Lịch sử
Tác giả: Tân Tử Lăng

Mao Trạch Đông ngàn năm công tội

Chương 8

Công cuộc hợp tác hoá, cộng thêm việc thu mua lương thực và cải tạo tư thương khiến tình hình nông thôn rất căng thẳng.

Trong cuộc họp Ban Bí thư ngày 20-4-1955, Mao và các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng cả nước đã có 67 vạn hợp tác xã lực lượng chủ quan kiểm soát không nổi, cần ngừng phát triển một năm rưỡi, để củng cố. Mao đưa ra mục tiêu cả nước hợp tác hoá xong trong 15 năm mỗi kế hoạch 5 năm hoàn thành 1/3. Nhưng chỉ hơn mười ngày sau, Mao lại hoàn toàn thay đổi ý kiến, yêu cầu tăng gấp rưỡi số hợp tác xã hiện có vào cuối năm 1957, và hơn một tháng sau lại đưa ra mục tiêu mới: tăng gấp đôi (lên 130 vạn) vào mùa xuân năm 1956. Ông chỉ thị 5 tháng cuối năm 1955, lãnh đạo các cấp từ tỉnh đến xã phải tập trung vào vàn đề hợp tác hoá. Cơ sở để Mao đưa ra quyết định trên là “cao trào xã hội chủ nghĩa đang xuất hiện ở nông thôn Trung Quốc”.

Tổng kết Hội nghị Trung ương 6 khoá 7 ĐCSTQ bàn về hợp tác hoá nông nghiệp tháng 10-1955, Mao kêu gọi làm cho phong kiến, đế quốc, tư bản và sản xuất nhỏ “tuyệt chủng” trên trái đất. Qua đó người ta thấy Mao coi đế quốc tư bản và sản xuất nhỏ đều là khái niệm chính trị, biện pháp tiêu diệt những thứ đó cũng là thủ đoạn chính trị, thể hiện ông không hiểu biết lý luận kinh tế đến mức ngạc nhiên.

Sau hội nghị trên, những ai dám nói thẳng, nói thật, nêu lên hiện trạng sản xuất và đời sống ở nông thôn đều bị phê phán, bị qui là hữu khuynh, nhiều người bị cách chức. Những ai biết lựa ý cấp trên, báo cáo dối trá bịa đặt, không cần biết đến “nhân từ, lương tâm”, được coi là đã “theo kịp tư tưởng, đường lối” của Mao. Lãnh đạo nhiều tỉnh gửi báo cáo lên Trung ương phản ánh tình hình “rất tốt đẹp”, chứng minh “cao trào xã hội chủ nghĩa ở nông thôn” mà Mao dự báo quả thật đã đến rồi!

Tạo ra cao trào hợp tác hoá nông nghiệp không phải do “tính tích cực xã hội chủ nghĩa” của đông đảo nông dân, mà do mệnh lệnh, cưỡng bức. Bi kịch của Mao là khác với thời kỳ chiến tranh, ông không có cách nào tiếp cận quần chúng, cũng có một số cuộc tiếp xúc, nhưng gặp ai, ở đâu, người được gặp ăn mặc ra sao, nói gì, đều được thao diễn trước, và sẽ diễn ra trong hàng rào bảo vệ dày đặc của lực lượng an ninh từ cơ sở tới trung ương ông rất khó biết được quần chúng nghe gì, cũng như nỗi lo âu và khát vọng của nông dân. Ông chỉ có thể dựa vào báo cáo của các tỉnh gửi lên. Trong tình trạng “báo tin vui được vui, báo tin buồn phải chịu buồn”, các Bí thư thứ nhất Tỉnh uỷ phải lần mò mẫm được ý hướng của Mao, rồi mới dám gửi tài liệu lên Trung Nam Hải. Họ lựa theo thuyết “cao trào” của Mao, phản ánh nông thôn đã xuất hiện cao trào xã hội chủ nghĩa, nông dân quả thật tích cực đi theo con đường XHCN.

