Tiểu sử, Hồi ký
Tác giả: Châu Hải Kỳ

Nguyễn Hiến Lê - Cuộc Đời & Tác Phẩm Phần…

Chương 2

TOÀN BỘ SỰ NGHIỆP CỦA ÔNG (NHL) CÓ GIÁ TRỊ VỪA MỞ ĐƯỜNG, VỪA THỨC TỈNH

Có độc giả nhận định rằng ông là nhà văn mà cũng là nhà tư tưởng. Đọc từ "mở đường" trong tiêu đề của tôi, nhiều bạn có lẽ cũng nghĩ rằng tôi cũng có cùng quan điểm ấy. Ông có đúng là nhà tư tưởng không? Về khía cạnh này, tôi thấy cần tìm hiểu suy ngẫm lại (1). Tuy nhiên, qua toàn bộ sự nghiệp của ông, chúng ta không thể chối cãi rằng ông đã tìm hiểu, rút tỉa những chỗ yếu, chỗ dở của xã hội, của người đời ở ngay trong xã hội, trong cuộc đời để sửa đổi, hướng dẫn cuộc sống, xây dựng người đời và xã hội (loại "Học làm người" - sách ông viết hay sách ông chọn dịch).

Bởi thế trong lối viết của ông bao giờ cũng đi từ thực tế, luôn luôn có những trưng dẫn cụ thể dựa vào người thật, việc thật (loai giáo dục, giáo khoa, loại lịch sử địa lý, loại tiểu sử danh nhân) cho nên đã tạo nên cho tâm hồn người đọc một cảm quan cụ thể, sinh động dễ cảm hoá người đọc. Tác dụng giáo dục vì thế rất cao.

Ông viết có mục tiêu như thế, lại là người có tâm huyết, trong mọi cảnh huống vẫn giữ được lương tri, phẩm giá, giữ được ý thức trách nhiệm của mình để không chạy theo bả lợi danh, vì bản chất con người của ông giản dị, tinh thần, tâm hồn, cốt cách con người ông vững vàng. Bất kì sống dưới thời nào, ông không thể là người trí thức vô liêm sỉ cuối đầu trước những điều sai trái, những sự bất công, trước tiền tài, áp lực, quyền thế. Mà khẳng khái, biểu lộ cái tinh thần công bằng, chỉ biết trọng lẽ phải theo cái tầm nhận thức khách quan, trung thực của mình. Ý chí cứng cỏi, bất khuất mà tình cảm cũng dễ dàng rung động. Biết đau xót, yêu thương, biết cười cợt, ghìm cơn giận, biết tha thứ, khâm phục... Qua những tác phẩm của ông, phải nhận rằng ông quan tâm đến cuộc sống, đến những đòi hỏi của các tầng lớp dân chúng thời bấy giờ trong từng chuyển biến chính trị, xã hội. Ông biết nhìn, biết đánh giá thực tế và rút ra được những vấn đề thúc bách ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày của người dân để mà nêu lên, viết ra, hướng dẫn, thức tỉnh người dân một cách ôn hoà, từ tốn. Ông nhận thấy trong xã hội trước đây nền văn hoá mà người cách mạng thời nay phê phán là đồi truỵ, nô dịch đã có hồi xô đẩy một số khá đông thanh niên thành thị miền Nam chạy theo lối sống buông thả, phóng đảng, xa đoạ, vị kỷ; ông đã mạnh dạn chống lại thứ văn hoá đó, phát huy bản chất đạo đức, truyền thống yêu nước thương nòi của dân tộc, phát triển tính dân tộc trong văn hoá, đề cao sức mạnh đoàn kết của dân tộc, thống nhất "tình cảm đồng bào ruột thịt" của dân tộc ta. Trong bài tựa Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười, ông thân mật tỏ bày: "Tôi mong rằng đọc xong cuốn này, đồng bào Trung Bắc hiểu đồng bào miền Nam hơn và hết thảy chúng ta đoàn kết, tương thân tương ái nhau hơn". Và bằng tiếng nói sông Cửu Long, ông nhắn nhủ: "Tổ tiên các anh đã phải hy sinh nhiều, các anh còn phải hy sinh nhiều nữa mới khỏi phụ công phu trong mấy trăm ngàn năm của tôi. Khéo mà giữ lấy nhé! Rán mà giữ lấy nhé! Hoàn cảnh khó khăn bực nào, hễ biết đoàn kết là sống. Đừng bao giờ quên rằng tuy ở miền Nam này mà gốc vẫn là miền Bắc" (2).

Trước năm 1975, khi viết về nhà văn Nguyễn Hiến Lê, tôi có tiếp xúc nhiều độc giả để tìm hiểu dư luận về ảnh hưởng của những tác phẩm của ông. Không ai không nhìn nhận giá trị và sự bổ ích của những công trình ấy. Tôi nhớ nhất cô giáo tên Là, tình cờ gặp tôi tại nhà ông chú họ của cô. Nghe cô bảo cô ham đọc sách, tôi mới hỏi cô thích đọc tác giả nào nhất. Cô đáp: tác giả Hương sắc trong vườn văn. Rồi cô kể lể nguyên do khiến cô thích đọc sách của nhà văn họ Nguyễn.

