NHỮNG TÁC PHẨM CHƯA XUẤT BẢN (1)
(Mới sửa và dịch, viết sau ngày giải phóng)
Những tác phẩm này gồm có những bản thảo đã viết xong (chưa in), những bản đương viết dở dang nay viết tiếp và những bản mới viết sau này, tất cả 22 tác phẩm, nghiên cứu có, dịch thuật có, sáng tác có.
Dưới đây xin giới thiệu sơ lược về mỗi tác phẩm (2):
1. Trang tử (gồm ba tập dày khoảng năm trăm trang): ông dịch không bỏ một bài nào tất cả các chương trong Nội thiên, Ngoại thiên, Tạp thiên, ở cuối mỗi chương ông đưa ra nhận định của ông về chân nguỵ và dùng những chương chắc chắn của Trang Tử để phân tích tư tưởng của Trang.
Có thể coi công trình đầy đủ nhất từ trước tới nay ở nước ta (3).
2. Tuân Tử (viết chung với ông Giản Chi) dày khoảng 500 trang, gồm hai phần: phần học thuyết của Tuân Tử và phần trích dịch. Ở nước ta, ngoài ít chục trang trong Nho giáo của Trần Trọng Kim, Khổng học đăng của Phan Sào Nam, đây là cuốn đầu tiên viết về Tuân Tử.
3. Hàn Phi (viết chung với ông Giản Chi) dày khoảng 500 trang giới thiệu đời và tư tưởng của Hàn Phi sau khi ôn lại hai thời Xuân Thu và Chiến Quốc về phương diện xã hôi, chính trị, học thuật cùng lược thuật tư tưởng và chính sách của các pháp gia trước Hàn Phi.
4. Mặc học (gồm hai tập, dày khoảng 450 trang), nửa trên về Mặc tử (triết gia sinh sau Khổng Tử, chịu ảnh hưởng của Khổng, cũng tôn quân, trọng hiền, đề cao đạo đức và sự tu thân như Khổng, nhưng chống Khổng ở lễ nghi, cho nó là phiền phức, xa xỉ, ghét ca nhạc mà lại có tinh thần tín ngưỡng rất mạnh), nửa dưới về Biệt Mặc (môn đồ, sau khi Mặc Tử chết, không còn giữ chủ trương của ông nữa, bỏ hẳn chính trị, đạo đức mà suy tư về trí thức, biện luận, khoa học (hình học, lực học, quang học).
5. Lão Tử (4) (1 tập dày khoảng 250 trang): ông giới thiệu học thuyết Lão Tử, dịch và chú thích trọn Đạo Đức Kinh.
6. Luận ngữ (5) (1 tập khoảng 250 trang): dịch, chú thích và phân loại thật công phu, thật kĩ lưỡng từ Khổng Tử, môn sinh Khổng Tử từ học và tu dưỡng, xử thế, chính trị... Trong mỗi mục lại chia ra: đời sống, lối sống, nhân cách, tính tình, dạy học, Khổng Tử tự xét mình, Khổng Tử xét người, người đương thời xét Khổng Tử.
7. Khổng Tử (6) (1 tập dày khoảng 200 trang): gồm các chương: thời Khổng Tử, Đời sống Khổng Tử, Con người Khổng Tử, Tư tưởng chính trị và chính sách trị dân của Khổng Tử, Đạo đức làm người của luân lý Khổng Tử.
8. Kinh dịch (7) (2 dày khoảng 650 trang): Viết cuốn này, ông dùng bộ của cụ Sào nam, nhưng dùng thêm nhiều cuốn khác của Trung Hoa, Pháp Anh và trình bày đầy đủ hơn, sáng sủa hơn. Nhiều bạn của ông cũng thích, có bạn chép tay để giữ vì sợ không biết bao giờ cuốn đó mới in được. "Một bạn trẻ coi ông như thầy học, bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng, giảng viên Đại học Y khoa Sài gòn, xin ông đánh máy sáu bản, tặng ông một bản, còn thì tặng các bạn thân đã giúp công giúp của trong việc đánh máy. Bạn ấy xin mươi năm nữa khi nào có dịp xuất bản sẽ lo cho (8).
Viết cuốn này ông nhằm mục đích hướng dẫn những bạn trẻ muốn tìm hiểu triết lí trong Kinh Dịch, nghĩa là vũ trụ quan, nhất là nhân sinh quan, cách xử thế, tu thân, trị dân trong Kinh Dịch" mà ông gọi là "đạo Dịch, đạo cũa bậc chính nhân quân tử thời xưa". Vì vậy, ông "bỏ hết phần bói toán, huyền bí, nhất là phần tướng số và trình bày một cách có hệ thống, sáng sủa tư tưởng của cổ nhân".
