Tiểu sử, Hồi ký
Tác giả: Châu Hải Kỳ

Nguyễn Hiến Lê - Cuộc Đời & Tác Phẩm Phần…

Chương 3

CUỘC SỐNG TỪ SAU NGÀY GIẢI PHÓNG

Một số bạn bè thân hữu của tôi - vốn là độc giả rất hâm mộ ông Nguyễn Hiến Lê - mỗi khi gặp tôi thường hỏi tôi về tin tức "nhà văn ngoại hạng họ Nguyễn" mà trước đây họ hết sức quí trọng: "ông ấy bây giờ ở đâu? Bệnh tình ra sao? Có cực khổ lắm không? Có còn viết lách, mà viết lách thì kí bút hiệu là gì?".

Bởi sự ân cần hỏi han ấy, để đáp lại thạnh tình của những độc giả đã mến yêu ông, tôi viết mục này: Cuộc sống của ông Nguyễn Hiến Lê sau ngày giải phóng.

Trước tiên tôi trả lời điều các bạn muốn biết là sau ngày giải phóng ông làm gì? Có bị làm khó dễ gì không? Là chủ một nhà xuất bản, ông có bị khép vào hàng ngũ "tư sản bốc lột" không? Từ sau ngày giải phóng, tôi chưa đi Sài Gòn. Nhớ ông, tôi chỉ giao thiệp bằng thư từ. Cho nên, dù có biết đi nữa, cũng không thể làm thoả mãn các bạn tôi được. Tiện hơn cả, tôi mời các bạn nghe ông nói cho biết:

"Trong hai năm đầu, nhờ được Cách mạng xếp vào giới nhân sĩ tiến bộ, nhờ tuổi cao (65 tuổi ta) mà lại đa bệnh: khạc huyết, thêm nước tiểu đục (không kể những bệnh kinh niên: loét bao tử, mất ngủ), nhất là nhờ không có tài sản lớn, không bốc lột ai, nên tôi sống đước yên ổn, nhưng vẫn không được nhàn. Vợ trước của tôi (1) mắc kẹt ở Pháp từ 1972 vì lo cho con và cháu; em gái tôi, vài người bạn thân của tôi cũng qua Mỹ, Pháp cả, tôi sống ở Sài Gòn với bà vợ sau, cảnh thật cô độc. Vợ chồng thay nhau dự các buổi họp tổ, học đường lối chính phủ, làm một số bổn phận công dân: Khai lí lịch, khai gia sản, bầu cử Quốc hội, đổi tiền (mệt nhất là công việc này), đăng kí các sách tôi xuất bản mà còn ở trong kho...

Riêng tôi phải tiếp vài bạn văn trong chiến khu miền Nam về như tiểu thuyết gia Nguyễn Văn Bổng, nhà báo Nguyễn Huy Khánh,... một số học giả từ Bắc vô Nguyễn Kim Thản, Hoàng Phê (ban ngôn ngữ), Nguyễn Đổng Chi, Đào Duy Anh (ban Sử), nhiều nhà văn, nhà báo cũng từ Bắc vô...

Tôi dự:

- một buổi toạ đàm với hai thứ trưởng Hà Huy Giáp, Hà Xuân Trường (Văn hoá).

- đại hội Trí thức yêu nước.

- đại hội Văn nghệ Thành phố.

(cả hai đều với tư cách nhân sĩ Sài Gòn)

- một cuộc họp nhân dịp ban ngôn ngữ Hà Nội giới thiệu tập đầu A-C Tự điển tiếng Việt phổ thông.

Phần lớn thì giờ tôi dùng để đọc sách báo miền Bắc, tìm hiểu văn học ngoài đó, và xét chung tôi thấy về sáng tác, Bắc không phong phú bằng miền Nam; về khảo cứu Sử và cổ văn học của mình thì Bắc hơn Nam, nhưng trừ vài ba tác phẩm có giá trị, như Chống Nguyên Mông của Hà Văn Tấn, Lam Sơn khởi nghĩa của Phan Huy Lê, còn lại đều bình thường thôi; về dịch, Bắc cũng ít hơn Nam.

Tôi viết trước sau bốn bài báo: một nhan đề là Đoàn kết, đại ý là muốn đoàn kết Bắc Nam, đoàn kết nhân dân thì cán bộ phải làm gương, nhã nhặn và hết lòng giúp dân; bài này báo Đại Đoàn Kết không đăng; hai bài cho tờ nguyệt san Tổ Quốc, do yêu cầu của ông Lê Huy Vân trong toà soạn, bạn học cũ của tôi ở trường Yên Phụ: Một bài nhan đề là: Một truyện ngắn (của Nam Cao) làm tôi xúc động (1977) (2), một bài nhan đề là Chủ nghĩa thực dân và vấn đề kì thị chủng tộc (ở Nam Phi) (năm 1978), cả hai bài đều bị cắt bỏ đi nhiều (3); và một bài được đăng trọn trên tờ Giải phóng chủ nhật 12-9-76 nhan đề là Góp ý việc thống nhất tiếng Việt.

Đại ý theo tôi tiếng Việt từ hồi nào tới giờ vẫn thống nhất, nay chỉ cần "nhất trí" hay qui định một số tiếng thôi; công việc đó mới xét tưởng dễ dàng mà thực ra cũng có nhiều vấn đề nan giải; và tôi đưa ra một số vấn đề về thống nhất:

1) Cách phát âm

2) Chính tả

3) Từ ngữ

4) Ngữ pháp

Bài đó không dài, nhưg được độc giả ở Nam và Bắc khen.

Năm 1978, một nhân viên bộ Giáo dục Hà Nội vào, mời tôi tham dự ban Trung Hoa học (Sinologie) nghiên cứu về Trung Hoa, tôi đáp không đủ tư cách; sau ban đó không thành lập nổi. Bộ không có đủ phương tiện".

Trên đây tôi trích trong Đời viết văn của tôi của ông Nguyễn Hiến Lê. Sau đây tôi kể tiếp những điều tôi biết:

Năm 1978, Viện Khoa Học Xã Hội phái người đến nhà ông xem ông có đi đâu không. Năm sau, vào khoảng tháng tư, tháng năm 1979, một cán bộ quen ông từ mười năm trước lại nhà hỏi ông có "tính đi đâu không?"

Ông đáp: "Có, tôi tính về Long Xuyên ở cho hết cái tuổi trời" (4).

Được thư ông kể cho nghe, tôi hả hê về câu đáp ngắn gọn mà thật hóm hỉnh nhặm lẹ kia.

Đáp như thế mà quả có đúng ông về Long Xuyên thật không?

Ngày 18 tháng chạp Kỉ Mùi (4-2-1980), nhằm tiết Lập Xuân, non năm năm sau ngày giải phóng, làm xong một số bổn phận công dân ở Sài Gòn, ông thu xếp công việc nhà (5), vợ chồng ông giao nhà ở Kỳ Đồng (mua 1960) cho một người cháu bên vợ trông nom, rồi chở một ít đồ đạc, sách vở về Long Xuyên. Tại đây vợ chồng ông đã có sẳn một ngôi nhà ở 26 đường Gia Long (nay là 93 đường Tôn Đức Thắng). Ngôi nhà này cất từ năm 1934 theo kiến trúc cổ là tài sản duy nhất của vợ ông - bà Nguyễn Thị Liệp - sau 37 năm dạy học. Sau vợ chồng ông cất thêm cho ông để nghỉ ngơi. Nhà ở trên một đại lộ nhiều xe cộ qua lại, không tĩnh bằng nhà ở Kỳ Đồng; nhưng có vườn rộng trồng nhiều cây trái: Mận, xoài, vú sửa, dừa, khế, lựu, chuối... Ở ngoài đường nhìn vào, phía trước cổng rào, bên mặt lối đi là một gốc hoàng lan đối diện với một bụi trúc ở bên trái, cả hai đều đặc nhiều phiến đá làm ghế ngồi. Sau cổng rào, bên trái là một gốc hoàng lan nữa, hương thơm ngào ngạt y như căn nhà ở Kỳ Đồng, rồi tới một hồ xây nhỏ, trồng sen trắng. Chiều tối, thanh niên nam nữ thường hẹn nhau lại ngồi trên những phiến đá "ở trước nhà có hương thơm" để tâm sự (6).

Ở đây tôi thấy cần nhắc đôi dòng về bà vợ sau của ông.

Bởi lẽ thứ nhất nhiều độc giả, nhiều bạn bè xa gần không ngờ ông có hai vợ đã hỏi tôi về bà. Lẽ thứ hai bà là người ruột rà duy nhất ở bên giường ông cho đến giờ phút cuối, từ sau bà Trịnh Thị Tuệ đi Pháp. Bà tận tình chăm sóc ông, những khi ông bệnh, người đã cố nén nỗi nghẹn ngào đau xót lo liệu đám tang cho ông cũng như hiện thời có trách nhiệm tiếp tục lo thu xếp công việc dang dở của ông.