Một độc giả trung thành của ông (ông Hà Quang Quýnh) trước giả phóng (30-4-75) làm giáo sư Việt văn ở Trung học Yersin ở Đà Lạt. Từ trên 20 năm, có cuốn nào của Nguyễn Hiến Lê ra, ông ta cũng mua đọc. Và tết nào cũng có một bức thư chúc Tết tác giả cùng cho cảm tưởng về tác phẩm của ông xuất bản trong năm. Ông ta (năm nay nếu còn sống cũng đã ngoại thất tuần rồi) có Pháp tịch, sau giải phóng đã về Pháp dạy học ở Pháp. Ông có ý muốn viết một cuốn bằng tiếng Pháp để nói về nhà văn Nguyễn Hiến Lê và ngày ông ta đi Pháp ông (HQQ) có tặng ông Lê một bộ sách với mấy hàng đề tặng này:

"Respectueux souvenir à mon vénérable aîné, Mr. Nguyễn Hiến Lê, érudit, sage confucéen, "Honnête homme" de l'École d'Alain, de Maurois, grand écrivain Vietnammien contemporain (auteur de plus de cent oeuvres de tous genres) et sur tout "Mentor charmant" de la Jeunesse et des hommes de cette génération (de 1945 jusqu'à maintenant) (3).

Thường trước cuộc sống hiện tại bất như ý, để xua đuổi những dằn vặt, trăn trở của cái kiếp người bất hạnh, người ta hay có thói quen quay về dĩ vãng, tìm khuây lãng trong những kỉ niệm, những hoài bảo ước mơ xưa. Mừng vui nào hơn là gặp lại tri kỷ để thủ thỉ, bộc bạch tâm tình, là nghe lại giọng thơ, lời văn, bút pháp quen thuộc đã từng rung cảm lòng mình, cám dỗ trái tim mình, xoay chuyển lí trí mình?

Chẳng biết có phải vì cái tâm lí đó mà ngoài điều căn bản là nội dung phong phú, thiết thực bổ ích, người đọc nhận là điểm nổi bật trong các tác phẩm của ông, rõ ràng - tôi không dám nói ngoa - trong những năm gần đây, tôi thấy độc giả trong Nam tìm đọc sách của ông nhiều hơn, và thanh niên miền Nam có cảm tình với ông hơn xưa nữa (4), số bạn văn ông quen hay chưa quen trước kia đến nhà thăm còn thường xuyên đông đảo hơn gắp bội (5).

Mà một số độc giả ngoài Bắc cũng viết thư, vào trực tiếp đến nhà thăm hoặc tìm hỏi mua sách ông (6). Những cán bộ văn hoá, những bạn bè - bạn học trung học hồi nào với ông - vô thăm, như Vũ Tuân Sán (tặng ông cuốn Hà Nội nghìn xưa viết chung với Trần Quốc Vượng).

Ông Đào Duy Anh, mặc dầu mới gặp ông sau ngày giải phóng, nhưng coi ông như bạn thanh khí. Mấy lần vào Sài Gòn để tìm tài liệu viết về các nhà trí thức "tiến bộ" miền Nam (từ Huế vào), ông đều ghé thăm, nói chuyện lâu dài với ông. Mồng một Tết Ất Mão (1975) (7), ông gửi tặng ông cuốn Chữ Nôm và cuốn Sở Từ, trên trang đầu cuốn Sở Từ có mấy hàng đề tặng sau đây:

"Bi mạc bi hề sinh biệt li

Lạc mạc lạc hề tân tương tri

Thân ái gởi bạn thanh khí mới Nguyễn Hiến Lê"

hai câu chữ Hán trên ông lấy trong Sở Từ của Khuất Nguyên, diễn ra nôm:

Buồn, không gì buồn bằng sống xa nhau;

Vui, không gì vui bằng mới biết nhau.

Độc giả không còn ở tại nước nhà đối với ông vẫn tỏ mối cảm tình kín đáo, sâu đậm.

Một người ông không quen ở Californie gửi về biếu ông một gói quà có vài ba thứ thuốc thường dùng và bốn, năm thước vải đen. Ông đoán là một độc giả trước đây của ông. Điều lạ lùng nhất là không hiểu sao người ấy lại biết rành rọt về ông, biết bút hiệu ông là Lộc Đình (bút hiệu này ông chỉ dùng một lần trong đời cầm bút và chỉ bạn thân mới biết), biết cả địa chỉ của ông ở Long Xuyên để gửi thẳng về Long Xuyên.

------------------------

(1) Lâu nay tôi chỉ gọi ông vừa là nhà văn, vừa là nhà biên khảo. Ngay xưng từ "học giả", tôi cũng chưa dám dùng bởi tôi biết tính ông rất mực khiêm tốn, ông không muốn ai xưng tụng mình.

(2) Trích trong Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười.

(3) Dịch nghĩa:

Kính tặng tôn huynh Nguyễn Hiến Lê, vị học giả uyên bác, cao thâm nho giáo, "hiền nhân" của trường phái Alain và Maurois, nhà văn lớn Việt Nam hiện đại (tác giả trên 100 tác phẩm đủ các thể loại) và nhất là người hướng đạo thật khả ái cho thế hệ tuổi trẻ và những người thời đại này (từ 1945 đến nay).

(4) Xin trưng dẫn một ví dụ: Một thanh niên trước học trường Pháp, thi đậu, tốt nghiệp cấp 3 (tú tài) năm 1979 lại thăm ông để nói là "để cám ơn tác giả" (có lẽ nhờ cụ chỉ dẫn trong các sách của ông mà thanh niên ấy đạt được thành công này, nọ cũng nên) và để "xin chữ ký". Hôm sau đến tặng ông 6 cây viết Bic.