9. Lịch sử văn minh Trung Quốc (9) (2 tập, dày khoảng 400 trang) trong bộ Lịch sử văn minh (32 cuốn) của Will Durant. Ông dịch sau năm 1970. Cuốn này chưa kịp in thì thay đổi chế độ.
10. Tôi tập viết tiếng Việt (10) viết xong vào cuối năm 1964 gồm 11 chương đại ý ông nêu các kinh nghiệm của ông để viết tiếng Việt cho sáng sủa và xuôi tai.
11. Đời nghệ sĩ (11) (dày khoảng 200 trang) thuộc loại gương danh nhân, gồm tiểu sử của Goethe (thi hào Đức), Chateaubriand (văn hào Pháp), Balzac (tiểu thuyết gia danh tiếng nhất của Pháp), S.Maugham (tiểu thuyết gia Anh), Walt Disney (tác giả nhiều phim hoạt hoạ bất hủ).
12. Con đường thiên lý (12) (dày khoảng 250 trang): truyện một người Việt đầu tiên trôi nổi qua Mỹ theo một đoàn tìm vàng. Tới miền có vàng rồi thì chán, trở về NamViệt lập gia đình, khai hoang, kháng chiến.
Truyện viết xong năm 1972, rất hấp dẫn, ghi được một số hồi kí của ông như cảnh ngã ba Bạch Hạc, đền Hùng, tình hình hồi đầu kháng Pháp ở thôn quê miền Nam... và cả chí hướng của ông.
Truyện này ông đặt nhan đề là Con đường thiên lý vì hồi trẻ ông muốn viết một tập du kí từ Nam ra Bắc. Cuốn này ông lập tâm là cuốn sẽ viết say mê nhất và là tác phẩm chính của ông. Nhưng ông chỉ mới ra được tới Qui Nhơn thì thế chiến đã nổ và không có dịp đi tiếp những chặng sau: ông chỉ ghi vội bốn tập: về Bắc lần đầu (1940), về Bắc lần nhì (1943), về bắc lần ba (1944), Nha trang - Tuy Hoà - Qui Nhơn, trong đó ông đã những tả cảnh đẹp, những cổ tích, phong tục... ông được thấy ở miền duyên hải Trug Việt trong những dịp ông về quê hương hoặc đi thăm ông nhạc ở Tuy Hoà. [Lúc cụ NHL cưới bà Trịnh, "ông nhạc" của cụ đang làm việc ở Giá Rai - Bạc Liêu, sau đổi ra Tuy Hoà - Gf]
13. Mùa hè vắng bóng chim (13) (2 tập, dày khoảg 400 trang): dịch khá kĩ tiểu thuyết - mà cũng là tự truyện - Birdless Summer của Han Suyin (Hàn Tú Anh), một nữ sĩ cha Trung Hoa, mẹ Bỉ. Nội dung tác giả Han Suyin ghi lại những biến cố xảy ra ở Trung Hoa, sự thối nát kinh khủng của chế độ Quốc dân đảng Tưởng Giới Thạch, thương hại tình cảnh điêu đứng của dân nghèo Trung Hoa sống như thú vật trên một non sông tuyệt đẹp.
14. Những quần đảo thần tiên (14) (dày khoảng 200 trang): tuyển và dịch sáu truyện ngắn S.Maugham tả đời sống của thực dân Anh của một số quần đảo trên Thái Bình Dương.
15. Gogol (15).
16. Tourgueniev (16).
17. Tchekhov (17).
Ba cuốn trên đi chung thành một bộ. Một cuốn dày trên dưới 200 trang gồm 2 phần: phần giới thiệu tác giả (độ năm, sáu mươi trang) và phần văn tuyển.
Đây là ba tiểu thuyết gia lớn hạng nhì sau Tolstoi và Dostoievski. Tất cả đều có tinh thần nhân bản, phản kháng, chiến đấu và đều tả chân thân phận hạng người bị áp bức trong xã hội.
18. Để tôi đọc lại (18) (không xuất bản) dày khoảng 300 trang: gồm một số bài tựa, tuỳ bút, hồi kí, những đoạn đắc ý nhất của ông viết trong những năm 1965-1974 vì có tính cách nghệ thuật, lí luận vững, nhất là vì cảm xúc chân thành, dào dạt, ghi được tâm tư, những vui buồn phẩn uất của ông.
19. Mười tám câu chuyện thời sự (19): gồm một số bài có tính cách bút chiến trong những bài về tư thục, về chuyển ngữ Đại học, vấn đề kiểm duyệt, nhà cầm quyền và dư luận, vấn đề thông cảm lẫn nhau giữa chính quyền và nhân dân... đăng trong các tạp chí, tuần báo, nhật báo ở miền Nam chưa in thành sách.