Theo nhiều bạn bè quen biết và nhiều học trò cũ của ông bà, cũng như theo lời ông đã có lần nói với tôi thì bà là người đàn bà hiền đức hiếm có, đối với chông luôn luôn giữ một niềm quí yêu, trọng nể, ở ăn trung hậu.

Ông quen bà từ hồi vô Nam (1935). Bà là một người bà con với bác gái ông ở Tân Thạnh, học trường Gia Long ra, làm giáo viên trường nữ Long Xuyên, ông đã được gia đình bà giúp đỡ cho tá túc để được yên ổn dạy học [từ đầu năm 1947 đến cuối năm 1953 - Gf] , học và viết. Thấy bà tính tình bình dị, tự nhiên, ông ngỏ ý cầu hôn [năm 1935 hoặc 1936 - Gf]; bà từ chối vì muốn ở vậy nuôi mẹ già.

Năm 1947, thân sinh bà (bà Ngô Thị Lựu) qui tiên, bà vẫn tiếp tục cho ông tá túc và dạy học trong nhà.

Năm 1956, ông lập lại lời cầu hôn hai mươi năm trước. Bà vì cảm lòng ông mà miễn cưỡng nhận lời. Ông hỏi ý vợ ông. Bà Trịnh Thị Tuệ không phản đối. Cuộc hôn nhân đã thành. Do ngẫu nhiên mà cũng là do duyên trời định. Ông có viết trong Đời viết văn của tôi: "Trong đời dễ gì gặp được người bạn như vậy nếu không phải là duyên trời. Ngày nay, tôi thấy số phận tôi một phần do tôi quyết định, nhưng phần lớn là do may rủi, do những cái ngẫu nhiên xảy ra, không sao ngờ được, nhất là do thời cuộc". Việc này ảnh hưởng rất lớn tới đời của gia đình ông từ sau ngày giải phóng.

Trong lời nói đầu của tập Hồi kí, ông đã viết:

"... Ngày nay ôn lại dĩ vãng, tôi thấy ngoài hai đấng sinh thành ra tôi và bà ngoại tôi, còn vài ba vị nữa đã tiếp tay dẫn dắt cho tới khi thành người, cứ vị này xong nhiệm vụ thì giao cho vị khác.

"Ra đời rồi tôi được hai người bạn cùng chia xẻ những vui khổ, thành bại với tôi, lại giúp mọi việc nhà để cho tôi có thể đem tật cả tâm trí vào việc trứ tác.

"Hai người trên đều ảnh hưởng rất lớn đến tôi, đều là ân nhân của tôi cả: tiếng ân nhân này tôi thấy nhẹ quá , vì ân nhân hàm cái nghĩa là người khác với mình, còn những người thân của tôi đều tạo nên tôi, là một phần của tôi.

... "Tính sổ đời, tôi chỉ mừng rằng đã không làm gì khiến cho các bậc trưởng thượng của tôi phải xấu hổ, và các bạn tôi phải thất vọng". (Sđd).

Hai người bạn ông đã nhắc tới là bà Trịnh Thị Tuệ và bà Nguyễn Thị Liệp.

Về Long Xuyên, để sống những ngày còn lại, ông định bụng là "ngày ngày nằm đưa võng dưới mái hiên, bên gốc mận đỏ mà nhìn mây và đọc sách, tối tối bách bộ trên lối đi lát gạch bát tràng để hưởng hương lan và đón gió" (7). Nhưng rồi, vì không chịu nỗi cảnh rảnh rỗi, ông lại đọc, lại viết. Ông không giấu giếm: "cho tới bây giờ tôi vẫn không thấy có cách nào khác để tiêu cho hết 24 giờ một ngày. Ra vườn nhổ cỏ, thay đất, bón phân cho mấy gốc cây, mươi chậu kiểng, tôi cũng thấy thích, nhưng vườn hẹp quá, chỉ đủ công việc cho tôi làm mỗi ngày độ một giờ, rồi thì phải đọc sách mà sách thì cũng không thể có nhiều để đọc suốt ngày, quanh năm, lại phải viết. Viết đối với tôi thành món tiêu khiển rẻ tiền nhất".

Năm 1980 ông bắt đầu viết bộ Hồi kí (8) dầy trên bảy trăm trang xong tháng 9-1980. Bộ Hồi kí này, ông chép về gia đình, đời sống, đời viết văn và ghi những nét chính về xã hội Việt Nam thừ sau thế chiến thứ nhất tới 1980. Ông tách những chỗ liên quan đến đời viết văn, gom chung vào một tập, có sửa chữa bỏ nhiều đoạn và thêm nhiều chi tiết không chép trong bộ Hồi kí lấy nhan đề: Đời viết văn của tôi, lần đầu sửa chữa xong nắm 1981, lần sau có sửa chữa thêm, xong vào năm 1983 (9).

Đời ông cho mãi tới khi ông rời bỏ cỏi thế - như ông tự nhận xét - có thể tóm tắt trong hai chữ HỌC và VIẾT. Hai việc đó liên quan mật thiết với nhau gần suốt đời ông. Ông viết để học và học để viết.

------------------------

(1) Bà tên Trịnh Thị Tuệ, con một tham tá làm việc ở Giá Rai (Bạc Liêu), ông cưới năm 1937, năm sau sinh con trai đầu lòng đặt tên là Nguyễn Nhật Đức (xin xem giới thiệu ở phần I). Giỏi giắn (trong thời gian từ 1945 đến 1953 ông tản cư về ở nhà bác Ba ông ở Tân Thạnh, rồi ở Long Xuyên, tá túc nhà bà Nguyễn Thị Liệp), một mình bà (sau ngày Pháp đổ bộ lên Sài Gòn - tháng 10-1945, tản cư xuống Long Điền) can đảm làm lụng nuôi con, dạy con (năm 1957 con ông qua Pháp học trường Hautes Etudes Commerciales de Paris). Đến khi cả ông bà về Sài Gòn, bà dạy học, ông viết sách xuất bản, vợ chồng tự túc làm hết, không thê mướn ai, nên không bị coi là bóc lột.

[Trong thời gian bà lánh cư ở Long Điền, tư trang chôn giấu bị Miên lấy hết, năm 1946 bà trở lại Sài Gòn và có vài lần xuống Long Xuyên thăm ông - Gf]

(2) Truyện Một đám cưới, một truyện ngắn hay nhất, bất hủ của Nam Cao mô tả đời sống đáng thương của hạng nông dân chất phác - hoàn cảnh càng khiến họ đáng thương thì họ càng dễ thương (ông có giới thiệu trong Hương Sắc Trong Vườn Văn 1961)

(3) Sau bài Chủ nghĩa thực dân và vấn đề kì thị chủng tộc "cũng bị cắt bỏ đi nhiều", nên "Từ đó có vài tờ báo xin bài tôi (cụ NHL) đều từ chối hết". (Hồi kí, tr. 530) - Gf.

(4) (5) Thư ngày 20-7-1979.

(6) (7) Trích Đời viết văn của tôi của Nguyễn Hiến Lê.

(8) NXB Văn học tái bản nhiều lần.

[Cụ Nguyễn Hiến Lê viết Hồi kí từ năm 1979 - Gf]

(9) VXB Văn hoá - TT, 1997.

*

Nếp sống ở gia đình

Nhờ biết tổ chức công việc, tiết kiệm thì giờ và biết quí sức khoẻ, bất kì ở đâu và lúc nào, ông tự đặt cho mình một kỷ luật: Làm việc đều đặn, ăn ngủ đúng giờ giấc và có hướng rõ rệt. Tính ông giản dị, rất ít nhu cầu mà cũng không có một đam mê gì (không có khiếu âm nhạc, không thích đánh cờ, rất ghét đánh bài, không ưa họp bạn tán chuyện, nhậu nhẹt...) ngoài sách vở. Về việc gia đình vì tánh bà hay quên nên kinh tế gia đình và sắp xếp sách vở đều do ông quản lí.

Bình sanh tánh ông đã đơn giản lại cần kiệm rất hợp với tánh bà. Trước ở Kỳ Đồng, nhà có người giúp việc lo nấu ăn cho ông. Thường bữa ăn có ba hay hai món, sáng khác, chiều khác. Mặc thì toàn đồ ba ba vải trắng, cứ hai ngày thay một lần, giặt ủi thẳng nếp.

Sau ngày giải phóng một năm, ông cho chị bếp nghỉ việc (chị xin về quê ở Huế để làm ruộng), rồi tổ chức việc gia đình lại cho hợp với cảnh nhà chỉ có hai vợ chồng già: Mỗi ngày ăn hai món, sáng chiều giống nhau, cơm nấu một lần, chiều hâm lại; quần áo cũng tự giặt lấy và không phải ủi quần áo mặc ở nhà; không xài quạt máy, bớt dùng tủ lạnh; nhà không ti-vi, không ra-đi-ô. Buổi ăn điểm tâm chỉ có bắp, xôi, khoai mì, bánh giò, bánh chưng, lâu lâu ăn phở một lần; sau ông chê phở dở không ăn mà chịu ăn cháu, bánh cuốn. Nhà cửa thay vì quét lau hàng ngày thì ông bảo bà "ba ngày hãy làm một lần" và ông phân công với vợ: Bà một phần dưới đất, ông phần trên lầu. Luôn luôn ăn đúng giờ, tuyệt nhiên không ăn gì ngoài ba bữa ăn chánh.