(5) Họ đến vì nghĩa tương tri, vì duyên văn tự, vì thấy ông thành thật cũng có, mà vì đã viết nhiều cho qua ngày giờ, nhưng không ai in, không có độc giả nên đưa nhờ ông đọc và xin ông giúp cho ý kiến.

(6) Một giáo viên hồi hưu ở Bắc về ở luôn tại Đà Nẳng, mới được 2 tháng (tính đến ngày ông viết thư vào cho ông Nguyễn Hiến Lê - tháng 2/1978) mà đọc khá nhiều sách và bài báo của ông viết, rồi viết thư làm quen giọng rất thành thực. Không biết địa chỉ, ngoài phong bì chỉ đề: Ông Nguyễn Hiến Lê - Đường Kỳ Đồng mà thư cũng tới.

(7) Tết Ất Mão nhằm ngày 11-2-1975, tức trước ngày giải phóng hơn hai tháng rưỡi. Trong Hồi kí, tr. 520, cụ NHL cho biết rằng cụ gặp ông Đào Duy Anh lần đầu vào cuối năm 1975 và trong lần gặp sau, cũng trong năm 1975, cụ ít cuốn sách và ông Đào Duy Anh tặng cụ cuốn Tự Điển Truyện Kiều. Không thấy cụ nhắc đến cuốn Chữ Nôm và cuốn Sở Từ - Gf

VỀ TRÍ TUỆ TƯ TƯỞNG, CẢ VỀ CẢM XÚC TRONG KHI SỬ DỤNG NGÒI BÚT

Ông Đào Duy Anh đọc sách và những bài báo của ông đăng trên Bách Khoa viết thư cho ông bảo "rất thèm đời sống độc lập và tự do của ông". Cho nên thật nông nổi khi vì thành kiến, vì hiểu biết mơ hồ toàn thể giới văn học nghệ thuật miền Nam, có ai đó muốn xếp một số tác phẩm của ông vào loại mà nội dung phù hợp với mục tiêu nô dịch của đế quốc, tác giả viết ra nhằm phục vụ cho chính sách văn hoá của phong kiến, của thực dân (1).

Chính vì chuộng cái tinh thần tự do và độc lập tư tưởng ấy mà trong các cảnh biến đổi, ông vẫn tỏ ra cái khí phách kiên cường, cái nghị lực cao bền để không bị nhiễm, bị pha nên giữ được cái tinh hoa truyền thống của người dân Việt.

Trước 1975, có lần tôi nghe ông bảo: hoà bình trở lại, ông sẽ nghĩ viết một năm, đi thăm quê hương từ Nam ra Bắc, mỗi tỉnh ghé ít ngày, nhờ các bạn văn đưa đi coi phong cảnh... Ngày hoà bình lập lại; nhưng đi lại hết sức khó khăn vất vả, ông không thực hiện nổi điều mơ ước trước đây. Giữ lòng thanh cao, tuổi già ông tìm cuộc sống ẩn dật, dời cư về Long Xuyên, âm thầm lặng lẽ viết sách tiêu khiển.

Nền văn học nghệ thuật miền Nam từ sau ngày giải phóng, hoà nhịp với quan điểm thống nhất cả nước, đã tiến vào quỷ đạo chung với phương hướng rõ ràng, phương châm được qui định. Trong sách lược cải tạo tư tưởng tư sản, phong kiến, lạc hậu trong văn chương nghệ thuật của nhà nước cách mạng và trong quá trình chuyển hoá của trí thức, ông vẫn ung dung tự do, độc lập. Đọc và viết: hồi ký, viết nghiên cứu, dịch, chú giải Cổ văn Trung Quốc, Triết học Trung Hoa (đủ các triết gia lớn, các tác phẩm lớn từ Khổng Tử (Luận ngữ), tới Mạnh Tử, Lão Tử, Trang Tử, Mặc Tử, Tuân Tử, Liệt Tử, Hàn Phi Tử - mỗi bộ bốn năm trăm trang, hưởng nếp sống nhàn dật của tuổi già, ngày tết nằm dài trên võng ở đầu hiên đọc sách hoặc "nhìn đàn vịt lội trong mương thả đầy bèo cám vàng, dưới hai hàng dừa, mận, chuối, trúc ở hai bên bờ; hoa mận rơi lả tả trên mặt bèo, sáng và tối hoa xoài thoang thoảng ngọt mà mát dịu" (2).

Qua cuộc sống, qua tác phẩm của ông, tôi thấy nổi lên cái bản sắc riêng biệt của đất nước, cái bản lĩnh rất đáng tự hào của dân tộc, của con người Việt Nam truyền thống - cơ hồ như muốn mất đi rồi.

