Tiểu sử, Hồi ký
Tác giả: Phạm Thị Phương

A.X. Puskin – Mặt Trời Thi Ca Nga

Chương 2: PHẦN 1: PUSKIN - NGƯỜI XÂY MÓNG VÀ DỰNG NHỮNG CỘT MỐC CHO ĐẠI LỘ VĂN HỌC NGA - NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG CỦA CUỘC ĐỜI 38 NĂM

PHẠM THỊ PHƯƠNG

Viên sĩ quan

Alêcxanđrơ Xecgâyevich Puskin (1799 - 1837) là một hiện tượng kỳ diệu vô song của văn học Nga và văn học thế giới. Ông được coi là "khởi đầu của mọi khởi đầu" (Gorki), là "nhà cải cách vĩ đại của văn học Nga" (Bielinxki), là "con người của tinh thần Nga" (Gôgôn), người đưa văn học Nga lên một tầm cao mới trong lịch sử phát triển của văn học nhân loại.

1. Dòng dõi và gia thế

A.X.Puskin sinh ngày 6.VI.1799 tại Matxcva trong một gia đình dòng dõi quý tộc lâu đời và có truyền thống văn chương. Song thân của nhà thơ được lĩnh hội một nền văn hoá hoàn hảo, kỷ cương theo lối giáo dục quý tộc thế kỷ XIX, là những con người tài hoa, am hiểu và yêu thích nghệ thuật. Ngoài dòng máu quý tộc Nga, trong Puskin còn tiềm ẩn đôi chút khí chất của dòng máu Phi châu nóng bỏng, nhiệt thành: Mẹ ông - Nagiezđa Ôxinốpna, là cháu nội của viên tướng kỹ thuật lừng danh có nguồn gốc châu Phi Abram Pêtrôvích Ganiban, một sủng thần của Pi-e Đại Đế. Puskin tầm thước, mái tóc quăn bồng bềnh, có khuôn mặt khả ái với cặp mắt và những đường nét đầy nhậy cảm.

Mang trong mình "dòng máu xanh"(1) thượng đẳng, giữ một vị thế cao sang trong xã hội, nhưng suốt đời Puskin không chịu chức sắc cung đình, không chịu ra luồn vào cúi của kiếp "chim hoạ mi hót vang, nhởn nhơ trong nô lệ"(2), không viết thơ thính phòng dành riêng cho độc giả thượng lưu như các bậc tiền bối Karamzin, Zucốpxki, Bachiuxcốp... Trải qua hai triều đại Nga hoàng, suốt đời bị truy bức, đày ải bất công, Puskin vẫn trọn vẹn là nhà thơ của nhân dân, là "ca sĩ của tự do", nguyện "Năm châu bốn bể đi liền, Mà đem lời nói đốt tim muôn người"(3). Ông là con người tiên tiến nhất của thời đại, một nhà thơ đet.m nghệ thuật "nhập thế", bước vào cuộc đấu tranh cho hạnh phúc con người.

2. Thời thơ ấu và sự hình thành tài năng

Tài năng của Puskin hình thành rất sớm. Nhà thơ hấp thụ sâu sắc truyền thống văn chưong của dòng họ, gia đình ngay từ những ngày thơ bé. Cha ông am hiểu âm nhạc, thơ ca, sân khấu, chú ông là nhà thơ có tên tuổi thời ấy. Thư viện gia đình rất lớn, có nhiều sách của các nhà văn, triết gia Khai Sáng Pháp thế kỉ XVIII. Phòng khách của họ là nơi gặp gỡ và đàm đạo văn chương thường kỳ của các văn nghệ sĩ lừng danh đương thời. Puskin được tiếp nhận một nền giáo dục của con em dòng dõi trâm anh thế phiệt, thông thạo tiếng Pháp, Đức, Anh, La tinh, được dạy dỗ kỹ lưỡng về thơ-ca-nhạc-họa. Văn chương bác học sớm ngấm trong tâm hồn cậu bé xinh xắn có mớ tóc đen quăn tít, cặp mắt vừa hồn nhiên vừa ưu tư.