Ông rất tiện tặn, không dám tiêu xài cho chính bản thân mình. Lại kĩ lưỡng, ngăn nắp. Quần áo chỉ bốn bộ thay đổi thôi, "chị Tuệ - bà cho biết - gởi về bao nhiêu khúc vải để mai sơ-mi và quần tây mà vẫn để mãi, đến chết vẫn không có đồ mới".

"Nhà tôi - bà thố lộ - có một nghị lực phi thường, không bao giờ hé môi cho ai biết nỗi khổ tâm về cảnh gia đình đơn chiếc của mình. Cho đến lúc đem ông đi vào nhà thương mà ông vẫn nói chuyện như thường, thậm chí không nhấc cao chân lên nổi để đi mà vẫn từ chối sự giúp đỡ của một người học trò cũ định cõng ông xuống lầu. Ông là người sống nội tâm, "ghét sự rườm rà, xa hoa"...

Giọng bà xúc động khiến tôi là người nghe cố giữ bình tĩnh cũng nao nao...

Giờ giấc làm việc

- Mỗi sáng dậy từ sáu giờ, tập thở, xoa bóp thân thể xong mời rửa ray thay đồ. Đi bộ một lúc mới về.

- Bảy giờ: Ăn sáng rồi uống trà Tàu châm trong một bình trà nhỏ (ông có sở thích uống trà Tàu buổi sáng thôi, lúc khác thì dùng trà hột).

- Nằm đọc sách đến hơn tám giờ.

- Ngồi viết đến 11 giờ 30; hút thuốc xong, ăn trưa.

Sau bữa ăn, nằm nghỉ liền cho đến hai giờ, ít khi ngủ (chợp mắt được độ nửa giờ là nhiều). Hễ thức dậy là đọc, đọc xong lại viết cho tới năm giờ chiều tắm rửa, nghỉ ngơi, chờ ăn cơm tối (sáu giờ).

(Từ ngày về Long Xuyên thì buổi sáng ông đi bộ một vòng rồi về ăn sáng, nghỉ một lúc lại đi nhổ cỏ, tỉa lá chăm sóc mấy chậu kiểng, xong về mới đọc sách và viết, buổi chiều sau giờ làm việc ông đi tới đi lui khoảng hai mươi lần trên sân xi-măng từ ngoài ngõ vào nhà (dài độ 30 mét) mới về dùng tối).

- Ăn tối xong, đóng hết các cửa từng dưới mới lên lầu nghỉ (1), nghe nhạc (thích cổ nhạc hơn tân nhạc)

- 9 giờ: Vô mùng sau khi thở một lúc. Vì bị bệnh mất ngủ nên buổi tối ông không viết, cũng không đọc, không tiếp khách. Thường phải uống thuốc an thần (thứ nhẹ), từ 1980 mỗi đêm chỉ ngủ được năm giờ và phải thức giấc một lần.

Bệnh mất ngủ làm ông trở nên khó tính, một chuyện nhỏ cũng dễ làm ông bực mình. Tỉ như một đêm vào khoảng gần mười giờ, đứa nhỏ bên dẫy nhà công nhân viên Sở Địa Chất cứ khóc ầm lên mà không nghe tiếng người lớn dỗ, ông giận quá, mở cửa ra "banh công" la lớn: "Khuya lắm rồi, để cho hàng xóm ngủ với chứ".

Đứa nhỏ nín khóc ngay (2).

-----------------------

(1) Nhà ở Sài Gòn (nhà ở Long Xuyên không có lầu).

(2) Dẫn chứng về tính "không dễ thương" của ông mà tôi đã xin bà kể cho nghe.

Đi lại - Giao du

Vì không muốn mất thì giờ và muốn được độc lập, ông hạn chế mọi cuộc hội họp, tiếp xúc khách khứa mà để hết thì giờ vào việc trứ tác. Sau ngày giải phóng, ông chỉ cầu sao cho Nhà nước XHCN cho ông yên ổn, không phải lãnh một nhiệm vụ gì hết, ông già rồi. Điều ước vọng đó may mắn ông đã giữ được.

Ông ít giao du, lúc còn ở Sài Gòn quanh quẩn chỉ với một ít bạn bè, nhà văn quen thân lâu lâu đi lại trò chuyện, thăm viếng. Ở Long Xuyên có hai người thân nhất; một người bạn học chung lớp, vào Nam cùng một lúc và gặp nhau cùng một tỉnh. Người nữa, một nhân viên cũ, sau làm thầu khoán, cất căn nhà nhỏ, chỗ ông ở, làm việc, nghỉ ngơi sau này đó (1). Ngoài ra đều là học trò cũ và bà con đến thăm thôi.

Thỉnh thoảng, ông cùng bà ra ngoại ô, đi dọc theo mấy con rạch xem cảnh và xem sinh hoạt của đồng bào, thích nhất là coi các trẻ nhỏ mò óc, mò hến dưới rạch khi nước ròng, hoặc sang sông Hậu đi chơi theo bờ sông từ đầu cồn tới đuôi cồn (2) xem đồng bào trồng rẫy, trồng thuốc. Có khi đang đi bổng phảng phất một mùi thơm như lạc lối trong không gian, ông dừng lại hỏi bà: "Biết hương gì đó không?" - "Không" - "Hương cau đấy".

Một tiếng chim hót lọt vào tai ông, lập tức ông dừng lại hỏi bà: "Tiếng chim gì đấy?".

Cảnh vật đẹp làm sao! Thong dong, nhàn nhã, ông bà có thể đi chơi lâu mà không chán, mỏi thì tìm gốc cây ngồi nghỉ, không hề ghé vào nhà người quen.

Trong dịp đi chơi như vậy, bà thường đem theo quần áo trẻ con, có mới có cũ để cho trẻ nghèo. Thấy thế, ông trêu bà "được mấy vé máy bay rồi?"...

Tuổi già của ông bà đã có những giờ phút êm đềm, nên thơ, tình tứ như thế, bạn bè quen thân của ông có ai ngờ tới không nhỉ? Tôi mơ thấy được ngắm một cách thích thú đôi bạn cao niên tri kỷ tha thẩn bên nhau trong những giờ phút thần tiên ở quê hương mình. Tự dưng tôi nhớ đến điều ông ân hận ("Tôi" - tức ông Nguyễn Hiến Lê - đôi khi ân hận rằng vì tôi chui đầu vào sách, vợ con tôi chắc cũng buồn") và tôi nghĩ rằng trong khi hưởng những giờ phút dù ngắn ngủi nhưng thú vị và đẹp đẽ đó, có lẽ ông cũng bớt đi nỗi ân hận và bà cũng quên đi được nỗi buồn - nếu quả có nỗi buồn đang ấp ủ trong lòng.

--------------------------

(1) Hai người bạn cũ của ông: ông Hách, cùng vào Sài Gòn với ông để nhận việc ở Sở Thuỷ Lợi như ông. Cũng thôi việc Công Chánh, không trở lại sở cũ có sạp bán vải ở chợ Long Xuyên. Người nữa là một thầy hoạ đồ trước giúp việc ông ở Sở Thuỷ Lợi, cũng bỏ luôn nghề cũ, qua Long Xuyên mở một quán cóc bán tạp hoá (sau làm thầu khoán).

[Căn nhà nhỏ bằng gạch của cụ Nguyễn Hiến Lê, khoảng 50 mét vuông, cất từ trước 1970 (Hồi kí, tr. 556) - Gf]

(2) Cồn Phó Quế ngang công viên Nguyễn Du

Thư từ - Khách khứa

Thường nhận được thư của các bạn văn, độc giả và thân nhân ở ngoại quốc gửi về. Có ngày chín cái. Ở Long Xuyên có lẽ ông nhận nhiều thư nhất. Thư gửi đến ông có hồi bị thất lạc nhiều quá, ông kêu nài ở cơ quan Bưu Điện nên bị ghét, ông dặn bạn bè có gửi thư cho ông thì ngoài đừng đề tên ông mà đề tên bà. Ông kể một trường hợp "khó thở": Hồi gần Tết (82), người cháu của ông ở Pháp - cô Tô Lệ Hằng - đánh diện tín về báo cho ông hay ngày cô về thăm ông ở Long Xuyên. Vậy mà ông không nhận được.

Đọc thư, bất cứ của ai, để ông khỏi mất thì giờ, bà cắt phong bì trước mới đưa cho ông (sau này hễ bao thư nào tốt thì để nguyên cho ông gỡ để dùng lại). Thư nào đọc xong ông cũng có trả lời, thành thực đưa ý kiến cả. Tuy nhiên vì thư đi về quá chậm trễ, mất thời gian tính, ông đâm ra ngán viết. Một bức thư từ Sài Gòn gửi cho ông mà một tháng rưỡi mới tới nơi. Lại có bức từ Paris gửi về mất ba tháng rưởi: một tháng rưỡi tới Sài Gòn, rồi từ Sài Gòn về Long Xuyên mất hai tháng nữa. Thư bảo đảm từ Nha Trang về Long Xuyên hai tháng hơn là chuyện thường. Viết thư mà hai ba tháng, nữa năm mới được hồi âm, gấp mấy lần? mười lần? thời cổ nhân chạy trạm, ông ngán viết là phải.

