Đào Chú sinh năm 1908 được coi là bậc cách mạng lão thành ở Trung Quốc. Mao Trạch Đông từng nói Đào như con trâu có cặp sừng mạnh, dám chọi lại bất cứ ai. Năm 1953, Đào từng phê bình Lưu Thiếu Kỳ mắc sai lầm “tả” khuynh trong Cải cách ruộng đất. Đại cách mạng văn hoá bùng nổ, đang là Bí thư thử nhất Cục Trung Nam kiêm Chính uỷ thứ nhất Đại quân khu Quảng Châu, Đào được Mao điều lên Trung ương, đề bạt vượt cấp vào vị trí thứ 4 trong Đảng, giữ chức Thường trực Ban Bí thư, Phó thủ tướng, Trưởng ban Tuyên truyền, Cố vấn Tổ Cách mạng văn hoá. Rõ ràng Mao muốn ông ta xông pha trận mạc, đóng vai trò lớn trong cuộc đấu tranh lật đổ Bộ tư lệnh của Lưu Thiếu Kỳ.
Nhưng Đào Chú quả thật lạc hậu với tình hình chính trị trong nước. Ông chỉ coi Tổ Cách mạng văn hoá là một tổ chức lâm thời lệ thuộc Bộ Chính trị. Ông rất phản cảm với Giang Thanh, coi chức Tổ phó của mụ thấp hơn một Thứ trưởng, nên đã đề nghị Chu Ân Lai bổ nhiệm Giang làm Thứ trưởng Bộ Văn hoá “để có danh nghĩa liên hệ công tác”. Ông say sưa với việc khôi phục hoạt động của Ban Bí thư, mà không biết rằng Mao đã tính chuyện để Tổ cách mạng văn hoá thay thế chức năng Bộ Chính trị và Ban Bí thư.
Một lần Giang Thanh ép Đào Chú đến Viện Khoa học xã hội tuyên bố Chủ biên tạp chí “Nghiên cứu triết học” Ngô Truyền Khởi là phái “tả”. Đào Chú không đi, Giang đập tay vào thành ghế xalông, trợn mắt lớn tiếng: “Ông phải đến đó ủng hộ Ngô Truyền Khởi, không đi không được!” Một tiếng “chát” dữ dội, Đào Chú đập tay xuống mặt bàn, mấy cốc trà nảy cả lên: “Tôi không đi! Đây là tổ chức của Đảng cộng sản. Bà can thiệp quá nhiều rồi!” Đào Chú muốn nói Đảng có hệ thống tổ chức, bà không phải uỷ viên Trung ương, có tư cách gì chỉ huy uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị?
Câu nói trên không sai, lý ra là như thế. Nhưng trong Đại cách mạng văn hoá, Đảng cộng sản Trung Quốc trên thực tế đã trở thành giang sơn riêng của vợ chồng Mao-Giang rồi, Giang ra lệnh với thân phận Hoàng hậu, đại bất kính với Hoàng hậu là đại bất kính với Hoàng đế, làm sao Mao Trạch Đông có thể bỏ qua?
Giang Thanh sững người không nói nên lời. Từ khi nhậm chức Tổ phó Tổ Cách mạng văn hoá đến nay chưa ai dám đương đầu với bà ta như vậy. Được Mao ngầm cho phép, Giang quyết tâm lật Đào. Ngày 28-11-1966, tại lễ duyệt đại quân văn nghệ, Giang Thanh nói: “Mao Chủ tịch và các chiến hữu của người Lâm Bưu, Chu Ân Lai, Trần Bá Đạt, Khang Sinh… đều khẳng định thành tích của chúng ta”. Trong câu trên, Đào Chú ở vị trí thứ 4 (sau Chu Ân Lai) không được nhắc đến, có nghĩa là Đào không còn là “bạn chiến đấu thân thiết” của Mao, có thể “nã pháo” vào ông ta được rồi.
Đúng vào lúc đó, Đào Chú gửi báo cáo lên Mao Trạch Đông, kiến nghị cho Vương Nhiệm Trọng thôi chức Tổ phó Tổ cách mạng văn hoá, trở lại Cục Trung Nam, trước mắt chủ yếu lâ chữa bệnh. Bất ngờ, Mao yêu cầu họp liên tịch giữa Bộ Chính trị và Tổ Cách mạng văn hoá đề gộp ý kiến với Vương.
