Ban lãnh đạo Trung Quốc chưa chuẩn bị đầy đủ về lý luận xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhược điểm lớn nhất của Mao là “không đọc có hệ thống Tư bản luận, đó là chứng bệnh phổ biến của lãnh đạo cấp cao”. Chịu ảnh hưởng của cố vấn lý luận Trần Bá Đạt, Mao đưa ra quan điểm hợp tác xã sản xuất nông nghiệp có thể dựa vào phân công để nâng cao năng suất lao động như các công trường thủ công thế kỷ 17. Theo lý luận đó, Mao lãnh đạo toàn dân thực hiện hợp tác hoá, công xã hoá, đại tiến vọt. Trong giai đoạn cách mạng dân chủ, Mao đã sáng tạo con đường nông thôn bao vây thành thị. giải quyết vấn đề các nước tiền tư bản chu nghĩa công nghiệp chưa phát triển, giai cấp công nhân quá nhỏ yếu làm thế nào tiến hành cách mạng, giành chính quyền, những người cộng sản Trung Quốc và toàn thế giới đều cho bang đây là tự phát triển trọng đại đối với chủ nghĩa Mác. Nếu trong giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội, Mao có thể bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, một bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng nên một nước Trung Hoa hùng mạnh, giàu có, văn minh trên biển cả mênh mông của nền kinh tế tiểu nông, thì không nghi ngờ gì nữa, đây sẽ là sự phát triển trọng đại hơn đối với chủ nghĩa Mác. Có hai cống hiến lý luận này, Mao có thể làm lu mờ Stalin, mà sánh vai Lenin, trở thành người thầy và lãnh tụ vĩ đại của Phong trào cộng sản quốc tế. Đến khi phong trào cưỡng bức nông dân vào hợp tác xã bị nông dân phản kháng tiêu cực, dẫn đến sản lượng nông nghiệp sụt giảm, Mao vẫn không hiểu vì sao các hợp tác xã nông nghiệp Trung Quốc thế kỷ 20 lại không thể dựa vào phân công tạo ra lực lượng sản xuất mới cao hơn như các công trường thủ công Âu Mỹ thế kỷ 17.
Thật ra, hai hình thái tổ chức sản xuất trên bề ngoài giống nhau, nhưng khác nhau về bản chất.
Làm việc trong các công trường thủ công là những người lao động làm thuê với hai bàn tay trắng. Họ vào đây là tự nguyện, là biện pháp mưu sinh, không có sự lựa chọn nào khác. Nông dân Trung Quốc là những người tư hữu nhỏ có ruộng đất, nông cụ thậm chi cả gia súc kéo, có tư liệu sản xuất và khả năng kinh doanh độc lập, gia nhập hợp tác xã đồng nghĩa với việc họ bị tước đoạt (ngay lập tức hoặc từng bước) tư liệu sản xuất, không được phép giàu lên. Mác coi nông dân, những người làm việc trong ngành chế tạo và thương nhân là sự phân công lớn, tạo thành cơ sở kinh tế của xã hội, nông dân cá thể nắm trong khái niệm phân công lớn, tức phân công trong nội bộ xã hội, nó khác với phân công trong nội bộ công trường thủ công. Hai sự phân công này khác nhau cả về mức độ và bản chất. Tiền đề của phân công trong công trường thủ công là tư liệu sản xuất tích tụ trong tay một nhà tư bản, nhà tư bản có quyền uy tuyệt đối đối với con người, con người chỉ là một phần trong tổng cơ cấu mà nhà tư bản chiếm hữu. Tiền đề của phân công xã hội là tư liệu sản xuất phân tán trong tay nhiều người sản xuất hàng hoá không dựa vào nhau, họ chỉ thừa nhận quyền uy cạnh tranh, không thừa nhận bất cứ quyền uy nào khác.
Qua nghiên cứu, Trần Bá Đạt nhận thấy xã viên hợp tác xã và công nhân công trường thủ công khác nhau ở chỗ một bên là người tư hữu nhỏ, một bên là người lao động làm thuê hai bàn tay trắng, vậy chỉ cần đẩy nhanh cải tạo XHCN đối với xã viên, cắt bỏ “cái đuôi” người tư hữu nhỏ, biến họ thành công nhân nông nghiệp không có ruộng đất, thành người vô sản từ đầu đến chân, cộng thêm tuyên truyền giáo dục lâu dài trên qui mô lớn, để họ “phá tư, lập công”, thì chắc chắn có thể làm cho các hợp tác xã nông nghiệp tạo ra kỳ tích nâng cao hiệu suất lao động như các công trường thủ công thế kỷ 17, bởi tập thể hoá đẻ ra phân công, phân công sẽ nâng cao hiệu suất. Trần Bá Đạt nói với Mao phát hiện trên. Mao liền gấp rút đẩy nhanh tiến trình “cải tạo xã hội chủ nghĩa” đối với nông nghiệp, từ tổ đổi công tới hợp tác xã bậc thấp, từ bậc thấp lên bậc cao, rồi công xã nhân dân, chỉ trong 3 năm đã tách nông dân khỏi ruộng đất, thu lại toàn bộ những ân huệ mà cải cách ruộng đất mang lại cho họ. Theo kế hoạch của Mao Trạch Đông và Trần Bá Đạt, chuyến này nông dân trần như nhộng, chỉ còn mỗi con đường hùng hục làm việc trong các đội sản xuất. Để tạo hiệu quả sản xuất, người ta cho tổ chức “hội thao”, cờ đỏ rợp trời, trống chiêng dậy đất, các tiểu đội “cô gái thép”, “lão Hoàng Trung” ngày đông giá rét bắt xã viên trần đôi vai run rẩy làm việc. Nhưng hình thức tổ chức càng cao, năng suất càng thấp, lương thực làm ra càng ít, xã viên càng nghèo thêm. Mao không ý thức được rằng phong trào hợp tác hoá đã tách rời quần chúng cơ bản ở nông thôn từng theo ông ta làm cách mạng. Động cơ, nguyện vọng của Mao là cao cả, nhưng ông đã cản trở, bóp nghẹt sự phát triển của lực lượng sản xuất ở nông thôn, chẳng thấy đâu một xã hội thái bình, an khang, thịnh vượng, mà chỉ thấy cảnh nghèo nàn, bệnh phù thủng và đầy rẫy người chết đói. Sự hạn chế của lịch sử và thiên kiến ý thức hệ hẹp hòi khiến Mao vẫn say sưa với cuộc thực nghiệm chủ nghĩa xã hội không tưởng.