Song mảnh đất thật sự vun trồng tài năng và nhân cách của nhà thơ tương lai là nền văn học dân gian Nga sống động, đẹp đẽ. Thủa thiếu thời Puskin ít nhận được sự chăm sóc trìu mến của cha mẹ. Mẹ phó mặc việc nuôi dạy con cho các gia sư, cha nghiêm khắc, có phần chuyên quyền, nghiệt ngã, cậu bé sớm độc lập suy tư, sớm gắn bó, quấn quýt với những người thuộc lớp bình dân. Những người đầu tiên dẫn Puskin về với thế giới ngôn ngữ và thơ ca dân tộc sống động, giầu đẹp là bà ngoại Maria Alecxâyepna, nhũ mẫu Arina Rôđiônốpna, lão bộc Nikita Côzlốp. Cậu bé cũng sớm gắn bó, hoà mình vào thiên nhiên hữu tình đầy chất hội họa vùng Trung Nga mà sau này sẽ là chất liệu, nguồn cảm hứng, tình yêu nồng thắm trong những bài thơ trữ tình đắm say. Những câu chuyện cổ tích, những khúc hát dân ca, lời ăn tiếng nói của tầng lớp bình dân lung linh màu sắc, thiên nhiên thơ mộng... là nhịp cầu nối nhà thơ tương lai với nhân dân Nga, với tâm hồn Nga, ngôn ngữ Nga kì diệu. Chính bởi vậy, ngay từ tấm bé, trong hồn thơ của Puskin đã có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa văn chương bác học sang trọng và văn>

3. Trường Lixê và vị thần đồng trẻ tuổi

Năm 12 tuổi Puskin nhập học khoá đầu (1811-1817) trường Lixê (trường dành riêng cho con em quý tộc nhằm đào tạo những tài năng phụng sự Nga hoàng). Sáu năm học tại đây đã đem đến cho Puskin nhiều điều kiện phát triển tài năng. Câu thiếu niên hoàng gia được tiếp xúc với những giáo sư tài năng có tư tưởng tiến bộ, giao du với những học sinh có tâm huyết và hoài bão, được hoà mình trong các cao trào yêu nước. Những học sinh khoá I này từng tiễn đưa đoàn chiến binh Nga ra mặt trận năm 1812(4), chào đón họ về trong khúc khải hoàn ca. Nhiều bạn bè của Puskin sẽ có mặt trong các tổ chức cách mạng những năm 20, trở thành những chiến sĩ của phong trào Tháng Chạp(5). Ở Lixê nảy nở rất nhiều tài năng thơ ca (Kiukhenbếcke, Đenvich, Iacốplép...), nhưng nổi bật hơn cả vẫn là Puskin. Với những hoạt động sáng tác và xã hội sôi nổi, cậu đã trở thành linh hồn của các tổ chức văn học nhà trường. Người ta dễ nhận thấy Puskin ngay thời kỳ này đã đi những bước xa hơn các đồng môn và các bậc tiền bối trong làng thi ca. Puskin đã tự tìm cho mình một con đường riêng độc đáo. Thơ của cậu thể hiện sự kết hợp một cách tài hoa thi ca cổ điển trang trọng với cuộc sống hiện thực sôi nổi, tràn ngập niềm mê say trần gian. Ngay từ năm 1815 nhà thơ lỗi lạc Zucốpxki đã tiên đoán về Puskin: "Người khổng lồ tương lai này sẽ vượt tất cả chúng ta."

Giã biệt mái trường Lixê, Puskin cũng giã biệt thời niên thiếu "tuổi hoa cười", "những giờ vàng tư lự", để lại những vần thơ mới mẻ và mãi trẻ trung, trong đó nổi bật nhất là bài Hồi ức ở Hoàng thôn, như một lời tổng kết chặng đường đầu đời của một thi nhân. Bài thơ được đọc trong buổi lễ ra trường. Bài thơ dạt dào cảm xúc về lòng ái quốc, niềm kiêu hãnh về nhân dân Nga. Nó báo hiệu một cánh én cho mùa xuân thi ca Nga. Đéczavin, nhà thơ cổ điển lão thành của thế kỷ XVIII, ngồi trên ghế Ban Giám kho hôm ấy không cầm được nước mắt khi nghe vị thần đồng đọc bài thơ. Ông hiểu mai này có thể yên lòng từ giã cõi đời vì đã có người kế tục xuất sắc trên thi đàn Nga.

4. Pêtécbua - "nơi tuổi trẻ đã sớm tàn trong những cơn bão dội"(6)

Tốt nghiệp Litxê năm 1817, chàng trai 18 tuổi Puskin hăm hở bước vào đời với những cuộc kiếm tìm mới. Anh được bổ nhiệm về cơ quan Ngoại giao tại Pêtécbua. Thời kỳ này chính phủ Nga hoàng thi hành một chính sách đối nội và đối ngoại phản động: đàn áp dã man các cuộc khởi nghĩa nông dân, câu kết với các thế lực phản động nước ngoài dìm các cuộc cách mạng vào trong biển máu. Phong trào chống chế độ nông nô chuyên chế phát triển mạnh mẽ, cuốn hút cả tầng lớp quý tộc tiến bộ. Nhiều tổ chức cách mạng ra đời khắp nơi trong cả nước. Puskin bước vào đời khi tuổi trẻ đầy sung sức với những thành công và sự khích lệ đầy chất men say, đúng lúc con thuyền cách mạng đang căng buồm lộng gió, nhà thơ trải rộng lòng đón những luồng gió biển khi dào dạt. Chàng trai xao lãng công việc hành chính của một viên chức, trước mắt luôn chỉ thấy các vần thơ nhảy múa:

Đối với tôi quan trường hay kị binh,

Mũ quân nhân, luật hình như nhau cả.