Cuộc họp diễn ra vào 28-12 dưới sự điều khiển của Chu Ân Lai, ngoài các uỷ viên Bộ Chính trị, toàn thể thành viên Tổ Cách mạng văn hoá có mặt, nghĩa là thân phận của họ ngang với các uỷ viên Bộ Chính trị. Họ hăng hái phát biểu, Vương Lực, Quan Phong. Thích Bản Vũ ra đòn trước, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên đóng vai trung phong. Giang Thanh, Trần Bá Đạt, Khang Sinh phát biểu tổng kết. Trước tiên họ phê phán Vương Nhiệm Trọng, rồi gió đổi chiều chĩa sang Đào Chú, phê phán ông đàn áp quần chúng, bảo vệ phái đi con đường tư bản, là phái bảo hoàng lớn nhất ở Trung Quốc, đại diện cho đường lối phản cách mạng Lưu-Đặng. Chỉ có 2 uỷ viên Bộ Chính trị phát biểu: Lý Tiên Niệm nói phương thức và phương pháp công tác của Đào Chú “không theo kịp tình hình”; Lý Phú Xuân nói “Tôi thấy để lão Đào cũng về Trung Nam cho yên chuyện”.
Hôm sau. Mao triệu tập Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng, khen Đào Chú “làm việc tích cực, có trách nhiệm”, rồi chuyển sang phê bình Giang Thanh quá phóng túng, chưa qua Trung ương chính thức thảo luận mà nói một uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị mắc sai lầm về phương hướng, đường lối, rồi tuỳ tiện phê phán trong cuộc họp là vi phạm nguyên tắc tổ chức của Đảng”. Ngay sau đó, Mao gặp riêng Đào Chú, bảo Đào đi xem xét tình hình các tỉnh với tư cách uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị. Mao còn trao một danh sách 20 Bí thư thứ nhất Tỉnh uỷ, yêu cầu Đào bảo vệ khiến ông rất xúc động. Ông mang danh sách trên gặp Chu. Sau khi trực tiếp thỉnh thị Mao, trong cuộc họp buổi chiều hôm đó, Chu chính thức truyền đạt chỉ thị của Mao, và tuyên bố Đào Chú sẽ lên đường sau tết dương lịch. Nhưng ông không đi nổi nữa.
Ngày 30-12, “Đoàn tạo phản” Hồ Bắc lên Bắc Kinh, ra thông lệnh đòi Đào Chú nộp Vương Nhiệm Trọng. Vừa nhận chỉ thị của Mao bảo vệ một số cán bộ trong đó có Vương, Đào Chú như đã nắm được thượng phương bảo kiếm trong tay, bình tâm tiếp đoàn tạo phản trên tại Nhà Quốc hội. Vừa gặp, đám tạo phản đã như ong vỡ tổ. Chúng đến đây theo mật chỉ của Giang Thanh, cố ý gây chuyện nhằm lật đổ Đào Chú. Chúng hô khẩu hiệu, kết tội, chất vấn, nhục mạ Đào Chú 6 giờ liền.
Chiều 4-1-1967 khi tiếp “Đoán tạo phản” Hồ Bắc, Trần Bá Đạt phê phán Đào Chú từ khi lên Trung ương không chấp hành đường lối của Mao, mà thực hiện đường lối Lưu-Đặng.
Giang Thanh nói Đào là đại diện mới của Lưu-Đặng. Ngay tối hôm đó, cửa tây Trung Nam Hải vang lên khẩu hiệu “Đánh đổ Đào Chú!” Loa phóng thanh trên ô tô liên tục phát lại phát biểu của Trần Bá Đạt lúc chiều. Ngày 8-1, Mao chỉ định Vương Lực làm Tổ trưởng Tuyên truyền Trung ương (tương đương Trưởng ban Tuyên truyền). Mao thừa nhận Đào Chú đã bị đánh đổ. Thật ra trong cuộc họp Thường vụ Bộ Chính trị mở rộng 10 ngày trước đó, Mao đã muốn phế truất Đào, nhưng thấy tình hình chưa thuận, liền quay sang diễn màn kịch bảo vệ ông, phê phán Giang Thanh, rồi nhắm trúng nhược điểm của Đào, khuyến khích Đào mạnh dạn đứng ra bảo vệ cán bộ cũ. Quả nhiên Đào Chú mắc mưu, đối chọi với Hồng vệ binh.