Khách khứa

Dù ở Sài Gòn hay ở Long Xuyên, ông cũng hạn chế tiếp khách. Ở Long Xuyên chỉ có hai người bạn thân nói ở trên khi nào đến là cứ đi thẳng vào ông khỏi cần thông báo.

Ở Sài Gòn, ông yên tĩnh ở trên lầu, bà phải làm công việc bếp núc vừa thay ông tiếp khách. Hễ bạn thân thì bà mở cửa mời đi thẳng lên lầu, không thân mà bà biết thì chờ thông báo, ông chịu tiếp thì bà mới mời họ ngồi chờ. Khách sơ thường là thanh niên, học sinh nghe danh nhà văn mà muốn đến thăm cho biết mặt hay xin cho vài lời chỉ bảo thì bà lựa lời từ chối. Giữ cái chân "gát gian giám thủ" đó bà kể "tôi rất hối hận một lần một lần nọ phải từ chối không cho một người lạ tha thiết muốn biết mặt nhà văn Nguyễn Hiến Lê: "Hôm đó nhà tôi cảm, tôi hẹn ông khách để lần khác. Ông nài nỉ: "cho gặp ông Lê trong năm phút thôi. Tôi sợ lần sau ông chết, tôi không được thấy mặt". Tôi muốn mở cửa đưa ông vào gặp nhà tôi, song không dám làm "sai nghi thức".

Tôi kể thêm câu chuyện mà tôi cho là khá lí thú ông đã kể cho tôi nghe. Năm 1976, ông Đào Duy Anh ở Hà Nội vô lại nhà thăm ông. Đó là lần đầu tiên ông đến, đúng lúc ông Nguyễn Hiến Lê đương ăn sáng. Ông đứng ngoài sân nhìn vào hỏi: "Ông Nguyễn Hiến Lê có ở nhà không?". Ông không biết mặt ông Đào Duy Anh mà ông Đào Duy Anh cũng không xưng tên, ông cho là một ông già nào lại nói chuyện cho vui (vì mới giải phóng độ một năm, ông không muốn tiếp khách lạ) nên ông đáp: "ông ấy về Long Xuyên rồi, không biết bao giờ lên".

Ông Đào Duy Anh lặng lẽ ra về.

Dăm bữa sau, ông lại tới vào buổi sáng. Ông ăn sáng xong rồi, lên lầu nằm nghỉ. Bà ở nhà dưới tiếp ông. Ông ta lần này xưng tên, bà lên lầu cho ông hay, bảo: "ông già hôm nọ trở lại và xưng tên là Đào Duy Anh". Ông bảo nếu là Đào Duy Anh phải tiếp chứ" và ông vôi vàng xuống liền.

Nói chuyện hơn một giờ. Ông hỏi: "Tại sao anh biết tôi ở đây mà lại?" (vì thân mật, gọi nhau bằng anh ngay sau vài ba câu chuyện).

Ông ta nói vì ông Quách Tấn ở Nha Trang giới thiệu, vô Sài Gòn, Phạm Văn Diêu cũng giới thiệu nữa.

Từ đó lần nào vào, ông ta cũng lại chơi, có lần xuống Long Xuyên thăm ông Lê và dùng cơm với vợ chồng ông.

Ban Tuyên huấn Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh có lần phái một nhân viên lại thăm ông. Nghe ông nói sức khoẻ mỗi ngày một suy, nhân viên đó ngỏ ý muốn giới thiệu ông vào điều trị tại bệnh viện Thống Nhất (1) (bệnh viện dành cho cán bộ cao cấp, nhiều dụng cụ, thuốc men, thuốc men nhất miền Nam). Ông từ chối, đáp rằng: "bệnh không nặng, có thể điều trị ở nhà được".

Khi ông nói chuyện thì ông Đào Duy Anh ngồi bên (lần đó ông Đào Duy Anh ở lại nhà ông chơi hai, ba ngày). Nhân viên đó về rồi, ông Đào Duy Anh hỏi ông:

- "Người ta săn sóc sức khoẻ của anh như vậy mà sao anh tỏ vẻ lơ là?"

Ông đáp:

- "Tôi có công gì với cách mạng đâu mà vô đó nằm? Hưởng một ân huệ mà mình không đáng hưởng, tôi cho không phải là phúc".

Ngoài ông Đào Duy Anh, ông tiếp nhiều cán bộ Văn hoá ngoài Bắc vào:

- Ông Vũ Tuân Sán, bạn Trung học của ông, tặng ông cuốn Hà Nội nghìn xưa, viết chung với Trần Quốc Vượng.

- Hai nhà trong ban biên tập bộ Từ điển tiếng Việt phổ thông (mới in xong tập đầu A-C, 300 trang khổ 18x25cm).

- Nữ sĩ Bội Lan (chuyên về văn học miền Nam).

- Ông Nguyễn Thạch Giang v.v...

Theo ông thì trong số các cán bộ ông gặp, Nguyễn Thạch Giang (49 tuổi) óc khoáng đạt mà có tài hơn cả.

Ông này - tôi được biết tính in bộ Từ điển tiếng Nôm (100 trang).

Những ông, bà khách xa lạ dĩ nhiên là không thể không qua chặng đầu "ngồi chờ bà thông báo" theo đúng trách nhiệm phần việc của bà.

----------------------

(1) Trước ngày giải phóng là một bệnh viện tư có tên là Vì Dân - Gf.

Bệnh trạng - Cảm xúc bất thường

Ông mang bốn thứ bệnh:

- Loét bao tử: tự chữa sau khi đi bác sĩ một thời gian. Từ 1975 lành hẳn nhờ thuốc và kiêng cử kĩ.

- Đau phổi: khạc ra máu, cũng lành, song hay cảm.

- Rối loạn nhịp tim: nhờ bác sĩ bạn chữa mà không hết, hễ mệt là tự uống thuốc. Bệnh này nguy hiểm. Cơn bệnh lên thì tim đập dồn dập thật mau rồi đập chậm lại, chậm đến nỗi người bệnh nghẹt thở.

- Trĩ: đi bác sĩ hai lần rồi cũng ở nhà chữa lấy.

Bà cho biết: "từ ngày cưới nhau cho tới ngày ông mất, không ngày nào vắng thuốc, không uống thuốc bệnh thì cũng uống thuốc bổ. Chị Tuệ ở bên Pháp hàng năm đều gởi thuốc về cho ông uống; sau khi ông chết vẫn còn một số để tôi dùng đây".

Bệnh ông làm ông yếu dần, ăn từ ba chén cơm sụt lại còn một chén.

Bà kể: "Mặc dù yếu, đi dở chân lên không nổi, té ba lần, lần đầu nặng nhất mà tôi không hay, hai lần sau thì một lần ngồi uống nước, rồi té ngữa, tôi chạy lên đỡ kịp và một lần nữa, tôi đỡ lên ghế bố nằm, ông không cho, rán sức leo lên một mình không được, tôi phải đỡ". Tính ông chu tất, mặc dầu yếu nhiều như thế, ông vẫn tỉnh táo, có thể ông không quên bà cũng đương bịnh, không muốn cho bà đỡ. Bà bị huyết áp cao, lại bị chứng lục nội chướng (glaucome) (1) nhức một bên đầu, năm 1983 có lúc tánh mạng bà nguy kịch. Bà phải vào bệnh viện Saint Paul mổ một bên mắt mới khỏi glaucome và khỏi nhức đầu.

Hỏi về sự săn sóc của bà?

Bà đáp: Không có gì đáng kể, tôi chỉ có tánh chịu cực khổ lo ăn uống cho nhà tôi thôi. Cháu tôi ở nhà trông thấy tôi lo cho nhà tôi, nó nói: "má con cũng lo cho thầy con lắm mà con chưa thấy má con chịu khó như dì". Vì lẽ tôi muốn cho nhà tôi ngon miệng nên hay làm bánh, nấu chè, nhưng một lần nấu trôi nước tôi chỉ làm hai viên thôi, bánh cam thì bốn cái, bánh ếch thì tám cái, tính sao cho nhà tôi đủ dùng hai bữa điểm tâm.