Tôi không phóng lao lên hàng tướng tá,

Mà hàng quan bát phẩm cũng không luồn.

(Gửi các đồng chí - Thúy Toàn dịch)

Các sáng tác thời kỳ này của Puskin đề cập đến những vấn đề xã hội lớn lao, thức tỉnh tinh thần ch của tâm hồnống chế độ nông nô chuyên chế: Tự do (1817), Gửi các đồng chí (1818), Gửi Trađaisep(1818), Nô-en (1818), Làng (1819)... Ông đứng về phía nhân dân cần lao, nguyện làm người bạn của nhân quần, cất tiếng căm hờn tố cáo chế độ nông nô chuyên chế, đòi quyền tự do cho con người. Nhà thơ bày tỏ nguyện ước:

Trong hy vọng giày vò ta trông ngóng

Những phút giây giải phóng thiêng liêng

Như chàng trai si tình trẻ tuổi

Đợi phút giây hò hẹn trung thành.

(Gửi Tsađaiep - Thúy Toàn dịch)

Trong tháng ngày tràn ngập những nốt nhạc yêu đời ấy, Puskin hoàn thành bản trường ca đầu tiên của mình - trường ca Ruxlan và Luitmila (1820), là sự kiện "tạo nên một giai đoạn mới trong lịch sử văn học Nga" (Bielinxki), là một thách thức mới đối với chủ nghĩa cổ điển già nua, đánh dấu thắng lợi của chủ nghĩa lãng mạn Nga, làm xôn xao dư luận Nga bởi tính chất dân tộc thuần túy và độc đáo. Tác phẩm là ca khúc ngọt ngào đượm màu sắc dân gian thơ mộng và trong sáng, thể hiện niềm say mê cuộc sống trần gian, lòng tin vào chiến thắng của cái Thiện, lẽ Công bằng. Zucốpxki, vị tao đàn nguyên soái của chủ nghĩa lãng mạn Nga lúc bấy giờ phải thừa nhận Puskin là "người học trò chiến thắng" của mình.

Cùng với Ruxlan và Luitmila, thời kỳ Pêtécbua chấm dứt, chấm dứt luôn cả thời kỳ lạc quan yêu đời nhất của Puskin. Hoảng sợ trước những vần thơ nổi loạn và những hoạt động xã hội của Puskin đang có tác dụng rõ rệt trong tầng lớp thanh niên quý tộc tiến bộ, Nga hoàng Alếcxanđr I đã ra lệnh đày nhà thơ đi Xibiri. Nhờ sự lo lắng và can thiệp của bạn bè cùng những người thầy có thế lực, bản án được giảm nhẹ hơn: đày về phương Nam. Thế là giữa lúc hạ)

t giống tự do vừa được gieo xuống mảnh đất băng giá ngạt thở thì cũng là lúc người gieo hạt giống tự do trở thành người tù biệt xứ.

Ngày 6.V.1820 Puskin bị buộc phi rời thủ đô, bắt đầu cuộc sống lưu đày của kẻ tha phương. Cuộc đời từ đây bắt đầu nhuốm màu sắc bi ai. Giã biệt thủ đô, giã biệt những ngày tháng vô tư, Puskin viết bài thơ nổi tiếng Ánh mặt trời ban ngày đã tắt (1820), tổng kết những suy tư về thời kỳ vừa qua trên "bờ bến thê lương", mở lòng chờ đón "dải bờ xa tăm tắp". Tâm hồn nhà thơ đầy khao khát tự do, được đối sánh với biển cả:

Ánh mặt trời ban ngày đã tắt

Sương chiều nhẹ đã trùm lên biển biếc.

Hỡi buồm ngoan, hãy phần phật reo lên,

Ngươi biển lam, hãy cồn sóng dưới thuyền.

Bay đi con tầu, hãy đưa ta xa tắp,

Trên sóng đổi dời của biển khơi huyền hoặc.

Nhưng chớ đưa ta về bờ bến thê lương,

Của tổ quốc còn mờ mịt hơi sương.