Trí tuệ của thời đại, tình cảm của người dân nước trong từng thời kì lịch sử thể hiện trong sự kế tục giữa các thế hệ được lưu giữ trong sách vở, trong các công trình nghệ thuật... Trái tim của tổ tiên rung động như thế nào, hành động của tổ tiên ra làm sao, sự bất tử của thế hệ trước trong dòng tiếp diễn của dân tộc, muốn thấy lại cứ nhìn vào bản thân của người kế tục. Trên quan điểm đó, tôi tin rằng tổ tiên chúng ta sẽ thoả mãm, được nhìn thấy hình ảnh mình trong người kế tục: nhà văn Nguyễn Hiến Lê. Trong ông, chẳng những thể hiện những nét truyền thống của dân tộc (nổi bậc là tinh thần độc lập, tự do) mà còn sáng tạo thêm vô số cái tiến bộ để giúp cải tiến hiện tại, xây dựng tương lại. Ông là cái gạch nối giữa các thế hệ, giữa các giới nam, nữ (hình ảnh người phụ nữ - về các mặt và đủ hạng trong xã hội - chiếm một số lượng đáng kể trong tác phẩm của ông), giữa người nghèo người giàu. Nhờ đó mà khi gần ông, tiếp xúc với ông, chúng ta không thấy có sự ngăn cách và khiến chúng ta thấy thêm gần gũi với ông, lại càng học hỏi ở ông nhiều hơn.

Đã đành là thế hệ mới trưởng thành, còn trẻ trung, sinh lực có dồi dào hơn, khả năng sáng tạo có thể có thừa; nhưng về tinh thần, về vốn hiểu biết tích luỹ được thì chắc chắn người lớn tuổi như ông không thể không già giặn hơn, phong phú hơn. Nhờ kế tục được kinh nghiệm và tài trí của nhiều thế hệ mà có những sự việc người mới lớn chịu bó tay trong khi các bậc ông, bà, cha, chú... lại làm nổi. Bằng chứng điển hình trước mắt là với sự nghiệp đồ sộ của ông, lớp người đương thời - thế hệ sau ông như chúng ta đã kính phục ông biết nhường nào. Viết nhiều lại viết đủ loại, nhưng dưới ngòi bút của ông, tác phẩm nào cũng toát ra một cái gì rất "Nguyễn Hiến Lê", thật đặc sắc, có sức chinh phục người thật mau và thật bền bỉ.

-------------------------

(1) Thái độ chính trị của ông: có thân Mỹ không, thân Hoa lục không, có tư tưởng đón gió Nhật không, có sống biệt lập ra ngoài xã hội không? Xin xem ý kiến cụ thể của tôi trình bày ở phần đầu.

(2) Trích thư ngày 3-3-1979 của ông kể đời sống ngày Tết của ông ở Long Xuyên (nằm võng đọc sách, nhìn vịt lội...).

VỀ BÚT PHÁP RIÊNG

Tôi còn nhớ ông có kể cho tôi nghe hồi bác Ba ông là cụ Phương Sơn còn sống, nhận xét văn của cháu, cụ bảo ông:

- "Văn cháu, phải người nào hiểu cổ văn Trung Hoa mới nhận được là hay".

Tôi dở Hán văn cho nên không nhận nổi cái mức độ ảnh hưởng kia đến đâu và các khía cạnh hay ra làm sao. Hỏi ông có chịu ảnh hưởng của sách báo, tác giả nào không? Ông chỉ nhìn nhận mơ hồ:

Nếu quả có chịu ảnh hưởng thì tôi chịu hai ảnh hưởng: ảnh hưởng của cổ học (tức cổ văn Trung Hoa) và ảnh hưởng tân học của văn chương Pháp.

Làm sáng tỏ điều này, tôi không nhắm đi sâu phân tích bút pháp của ông. Tôi chỉ ghi lại một điều mà tôi không nghĩ khác với nhiều độc giả của ông là bất kỳ ai cầm tới sách của ông mà đọc cũng đều nhận ra cái đặc điểm trước tiên là: bình dị, sáng sủa, tự nhiên, thành thực. Một em học sinh Trung học đã thật thà bày tỏ với tôi: Đọc tác phẩm của cụ Nguyễn Hiến Lê, em cũng thấy như có ma lực lôi cuốn người đọc từ đầu đến cuối.

Em giải thích:

- Bảo rằng vì nội dung súc tích? Không hẳn. Bởi nội dung cao quá, sâu quá thì với trình độ của em, em không thể hoặc không kịp nghĩ tới. Đối với em chính là bởi lời văn của tác giả. Đọc tới đâu, em cũng thấy giọng văn của ông lưu loát, đọc thấy nhẹ nhàng, thân mật, vui vui. Khi đọc hai cuốn Bài học Israël và Bán đảo Ả Rập, có một cái gì như lạ lắm, nó làm mê say cảm quan của em, em càng đọc càng thấy làm thích, tưởng như có cái ma lực huyền bí nào thu hút em, lôi cuốn em đọc hoài, đọc một mạch cho đến hết sách. Cái "là lạ" đó, em không biết dùng chữ gì, từ gì diễn tả ra..." (1). Và em ngó tôi cười một cách hồn nhiên.

