Tiểu sử, Hồi ký
Tác giả: Nguyên Hùng

Nam Bộ - Nghững Nhân Vật Một Thời Vang Bóng

Chương 38: DŨNG KHÍ NGUYỄN NGỌC NHỰT

Kỹ sư Nguyễn Ngọc Nhựt đang sống trong nhung lụa ở thủ đô Paris với cô vợ đầm bỗng anh ruột là kỹ sư Nguyễn Ngọc Bích từ Sài Gòn qua báo "chú nên về nước tiếp tục sự nghiệp dang dở của anh”.

Vậy là ông Nhựt về nước tham gia kháng chiến. Ông bị bắt trong trận càn lớn vô Đồng Tháp Mười ngày 2. 6. 1949.

Địch dụ dỗ đưa cả cô vợ đầm từ Pháp qua, nhưng Nguyễn Ngọc Nhựt vẫn không đầu hàng kẻ thù.

Tòa biệt thự nằm bên bờ sông Seine, ngoại ô Paris, trông thật xinh xắn và ấm cúng. Từ cửa sổ phòng ngủ, kỹ sư Nhựt nhìn tháp Eiffel cao ngất. Trên chót tháp cao, có nhà hàng sang trọng, du khách thích ngồi ăn và ngắm kinh thành Ánh Sáng dưới chân mình. Nhựt cũng từng đưa vợ đến nơi hẹn hò nổi tiếng này vào những đêm đẹp trời. Những hôm nay, Nhựt nhìn tháp Eiffel với niềm ưu tư. Anh vừa được thư của anh ruột từ quê nhà gửi anh. Anh lẩm bẩm: "Có lẽ mình sẽ vĩnh viễn giã biệt ngọn tháp tượng trưng cho nền văn minh nước Pháp".

Nguyễn Ngọc Bích và Nguyễn Ngọc Nhựt là con ông Đốc phủ Nguyễn Ngọc Tương, người sáng lập Ban Chỉnh Đạo, cũng có người gọi là Ban Chỉnh, nhóm Cao Đài Bến Tre. Bích và Nhựt đều qua Pháp học ngành cầu đường và đều đỗ kỹ sư. Bích cao to, sôi nổi, ăn to nói lớn, còn Nhựt thì trái lại nhỏ nhắn, điềm đạm, ít nói. Cả hai đều lấy vợ đầm. Thời kỳ ấy, công tử Nam Kỳ qua Pháp học thường được đầm mê. Bích đậu kỹ sư rồi về nước trước chiến tranh. Nhựt còn tiếp tục học thì Pháp bị Đức Quốc xã chiếm đóng. Năm 1944, Nhựt cưới vợ, ông nhạc là kỹ sư xây dựng giúp Nhựt học suốt thời gian chiến tranh, lúc đó Nhựt đứt liên lạc gia đình, sống rất chật vật. Đậu kỹ sư rồi, Nhựt làm cho công ty mà cha vợ làm giám đốc. Thương con thì thương rể, ông tặng hai vợ chồng mới cưới ngôi biệt thự họ đang ở bên dòng sông Seine. Cuộc sống đang êm ả như dòng sông hiền hòa, cho đến hôm nay, Nhựt nhận được thư của anh Bích, từ Sài Gòn.

Trong thư Bích viết: "Anh là Khu bộ phó Khu 9, miền Tây Nam Bộ, chuyên sản xuất vũ khí đánh giặc, anh viết thư cho em từ làng Nhơn Ái, tỉnh Cần Thơ. Em có sung sướng khi biết anh đi kháng chiến không?".

Thư viết tiếng Việt, nhiều danh từ lạ, Nhựt không hiểu, thì ra anh xa quê đã 15 năm trường, suy nghĩ, nói năng toàn bằng tiếng Pháp. Bức thư khiến Nhựt nghĩ nhiều về quê hương. Anh chỉ nhớ lờ mờ tỉnh lỵ Bến Tre rợp bóng dừa và thánh thất An Hội. Về đạo Cao Đài, anh không bận tâm, đành thời giờ cho việc học. Anh cho rằng đạo là việc riêng của những người lớn tuổi, rảnh rỗi như cha anh.