Ông nóng tính, những năm tháng sau cùng, vì bệnh hoạn nhiều nên cảm xúc ông thay đổi bất thường, ông dễ cau có tức giận, có nghe kể chuyện một hai khi ông gắt gỏng với bà, từ chuyện dọn nước mắm không hợp khẩu vị tới chuyện thấy bệnh ông biến chuyển trầm trọng, bà khuyên ông đi bệnh viện, ông không chịu nghe... mới càng thương, càng quí phục người đàn bà rất thương chồng mà rất nhẫn nhục ấy. Trong thời gian ông bệnh, săn sóc ông, trực tiếp thân cận có bà. Ngoài ra có hai người cháu của bà, một gái, một trai và một cặp vợ chồng, học trò cũ rất tốt với ông, bà. Tất cả rất sợ trái ý ông. Cho nên gặp lúc khó khăn, bà phải im lặng cầu cứu sự giúp đỡ của một người bạn văn thân thiết của gia đình (2), tuổi kém ông một giáp, nhưng rất hợp ý ông, nói gì ra là ông nghe liền.

----------------------------

(1) Tức bệnh cao nhãn áp. Người dân thường gọi là bệnh cườm nước (phân biệt với bệnh cườm đá tức bệnh đục thuỷ tinh thể) - Gf.

(2) Tức ông Lê Ngộ Châu - Gf.

Tính tình dễ thương, dễ nhớ

"Nhiều tự ái" cơ hồ là tật cố hữu của hầu hết các văn nhân. Viết nên được một tác phẩm là cả một sự dày công khổ trí, có khi người viết gởi vào đấy cả cuộc đời mình và vinh dự của mình. Nên khi tác phẩm của học bị phê bình chỉ trích thì họ nổi khí tức lên, thốt lên những lời khiếm nhã, hằn học, có khi không còn kể chi tới tình nghĩa bạn bè nữa. Nếu để trưng ra để làm bằng thì, chỉ trong giới nhà văn, nhà thơ ở Việt Nam từ vài chục năm nay thôi, cũng đã tìm ra một khối bằng chứng. Tuy nhiên trường hợp ông Nguyễn Hiến Lê có thể xem như nằm trong số "ngoại lệ". Về mặt văn chương, ông có cái tốt là không hề tự ái. Tôi chỉ xin kể một thí dụ sốt dẻo mà ông bạn Lê Ngộ Châu kể cho tôi nghe. Ông Lê Ngộ Châu là người tôi nghĩ tới trước tiên khi viết tới mục này, một người mà nghiệp viết lách đã khiến ông gần gũi như tình ruột thịt với ông Nguyễn Hiến Lê trong gần ba mươi năm. Người duy nhất hiện nay có đầy đủ uy tín có thể giúp đỡ tôi những tài liệu đích xác, người đó - ông chủ nhiệm Tạp chí Bách Khoa hồi trước giải phóng.

Tạp chí Bách Khoa nguyên trước do ông Huỳnh Văn Lang thành lập từ năm 1956 đến năm 1962 mới chuyển về cho ông Lê Ngộ Châu điều khiển với cái tên mới là Bách Khoa thời đại. Ông Lê Ngộ Châu một thời theo kháng chiến, rồi về Hà Nội dạy tư. Di cư vào Nam, hợp tác với tờ Bách Khoa, lúc đầu làm nhiệm vụ tựa như Thư kí toà soạn. Từ ngày có ông, tờ Bách Khoa khởi sắc lần lần, nhất là từ sau năm 1963, nhờ có bàn tay lèo lái vững vàng của ông mà Bách Khoa thời đại thu hút được cảm tình của nhiều giới độc giả và tồn tại mãi đến ngày giải phóng. Ông Nguyễn Hiến Lê, một cộng tác viên lâu năm của Bách khoa, nhận xét về người điều khiển tờ tạp chí nổi tiếng là đúng đắn nhất ở miền Nam trong mấy dòng vắn tắt mà mô tả được rõ nét hình ảnh của người bạn văn tuổi chưa cao mà khả năng kiến thức thật sâu rộng, khoáng đạt:

"Có tinh thần trách nhiệm, làm việc đàng hoàng, biết cương quyết giữ vững chủ trương cả khi tờ báo suy, biết xét người, xét văn và có tình với người cộng tác. Ai gặp tai nạn gì thì lại nhà thăm, tìm cách giúp đỡ".

Trở lại với thí dụ của ông Lê Ngộ Châu:

Tính phục thiện

Theo ông Lê Ngộ Châu thì ông Nguyễn Hiến Lê rất phục thiện. Ông kể lại một trường hợp:

... "Bài anh viết, chỗ nào tôi đề nghị sửa chữa, anh đã không tự ái mà thường anh sửa chữa một cách vui vẻ. Đến nỗi về sau anh bảo với tôi: "Anh sửa chữa rất hợp ý tôi, nên từ nay anh muốn sửa chỗ nào cứ tự ý sửa, không phải hỏi lại tôi nữa". Có lần bản thảo của anh mười sáu trang viết tay mà tôi bỏ cả tám trang anh cũng đồng ý liền".

Đối với những anh em khác cũng vậy, đọc bản thảo của anh, thấy chỗ nào sai sót (mà tránh sao được), chỉ ra cho anh, anh thấy đúng, là anh cám ơn tươi cười sửa ngay lập tức" (1).

Bởi soạn sách ông chỉ nhắm mục đích tự học là giúp độc giả tự học. Ông nghĩ tới cái lợi của độc giả trước hết. Khi viết về một vấn đề nào, thí dụ tiểu sử một danh nhân chẳng hạn thì ông gom góp tài liệu về người đó, càng nhiều càng tốt, tìm hiểu những đau khổ, gắng sức, thành bại của họ, sống với họ rồi rung động kể lại cuộc đời của họ để làm gương cho đời. Phương châm của ông là "Không cầu toàn ở mình và trách bị ở người". Ông "nghĩ rằng ngay Thượng đế cũng không hoàn toàn nữa: cái thế gian mà Thượng đế tạo ta này có biết bao nhiêu điều khó hiểu, vô lí, mâu thuẫn, đâu phải hoàn toàn" (2). Cho nên hễ nghe bạn bè góp ý, vạch ra các lỗi lầm, các chỗ dư thừa bất ổn là, không chần chở, ông sửa ngay.

Khi cùng ông Giản Chi soạn bộ Đại cương triết học Trung Quốc, ông không giấu giếm: "Công việc này rất mệt. Tôi thú thực nếu không có ông Giản Chi thì tôi không thể mạo hiểm" (...). Sự hợp tác với ông Giản Chi rất thú vị, chúng tôi làm việc đều siêng năng, cẩn thận, biết dung hoà ý kiến của nhau, học thêm được nhau..." (3).

Tính ông cẩn thận, nhũn nhặn, khả ái như thế, cho nên khi cộng tác với ông Lê Ngộ Châu, viết bài cho Bách Khoa, trên công việc, hai ông đã đứng trên cương vị của người đại diện tờ báo và người cộng tác viết báo, hiểu việc, hiểu người, cả hai ông đều tỏ thái độ quí trọng nhau thật đẹp đẽ.

Ông Lê giữ được thái độ bình tĩnh, với tài năng của mình, ông tỏ ra rất tự tin, biết phục thiện mà cũng biết khoan hồng và khéo xử trí ăn ở.

Ông Châu - như lời ông đã thành thực giãi bày với tôi: "Mối giao tình giữa tôi với anh Lê trong mấy chục năm nay, bao giờ tôi cũng coi như bậc đàn anh vì tuổi tôi kém hơn tuổi anh một giáp (Anh Tân Hợi, tôi Quí Hợi). Quan hệ giữa hai chúng tôi, thoạt tiên là quan hệ giữa người làm nhiệm vụ trong phạm vi bài vở và người viết báo. Nhưng về sau hợp tình, hợp ý, thân nhau, thì tôi lại coi anh như người thân thích của tôi. Thường thường, tôi mượn được tờ báo, cuốn sách hay, là tôi phải mang lại cho anh Lê xem và anh Lê có được cái gì mới, anh cũng cho tôi biết.

Anh Lê hay xem tử vi. Theo anh Lê thì các sao trên lá số của tôi được bố trí giống với lá số của anh, có lẽ vì vậy chúng tôi nói chuyện thường hợp nhau và dễ thân nhau chăng?

Với cương vị một người anh em và ỷ vào mức độ thân cận, coi anh Lê như ruột thịt, nên không sợ anh phật ý mà cứ nói thẳng hay ép buộc anh và anh cũng nể tôi mà chịu đựng. Những khi gặp sự khó giải quyết, chị Lê thường cho người đến kiếm tôi, nhờ tôi khuyên anh Lê chuyện này chuyện khác với tính cách hoàn toàn như người trong một gia đình chứ không phải là bạn hữu. Tỉ như những ngày anh Lê bệnh nặng mà không chịu vào bệnh viện, chị Lê cho gọi tôi. Tôi cũng gần như bức bách anh phải đi bệnh viện. Sáng hôm sau vào bệnh viện, tôi cũng lại sớm, thúc giục anh và "dẫn giải" anh tới bệnh viện An Bình. Tôi thật ân hận đã có thái độ ép buộc anh quá đáng như vậy".

---------------------------

(1) Thư ngày 30-4-1986 của ông Lê Ngộ Châu gửi cho tôi.

(2) Trích trong Hồi kí Đời viết văn của tôi của Nguyễn Hiến Lê.