Tôi không ngạc nhiên ở điều em học sinh không tìm ra nổi cái "từ" nào lột tả đúng cái ma lực "là lạ" trong bút pháp tinh tế đặc sắc của tác giả những tác phẩm em đã đọc. Dự trên lý luận thì bút pháp cao, lời văn, giọng văn thanh thoát thu hút, cảm hoá được người đọc là biểu hiện của một tâm hồn phóng khoáng và những ý tưởng sâu sắc dồi dào thì có sức khêu gợi ở độc giả một chân trời mới vừa có tính chất độc lập, vừa có giá trị chân chính. Với cái tâm hồn thường để bộc lộ cái phẩm chất cao thượng và cái lương tri độc lập khi cầm bút, cùng cái lí tưởng tràn đầy ý hướng cao đẹp đối với đất nước, cuộc đời và con người (ông ghét nhất tính giả dối và khinh nhất kẻ bán nước, kẻ phản bạn), luôn ước mơ xây dựng cho quê hương xứ sở, cho đồng bào một tương lai đẹp của một người giàu tài năng và thiện chí như ông thì bút pháp tất cũng mang một đặc điểm riêng biệt. Văn chương nó có cái thứ ngôn ngữ riêng của nó, rất gơi cảm. Nó lặng lẽ, câm nín, nhưng thấm dần, thấm dần, rất sâu, có một sức quyến rũ lạ lùng làm cho người ta say mê nó còn hơn cả say mê một người đẹp.

Quả thật đúng như lời em học sinh cảm nhận cái chất "là lạ" khi đọc Bài học Israël và Bán đảo Ả Rập, lối văn của ông trong hai tác phẩm này, trong một số bài về Vấn đề văn hoá (2), trong Hoa đào năm trước, trong bài Cụ Phan với lòng dân cũng như trong một số bài tựa như bài Qê hương của Ngiuễn Hữu Ngư, bài tựa Úc viên thi thoại của Đông Hồ, bài tựa Nguyễn Quang Diêu của Nguyễn Văn Hầu v.v... không giống với ai cả. Những tác phẩm đó thể hiện một bút pháp riêng, tác giả không chịu ảnh hưởng của người nào, thậm chí ngay đến ảnh hưởng của Cổ văn Trung Quốc, trước ngày bác Ba ông (cụ Phương Sơn) chỉ bảo cho ông thì chính ông - theo lời ông cho biết - cũng không nhận ra nữa (3).

Bút pháp đó đặc sắc ở sự giản dị, tự nhiên, ở lối diễn đạt dễ dàng, không ước lệ, không tô vẽ, lai, pha, khiến làm cho mất đi cái bản sắc Việt Nam trong văn từ mà ngược lại làm nổi bật cái đặc điểm trong sáng của ngôn ngữ Việt. Ông không xu thời, không theo chủ nghĩa công thức, cho nên trong khi nhiều cây bút vận dụng "lối viết tuỳ thời" theo cái mốt cho hợp "thời trang" để mê hoặc độc giả thì ông vẫn trung thành với bút pháp riêng của mình. Bởi thế độc giả luôn thấy gần ông, ham đọc sách ông. Mà càng đọc càng khám phá thêm điểm tài tình trong bút pháp của ông, lại càng mê văn ông. Quả như vậy. Một bút pháp mà thể hiện lên sự chân thành và mức độ thực dụng như thế (đọc sách của ông, sẽ tập quen lối hành văn sáng sủa, nhẹ nhàng, giản dị của ông); một bút pháp linh hoạt, cấu tạo bằng nhiều vẻ: vừa hoạt bát tự nhiên, vừa nghiêm trang cảm khái, vừa khí khái cao ngạo, vừa triết lí, duyên dáng, dí dỏm, vừa đẹp đẻ, tươi tắn - trẻ trung, nhí nhảnh nữa - vừa nhẹ nhàng lịch sự với chút ít chua cay thật tế nhị. Một bút pháp tài tình như thế; một bút pháp mà phô diễn khéo đến chỗ làm cho người đọc cảm thông cái tâm hồn nhạy bén đối với xã hội, với cuộc sống, cái trí lực lo toan những vấn đề nóng hổi, thiết thực của tác giả đã tạo được ở người đọc một cảm quan thật là sinh động. Một sức thu hút thật mạnh mẽ như thế, bút pháp đó tôi chưa biết dùng từ nào hơn từ "tuyệt diệu" để xác nhận giá trị thực chất của nó.

Kết luận phần này (tôi không chú ý làm sáng tỏ đủ các vẻ trong bút pháp của ông), tôi chỉ trưng dẫn vài nét tiêu biểu rút trong đôi đoạn văn để mời bạn đọc thưởng thức vài nét nghệ thuật "đặc biệt Nguyễn Hiến Lê"

"Ở đây mới thực là cảnh hoàng tàn. Ở đây mới thấy sự chiến đấu giữa cây và đá, giữa loài người với hoá công. Có những cây rễ lớn mấy tấc, dài hàng chục thước uốn khúc ôm lấy bệ của toà đền và nổi gân lên như muốn vặn cho nó đổ mới chịu thôi. Có cây lại ngạo nghễ ngồi xếp bằng trên một toà khác, ung dung thả hàng trăm rễ xuống, như hàng trăm tay của loài bạch tuộc ghì chặt lấy mồi, không cho nó cựa, rồi hút dần tinh tuý của nó, cho thịt nó rã, xương nó tan, mà hiện nay ngôi đền cũng đã gần tan gần rã. Có cây độc ác hơn, đâm một rễ lớn từ đỉnh đền xuống như cắm lưỡi gươm vào đầu quân thù."