20. Hồi kí (20) (3 quyển, dày trên 700 trang) chép về gia đình ông, đời sống, đời viết văn của ông và những nét chính về xã hội Việt Nam từ sau thế chiến thứ nhất đến 1980.
21. Đời viết văn của tôi (21): trích trong Hồi kí, gom chung những đoạn liên quan đến đời viết văn của ông rãi rác trong Hồi Kí thành cuốn này.
22. Sử Trung Quốc (22) (3 tập, dày 900 trang): Viết bộ này, ông phải đọc lại khoảng 50 cuốn Sử và Văn minh Trung Quốc. Ông không theo các nhà viết Sử trước phân biệt Thương cổ, Trung cổ, Cận cổ, Hiện đại..., mà chỉ chia làm ba thời: Thời Phong kiến - Thời Quân chủ - Thời Dân Chủ. Ông nhấn mạnh vào hai điểm:
- Lịch sử Trung Hoa là lịch sử ảnh hưởng của Khổng Giáo.
- Lịch sử Trung Hoa là lịch sử của một dân tộc văn minh một mặt là biển, còn ba mặt là các bộ lạc nghèo khổ, du mục, luôn luôn rình rập lúc người Hán suy nhược thì ùa vào cướp phá. Trên hai ngàn năm như vậy, và có mấy lần họ làm chủ non sông Hán, cai trị dân Hán, tổ chức xã hội Hán, dùng văn tự, ngôn ngữ Hán, chẳng bao lâu bị Hán hoá. Và khi người Hán quật khởi giành lại được chủ quyền thì đất đai của họ thành đất của Hán, con cháu họ thành con cháu dân Hán. Rốt cuộc đế quốc Hán càng ngày càng rộng hơn, dân Hán càng ngày càng đông hơn. Trung Hoa như con phương hoàng trong thần thoại phương Tây, cứ mỗi lần chết thì lại tái sinh từ đám tro tàn của nó mà đẹp đẽ thêm lên. Và ông đã tìm nguyên nhân của hiện tượng đó.
Viết chương này, nếu tác phẩm nào tôi chưa đọc thì tôi nhờ bạn hữu thân tín của ông giúp đỡ chỉ bảo cho hoặc dựa vào cuốn Hồi kí Đời viết văn của tôi của ông.
Vì sách chưa xuất bản nên tôi chỉ giới thiệu sơ lược nội dung mỗi tác phẩm mà không đưa ra nhận xét phê bình nào (23).
-------------------------
(1) Tác giả viết cuốn này trước năm 1975, do đó có nhiều tác phẩm của Nguyễn Hiến Lê đã được in sau giải phóng, tác giả (CHK) không nhắc tới (BT).
(2) Nội dung những tác phẩm đã xuất bản trước 30-4-1975, tôi đã giới thiệu ở Phần I.
(3) Ở nước ta, ông Nguyễn Duy cần đã giới thiệu học thuyết của Trang nhưng chỉ dịch ít chương trong Nội thiên, Ngoại thiên và Tạp thiên.
(4) NXB Văn Hoá-TT, 1992.
(5) NXB Văn học, 1992. [Hình như sau này Nxb Văn học đã gộp cuốn Luận Ngữ và cuốn Khổng Tử lại thành Khổng Tử và Luận Ngữ (2003) - Gf]
(6) NXB Văn hoá 1991, tái bản nhiều lần. (BT)
(7) NXB Văn học, 1992, nay (2006) đã tái bản lần thứ 9 (BT). [Tên đầy đủ là: Kinh Dịch - Đạo của người quân tử - Gf]
(8) Xem bài Bạt nơi bản in lần thứ 9 (2006) (BT).
(9) Trường ĐHSP TP.HCM, 1990 (BT).
(10) NXB Long An 1990 (BT).
(11) NXB Văn Hoá-TT, 1993 (BT).
(12) NXB Long An 1990 (BT).
(13) NXB Tác phẩm mới 1990 (BT).
(14) NXB Văn học, 2003 (BT).
(15) (16) (17) NXB Văn học, 2000 (BT).
(18) NXB Văn học, 2002 (BT).
(19) NXB Văn học, 2002 có đề phụ là Vài lời với bạn trẻ (BT).
(20) NXB Văn học, 1992, tái bản nhiều lần (BT).
(21) NXB Văn hoá, 1997 (BT).
(22) NXB Văn hoá, tái bản nhiều lần (BT)
(23) Tham khảo bài Giới thiệu tác giả Nguyễn Hiến Lê trong Nguyễn Q. Thắng, Tuyển tập Nguyễn Hiến Lê (4 tập) NXB Văn học, 2006 (BT).