Khi chiến cuộc nổi lên ở Nam Bộ, báo chí cực hữu Paris đả kích Việt Minh dữ dội. Nay Nhựt mới biết anh Bích mình lại là một Việt Minh cỡ bự: Khu bộ phó Khu 9. Để biết thêm về tình hình quê nhà, Nhựt lân la đến các nhóm Việt kiều ở Paris, nhờ đó anh biết tin kỹ sư Nguyễn Ngọc Bích bị Pháp bắt sau vụ phá cầu Cái Răng trong tỉnh Cần Thơ qua báo chí. Anh tính giấu tin này nhưng đêm ấy, ông nhạc cầm tờ báo tới cự "Quân khủng bố! Người ta xây dựng, chúng nó xóa bỏ...". Nhựt muốn nhịn nhưng bản chất ăn ngay nói thẳng của dân Nam Bộ buộc anh lên tiếng:

- Người Pháp cũng làm như vậy trong kháng chiến.

Thế là một cuộc đấu lý bùng nổ. Cha vợ bênh thực dân, chàng rể bênh kháng chiến.

Sau Sơ ước 6.3.1946, kỹ sư Bích được trả tự do, nhưng buộc phải trở qua Pháp. Một ngày đẹp trời, Bích tới nhà Nhựt. Anh vẫn ồn ào như thường lệ, áo pardessus màu cứt ngựa, quần áo kaki vàng, chân đi bốt, bộ tướng hùng dũng như lúc còn là Khu bộ phó, chuyên phá cầu chặn bước xâm lăng quân đội viễn chinh Pháp. Sự xuất hiện bất ngờ của Bích khiến Nhựt xúc động mạnh. Bích hùng hồn nói tiếng Pháp pha tiếng Việt:

- Anh đã xong nhiệm vụ công dân rồi. Bây giờ đến phiên chú. Chú nên về nước chiến đấu thay anh.

Nhựt sôi nổi:

- Từ khi được thư anh, em có ý định về nước kháng chiến. Em theo dõi tin tức phái đoàn Chủ tịch Hồ Chí Minh dự hội nghị Fontainebleau. Em cũng đã tiếp xúc với phái đoàn, với Hồ Chí Minh. Tính về nước nhưng kẹt một điều không xin được visa.

Bích nói:

- Nếu chú thật tình muốn về nước kháng chiến thì anh sẽ giúp cho. Chẳng khó gì đâu ! - Bích nói nhỏ - Ta sẽ làm căn cước giả. Chú sẽ nhập các toán ONS (Ouvrier Non Spécialisés - thợ không chuyên bị động viên sang Pháp đánh giặc Đức) về nước theo chuyến tàu chở lính thợ hồi hương.

Nhựt mừng rỡ:

- Hay ! Lâu nay em giao tiếp các anh ONS mà không nảy ra sáng kiến đó.

Bích nhìn em như đắn đo:

- Nhưng chú đã suy nghĩ chín chắn chưa? Đã chọn lựa thì phải hy sinh "Choisir c'est sactifier quelque chose de très cher" (Chọn lựa nghĩa là phải hy sinh một điều gì đó rất thân yêu).

Nhựt gật đầu:

- Em hiểu. Tình vợ con sao nặng bằng tình quê hương.

Bấy giờ là năm 1947. Tại cảng Brest, có nhiều lính thợ ONS xuống tàu về Việt Nam, Nhựt trà trộn trong số này. Lúc đó quân Pháp đang đánh chiếm Hà Nội. Ai nấy đều mong tàu mau đến Hải Phòng để tham gia kháng chiến. Tàu tới ga Sài Gòn trước. Anh em miền Nam lên bờ, tìm liên lạc nhảy ra bưng. Ai cũng nôn nóng làm chiến sĩ bưng biền.