Chớ về nơi bừng lửa nơi khát vọng,

Nơi những nàng thơ dịu thầm cười mỉm cùng ta.

Nơi tuồi trẻ đã sớm tàn trong cơn bão dội,

Vui bay vèo, buồn ở lại trái tim ta. phong phú

(Thúy Toàn dịch)

5. Phương Nam chói ngời sắc nắng

Rời Pêtécbua giữa mùa hè phương Bắc nhàn nhạt ánh mặt trời, Puskin đến với phương Nam chói ngời sắc nắng, với biển Ôđétxa bao la, với dãy núi Kapkaz hùng vĩ, với những vườn nho bát ngát xứ Mônđavia. Phong cảnh thiên nhiên và tình người phương Nam nồng ấm, giản dị giúp Puskin sớm nguôi ngoai nỗi nhớ nhà và bạn bè, tiếp thêm nguồn nghị lực, cảm hứng để nhà thơ sống và sáng tạo.

Hoá ra phương Nam chính là mảnh đất cần cho tâm hồn đang khao khát tìm kiếm cái mới của nhà thơ. Nơi đây phong trào cách mạng trong nước đang lên cao, ươm nên nhiều tổ chức bí mật, nơi đây nước láng giềng Hi Lạp đang làm cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Puskin lại cất cao giọng ca ngợi tự do, ca ngợi lòng yêu nước trong hàng loạt thi phẩm trữ tình: Gửi Ôvíđ, Người tù, Cô nàng Hy lạp thủy chung (1821), Thanh gươm, Người gieo giống tự do trên đồng vắng (1823)... Nhà thơ muốn rũ bỏ ách tù đày để đến với chân trời tự do:

Bay lên về với đất trời

Biển xanh núi thẳm cất lời vang ca

Bay về với chốn bao la

Nơi gió phóng khoáng chỉ ta với mình.

(Người tù - Phạm Thị Phương dịch)

Nhà thơ nhận thấy trọng trách tiên phong và thiêng liêng của mình:

Là người gieo giống tự do trên đồng vắng

Tôi ra đi từ sáng tinh mơ

Bàn tay tôi trong trẻo ngây thơ

Gieo mầm sống trên luống cày nô dịch.

(Người gieo giống tự do trên đồng vắng - Thúy Toàn dịch)

Phương Nam đem đến cho Puskin những xúc cảm mới, những đề tài lạ, những nhân vật khác thường để viết nên hàng loạt trường ca trữ tình: Người tù Cápcaz (1820), Lệ đài Bakhchixarai (1821), Anh em kẻ cướp (1822). Nổi bật lên trong những trường ca này là dáng vóc của những còn người miền núi phóng khoáng, ngang tàng, không chịu bất cứ ràng buộc nào của pháp luật, cho ta thấy rõ thái độ phản kháng chế độ cai trị hiện hành.

Về phương pháp sáng tác, lúc này Puskin đã giã từ chủ nghĩa cổ điển, chuyển sang chủ nghĩa lãng mạn, bước đầu khám phá ra chủ nghĩa hiện thực. Từ năm 1823 trở đi, do hoàn cảnh khách quan có nhiều biến động (phong trào cách mạng ở Tây Âu thất bại, nhiều tổ chức cách mạng ở miền Nam bị vỡ), thế giới quan lãng mạn của Puskin bị xáo trộn. Một lần nữa thi sĩ nhìn nhận lại thực tế một cách tỉnh táo hơn. Chủ nghĩa hiện thực đang hình thành trong sáng tác của ông, ông bắt tay vào những chương đầu tiểu thuyết thơ Épghênhi Ônhêghin.

Tóm lại, bốn năm lưu đày ở phương Nam, Puskin đã trưởng thành rất nhiều về nhận thức xã hội, đi những bước dài qủa quyết trong phương pháp sáng tác.

Một lần nữa Nga hoàng muốn kìm hãm sự phát triển của nhà thơ trẻ, tách ông ra khỏi nhóm bạn bè phương Nam và không khí cách mạng, đã xuống chiếu buộc Puskin rời phương Nam chói ngời sắc nắng đến phương Bắc lạnh lẽo. Rời phương Nam, Puskin viết bài thơ Gửi biển (1824) như một lời giã biệt ánh mặt trời chói lọi, biển Ôđétxa ngời xanh sóng biếc, giã biệt chủ nghĩa lãng mạn, tổng kết một thời vừa mới trôi qua.

Hỡi thiên nhiên tự do, thôi từ biệt

Trước mắt ta đây là bữa cuối cùng

Người xô ngọn sóng xanh bát ngát

Chói lên vẻ đẹp tráng hùng.