(3) Rút trong bức thư ngày 30-4-1986 của ông Lê Ngộ Châu gởi cho tôi.

Tính nóng mà dễ cảm động (có lẽ giống thân mẫu ông - theo Hồi kí):

Tánh nghiêm khắc nóng nảy của ông không thể nói được. Hễ giận là la mắng khiến cả bà con thân nhân đều sợ ông, xa ông mặc dù họ rất mến phục ông. Tuy nhiên, ông lại là người tình cảm, rất dễ mủi lòng. Sau giải phóng, vài anh bạn (Hùng Lân và Dã Lan) thâu băng tiếng nói của ông. Các anh ấy chỉ yêu cầu ông đọc lại một vài bài ông đã viết. Khi đọc cuốn Cháu bà nội, tôi bà ngoại, tới những đoạn ông kể về những kỉ niệm cảm động hồi thơ ấu, ông đã khóc, có chỗ khóc đến phải ngưng không đọc được nữa, khiến sau này - ông Lê Ngộ Châu cho tôi biết - "tôi nghe cũng thấy xúc động".

Chính mình cũng xúc động về điều mình viết mãnh liệt đến thế cơ à! Bạn có cho là điều kì lạ không nhỉ?

Năm 1978, tôi có kể cho ông nghe về nổi xúc động của tôi trong buổi đầu đưa đứa con gái của tôi đi học. Ông đáp thư tôi bằng giọng cảm động: "... Không biết ngoài anh và tôi ra, có cha mẹ nào đưa con đi học buổi đầu tiên mà xúc động như mình không? Và các cháu sau này có nhớ buổi đó như mình nhớ buổi đầu đưa cháu đi học không?

Anh thử hỏi cháu xem.

Anh và tôi giống nhau ở chỗ đó" (1).

-----------------------

(1) Trích trong thư ngày 30-9-1978 của ông Nguyễn Hiến Lê gửi cho tôi.

Tính tiết kiệm mà rộng rãi

Như đã trình bày ở trên, với bản thân, ông rất khắc khổ. Nhưng ông hơn mọi người ở chỗ rất rộng rãi với bạn bè. Trước 30-4-1975, tôi biết ông không hẹp hòi về mặt tiền bạc mà thường giúp đỡ bạn bè không kể thiệt thòi tốn kém. Các nhà xuất bản sách của ông có kể cho tôi nghe về tấm lòng "trọng nhĩa, khinh tài" của ông. Và sau 30-4-1975, ông không ngần ngừ mang tặng một số bạn văn mà ông biết hoàn cảnh khó khăn mỗi người cả một "cây vàng". Tôi không rõ đã có bao nhiêu người nhận và người không nhận, nhưng trong đó tôi biết có ông Lê Ngộ Châu. Biết ông Châu bị phá sản, ông đã tặng ông Châu một lạng vàng. Ông Châu từ chối không nhận dù rất cảm kích tấm lòng quí hoá của ông.

Phải hiểu thực trạng tài sản của người không hề nuôi mộng làm giàu và trị giá tự do của "món quà" trong thời buổi mà không biết bao nhiêu người bế tắc, khó khăn, sạt nghiệp mới thấy được sự xử trí "khác người", hào hiệp, đầy tình nghĩa của cả hai ông - tiêu biểu trong văn giới miền Nam, xin hỏi: Có đáng nêu lên để suy nghĩ mà tự hào không - thưa bạn?

Tính ông như thế nên ông không chú tâm làm giàu. Viết sách ông thích vấn đề nào thì ông mới viết. Qui tắc của ông là "Phải chính mình thích cái gì mình viết thì độc giả mới thích nó được". Trong Hồi kí Đời viết văn của tôi, ông thố lộ: tôi biết có đề tài viết ra, bán sẽ rất chạy, nhưng tôi nhất định không viết, vì tôi không thích (chẳng hạn đời của hạng người như Thành Cát Tư Hản, Hitler); hoặc vì tôi thấy có hại cho độc giả (như tư tưởng của nhóm Hiện sinh ở Âu mà tôi cho là không hợp với dân tộc mình, xã hội mình lúc này).

Trái lại có những đề tài tôi biết là rất ít người đọc, nhưng thấy có lợi cho kiến thức của độc giả thì tôi cũng viết, như Một niềm tin chỉ in 2.000 bản mà bán sáu, bảy năm chưa hết.

Tôi không cầu danh hay lợi: có một số bạn hiểu mình, có dư một số tiền là đủ rồi".

Tình thân thuộc gia đình

Thời tản cư về nhà bác ông ở Tân Thạnh, sẵn trong nhà có sách, ông tìm hiểu các môn Tử Vi, Tử Bình, môn bói và cả môn địa lý nữa (gần đây thêm môn Hà Lạc). Những môn này không giúp ích gì cho công việc viết lách của ông, nhưng ông muốn biết qua để mở mang kiến thức. Ông hay thích coi số. Ông coi số của ông và cho các bạn bè, con cháu thân thiết. Khả năng coi bói của ông chưa tới mức cao, chừng trung bình thôi. Trong một bức thư ông gửi cho tôi, ông có nói thiệt: "Tôi không chuyên về Tử Vi đâu mà môn đó có nhiều người viết lắm, mỗi người theo một sách và có người hiểu môn đó hơn tôi" (1).

Tôi có bốn đứa con. Các cháu đều được ông mến thương. Thấy các cháu còn nhỏ mà ham học và mê say đọc sách - đọc cả loại sách khô khan - ông viết cho tôi: "Chúng nó bây giờ hơn tụi mình hồi đó" (vào tuổi của chúng, hồi đó chúng tôi còn mê đọc truyện Tàu; sách văn học, triết học cao xa thì chẳng bao giờ rờ tới). Bức thư nào gửi cho tôi, ông cũng ân cần hỏi han sức khoẻ và kết quả học hành của chúng. Các cháu cũng rất quí ông. Sau ngày giải phóng, khi nghe có lệnh cấm các loại văn hoá phẩm, các cháu lo lắng hỏi tôi: "Sách của bác Lê có bị cấm, bị tịch thu nhiều không hả ba?". Cháu thứ hai, khi thấy ở cửa hàng sách quốc doanh bày bán cuốn Từ Điển Văn học - 2 quyển - (một tác phẩm mà cháu ao ước, chờ đợi trong bao nhiêu tháng) mừng quýnh lại hỏi mua liền. Nhưng khi xem qua mục lục, không thấy tên nhà văn Nguyễn Hiến Lê, cháu tôi không hỏi mua nữa.

Cháu nói lý do: một nhà văn đứng đắn, có sự nghiệp văn học đồ sộ, vượt hẳn lên như thế, có nhiều công đóng góp cho văn học miền Nam (hơn nửa miền đất nước hồi bị chia cắt) một cách thật lành mạnh như thế mà không có lấy một chữ. Chỉ một điều ấy thôi đủ thấy tính chất phân biệt, hẹp hòi của sách, hết làm con tin tưởng ở nội dung.

Cả bốn cháu, ông đều lấy cho mỗi cháu một lá số Tử vi. Cháu đầu rất kỹ, mười hai trang giấy học trò, giải đoán từng giai đoạn đời của cháu. Rất tiếc thư này lạc. Mấy bức thư liền tôi hỏi; tôi chờ, thư kia vẫn không đến. Bởi quá dài, ông không có thì giờ viết lại, song ông có viết sơ lược lại những điểm chính gửi ra cho chúng tôi. Trong thư ông căn dặn: "Môn số tử vi này không chính xác vì căn cứ vào âm lịch, môn Bát tự căn cứ vào dương lịch đúng hơn (2). Anh nên nhớ điều đó, đừng tin nó quá. Phải đợi khi trẻ lớn rồi (13-14 tuổi), coi khuynh hướng của trẻ thấy nó đúng với số thì mới có thể tin số Tử vi một phần nào thôi".

Bản đoán nào lời lẽ cũng dè dặt, thường có những từ "có thể", "chỉ có thể đoán được rằng" (như: có thể giàu, có thể được học bổng, có thể vào hạng kỹ sư giỏi...), "chưa dám quyết", "hãy đoán sơ sơ như vậy"... Tóm lại ông chỉ đoán chung chung, có khi cũng không được đúng. Tỉ dụ ông coi Tử vi cho ông - tôi sẽ kể dưới. Tử vi, theo ông giải thích, "cho con người chịu ảnh hưởng kết tụ của các vì sao (tinh đẩu) mà như vậy mọi việc an bài sẳn, không thể cãi được mệnh. Khoa đó không hợp lí". Ông nêu một ví dụ: "Gặp người sinh tháng nhuận thì đành phải coi thuộc tháng trước hay tháng sau, như vậy hai người sinh cách một tháng (trong tháng 6 chính và tháng 6 nhuận) ngày giờ giống nhau thì số y hệt nhau: không thể chấp nhận được".

Tuy vậy nếu đối chiếu những điều ông dự đoán với thực tế cho đến nay của hai đứa con đầu lòng của tôi thì tôi nhận thấy: rất đúng, đúng về hiện tượng, sự việc lẫn tính tình, tâm tưởng của hai cháu.