Như cánh nhạn tha hương hồi quê, Nhựt xao xuyến chờ liên lạc về Bến Tre, trước thăm cha mẹ, anh chị, sau vô bưng làm nhiệm vụ công dân. Anh tới nhà người cậu là dược sĩ Bùi Quang Tùng, có tiệm thuốc Tây ỏ đường Tháp Mười, Chợ Lớn. Gặp lại cháu, ông Tùng không nhận ra vì Nhựt qua Pháp lúc 16 tuổi, nay đã thành trung niên rắn rỏi. Chừng nghe Nhựt kể chuyện hai anh em chạy tiếp sức trên đường kháng chiến, ông Tùng kêu lên:

- Hai anh em bay đúng là trí thức yêu nước...

Ông khẽ ngâm hai câu thơ đăng trên một tờ báo trong bưng:

"Người sau kẻ trước lao vào giặc

Giữ vững nghìn thu một giống nòi".

Chiều ấy, Nhựt chứng kiến cảnh phố phường trong thời loạn. Anh lẩm bẩm: "Sài Gòn sao mà giống Paris lúc Đức chiếm đóng, lính lê dương đi lại rầm rập, xe nhà binh chạy ào ào, đồn bót, dây kẽm gai...".

Cả hai cậu cháu đều có tình cảm với kháng chiến, nhưng ăn nói dè dặt, vì chung quanh có nhiều điểm chỉ...

Hôm sau, Nhựt theo liên lạc về Bến Tre. Không bao giờ anh quên được cảm xúc ngày ấy. Sông Hàm Luông sao mà đẹp lạ! Ôi những hàng dừa An Hội xõa tóc trên dòng sông xanh mát. Đây rồi, ngôi nhà tổ phụ. Cha anh rút lên lầu từ lâu để không phải tiếp bọn nhà binh xấc láo và bọn Việt gian trơ trẽn. Nhựt lên lầu, anh ôm cha, xót xa vì cha già yếu và không được vui. Ông phủ nói:

- Người Pháp đã hết nhiệm vụ. Họ phải trả độc lập cho dân Việt Nam. Hai bên nên tránh đánh nhau vô ích. Cha không theo Pháp chống Việt Minh mà cha tuyên bố "nhập tịnh" lên lầu một thời gian.

Ở nhà vài ngày, Nhựt thấy rõ Thánh thất là cơ sở cách mạng. Thằng quan ba Pháp thấy Thánh thất có cái máy in pédale liền đem truyền đơn tới in. Không ngăn cấm được, ông phủ cho người bí mật tìm đồng chí Bảy Khánh, Bí thư tỉnh, bàn cách đưa cái máy in này vô bưng. Nhà binh Pháp đoán biết ông phủ hiến máy in cho Việt Minh, nhưng không có bằng cớ buộc tội. Làm lớn ra, chúng cũng kẹt, vì không đủ sức bảo vệ an ninh thị xã để Việt Minh tấn công Thánh thất cướp máy in...

Vài ngày sau, Nhựt theo liên lạc vô bưng, giữa Đồng Tháp Mười, anh gặp luật sư Phạm Văn Bạch, Chủ tịch Ủy ban Hành chính Nam Bộ để nghe trình bày về cuộc chiến tranh giải phóng. Lần đầu tiên, anh được biết bộ mặt của kháng chiến. Nước ngập tràn lan như biển, cuộc sống trên nhà sàn hai bên bờ kinh Lagrange, nay đổi tên là Dương Văn Dương, muỗi cỏ như trấu, đỉa trâu lền như bánh canh. Dân nghèo mặc bao bố, bao bàng, nhưng ai nấy đều hăng hái đánh Tây. Một bài học đầu tiên: nếp sống chứ không phải mức sống mới là điều đáng quan tâm. Đó là khí phách hào hùng của dân tộc: hy sinh tất cả cho độc lập và tự do.

Kỹ sư Nhựt được Ủy ban Nam Bộ giao công tác nghiên cứu giúp Binh công xưởng Khu 8. Về sau anh là Ủy viên Xã hội trong Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ. Anh là ủy viên trẻ nhất trong ủy ban. Anh đi khắp chiến trường Mỹ Tho, Sa Đéc, Tân An, Chợ Lớn, xâm nhập cả vùng ven thành phố Sài Gòn như Vườn Thơm. Nơi nào có điều kiện, anh mở trường dạy nghề cho thanh niên trở thành hữu dụng trong kháng chiến.