(Thúy Toàn dịch)

6. Phương Bắc - "mảnh đất cô đơn"(7)

Tháng VIII/1824 Puskin bị phát vãng lên phương Bắc, chịu sự quản thúc gắt gao ở Mikhailốpxcôe (trang ấp của cha Puskin), tách biệt khỏi bạn bè, thân quyến. Ông gọi nơi đây là "mảnh đất cô đơn". Những năm tháng này bên cạnh nhà thơ chỉ có nhũ mẫu Arina Rôđiônốpna vừa thay tình mẫu tử, vừa là bạn tâm tình và độc giả duy nhất. Thời gian đầu Puskin cảm thấy thật nặng nề, cô đơn, bao lần muốn ngã lòng trước thực tại chua chát. Chính tình cảm âu yếm săn sóc của nhũ mẫu đã vỗ về nhà thơ rất nhiều. Chưa có ai trong số người thân được Puskin miêu tả một cách xúc động và sâu sắc như nhũ mẫu, ông trìu mến gọi bà là "Bạn thân thiết trong những ngày cơ cực, Nguồn mến thương nâng bước đời con", là "Bạn lòng tri kỷ, Những ngày thơ cơ hàn"(8). Chẳng bao lâu, do gần gũi với thiên nhiên, tiếp xúc với nhân dân, và bằng bản lĩnh của mình, Puskin đã vượt qua sự khủng hoảng tinh thần để đứng cao hơn hoàn cảnh, để lại ngạo nghễ cất tiếng ca yêu đời:

Nào nâng lên, cùng nhau ta chạm cốc

Chúc Nàng thơ và Trí tuệ muôn năm,

Mặt trời thiêng, người hãy cháy bừng lên.

(Tửu thần ca- Thúy Toàn dịch) tỉnh

Thời kỳ Mikhailốpxcôie đánh dấu phát triển tột bậc về tư tưởng và nghệ thuật của Puskin. Do có điều kiện tiếp xúc và quan sát, thâm nhập lối sống, sinh hoạt, tập tục, ngôn ngữ, tinh thần nhân dân nên Puskin đã xây dựng cho mình một quan điểm đúng đắn về vai trò của nhân dân trong tiến trình phát triển xã hội. Từ 1825 trở đi, nhà thơ đã từ bỏ chủ nghĩa lãng mạn, chuyển hẳn sang chủ nghĩa hiện thực. Nổi tiếng trong thời kỳ này là những bài thơ phong cảnh Nga, thơ tình yêu, thơ trữ tình chính trị: Buổi tối mùa đông (1825), Con đường mùa đông (1825), Nhũ mẫu (1826), Gửi K...(1825), Nhà tiên tri (1826)... Trong những bài thơ đó chủ đề ca ngợi vẻ đẹp gắn liền với chủ đề về cảm hứng sáng tạo:

Trái tim lại rộn ràng náo nức

Vì trái tim sống dậy đủ điều:

Cả thiên thần, cả nguồn cảm xúc,

Cả đời, cả lệ, cả tình yêu.

(Gửi K... - Thúy Toàn dịch)

Cũng chính những năm này, cùng với sự trưởng thành trong nhận thức về hiện thực, Puskin đến với một thể loại mới - Bi kịch lịch sử. Ông viết Bôrix Gôđunốp. Trong tác phẩm Puskin có một tầm nhìn khái quát về vai trò, số phận của nhân dân trong lịch sử, trong đó nhấn mạnh sự phát triển ý thức của họ. Có thể liên tưởng thấy sự gắn bó mật thiết của tác phẩm với thực tại nước Nga, với phong trào Cách mạng Tháng Chạp, nhận thấy sự mâu thuẫn và đối kháng của nhân dân với chế độ quân chủ chuyên chế. Vở kịch được đánh giá cao bởi tinh thần cải cách về cả đề tài lẫn thi pháp, mở ra một kiểu mẫu của kịch hiện thực Nga.

Puskin sống những tháng ngày cuối cùng ở Mikhailốpxcôie thật nặng nề, hàng ngày hàng giờ đợi tin về cuộc Cách mạng Tháng Chạp (14/XII/1825) của bạn bè mình ở Pêtecbua. Cuộc nổi dậy mau chóng bị dập tắt. Cách mạng thoái trào. Bắt bớ, khủng bố khắp nơi. Nước Nga nghẹt thở và tang tóc. Puskin cô đơn lại càng thêm cô đơn, bất hạnh lại càng thêm bất hạnh:

Giữa sa mạc u sầu tôi tha thẩn

Lòng dày vò một khát vọng vô biên

(Nhà tiên tri - Thúy Toàn dịch)

