàn thờ Phật, dưới có chỗ đặt quan tài.

Mọi người lễ Phật, vái người quá cố, rồi 9 giờ đưa vô lò thiêu. Không có nghi lễ gì cả. Không có nhà sư tụng kinh siêu độ theo đúng ý muốn của anh Lê. Người ta mời chị Lê châm lửa, nhưng chị từ chối bảo Dũng (người cháu) châm. Dũng đưa cây đuốc tẫm dầu qua lỗ hổng ở gian ngoài phòng thiêu. Dàn thiêu bắt lửa. Lát sau tôi (ông Lê Ngộ Châu) thấy ống khói trên nóc lò bắt đầu có làn khói bốc ra.

Trời rất đẹp, cảnh đồi đặt lò thiêu cũng rất đẹp, có cây cối xanh tốt mát rượi. Chúng tôi leo lên ngọn đồi để xem một ngôi chùa trên đó, đi hàng một như đi hành hương, du lịch, quên bẵng trong chốc lát anh Lê đang nằm trong lò lửa.

Khi trở xuống, lối 10 giờ, tài xế giục mọi người ra về. Mọi người vái vọng vào lò thiêu và ra về cùng chị Lê, để lại Dũng cùng hai người nữa đợi thiêu xong. Khoảng bốn giờ chiều, họ mang được bình tro về nhà (12/3C Kỳ Đồng).

Bình tro đưa về Long Xuyên và thờ cúng tại ngôi nhà ông Lê xây riêng để ở và làm việc.

Ở ông Châu (6), sau khi nhận được điện báo tin ông Lê mất, bà Trịnh Thị Tuệ có tổ chức lễ phát tang và cầu siêu cho chồng ở một ngôi chùa Phật có nhiều nhà sư và một số bạn bè văn hữu đến dự.

Bà Nguyễn Thị Liệp, sau khi làm thất thứ hai cho chồng, xuất gia thọ giới Sa-di với pháp danh Huệ Đức. Vì tuổi già không thể ở chùa được, bà tu tại gia, biến tư thất của ông Nguyễn Hiến Lê thành một am thanh, ngày ngày vang vọng tiếng chuông mõ trầm đều thay cho tiếng võng kẽo kẹt của nhà văn quá cố.

------------------------

(1) Glaucome: bệnh cao nhãn áp.

(2) Nhà chỉ có hai vợ chồng ông và hai cháu của bà (hai chị em Kim Anh, Kim Dũng. Lúc đó người chị ở Bạc Liêu chưa lên, còn người em trai (Dư Kim Dũng) làm ở Bình Hoà - Gia Định, vì cuối năm phải làm việc liên miên để lo hoàn tất kế hoạch nhà máy có đêm không thể về được).

(3) Nay là Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch.

(4) Có lẽ cụ NHL cảm thấy khó chịu vì "được" nằm ở phòng dành cho cán bộ cao cấp mà cụ tự nhận rằng mình chẳng có công gì với "cách mạng".

(5) Cụ Vương Hồng Sển (1902-1996) lớn hơn cụ NHL khoảng 10 tuổi. Nếu ông Châu Hải Kỳ viết tiểu mục này vào năm cuối đời, năm 1993, khi ấy cụ Vương Hồng Sển chưa được "93 tuổi" - Gf.

(6) Chắc là Âu châu - Gf.

HỘI NHÀ VĂN NÓI GÌ VỚI NGƯỜI KHÔNG CÒN SỐNG

Thi sĩ Quách Tấn:

Khóc Lộc Đình Nguyễn Hiến Lê

Bốn trụ tình thân gãy một rồi,

Đau lòng nhau quá Lộc Đình ơi!

Còn đâu những bức thơ đầm ấm,

Cho bớt phong sương lúc trở trời

Quanh quẽ non xa gìn sự nghiệp,

Bẽ bàng nắng xế đọng thư trai

Xuân về thêm nặng oanh thương nhớ?