Thấm thoát được hai năm. Một sự kiện quan trọng đối với anh: cậu anh, dược sĩ Bùi Quang Tùng quyết đinh dẹp tiệm thuốc Tây, vô bưng kháng chiến theo gương hai cháu Bích và Nhựt. Ông Tùng được đưa về Khu 9, làm việc với bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, Giám đốc Sở Y tế Nam Bộ.

Trong trận càn lớn vào Đồng Tháp Mười ngày 2.6.1949, Nguyễn Ngọc Nhựt bị địch bắt tại xã Mỹ An. Bắt được kỹ sư Nguyễn Ngọc Nhựt, mấy tên cò mật thám Bazin, Mai Hữu Xuân mừng hơn bắt được vàng. Chúng ráo riết thuyết phục, dụ dỗ nhà trí thức yêu nước trẻ tuổi này. Chúng đùng mọi thủ đoạn, như tới Bến Tre xin gặp ông phủ Giáo tông Cao Đài phái Chỉnh Đạo, ngọt ngào hứa hẹn:

- Nếu ông bảo lãnh cho kỹ sư Nhựt thì chúng tôi sẽ thả.

Ông phủ lắc đầu:

- Nó có sứ mạng riêng của nó.

Bọn Pháp không bỏ cuộc. Chúng đưa ông Trường tiền Dân và Trạng sư Báu nhân danh chức sắc Cao Đài, thuyết phục kỹ sư Nhựt:

- Hai ông Bollaert (Cao ủy) và Nguyễn Văn Xuân (Thủ tướng) đề nghị ông kỹ sư chọn một trong ba bộ Công chánh, Xã hội, Quốc phòng trong chính phủ...

Kỹ sư Nhựt vẫn làm thinh. Thủ tướng Xuân vốn là đại tá trong quân đội Pháp, tính nóng như lửa, lớn tiếng:

- Việt Minh làm chính phủ ma, sao ông theo?

Nhựt cười lạt:

- Rờ tôi xem? Ma sao làm đổ bao nhiêu nội các Pháp? Sao các anh mê muội quá vậy?

Tây túng quá, nắm lấy liên hệ gia đình đánh tiếp với chúng. Một người chị khuyên Nhựt:

- Cứ nhận bừa đi rồi nhảy vô bưng.

Hai người chị của Nhựt, chị Sáu và chị Bảy cũng nói vô:

- Mạng sống con người là quan trọng vào bậc nhất...

Không thấy Nhựt đổi ý, Pháp điện qua Paris cầu cứu cô vợ đầm của Nhựt. Cô lập tức bay qua, năn nỉ:

- Anh đã làm xong nhiệm vụ rồi. Hãy trở về Pháp với em.

Nhựt lắc đầu:

- Hai chúng ta đã là hai thế trận, hai con người, hai tổ quốc.

Chỉ còn một cách cứu vãn danh dự: Pháp tung tin kỹ sư Nhựt điên, đưa đi Chợ Quán, rồi đưa lên Biên Hòa. Sau đó là thủ tiêu.

Cô Nguyệt, người chị thứ bảy đến nhận xác em. Kỹ sư Nhựt, một thanh niên rắn chắc, hồng hào mấy tháng trước, nay trở thành một hình hài xơ xác, chỉ còn da bọc xương. Bọn thực dân đã tiêm thuốc độc hãm hại con người bất khuất mà chúng không mua chuộc được. Tên tướng De la Tour đã phải thú nhận:

- Nous ne traiterons jamais avec un communiste (Chúng ta sẽ không bao giờ thương thuyết với một người cộng sản).

Chính phủ Hồ Chí Minh truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cho kỹ sư Nguyễn Ngọc Nhựt. Năm ấy anh mới 32 tuổi. Ban Chỉnh Đạo Bến Tre rất hãnh diện về hai anh em trí thức yêu nước, con của Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương.

Hết Chương 38: DŨNG KHÍ NGUYỄN NGỌC NHỰT
Thông tin sách