Lấy Tử vi cho ông, ông coi ông sẽ mất vào năm 81 hay 82 gì đó. Ông thường nói với ông Lê Ngộ Châu: "Tôi chỉ sống tới năm đó thôi". Ông bảo rằng ông nghỉ ngơi trước là vừa. Theo ông Châu thì dường như hồi đó ông nghỉ được trên dưới một năm. Thời kỳ này, ông cũng có viết thư nhắc tôi hè vào Sài Gòn rồi cùng ông về Long Xuyên chơi năm, bảy bữa. Trong thư ông có kể tin về ông giám đốc nhà xuất bản Lá Bối (có lẽ ông vừa nhận được thư của thầy Từ Mẫn): "Ô. Từ Mẫn đã kiếm được việc làm tay chân ở Alaska, phải năm, bảy năm nữa mới có thể dành được đủ tiền để xuất bản. Tôi chẳng nghĩ đến viết và xuất bản vì diệu vợi quá, lúc này mệt, muốn nghỉ cho khoẻ"...

Nhưng rồi... không một sự nào xảy ra thể hiện đúng với điều tiên đoán.

Ông lên Sài Gòn nói với ông Châu: "Ở không buồn quá, không chịu được, tôi đã sưu tập tài liệu để viết thêm bộ Sử Trung Quốc, để cả ở Long Xuyên rồi. Tôi sẽ phải đọc lại trên dưới bốn mươi cuốn sách cả chữ nho, chữ Pháp, chữ Anh... mệt lắm!".

Ngày 15-5-1983 ông viết xong bộ Sử Trung Quốc ông mang ngay về Sài Gòn gởi nơi ông Châu, và ông bảo với ông Châu: "Viết xong bộ này, tôi bị thổ huyết, nhưng anh đừng cho ai biết".

"Nhìn kỹ anh (ông Châu kể với tôi) thấy anh có vẻ như xanh hơn mọi khi; cầm trong tay tập bản thảo tôi rất xúc động thương anh, tưởng như bản thảo này có thấm cả máu của anh. Đọc lướt qua một hai ngày tôi có góp ý với anh là đối với tôi, thì bộ Sử Trung Quốc này rất hay, nhưng phần Trung Quốc hiện đại (thời Dân chủ) tôi đề nghị anh sẽ lấy thêm tài liệu về sau này để viết kỹ hơn về giai đoạn cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Hoa. Anh cũng đồng ý như vậy, nên khi có một anh bạn trẻ xin đánh máy lại, anh chỉ trao để đánh máy hai phần đầu (thời Phong kiến và thời Quân chủ) mà thôi".

Hồi này tôi cũng nhận được một bức thư ngày 20-5-1983 viết từ Long Xuyên của ông:

"... Năm 1981, viết xong bộ Hồi kí, tôi tính nghỉ luôn công việc biên khảo, nhưng năm sau nhân đọc lại khoảng năm mươi cuốn sách về Sử và Văn minh Trung Quốc, vừa đọc vừa ghi chép để cho qua những ngày dài, cũng như ba mươi năm trước, và rốt cuộc tôi viết thành bộ Sử Trung Quốc, bảy trăm trang, ngoài dự định của tôi.

Tôi viết xong bộ này khá mệt, mất năm rưởi mới xong (3). Khi viết thì mong tới ngày xong; xong rồi thì lại thấy buồn. Không biết làm gì cho qua ngày, lại thấy đời như thiếu mục đích, thiếu ý nghĩa".

Như vậy, không cứ gì dở hay giỏi, coi Tử vi đối với ông Nguyễn Hiến Lê ngoài việc thực hành trau luyện cho thuần thục, là một cách giải trí thân mật, gia đình. Nó làm cho ông hiểu càng rõ hoàn cảnh gia đình, tính tình, mong ước... của bạn bè cùng vợ con của những người thân ấy; mối tình nhờ đó càng thêm cởi mở, khoáng đạt, gắn bó như một tính tự nhiên, "tính thân thuộc gia đình".

Gia đình tôi, ông biết khá cặn kẽ, biết cảnh nhà (điều sung sướng, cực khổ, nỗi vui, nỗi buồn); biết cái chết của ba, mẹ tôi và nỗi ước nguyện sau cùng của bà đã làm ông xúc động mãnh liệt, đến nỗi trong nhiều bức thư gửi ra, ông nhắc tới hoài; biết mặt mũi, họ tên vợ, con tôi (ông nhớ nằm lòng từng giờ từng phút sinh của mỗi cháu, hễ nghe có chuyện gì khó khăn liên quan tới mỗi đứa là ông bảo "để tôi coi lại lá số Tử vi của cháu xem sao". Tóm lại là biết quá khứ, biết hiện tại, nhờ điều tiên đoán tương lai của gia đình, biết tính tình, nguyện vọng sở thích của mỗi người lớn, nhỏ trong gia nhà tôi. Thường xuyên tôi nhận được lời ông thăm hỏi ân cần; ông đem lại cho tôi sự lạc quan tin tưởng - tin ở mình và ở tương lai con cái.

Thư ông, tôi nhận được thường. Sau giải phóng, nhiều hơn, trung bình mỗi tháng bốn, năm lá; về sau thư đi chậm trễ, lại hay bị thất lạc, thư đến không đều. Được thư nào tôi phúc đáp lại ngay. Trong thư, chúng tôi kể cho nhau nghe về tin tức gia đình, sức khoẻ, công việc làm ăn, tình hình từng lúc của địa phương mình ở như: cảnh sống của quần chúng sau giải phóng, việc đổi tiền, đi kinh tế mới, cải tạo công thương nghiệp, nông nghiệp v.v...

Dưới đây tôi chép vài đoạn nho nhỏ để các bạn thấy được rõ hơn cuộc sống cùng cảm nghĩ của ông:

- Nói về cái nóng "nung người" ở Long Xuyên:

"Nửa tháng nay nóng quá 38 độ trong phòng tôi. Trưa ngủ không được ra nằm ở võng để đón gió, nhìn ra ngoài sân và ngoài đường. Đường tôi ở là một đại lộ, xe cộ thường qua lại nhiều, mà khoảng 13 giờ, có khi tĩnh mịch lạ lùng: không một tiếng xe, vài bộ hành hoặc xe đạp qua lại thì lầm lũi; tiếng trẻ, tiếng võng đưa cũng không có, chim không hót mà chó cũng không sủa, y như bị cái nóng đè nặng, khiến tôi nhớ bài Midi của J.M. de Hérédia.

Tôi cũng không ngủ được, nằm thao thức và quạt luôn tay tới mười hai giờ khuya. Khổ nhất là ở Long Xuyên này mấy năm nay nhiều muỗi quá, ngồi ngoài sân hơi mát một chút nhưng phải luôn tay đập muỗi, vào trong phòng còn nhiều muỗi hơn nữa, chui vào mùng thì hầm".

(Trích thư ngày 1-4-1981)

- Nói về cái vui trong những ngày sau Tết:

"Sáng tôi thức sớm, năm giờ nằm chờ chim hót. Khoảng năm giờ rưởi, luôn có một loài chim tôi không biết tên, mở đầu buổi hội bằng ba notes: tuy, tuy, tuý, giọng cao mà trong. Tiếp theo là các loài chim khác, điều lạ (không có chim sẻ) đua nhau hót, rất vui, trong khi trên mặt đất là tiếng gà gáy, nghe thô làm sao! Cuối cùng luôn luôn có con cuốc chấm dứt buổi hội. Thế là vườn lại vắng.

Tôi ra vườn hưởng hương xoài và hương mai vàng. Hương xoài mút, hơi hắc, hương mai thoang thoảng, kín đáo, sang. Một lát sau ánh nắng nhuộm vàng cả cảnh vật, từ cây cho đến người, phố sá... Càng gần trưa thì da trời càng xanh ngắt, thăm thẳm mà trong.

Từ trưa trở đi hết thú rồi.

Mà cũng chỉ thú như vậy được độ nửa tháng rồi mai rụng hết xoài cũng rụng, đâm những trái nhỏ như hạt đậu, còn chim thì thưa lần, không biết chúng đi đâu".

- Và còn một cái vui khác:

"Cháu ở Tây Đức đem về cho 5 cuốn sách về xã hội phương Tây, cách mạng Trung Hoa của Mao, về văn học, về Vương đạo của Trung Hoa; đủ đọc trong một tháng. Vậy là trọn tháng giêng này đáng gọi là đẹp.

Người ta nhận được thuốc Tây, quần áo... để bán; tôi nhận được sách, bán không ai mua nhưng lại quí".

(Tết Nhâm Tuất - Thư ngày 25-2-1982)

- Cả cái ghét:

... "Ghét tiếng pháo giao thừa quá. Pháo bây giờ nổ quá lớn, mà tay tôi lại ù; xác nó rất xấu, còn đâu thứ toàn hồng, mõng như cánh đào và đỏ hơn đào nữa, tới cái mùi thuốc pháo cũng không thơm. Tôi nhớ Lâm Ngữ Đường bảo mùi đó làm cho tỉnh rượu đi được. Tôi không uống rượu, không biết có đúng không".