Từ 8-1, cơ quan hữu quan không gửi tài liệu cho Đào nữa, một tháng sau, điện thoại đỏ (dành cho lãnh đạo cấp cao) bị dỡ đi. Nơi ở của ông tăng thêm 4 lính gác. Đắc tội Giang Thanh, nhân vật số 4 trong Đảng bỗng chốc thành người tù. Tháng 3-1968, theo lệnh Giang Thanh, lực lượng canh gác Đào tăng lên 2 tiều đội, trong nhà có 3 vọng gác, một cửa trước, một cửa sau, một người luôn theo sát bên cạnh 24/24 giờ, lúc ngủ cũng có lính gác đứng cạnh giường. Tháng 8-1968, Đại hội phê phán Lưu-Đặng-Đào qui mô một triệu người được tổ chức trên quảng trường Thiên An Môn, chia làm ba khu vực, phê phán ba cặp vợ chồng Lưu, Đặng, Đào. Do phản kháng dữ dội, Đào Chú bị đánh thương tích đầy người. Tháng 8-1968 phát hiện Đào bị ung thư tuyến tuỵ, nhờ Chu Ân Lai can thiệp được phẫu thuật cắt tá tràng, 18-10-1969, Đào Chú bị đưa đi lưu đày ở An Huy, 43 ngày sau ông qua đời.
Việc Đào Chú bị đánh đổ với tội danh “phái bảo hoàng lớn nhất” đã chỉ ra phương hướng hành động cho các tổ chức tạo phản, không ai dám đứng ra bảo vệ các đảng uỷ nữa. Các bí thư tỉnh uỷ, tỉnh trưởng bị cô lập hoàn toàn. Bộ máy đảng và chính quyền các cấp bị Hồng vệ binh đánh cho tơi tả. Đầu tháng 1-1967, các phái tạo phản liên minh cướp quyền ở Thượng Hải. Ngày 14-1 cướp quyền ở Sơn Tây, rồi Quý Châu 25-1, Sơn Đông 27-1, Bắc Kinh 28-1, Hắc Long Giang 31-1… Tham gia ban lãnh đạo là có xe riêng, thư ký riêng, thật hấp dẫn, nên nhiều kẻ có dã tâm điên cuồng lao vào các cuộc đấu tranh đoạt quyền, thế là diễn ra nội chiến toàn diện; bắt đầu là gậy gộc cuốc xẻng, rồi phái tạo phản cướp vũ khí của quân đội hoặc quân đội cung cấp vũ khí cho phái tạo phản mà mình ủng hộ, từ súng trường tự động đến súng máy, lựu đạn, thậm chí pháo lớn, ở Thành Đô sử dụng cả xe tăng. Qua 20 tháng xã hội đại loạn, đấu tranh cướp quyền và chống cướp quyền, 29 tỉnh và thành phố trực thuộc trong cả nước đã thành lập chính quyền mới mang tên Uỷ ban cách mạng. Các bí thư đánh uỷ và tỉnh trưởng hầu hết bị đánh đổ, đứng đầu chính quyền mà phần lớn là chỉ huy quân đội đóng tại địa phương, một số người cầm đầu các phái tạo phản tham gia chính quyền các cấp.
Vì sao tự huỷ hoại giang sơn như vậy? Phải chăng Mao Trạch Đông phát điên rồi? Không, Mao không điên, mục tiêu của ông ta là trị những người tham gia Đại hội 7.000 người và đồng liêu các cấp của họ, ghép cho họ tội danh “đi con đường tư bản chủ nghĩa”, đánh đồ hàng loạt. Mao cần trút lên đầu họ món nợ lịch sử làm chết đói 37,55 triệu người và gây thiệt hại 120 tỉ NDT, vì họ “xuyên tạc ba ngọn cờ hồng, làm hỏng mọi việc” Rồi Mao trực tiếp lãnh đạo phái tạo phản đánh đổ “phái đi con đường tư bản” các cấp, cứu nhân dân khỏi bể khổ “phục hồi chủ nghĩa tư bản”, thế là Mao trở nên sáng suốt hơn, vĩ đại hơn, một lần nữa làm “đại cứu tinh” của nhân dân. Đó là bối cảnh chính trị Mao phát động cướp quyền từ trên xuống dưới.
Trong nhật ký ngày 9-1-1967, Lâm Bưu viết:
“Cuộc đấu tranh đoạt quyền ở Thượng Hải do B-52 (Mao Trạch Đông) uỷ quyền Rắn mắt kính (Trương Xuân Kiều) và Bà Nàng (Giang Thanh) thực hiện… Cướp quyền của ai? Bà Nàng thay B-52 nã pháo, đánh đập, cướp bóc, bắt người, đấu đá, gieo hận thù khắp nơi” .