Trước thực tại phũ phàng, đen tối, Puskin nghĩ nhiều đến sứ mệnh của nhà thơ, ý nghĩa của cuộc đời, của sáng tác. Giữa những ngày tháng đau thương ấy, ông càng cảm nhận sâu sắc trọng trách của người nghệ sĩ trước số phận nhân dân, trước vận mệnh tổ quốc. Ông nguyện:

Năm châu bốn bể đi liền

Mà đem lời nói đốt tim muôn người

(Nhà tiên tri - Xuân Diệu dịch)

7. Trở lại thủ đô sau 6 năm - "Tôi lại hát chính khí ca thủa trước"(9)

Để xoa dịu dư luận, mua chuộc danh tiếng Puskin, Nga hoàng Nicôlai I đã cho phép nhà thơ trở về Mátxcva, chấm dứt cuộc lưu đày 6 năm ròng. Nhà vua muốn biến Puskin thành nhà thơ cung đình, chỉ viết thơ "thính phòng" ca ngợi ân sủng Thánh hoàng, chịu kiếp "Chim hoạ mi hót vang, Nhởn nhơ trong nô lệ". Nhưng chẳng bao lâu Nicôlai I hiểu ra rằng không thể nào mua chuộc được ngòi bút cũng như tâm hồn kiêu hãnh của thi sĩ vĩ đại. Trong cuộc đối mặt lần đầu tiên với Nga hoàng, Puskin ngang nhiên tuyên bố nếu có mặt tại Pêtebua ngày 14/XII, ông sẵn sàng đứng bên cạnh bạn bè trong một đội ngũ. Ông cũng nhanh chóng hiểu rằng "sự bao dung", được "tự do" theo kiểu Nicôlai I còn tệ hơn sự hà khắc, sự "mất tự do" của Alecxanđr I. Ông viết bài thơ Cây Ansa (1828) lên án tội ác của lũ bạo chúa dùng chất độc giết chết nhân dân:

Đem chết chóc gieo ra ngoài bờ cõi

Qua biên thùy sang các nước lân bang

(Thúy Toàn dịch)

Bài thơ là lời thách thức công khai chính quyền phản động đang đà đắc thắng, thể hiện khí phách kiên trung của con người chịu 6 năm lưu đày. Bất chấp thời thế, bất chấp kiểm duyệt, Puskin cho ra đời hàng loạt thi phẩm ca ngợi chiến công của những chiến sĩ Tháng Chạp, nhắn nhủ họ giữ lòng kiên trung bất khuất nơi tù đày, thể hiện niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng cuối cùng: Ariôn (1827), 19 tháng Mười năm 1827 (1827), Gửi tới Xibiri (1929):

Hãy giữ vững lòng kiên trung kiêu hãnh

Trong đáy sâu mỏ quặng Xibiri

Trí cao xa và công trình thê thảm

Của các anh chẳng uổng phí mất gì...

Bên cửa ra đón các anh vui sướng

Bạn bè xưa gươm kiếm sẽ trao đưa.

(Gửi tới Xibiri - Thúy Toàn dịch)

Bài Ariôn(10) (1827) là bản tuyên ngôn lập trường chính trị và nghệ thuật trước sau như một của Puskin: sẽ mãi trung thành và đi tiếp con đường đã lựa chọn từ thủa trẻ tuổi. Ông ví mình như một "người ca xướng diệu huyền, được dông tố ném lên bờ thoát chết" trong khi cả thủy thủ đoàn bị chìm xuống đáyên bể khơi, nhưng không hề sợ hãi, chùn bước, vẫn khẳng khái ca vang:

Tôi lại hát chính khí ca thủa trước.

(Ariôn - Thuý Toàn và Việt Thưng dịch)

Giờ đây Puskin càng thấm thía những năm tháng lưu đày, đó là những ngày tháng cô đơn, cay đắng nhưng cũng rất đỗi thân thương, đáng trân trọng, những ngày tháng nuôi dưỡng, chắt lọc hồn thơ trở nên nhậy bén, đằm thắm. Sống những ngày tháng cuối đời ở thủ đô, - "cuộc đời nhố nhăng ồn ĩ, Làm tôi buồn, cô đơn và đau"(11), nhà thơ còn nhớ mãi những dư âm khó phai mờ đó. Tâm tình ấy sẽ được ông gửi gắm trong bài Tôi lại về thăm (1835)