Phảng phất nguồn hương bóng lão mai.(1)

(Tháng chạp năm Giáp Tí)

------------------------

(1) Trong Hồi Ký Quách Tấn cũng có ghi lại bài thơ trên, nhưng có mấy chỗ khác biệt. Xin trích nguyên văn: "Tết Ất Sửu đến. Nhớ lại năm nào cũng ngồi viết thư nói chuyện tết với nhau, lòng tôi nỗi buồn thương không sao nén được!

Bốn trụ tinh thần gãy một rồi

Thương lòng nhau quá Lộc Đình ơi!

Còn đâu những bức thơ đầm ấm

Che bớt phong sương lúc trở trời

Quạnh quẽ non xa gìn sự nghiệp

Bẽ bàng nắng xế đọng thư trai

Xuân về thêm nặng canh thương nhớ

Lạnh thấm nguồn nương bóng lão mai

Thơ cũng như nước mắt làm dịu dần nỗi buồn thương"- Gf.

Nhà thơ Bàng Bá Lân:

Điếu Nguyễn Hiến Lê

Anh bảy mươi tư, tôi bảy ba

Tuổi già đa bệnh, ấy hai ta!

Anh chân còn vững, đi đây đó (1),

Tôi gối gần long, liệt xó nhà.

Đầu tháng được thư anh mách thuốc,

Cuối tuần nghe bạn báo tin qua... (2)

Hỡi ơi! Dâu bể còn dâu bể,

Thì kiếp phù sinh vẫn thế mà!

(Cuối năm Giáp Tí)

Bàng Bá Lân kính điếu

----------------------

(1) Thỉnh thoảng còn đi đi về về Sài Gòn - Long Xuyên được.

(2) Nhà thơ Bàng Bá Lân bị tê thấp nặng lại huyết áp cao không đi đưa đám được. Phần vì thương tiếc bạn, phần vì giận mình bệnh hoạn không được có mặt trong số ít ỏi anh em đưa tiễn biệt bạn, ông đã khóc nức nở, nước mắt đầm đìa khi nhận được thư phúc của bà Nguyễn Hiến Lê "cám ơn ông đã có thơ gửi tới chia buồn" .

Bạn đồng song với Nguyễn Hiến Lê:

Điếu văn đọc trước linh sàng anh Nguyễn Hiến Lê

Hỡi Anh Nguyễn Hiến Lê!

Anh mất đột ngột, các bạn đồng song của anh không hay biết, nên rất tiếc đã không được theo linh xa lân đài thiêu để vĩnh biệt anh.

Hôm nay là ngày 11 tháng chạp năm Giáp Tí (10-1-1985) đứng trước bàn thờ anh là:

Tôi, Võ Ngọc Côn mà các bạn đồng khoá cử làm trưởng tràng, như anh đã biết khi anh còn sống.

Và các anh:

Nguyễn Văn Thái, Vũ Đình Dậu, Vũ Văn Khoa, Lê Trọng Huyến, Lê Văn Trước, Đặng Đình Khang.

Tất cả xin thay mặt cho các bạn khác vì bận công chuyện nên không cùng chúng tôi đến đây dự lễ truy điệu anh ngày hôm nay.

Trước di ảnh Anh, trước di cốt Anh và trước vong linh Anh, chúng tôi vô cùng xúc động, đốt nén tâm hương, cúi đầu mặc niệm, tỏ lòng thành thực tiếc thương tưởng nhớ Anh là một bạn hiền, một tấm gương cần kiệm liêm chính, một học giả uyên bác, nhưng khiêm tốn, lúc nào cũng quí trọng các bạn sách đèn cũ, bất luận trình độ học vấn thấp cao, địa vị xã hội giàu nghèo sang hèn.

Anh ra đi làm thưa dần hàng ngũ các bạn đã cùng anh, cách đây ngót sáu chục năm, vào học tập tại ngôi trường bên cạnh Hồ Tây) (1).