(Trích thư ngày 25-2-1982)

- Một cán bộ văn hoá ở Bắc vô hai lần lại kiếm ông, mời ông dự một cuộc họp năm, sáu học giả với Thứ trưởng Hà Xuân Trường để lập một nhóm nghiên cứu về Trung Hoa (Sinologie). Ông không đi dự. Họ vẫn cứ muốn ông viết giúp. Biết ông và ông Giản Chi đã viết xong cuốn Hàn Phi Tử (4) họ bảo: Ở Bắc người ta đọc sách của hai Bác viết về Trung Hoa, đánh giá cao, hai bác có tập Hàn Phi Tử đưa cho chúng tôi, chúng tôi sẽ in".

Ông chưa trả lời.

Tập bản thảo đó, ông Đào Duy Anh cũng đã coi một nửa, bảo với ông: "Ông viết nghiêm chỉnh. Để tôi viết lời tựa giới thiệu cho".

Ông làm thinh.

Thấy ông không sốt sắng, ông Đào bỏ qua việc đó.

- Nhà xuất bản Văn học ở Hà Nội nhờ một người trong ban Hán Nôm Viện Khoa học xã hội Hà Nội đọc cuốn Cổ văn Trung Quốc của ông. Ông đó là bạn học của ông ở trường Bưởi, có cử nhân luật, biết chữ Hán, chữ Nôm, viết dịch về Sử Việt Nam(5). Đọc xong, ông đưa cho hai người khác đọc, cả ba đều "đánh giá rất cao" cuốn đó.

Chỉ nêu vài ba thídụ tiêu biểu, xin cho tạm dừng những người xa. Chừ đến những người gần gũi thân cận:

Ông Lê Ngộ Châu kể cho biết:

Gần xa yêu ghét

"Sáu tháng trước khi mất, có một bữa, anh Lê hỏi tôi thích nhũng tác phẩm nào của anh nhất. Tôi nói thẳng rằng tôi dốt chữ Hán nên những cuốn tôi cần đọc để hiểu biết là những cuốn anh Lê viết về Cổ học Trung Hoa, nhưng những cuốn về loại này thì những sách anh chưa xuất bản là những cuốn hay nhất, như Trang Tử, Lão Tử, Hàn Phi, Tuân Tử, Mặc học, Khổng Tử, Kinh Dịch và Sử Trung Quốc (6). Các cuốn này anh Lê như già dặn, vững vàng hơn". Anh Lê cũng nói: "Tôi cũng nghĩ như vậy".

"Trong các sách hay này, tôi quí nhất là: Lão Tử (anh Lê dịch và chú thích trọn cuốn "Đạo Đức Kinh"). Trang Tử (anh Lê cũng dịch trọn các tập của Trang Tử, dịch đầy đủ nhất) và Kinh Dịch. Nếu tôi xuất bản được, tôi sẽ in ba cuốn này trước nhất đã.".

(...) Trong những sách chưa xuất bản có một truyện dài duy nhất của anh Lê (7) viết đề cuộc đời một người Việt Nam đầu tiên sang Châu Mỹ tìm vàng, khung cảnh quê hương Việt Nam này là quê hương của anh Lê, nhưng câu chuyện rất li kì, hấp dẫn, tôi đọc mê say. Hồi đó tôi hỏi anh phần nào là thực phần nào là hư cấu; anh Lê chỉ cười chưa trả lời".

Trước năm 1975, khi tôi tham khảo ý kiến của độc giả, bạn bè để viết về nhà văn Nguyễn Hiến Lê, tôi nhớ có nhiều anh bạn hỏi tôi: "Trong những tác phẩm của ông Nguyễn Hiến Lê, anh có thấy tác phẩm nào đáng được coi là tác phẩm độc đáo, tiêu biểu, để đời?".

Chính vấn đề khúc mắc đó đã làm cho tôi lúng túng. Do đó mà tôi chưa đã động gì đến trong hai phần trên đã viết về ông. Bởi tôi không đủ khả năng chữ Hán để đánh giá những sách về Cổ học Trung Hoa ông viết, còn non một trăm tác phẩm khác đã xuất bản mà tôi đã đọc thì xin thú thật là tôi chưa thấy.

Hồi đó tôi có hỏi ông, ông có trả lời tôi:

"Tôi viết nhiều loại, loại nào cũng có một, hai tác phẩm tôi thích hơn những tác phẩm khác trong loại đó. Chứ tác phẩm tiêu biểu để đời thì không có".

Lúc đầu tôi nghĩ là có thể vì ông khiêm tốn mà trả lời tôi như vậy. Song khi nghĩ về tâm tình ông đối với tôi lúc nào cũng chân chất, mặn nồng, khắng khít và nếu chỉ xét về tác phẩm đã xuất bản của ông thì những phúc đáp trên kia quả là chân thật. Trên thế giới rất nhiều nhà văn như vậy. Nếu hiểu để đời là để đến ba, bốn trăm năm sau thì ở Pháp chỉ thấy tác phẩm À la recherche du temps perdu của Marchel Prouust là độc đáo, tiêu biểu, để đời. Ngay cả Honoré de Balzac cũng không có nữa. Guerre et paix (Chiến tranh và Hoà bình) của Tolstoi đúng là tác phẩm tiêu biểu, để đời. Ở ta Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du cũng đáng xếp vào hàng tác phẩm giá trị ấy.

Xét đến trong giới độc giả của ông thì khiếu thưởng thức cũng không ai giống ai. Người thích loại Tiểu sử danh nhân, kẻ mê loại phê bình văn học (một độc giả vượt biên chỉ mang theo mỗi một cuốn Hương sắc trong vườn văn), người ca tụng loại học làm người, kẻ tán dương loại văn dịch, bài tựa, các đoạn văn có tình cảm trong những tác phẩm của ông, người đề cao nhắc nhở loại bút chiến của ông khi ông đả chế độ giáo dục, đả chế độ duyệt văn hoá của thời Cộng hoà miền Nam. Loại tác phẩm Bài học Israël, Bán đảo À Rập làm người đọc mê say... Như vậy thì nếu dựa vào tiêu chuẩn "quần chúng độc giả" thì tác phẩm nào đáng được "bầu" là độc đáo, tiêu biểu, để đời? Chúng ta chỉ biết là vì ông viết về nhiều vấn đề, cho nên loại tuổi nào, tâm lí nào, trình độ nào, sách ông viết đều có độc giả ham thích.

Riêng tôi, tôi rất tiếc chưa được đọc hết các tác phẩm ông chưa in; tác phẩm dịch thì dù hay đến đâu thì dẫn không thể xem là độc đáo, tiêu biểu, để đời được; sáng tác đã in thì chưa thấy mấy cuốn và chưa mấy đặc biệt lắm để có thể coi là độc đáo, tiêu biểu; sách các loại khác thì thật công phu, thật giá trị, nhưng cũng chưa đạt được đủ mức độ "độc đáo, tiêu biểu, để đời".

Tóm lại, xét toàn bộ có thể những tác phẩm của ông có mang vẻ "độc đáo" (về bút pháp) đấy, nhưng đánh giá riêng rẽ một tác phẩm có được các khía cạnh, các đặc điểm "độc đáo, tiêu biểu, để đời" thì chưa một tác phẩm nào đã xuất bản của ông đã đạt tới đỉnh cao toàn vẹn ấy như một Guerre et paix của Tolstoi, một À la recherche du temps perdu của Marcel Proust, hay một Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du.

--------------------

(1) Trích thư ngày 5-9-1981 của ông gửi cho tôi.

(2) Trong Hồi kí, cụ NHL viết: "Tử Bình: Gọi năm, tháng, ngày, giờ bằng can chi hết, có 4 can, 4 chi; do đó gọi là bát tự (8 chữ) dùng dương lịch (tính tháng, năm theo tiết) không có tháng nhuận, hợp lý hơn nhiều. (...). Hà Lạc: cũng gọi là bát tự hà lạc vì cũng gọi năm, tháng, ngày, giờ theo can chi; nhưng khác hẳn Tử bình ở chỗ đổi những can chi đó ra số hà lạc để lập thành quẻ kép trong Kinh Dịch..." (tr. 261) - Gf.

(3) Ở nước ta trước nay mới có 2 cuốn: cuốn của Đào Duy Anh (Trung Hoa sử cương), mỏng, chỉ cốt đưa lịch sử quan mác-xít vào thôi chứ thiếu rất nhiều; cuốn nữa (Trung Quốc sử lược) của Phan Khoang chỉ là một cuốn sử cho học sinh Trung học dùng.

(4) NXB Văn hoá TT, 1994.

(5) Tức ông Vũ Tuân Sán - Gf

(6) Cuốn này các năm 1992, 1993, 1994... về sau hai NXB Văn hoá-TT và Văn học đã xuất bản cả đều do ông NQT giới thiệu (BT).

(7) Tức cuốn Con đường thiên lí - Gf.

Hết Chương 3
Thông tin sách