8. Chặng đường cuối - "Ta đã dựng cho ta đài kỷ niệm"(12)

Từ tháng V/1827 Puskin trở về Pêtecbua. Ra đi là một chàng trai trẻ háo hức, yêu đời, trở về sau 7 năm, đã là con người ưu tư trầm lặng. Hoàn cảnh khác xưa, bạn bè không còn như cũ, Puskin biết mình vẫn tiếp tục bị mất tự do. Bất chấp tất cả, ông vẫn viết đều tay. Thời gian này ông gặt hái thành công nhiều hơn trong lĩnh vực văn xuôi. Các tập truyện ngắn, những bài chính luận, phê bình... đánh dấu thắng lợi mới của một thủ pháp mới mẻ, trẻ trung cho nền văn xuôi hiện thực Nga. Các cốt truyện Tập truyện của ông Benkin đều được xây dựng từ cuộc sống hiện thực phong phú nhiều màu vẻ, được kể lại hết sức giản dị, trong sáng và hàm súc, lôi cuốn người đọc bởi phép phân tích tâm lý tinh tế. Đó sẽ là những đặc tính cơ bản của những nhà văn thế hệ sau theo "trường phái Puskin".

Puskin tiếp tục viết thơ tình. Nổi tiếng nhất là các bài: Ngài và anh, cô và em (1828), Bông hoa nhỏ (1828), Tôi yêu em (1829), Trên đồi Gruzia đêm xuống (1829), Một chút tên tôi đối với nàng (1830)... Trong hầu hết những bài ấy, ta không còn nghe thấy tiếng thổn thức đau đớn, thất vọng và cuồng nhiệt ban xưa, mà thấy tràn ngập những nốt nhạc mênh mông buồn xa vắng, một nỗi buồn trong sáng dịu êm của một con tim đã qua rồi thời xao xuyến bồi hồi, giờ đang lắng đọng, chiêm nghiệm và nghĩ suy:

Trên đồi Gruzia đêm xuống

Aragra dòng cuộn dưới chân.

Lòng tôi trong trẻo vô ngần,

Nỗi buồn tràn ngập trăm lần tình em.

(Trên đồi Gruzia đêm xuống - Tế Hanh dịch)

Và:

Tôi yêu em, yêu chân thành đằm thắm

Cầu cho em được người tình như tôi đã yêu em.

(Tôi yêu em - Thúy Toàn dịch)

Tuổi đời mới chớm 30 mà nhà thơ luôn cảm thấy phiền muộn, tâm tư xáo trộn. Buồn và cô đơn, giã biệt tuổi trẻ, nhà thơ viết bài Bi ca (1830) với một cảm nhận về số phận và tương lai "ảm đạm với ai hoài". Điểm lại những chặng đường đi qua, nhiều lúc nhà thơ cảm thấy trống trải, lo người đời sau không hiểu hết cho mình:

Sau mỗi âm thanh náo động,

Là trong bầu không gian trống rỗng,

Đều sinh ra một tiếng vang.

Riêng tiếng người không ai buồn vọng cả,à thơ

Số phận người cũng thế, hỡi thi nhân

(Tiếng vọng - Thúy Toàn dịch)

Thời kỳ này Puskin chú ý nhiều đến bi kịch: Nàng tiên cá (1832), Những cảnh từ thời hiệp sĩ (1835). Ông đi khai thác những đề tài lịch sử nước Nga và những vấn đề có tính triết học: Đubrốpxki (1832), Người con gái viên đại uý (1833), Kị sĩ đồng (1833), Con đầm pích (1833)... Ông đặc biệt quan tâm và thích thú tính cách của Piốt Đại đế. Nhà thơ nhận định rằng thời đại của Piốt là một bước ngoặt có tính chất quyết định của lịch sử nước Nga. Ông có những nhận định hết sức đúng đắn về vị Hoàng đế chuyên quyền và vĩ đại.

Giữa lúc Puskin dốc tâm vào công việc sáng tạo vĩ đại của mình thì chính quyền Nga hoàng và nhiều kẻ trong đám quý tộc cung đình hằn học tức tối, tìm mọi kế bôi nhọ và bức hại ông. Họ không thể tha thứ cho ông vì ông quá tài năng và quá kiêu hãnh. Mùa hè 1835 Puskin xin Nga hoàng cho ông từ chức "thiếu niên thị tòng" (một chức sắc đầy nhạo báng với lứa tuổi ngoài 30 của một danh nhân văn hoá), nhưng Nicôlai I không chuẩn y, tỏ ý hết sức không hài lòng. Nhiều lần nhà thơ xin vua cho lui về trang ấp Mikhailốpxcôie để được yên tĩnh sáng tạo, nhưng mãi đến 1835 ông mới được phép về 4 tháng. Tại đây ông đã viết bài thơ trứ danh Tôi lại về thăm (1835) như sự hồi tưởng và tổng kết toàn bộ những năm tháng lưu đày trong một tâm trạng u hoài, dằn vặt. Vẫn như xưa, ông lại mơ về "một bờ xa", "những cồn sóng khác" (ngụ ý phong trào cách mạng những năm 20). Bên cạnh những ký ức còn tươi rói, thấp thoáng trong bài thơ hình bóng của thế hệ độc giả tương lai:

Chào các bạn, thế hệ trẻ chưa quen!