Anh từ trần ở tuổi 74 là một tuổi thọ khá cao Trời dành cho những ai có đức. Đành rằng sinh ký tử qui, anh ra đi là về với tổ tiên, nhưng Anh cũng để lại bao nỗi tiếc thương cho gia quyến cho bạn bè. Những người còn ở lại chỉ còn được một niềm an ủi là về gia quyến đã có một người thân danh tiếng trong văn học sử nước nhà, và về phần chúng tôi thì mỗi khi tưởng nhớ tới anh sẽ cảm thấy đôi chút kiêu hãnh là đã có một người bạn học, sinh thời tài đức vẹn toàn.

Anh Nguyễn Hiến Lê hỡi! Trước linh vị Anh, chúng tôi một tấm lòng thành, hai hàng lệ nhỏ. Anh khôn thiêng, xin Anh chứng giám.

Thương thay!

-----------------------

(1) Tức Trường Bưởi. Trong Hồi Kí, cụ NHL cho biết: "Trường Bưởi ở cuối đường Quan Thánh, trên bờ Hồ Tây, ngó qua vườn Bách Thảo, chỉ cách trường Yên Phụ hai làn nước, không tới 500 thước...". Trường Cao đẳng Công Chánh ở đầu phố hàng Vôi (?) cách trường Bưởi khoảng bốn cây số

Xin nói thêm là trong Hồi Kí chúng tôi mới tìm thấy một số bạn học của cụ NHL ở trường tiểu học Yên Phụ là ông Vũ Đình Hoè và ông Lê Huy Vân; ở trường Bưởi là các ông Thiều, Nghiêm, Long, Phó Đức Vinh, Cao Bá Thao và Đỗ Văn Hách. Ông Long và ông Hách cùng đậu vào Công Chánh với cụ. Các bạn học ở Công Chánh còn có các ông Thái, Nghiêm Xuân Việt, Huỳnh Diên Phú, Nguyễn Văn Hợp, Lê Trọng Minh. Ra trường, ông Hách, ông Thái và cụ được bổ về làm ở Sở Trường tiền (Công chánh) Long Xuyên - Gf.

Ông Vương Hồng Sển:

"Hôm 1-1, cháu Bình đem lại nhà cuốn Cơ sở khảo cổ học. Cháu Bình về, tôi xem cuốn sách thì ra đó là sách quí, do ông Trần Quốc Vượng tặng anh Lộc Đình, và nay chị Lộc Đình có nhã ý gởi lại tôi, làm cho tôi lại càng nhớ bạn Lộc Đình và càng ngậm ngùi trước sự ra đi bất ngờ của một người bạn tốt - đáng quí, đáng trọng và đáng tiếc của chúng mình, - và của riêng tôi, vừa mất một người dẫn đường sáng suốt. Tôi nào ngờ anh Lê xấu số như vậy, mới hôm nào tôi còn ép anh đọc sách, tôi đem lại cuốn Scotland Yard, anh Lê đọc xong, tôi lấy về và mang lại cuốn nói về nhà văn Alexandre Dumas "Le roi de Paris", thuật chuyện nhảm nhí của một người ham viết cho thật nhiều và quơ tác phẩm của người khác làm tác phẩm riêng cho mình đứng tên, lúc ấy anh Lê cũng đọc nốt, tỏ ra không đau ốm gì nhiều...

"Tôi viết thư này cho anh và nhờ anh chuyển lời tạ ơn, tôi xin giữ quyển sách này như vật kỷ niệm của một người bạn quí, đã nhiều phen cho sách và cho thuốc (thuốc Profenid từ Pháp gởi qua), về thuốc thì dùng trị bệnh cho nhà tôi rồi sẽ tiêu dùng, nhưng quyển này, khảo về Khảo cổ học nếu từ chối không nhận thì ra phụ lòng chị Nguyễn Hiến Lê, chớ tôi đã chiều tàn lực tận, còn học hỏi gì được nữa, vã lại về môn khảo cổ, tôi đi một đường, họ đi một nẻo, không theo một hướng như nhau, tôi đâu còn thì giờ đọc và đọc để rối loạn tâm trí và phương hướng riêng, thì xin hỏi anh, có nên đọc chăng?