(Đế Thiên Đế Thích)

"Nay bóng chiều đã xế, tôi nghiệm rằng những cảnh đẹp nhất mà ta được thấy, luôn chỉ thoáng hiện rồi biến mất, không sao gặp lại được lần thứ hai (..). Vì phải có một sự giao hội kì diệu mà hữu tình của biết bao cái ngẫu nhiên từ người và vật tới mây nước, ánh sáng, hương thơm, tâm trạng... cùng nhau tấu lên một hoà khúc thì mới gây cho ta một cảm giác hoàn toàn thoả mãn về tinh thần, một cảm giác phơi phới nửa hư nửa thực, đột ngột mà bâng khuâng. Ta thấy lòng ta nở [mở? - Gf] ra, ngũ quan mẫn tuệ, tinh thần thanh thoát như chơi vơi. Một đời người hưởng được vài ba phút mà dư hưởng bất tuyệt đó, tôi tưởng đã là phước lớn. Nó quí ở chỗ không bao giờ tái hiện và rất ngắn ngủi. Đừng kiếm lại nó, vô ích, mà cũng đừng mong cho nó kéo dài (...).

Cái tuyệt mĩ bao giờ cũng phù du, mà lại thọ nhất.

(Trích trong Hoa đào năm trước -

Lá Bối xuất bản 1970)

"Thực dân nào, bất kỳ Đông hay Tây, cũng chỉ nghĩ tới quyền lợi của họ trước hết: còn có lợi cho họ thì họ giúp, hết lợi thì họ bỏ và đàn áp. Do Thái bị Anh bỏ rồi Nga bỏ, Ai Cập bị Mỹ bỏ rồi Nga bỏ; cả bán đảo Ả Rập là nơi họ tranh giành tư tưởng với nhau (...).

Phải là một dân tộc có thực lực, có bản lãnh cao, có tài chống đỡ giỏi thì mới có thể khỏi bị họ lợi dụng nhưng nếu lỡ mà gắn bó với họ thì không sớm thì muộn, thế nào cũng khốn đốn, điêu tàn với họ".

(...) Đành rằng thân phận bi đát của các nước nhược tiểu chúng ta là có khi do tình hình bắt buộc, không thể không đứng vào phe này phe khác, nhưng lắm lúc ta tự hỏi giá non một phần tư thế kỷ nay, dân tộc không bị lôi cuốn vào phe nào cả, tự lực trồng lúa lấy mà ăn, dệt vải lấy mà bận, can đảm sống lối sống riêng của mình, hoà thuận nhau, bao dung nhau, không ai giàu quá, không ai nghèo quá, chẳng cần ti-vi, máy lạnh, những phim cao bồi, những nhạc bi bốp... thì lúc này đây, trên những đồng quê mơn mởm của chúng ta, tất vẳng lên tiếng hò, tiếng hát, chứ đâu có tan tành, hoang tàn, thấm đầy máu, vùi đầy xương như vậy!

"Độc giả tường tôi là người không tưởng. Tôi không dám cãi, nhưng dân Do Thái đã cho ta thấy vài cái không tưởng biến thành hiện tượng, chỉ nhờ họ biết đoàn kết với nhau, hiểu rằng không thể tin gì ở thực dân. Ai cũng biết rằng đoàn kết thì việc gì cũng thành, thì thực dân nào cũng phải ngán".

(...) Tôi lại nghiệm thấy có lãnh tụ tài ba, đức hạnh thì dân tộc nào cũng biết đoàn kết, thiếu lãnh tụ tài ba, đức hạnh thì dân tộc nào cũng tan rã. Trần Hưng Đạo cầm quân thì toàn quân như một, ai cũng câm sự tàn bạo của quân Nguyên; Lê Lợi dấy binh thì toàn dân như một, ai cũng hận thói thâm hiểm của triều Minh. Tôi muốn trình với độc giả bài học của dân Do Thái mà vô tình lại trở về bài học của tổ tiên. Điều đó làm tôi phấn khởi.

Vậy rốt cuộc chỉ vì chúng ta thiếu lãnh tụ, mà vị nào làm cho dân tộc hiểu được cái thảm hoạ của thực dân (bất kỳ thực dân nào) rồi đồng lòng tự lực sống đời sống của mình, không nhờ vả ai, dù phải gian lao chịu đựng hàng chục năm, vị đó sẽ được làm lãnh tụ dân tộc. Tôi cầu nguyện cho vị đó xuất hiện. Chỉ lúc đó dân tộc ta mới có một tương lai sáng sủa vẻ vang; còn theo gót người thì không sao ngửng đầu lên được".

(Trích trong bài Tựa cuốn Israël

Viết tại Sài Gòn 10-6-1968)

Đọc các đoạn trích dẫn trên hẳn rằng các bạn đã thưởng thức một cách thích thú lời văn trong sáng, tươi đẹp, tự nhiên, thích hợp với từng nội dung, như: đoạn đầu văn mạnh mẽ hấp dẫn gợi cho người đọc cái cảm giác rùn rợn khi đứng trước một cảnh hoang du; đoạn hai lời đẹp, giọng cảm động gợi một nổi buồn và nhớ tiếc mênh mông; và đoạn ba, đọc tới phần sau cùng, nếu bạn là "lãnh tụ" "tổng thống anh minh" ở miền Nam lúc bấy giờ, bạn có thấy nhột nhạt, đau điếng, cay cú không, khi bạn nghe ông "cầu nguyện cho vị đó xuất hiện"? Cay mà không biết lấy cớ nào cho chính đáng, để bắt tội người viết mà không bị người ta chê là nhỏ nhen.