Ta không được thấy buổi mai sung sức,

Các bạn sẽ mỗi ngày lớn vọt

Vượt qua đầu lứa bạn cũ quen ta

Che khuất đi những đỉnh ngọn cây già

Không cho khách qua lại trông thấy.

Nhưng cháu ta, lòng tràn đầy sảng khoái,

Từ cuộc vui nhà bạn có về qua,

Hãy cho nó được nghe trong đêm tối

Tiếng các bạn niềm nở reo ca

Và qua đây nó sẽ nhớ tới ta.

(Thúy Toàn dịch)

Dường như nhà thơ không còn bi quan như những tháng ngày ông viết Bi ca nữa, ông tin rằng người đời sau sẽ đánh giá đúng về ông. Puskin đang đi dần đến cây số cuối của chặng đường đời đầy bất hạnh và vinh quang.

Không lâu trước khi đón nhận cái chết bi thương, Puskin đã viết bài thơ bất hủ Đài kỷ niệm (1836) như một lời di chúc cho muôn vàn thế hệ mai sau, như lời ca thiên nga bi tráng và bất diệt. Nhà thơ hiểu rằng cuộc đời mình không uổng phí, sự nghiệp của mình sẽ sống mãi trong trái tim nhân loại:

Ta đã dựng cho ta đài kỷ niệm

Không bởi sức tay người! Đường tới viếng

Cỏ không trùm dấu bước thế nhân,

Cao hơn cả trụ thờ Alếcxanđrơ bởi cái đầu bất trị.

Và nhân thế còn yêu ta mãi

Vì đàn thơ ta thức tỉnh thân ái

Vì trong thủa bạo tàn ta ca ngợi tự do

Và gợi từ tâm với kẻ sa cơ.

(Đài kỷ niệm - Thúy Toàn dịch)

Nhà thơ đã gọi đúng tên của thời đại - thế kỷ bạo tàn. Trong thời đại ấy ông đã nguyện suốt đời là "ca sĩ của tự do". Tiếng hát tự do của con người một đời bị cầm tù vang lên mới khát khao, mãnh liệt làm sao, như một tượng đài tư tưởng bất diệt! Chính quyền Nga hoàng, bọn quý tộc chủ nô căm ghét và sợ hãi tiếng hát ấy, tìm trăm phương nghìn kế buộc nó tắt ngang lời. Họ khiêu khích nhà thơ, gửi những lá thư nặc danh bỉ ổi dọn đường cho cuộc quyết đấu của Puskin với tên Pháp lưu vong Đăngtex(13). Lecmôntốp - người tiếp bước Puskin trên thi đàn Nga, lớn tiếng buộc tội chính quyền Nga hoàng đầu độc và hãm hại Puskin, cho rằng không phải viên đạn của Đăngtex mà chính bầu không khí nghẹt thở của chế độ Alecxanđrơ và Nicolai giết chết nhà thơ. A. X. Puskin đã ra đi lúc 14 giờ 45 phút ngày 10.II.1837, khi chưa tròn 38 tuổi, giữa lúc "tràn đầy sức lực, còn chưa hát hết những bài ca, còn chưa nói hết những điều có thể nói"(Ghecxen)

Mặt trời thi ca Nga vụt tắt. Cái chết của nhà thơ là sự mất mát lớn của văn học Nga. Với hơn hai mươi năm sáng tạo nghệ thuật, Puskin đã kịp dựng cho văn học Nga những cột mốc chính, lát nên một đại lộ thênh thang để văn học Nga bước vào kỷ nguyên hoàng kim rực rỡ nhất của mình. Cuộc đời ngắn ngủi của ông từ nay trở thành bất tử. Gorki nói: "Đối với các nhà nghiên cứu lịch sử văn học thì không có đề tài nào nhiều ý nghĩa và huyền diệu hơn là thân thế và sự nghiệp của Puskin"(14) - một sự nghiệp có những cột mốc trọng đại của lịch sử nước Nga và rực rỡ diện mạo văn học Nga.

Hết Chương 2: PHẦN 1: PUSKIN - NGƯỜI XÂY MÓNG VÀ DỰNG NHỮNG CỘT MỐC CHO ĐẠI LỘ VĂN HỌC NGA - NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG CỦA CUỘC ĐỜI 38 NĂM
Thông tin sách