Đến cuối tháng 11-1955, nông thôn cả nước đã thực hiện hợp tác hoá, 116,74 triệu hộ nông dân tham gia hợp tác xã, chiếm 96,1 số hộ nông dân trong cả nước, trong đó có 488.500 hợp tác xã cấp cao với 83% số hộ nông dân. Thế là kỳ tích xuất hiện: chỉ 4 năm đã hoàn thành kế hoạch cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp, vốn dự định làm trong 15 năm: Giữa lúc đang trông đợi hợp tác hoá nông nghiệp đưa đến sản xuất đại phát triển, thì Mao nhận được nhiều thông tin xấu: nông dân nhiều nơi xin ra khỏi hợp tác xã vì thu nhập quá thấp. Mao cho rằng đây là cuộc đấu tranh giữa hai con đường xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa ở nông thôn. Cần có một cuộc đọ sức giai cấp quyết liệt, phải đẩy lùi “cuộc tấn công điên cuồng của các thế lực tư bản chủ nghĩa ở nông thôn”. Mao không có cách nào nâng cao năng suất lao động cho các hợp tác xã, tăng thu nhập cho xã viên, nhưng ông lại có cách hạ thấp năng suất lao động, giảm thu nhập của trung nông giàu. Số liệu phát triển kinh tế có thể bịa ra, nhưng bình quân lương thực, dầu ăn, phiếu vải đến tay mấy trăm triệu người thì không thể bịa ra được. Qua 20 năm vật vả trong nghèo nàn, sau khi Mao chết, hoàn bộ Công xã nhân dân đã sụp đổ, quay lại khoán sản tới hộ, khôi phục làm ăn riêng lẻ. Đó là sự lựa chọn của lịch sử.

Nay lại có người la lối khoán sản tới hộ là sai lầm, muốn nông nghiệp phát triển, nông dân giàu lên, vẫn phải tập thể hoá và hợp tác hoá. Khoán sản tới hộ là khởi đầu, không phải kết thúc tiếp sau bước khởi đầu, đó là tư hữu về ruộng đất (nông dân có thể mua, bán, thuê ruộng đất), hợp nhất, phân hoá, ruộng đất tập trung vào tay những người sản xuất giỏi, tư nhân, hình thành những hộ nông dân lớn, cuối cùng là nông trang tư nhân, đó là nội dung của chính sách nông nghiệp, đương nhiên không thể khoán sản tới hộ rồi kết thúc. Vấn đề hiện nay là không ai dám làm tiếp bài thơ mà Đặng Tiểu Bình đã phá đề. Lãnh đạo cấp cao sợ phải gánh trách nhiệm phục hồi chủ nghĩa tư bản ở nông thôn; ở cấp dưới thì chính quyền nắm trong tay quyền sở hữu ruộng đất, có thể tùy tiện khai thác, lợi dụng tài nguyên đất đai, tước đoạt ruộng đất vốn phải thuộc về nông dân (chỉ bồi thường chút ít mang tính tượng trưng).

Thế là “vấn đề tam nông” ngày càng nghiêm trọng. Nguồn gốc vấn đề “tam nông” ở Trung Quốc hơn 50 năm qua là nông dân bị tước quyền sở hữu ruộng đất trong phong trào hợp tác hoá, “Toàn bộ đất đai thuộc sở hữu nhà nước” đã treo cơ sở của “tam nông” lơ lửng trên không. Từ khi cải cách mở cửa đến nay đã ra 8 văn kiện số l của Trung ương vẫn chưa giải quyết được, bởi trong tư tưởng chỉ đạo vẫn lảng tránh vấn đề bản chất là “người cày có ruộng”. Trên cơ sở khoán sản tới hộ, phải thực hiện chính sách lớn người cày có ruộng, tư hữu hoá ruộng đất với 2 tiêu chí chủ yếu: một là quyền sở hữu không thời hạn có thể thừa kế, hai là có thể mua, bán, cho thuê.

Khi thức tỉnh về những sai lầm trong quá khứ, ĐCSTQ mưu toan lấy cuộc Đại tiến vọt năm 1958 làm ranh giới, cho rằng hợp tác hoá cơ bản đúng đắn, công xã hoá mới làm hỏng mọi chuyện. Như vậy là không đúng. Các nước trong tập đoàn Liên Xô tìm cách thông qua hợp tác hoá nông nghiệp để nông dân thoát khỏi nghèo nàn, cũng chẳng có nước nào thành công.

Hết Chương 8
Thông tin sách