Trong hoàn cảnh mà sự bắt bớ tù tội rất dễ dàng, viết ra những lời ấy, ai bảo rằng tác giả đã không kin đáo đả kích, chê bai bằng giọng nghiêm trang mà bình tĩnh? Chính sự kiện đó thể hiện cái tinh thần độc lập, tự do trong ngòi viết của ông mà tôi đã nêu ở một tiểu mục trước.

Bút pháp mà mang được cái cá tính, thể hiện được con người, cái dáng đi, cái cách nói, cái nhịp thở, cái tâm tư, vui, buồn, phẩn nộ... của tác giả; nghệ thuật tài tình, điêu luyện độc đáo như thế thật đúng là tấm gương cho những thế hệ tiếp sau.

---------------------

(1) Hồi tôi còn dạy Trung học, tôi có lệ tập cho học sinh nhận xét sách đã đọc, dành mỗi tháng một đôi giờ (vào giờ luận) để cho các em viết những ý tưởng, cảm nghĩ của mình vào vài tác phẩm mà tôi gọi ý cho các em về nhà tìm đọc. Tôi coi như một bài luận phải làm và tôi chấm lấy điểm vào sổ. Những đoạn trong các dấu ngoặc kép dẫn chứng trên đây là của em Nguyễn Thanh Hùng, học sinh lớp 9 (lớp cuối Trung học Đệ nhất cấp) trường Bá Ninh, Nha Trang, trước giải phóng.

[Có lẽ bài làm của học sinh lớp Đệ Tứ này được điểm cao nhất, nhì hoặc ba trong lớp, nên em hoặc thầy CHK đọc cho cả lớp nghe. Do vậy mới có câu: "Và em ngó tôi cười một cách hồn nhiên" - Gf].

(2) Mấy vấn đề xây dựng văn hoá.

(3) Xin xem nét độc đáo về bút pháp viết Tựa ở Tập II tôi viết về ông.

NHÂN SINH QUAN CỦA ÔNG

Là những suy nghĩ, ý kiến do kinh nghiệm của bản thân ông đã đúc kết nên và vượt lên đa số người đương thời như là tiếng nói của một chân lí thực tiễn, của khoa học ứng hợp với con người và cuộc sống.

Dưới đây tôi xin phép ông cho tôi trích lại nguyên văn ông viết về nhân sinh quan của ông để làm sáng tỏ cho nhận định của tôi:

1. Đời sống tự nó vô ý nghĩa, trừ ý nghĩa truyền chủng, nhưng mình phải cho nó một ý nghĩa. Từ hồi ăn lông ở lỗ đến nay, nhân loại đã tiến về nhiều phương diện. Chúng ta được hưởng công lao, di sản của biết bao nhiêu thế hệ thì phải duy trì di sản đó và cải thiện nó tuỳ theo khả năng của mỗi người.

2. Chúng ta làm điều phải vì tin nó là điều phải chứ không phải vì ý muốn của Thượng đế hay của một vị thần linh nào, cũng không phải vì mong chết rồi được lên Niết Bàn hay Thiên Đàng.

3. Quan niệm thiện ác thay đổi tuỳ thời, tuỳ nơi. Cái gì ích lợi cho một xã hội vào một thời nào đó thì được xã hội đó cho là thiện; cũng cái đó qua thời khác không còn ít lợi nữa mà hoá ra có hại thì bị coi là ác. Ví dụ đạo tòng phu, tòng tử của phụ nữ có lợi cho gia đình, xã hội thời nông nghiệp; tới thời kĩ nghệ không còn lợi cho gia đình, xã hội nữa nên mất giá trị. Khi sản xuất được ít, đức tiết kiệm được đề cao; ngày nay ở Âu Mỹ sản xuất vật dụng thừa thải quá, nên sự phung phí gần thành một bổn phận đối với xã hội. Tuy nhiên vẫn có một số giá trị vĩnh cửu, từ hồi loài người bắt đầu văn minh, dân tộc nào cũng trọng, như đức nhân, khoan hồng, công bằng, tự do, dân chủ...

4. Đạo Khổng thực tế nhất, hợp tình hợp lí nhất, đầy đủ nhất, xét cả về việc tu thân, tề gia, trị quốc. Vậy mà tới nay lí tưởng của ông, nhân loại vẫn chưa theo được. Về tu thân, ba đức nhân, trí, dũng luyện được đủ tình cảm, trí tuệ và nghị lực của con người.

5. Mỗi người đã phải đóng một vai trò trong xã hội thì tôi lựa vai trò thư sinh. Sống trong một gia đình êm ấm giữa sách và hoa, được lòng quí mến, tin cậy của một số bạn và độc giả, tôi cho là sướng hơn làm một chính khách được hàng vạn người hoan hô, mà có phần giúp ích cho xã hội được nhiều hơn bọn chính khách nữa. Nhưng làm nhà văn thì phải độc lập, không nhận một chức tước gì của chính quyền.

6. Ghi được một vẻ đẹp của thiên nhiên, của tâm hồn, tả được nỗi khổ của con người khiến cho đời sau cảm động, bấy nhiêu cũng đủ mang danh nghệ sĩ rồi.

7. Văn thơ phải tự nhiên, cảm động, có tư tưởng thì mới hay. Ở Trung Hoa, thơ Lí Bạch, văn Tô Đông Pha hay nhất. Ở nước ta thơ Nguyễn Du tự nhiên, bình dị mà bài nào cũng có giọng buồn man mác.