"Chị Lộc Đình rồi sẽ về Long Xuyên, anh Lộc Đình nay đã không còn, đường thơ tín từ đây bặt lối, đường đời đã thâu ngắn, mưa gió không chừng, phong vân bất trắc, biết ngày nào gặp lại, thôi thì tôi xin nhờ anh Châu chuyển đạt mấy lời, trước sau như một, tôi ghi mãi trong lòng hình dáng anh Lộc Đình, vĩnh biệt là vĩnh biệt không thấy mặt mày chớ về lòng dạ đã ghi tâm khắc cốt.

"Trong buổi đến nhà điếu tang, thấy ghi mấy chữ "miễn lạy", đó theo tôi tưởng, có lẽ là lòng trong sạch của người quá vãng muốn vậy, chớ theo tôi hiểu, lễ lạy là một cách tỏ lòng với nhau, người Nhật vẫn giữ lạy và hai lạy của tôi là một cách tỏ lòng, và xin nhắc từ ngày song thân quá cố, tôi chưa lạy ai khác".

(Trích thư ngày 3-1-86 của ông VHS gửi ông Lê Ngộ Châu)

Ông Giản Chi (1):

"Ông Lê là một người rất dè dặt và cũng rất cởi mở. Dè dặt đối với người ít quen biết hay mới gặp lần đầu, nhưng lại hoàn toàn cởi mở đối với bạn bè thân thuộc.

Đối với bạn hữu của ông, ông Lê coi đồng tiền rất nhẹ.

Sau biến cố 30-4, ông đã tự động tới tìm gặp bạn hữu, những người do thời cuộc mới mà gặp khó khăn cần bao nhiêu và hễ có thể giúp đỡ được là ông sẵn lòng làm ngay. Đã có người ông giúp đến một cây, hai cây v.v...

Sau hết ông Lê có óc "synthèse" (2) kỳ lạ. Cũng mấy cuốn sách, mình đọc xong còn đương ngỡ ngàng thì ông đã viết luôn được một tác phẩm, sau khi đọc cũng như mình".

-----------------------

(1) Hợp tác với ông Nguyễn Hiến Lê viết ba cuốn: Đại cương triết học Trung Quốc, Hàn Phi Tử, Tuân Tử (2 cuốn sau chưa in) - chú của người viết. [Có lẽ cũng nên kể thêm Chiến Quốc sách và Sử kí Tư Mã Thiên -Gf]

(2) Synthèse: tổng hợp - Gf

Ông Toan Ánh:

... "Ông Lê mất tôi có đến dự đám tang và tiễn đưa ông tới nơi ông được hoả táng. Đối với ông, tôi coi như bậc đàn anh (1). Khi ông bị đau tôi có đến thăm ông, và lần này, ông đã tiếp tôi ở trên gác nơi giường ngủ. Sau đó ít lâu thì ông qua đời.

Giờ đây, tôi còn lưu giữ được một số những lá thư của ông, và đây là những kỉ niệm rất quí đối với tôi".

Ông nhắc lại một số kỉ niệm:

"Nhờ ông khuyến khích, tôi đã viết bộ sách về phong tục tín ngưỡng và nếp sống của dân mình và đã lần lượt cho xuất bản tất cả bảy cuốn dày trên 3500 trang (...). Khi tôi viết xong cuốn PHỤC SỨC VIỆT NAM (chưa xuất bản) gửi tới ông, ông đã sắp xếp lại cho một vài chương trong sách, và ông đã nhắc tôi một vài điều thiếu sót trong đoạn tôi viết về Guốc. Ông nhắc tôi về guốc gộc tre và dép một quai (ông có vẽ dép này trong ở bên cạng trang sách).

Một kỉ niệm tôi nhớ mãi là ông đã đề tựa quyển CẦMCA VIỆT NAM của tôi".

