Luật sư Trịnh Đình Thảo sinh năm 1902, tại Hà Đông. Ông sang Pháp học luật, đậu cử nhân văn chương, cao học kinh tế và thương mại sau khi đã đậu tiến sĩ luật. Về nước, ông làm luật sư tại Tòa Thượng thẩm Sài Gòn từ năm 1929 và hành nghề hơn 40 năm.
Dân Nam Kỳ đều mến mộ ông qua các phiên tòa ông biện hộ cho những người yêu nước không may sa vào tay giặc.
Khi Nhật đảo chính Pháp, thủ tướng Trần Trọng Kim mời ông giữ chức Bộ trưởng Tư pháp. Nội các này gồm toàn trí thức tên tuổi và về sau nhiều người tham gia kháng Pháp. Riêng ông Thảo, ông tiếp tục hành nghề luật sư và tiếp tục bênh vực cho các chiến sĩ cách mạng trước tòa án thực dân.
Năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ và Hội nghị Genève. Ông Thảo tích cực hoạt động chính trị trong nội thành, tham gia các phong trào Bảo vệ hòa bình, Bảo vệ sinh mạng và Tài sản đồng bào. Năm 1958, ông giới thiệu hai trí thức, một luật sư và một bác sĩ, từ Pháp về với 14 nhà báo và trí thức vừa thoát khỏi ngục tù của chế độ nhà Ngô giúp hai vị trí thức này biết rõ chế độ gia đình trị, cảnh sát trị của tổng thống Diệm để quyết định nên ở Pháp hay về nước. Địch biết rõ quan điểm chính trị của ông Thảo nên theo dõi sát sao. Không thể sống dưới chế độ độc tài phong kiến của anh em nhà Ngô, ông Thảo ra khu tham gia thành lập Liên minh các Lực lượng Dân tộc dân chủ hòa bình Việt Nam. Ông được cử đi khắp thế giới vận động hòa bình cho Việt Nam và lên án chủ trương xâm lược của Mỹ.
Ông Thảo giữ nhiều chức vụ quan trọng như Chủ tịch Liên minh các lực lượng Dân tộc dân chủ hòa bình Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng cố vấn chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Luật sư Trịnh Đình Thảo mất ngày 31.3.1986 tại thành phố Hồ Chí Minh, thọ 85 tuổi.
Ông Thảo mất lâu rồi nhưng dân Sài Gòn vẫn nhớ công soạn bản Tuyên ngôn của Trí thức Sài Gòn gửi Cao ủy Pháp Bollaert quy tụ trên bốn trăm chữ ký. Bản tuyên ngôn này tất nhiên soạn bằng tiếng Pháp cho Cao ủy Pháp xem lấy tên là "Manifeste des Intellectuels de Saigon" do hai luật sư lão thành lãnh phần soạn thảo - ông Vương Quang Nhường và ông Trịnh Đình Thảo.
Ông Thảo khiêm tốn dành vinh dự đó cho Luật sư Hoàng Quốc Tân có văn phòng Luật ở đường Pellerin (Pasteur) xéo cổng dinh Độc Lập (Hội trường Thống Nhất).
Sự khiêm tốn này càng làm nổi bật tư cách người trí thức trong giới luật sư.