8. Một xã hội văn minh thì nhà cầm quyền không đàn áp đối lập; cùng lắm chỉ có thể ngăn cản họ để đừng gây rối thôi; tuyệt nhiên không được tra tấn họ. Phải tuyệt đối tôn trọng chính kiến của mọi người.

9. Một xã hội mà nghề cầm bút, nghề luật sư không phải là nghề tự do thì không gọi là xã hội tự do được.

10. Khi nghèo thì phải tận lực chiến đấu với cảnh nghèo vì phải đủ ăn mới giữ được sự độc lập và tư cách của mình. Nhưng khi đã đủ ăn rồi thì đừng nên làm giàu, phải để thì giờ làm việc hữu ích mà không vì danh lợi. Giá trị của ta ở chỗ làm được nhiều việc như vậy hay không.

11. Chỉ nên hưởng cái phần xứng đáng với tài đức của mình thôi. Nếu tài đức tầm thường mà được phú quí hoặc được nhiều người ngưỡng mộ thì sẽ mang hoạ vào thân.

12. Hôn nhân bao giờ cũng là một sự may rủi. Dù sáng suốt và chịu tốn công thì cũng không chắc gì kiếm được người hoàn toàn hợp ý mình; phải sống chung năm ba năm mới rõ được tình cảm của nhau. Từ xưa tới nay tôi mới chỉ thấy cuộc hôn nhân của ông bà Curie là đẹp nhất, thành công nhất cho cả cá nhân ông bà lẫn xã hội.

Hiện nay ở Mỹ có phong trào kết hôn thử, tôi cho rằng chưa chắc đã có lợi cho cá nhân mà có thể gây ra nhiều xáo trôn trong xã hội.

13. Cơ hồ không thay đổi được bản tính con người: người nóng nảy thì tới già vẫn nóng nảy, người nhu nhược thì tới già vẫn nhu nhược. Nhưng giáo dục vẫn có ích. Không nên cho trẻ sung sướng quá. Phải tập cho chúng có qui cũ, kĩ luật, biết tự chủ và hiểu rằng ở đời có những việc mình không thích làm nhưng vẫn phải làm; và làm thì phải làm ngay, làm đàng hoàng, làm cho xong.

14. Xã hội bao giờ cũng có kẻ tốt và kẻ xấu. Như Kinh Dịch nói, lúc thì âm (xấu) thắng, lúc thì dương (tốt) thắng; mà việc đời khi giải quyết xong thì lại sinh ra việc khác liền; sau quẻ Kí tế (đã xong), tiếp ngay quẻ Vị tế (chưa xong). Mình cứ làm hết sức mình thôi, còn thì để lại cho các thế hệ sau.

15. Hồi trẻ, quan niệm của tôi về hạnh phúc là được tự do, độc lập, làm một công việc hữu ích mà mình thích, gia đình êm ấm, con cái học được, phong lưu một chút chứ đừng giàu. Nhưng hồi năm mươi tuổi tôi thấy bấy nhiêu chưa đủ, cần thêm điều kiện này nữa: sống trong một xã hội lành mạnh, ổn định và tương đối thịnh vượng (1).

------------------------

(1) Trích trong Đời viết văn của tôi.

[Ngoài 15 "điểm" nêu trên, trong Hồi kí còn có 6 "điểm" sau:

* Đạo nào cũng phải hợp tình, hợp lí (bất viễn nhân) thì mới gọi là đạo được. Tôi không tin rằng hết thảy loài người chỉ thấy đau khổ thôi; cũng không tin rằng hết thảy loài người thích sống tập thể, không có của riêng.

* Nên trọng dư luận nhưng không nên nhắm mắt theo dư duận. Biết đắc nhân tâm, nhưng cũng có lúc phải tỏ nỗi bất bình của mình mà không sợ thất nhân tâm.

* Tôi khuyên con cháu đừng làm chính trị, nhưng nếu làm thì luôn luôn đứng về phía nhân dân.

* Có những hoa hữu sắc vô hương mà ai cũng quí như hải đường, hoa đào; nhưng đàn bà chỉ có sắc đẹp thôi, mà không được một nét gì thì là hạng rất tầm thường.

Chơi hoa tôi thích nhất loại cây cao; có bóng mát, dễ trồng và có hương quanh năm như ngọc lan, hoàng lan. Ở đâu tôi cũng trồng hai thứ đó.

* Rất ít khi con người rút được kinh nghiệm của người trước. Ai cũng phải tự rút kinh nghiệm của mình rồi mới khôn, vì vậy mà thường vấp té. Nhưng phải như vậy loài người mới tiến được.

* Thay đổi bản tính loài người như Mặc tử, Karl Max muốn làm là chuyện không dễ một sớm một chiều.

Thế giới còn những nước nhược tiểu có nhiều tài nguyên thì còn bọn thực dân, họ chỉ thay đổi chính sách thôi. Thực dân nào cũng vậy. Khi họ khai thác hết trên mặt đất thì họ khai thác biển, đáy biển. Họ còn sống lâu. Tuy nhiên, cũng phải nhận rằng sự bốc lột trong một nước tân tiến thời nay đã giảm nhiều, thì sau này sự bốc lột các dân tộc nhược tiểu sẽ giảm đi dần dần. (tr. 552-554) - Gf]

Hết Chương 2
Thông tin sách