---------------------

(1) Ông Toan Ánh tên thật là Nguyễn Văn Toán, nhỏ hơn cụ Nguyễn Hiến Lê hai hoặc ba tuổi (Có tài liệu ghi ông Toan Ánh sinh năm 1913, có tài liệu lại ghi sinh năm 1914) - Gf

Đồng nghiệp (cùng ngành xuất bản): Ông Nguyễn Hùng Trương

Sau 30-4-1975, tạp chí Bách khoa (số 426 ngày 20-4-1975 là số chót, có các bài giới thiệu ông Nguyễn Hiến Lê nhân cuốn sách thứ 100 của ông ra đời - Bách Khoa - ông Nguyễn Hiến Lê và 100 tác phẩm -... chưa đến tay hết các tác giả Bách Khoa, đánh dấu một thời đại chấm dứt. Ở trong cục diện, tác phẩm thứ 100 của ông Nguyễn Hiến Lê (cuốn Mười câu chuyện văn chương do Trí đăng xuất bản) cũng là cuốn sách chấm dứt một thời đại.

Nhân sự kiện đó, để kết thúc tiểu mục Hội Văn, tôi xin nhắc lại thiện ý của một ông trong ngành xuất bản sách với ông: ông Nguyễn Hùng Trương.

Đối với ông Nguyễn Hiến Lê, trước sau ông Nguyễn Hùng Trương vẫn giữ một lòng quí trọng. Hồi ông Trương làm nhà chủ nhà xuất bản Khai Trí ở Sài Gòn (trước năm 1975), ông rất biệt đãi ông Lê. Thí dụ một số sách (theo ông Trương chừng mười cuốn) của ông Lê do ông xuất bản, nhưng ông vẫn cho in tên nhà xuất bản là Nguyễn Hiến Lê, Nhà sách Khai Trí chỉ phát hành thôi.

Tháng 4-1975, thấy ông Lê cho ra tác phẩm thứ 100, ông đề nghị với ông Lê cho Nhà sách Khai Trí tổ chức kỷ niệm 100 tác phẩm của ông Lê: ông trưng bày 100 tác phẩm ở tủ kính bên ngoài và hôm đó mời ông Lê ra Nhà sách Khai Trí để độc giả ai mua sách ông Lê thì ông sẽ kí vô đó để làm kỉ niệm. Ông Lê đã đồng ý, nhưng vì thời cuộc biến chuyển quá mau, không thực hiện kịp.

Nghĩ kỉ sáng kiến chưa thành hiện thực kia, tôi linh cảm như cái cửa vô hình mở ra, rồi đột nhiên đóng lại "một cuộc đời hoạt động văn học bất tử" dù chỉ âm thầm kiên trì tiếp nối công việc của mình trong khúc ngoặt của tuổi già, nó không chấm dứt theo cái chết của ông mà tìm ẩn tận đáy sâu của tâm hồn độc giả và bạn bè...

Hình ảnh người chết tôi mơ hồ như có hiện về, bồng bềnh trong không khí Hội Văn. Bởi thế tôi xin ông, nếu có điều gì chẳng vừa lòng hợp ý thì cũng xin miễn chấp cho và cho phép tôi dùng việc khơi lại một thiện ý ngẫu nhiên đã tắt lâu rồi kia để ngừng cuộc Hội văn tại đây.

Bóng dáng kỷ niệm

Ngày đưa đám ông Nguyễn Hiến Lê, rất tiếc các bạn văn hiện diện không có chụp chung tấm hình nào. Hình cũ của mỗi bạn không còn. Hình mới, chụp sau ngày giải phóng không có.

Cho nên tôi không thể thực hiện được lòng mong mỏi của tôi là ghi làm kỉ niệm những bóng dáng tuổi tác, đời sống vật chất, nội tâm (sự khốn khổ, bệnh hoạn, nỗi xúc cảm lo âu, băn khoăn, buồn nản hay mừng vui, sung mãn... của mỗi bạn ở một giai đoạn chuyển tiếp của thời đại mới) phản ánh nơi mỗi tấm hình của mỗi con người.

Thật tôi rất lấy làm tiếc!

Hết Chương 5
Thông tin sách