Truyện ngắn
Tác giả: Xuân Thiều

Tiếng Đất

Chương 13: Truyền thuyết về quán tiên P I

I

Những người lính lái xe Trường Sơn vào nhưng năm 65, 66 bây giờ mỗi lần có dịp gặp nhau trong quán bia, đều say sưa nhắc lại kỷ niệm chiến trường. Trong câu chuyện của họ có niềm vui nỗi buồn, có lòng căm thù và tình yêu thương, có khí phách kiên cường cùng những bồi hồi xúc động. Hãy soi vào tận đáy mắt họ mà xem, những cặp mắt đầy từng trải vốn ưa nhìn thẳng, vậy mà khi đã luống tuổi lại pha đôi chút ưu tư mơ màng. Cái nhìn của họ trở nên xa xăm, tựa như lưu luyến một thời trai trẻ xông pha, lại tựa như xót xa trước mọi vẻ hy sinh của đồng đội. Bởi thế, câu chuyện của họ về "Quán Tiên" cũng trở nên hư hư thực thực, câu chuyện như ẩn hiện giữa một lớp sương mù, hoặc như chập chờn trong ánh lửa đêm rừng rét mướt. Câu chuyện của họ thực ra không có chỗ bắt đầu. Hoặc là bắt đầu từ một ý niệm mơ hồ nào đó rất khó bắt nắm. Tuy nhiên xin hãy vui lòng chấp nhận cho một cái mốc thời gian. ấy là một buổi sáng mùa hè bình thường năm 1966.

Buổi sáng ấy, đổi nhiên cô Mùi choàng tỉnh dậy. Cảm giác như ai đó hú gọi mình. Mùi lắng nghe. Khôn! Hoànn toàn yên tĩnh. Chỉ có tiếng gió lọt vào vòm hang qua một lối hẹp nghe vo vo trầm trầm. Và tiếng một đôi chim nhồng hót líu lo ngoài bờ suối. Mùi vòng tay ra sau gáy cặp mớ tóc dài lại cho gọn và chợt hiểu ra. Cảm giác có tiếng hú gọi mình chính là sự yên tĩnh. Quả thật, yên tĩnh đến kỳ diệu. Trong chiến tranh đôi lúc sự yên tĩnh trở thành khác thường, khiến người ta giật mình. Mọi hôm vào tầm này, máy bay phản lực đã gầm rú nhức tai. Không đánh ở đèo Tà Muộn thì đánh ở ngã ba Xì La Phù hoặc trên trục đường đi Huội Phan, đi Xê Khoóng. Cái "Quán Tiên" của cô Mùi nằm giữa hình tam giác của các trục đường vận chuyển. Dù đánh ở điểm nào thì tiếng máy bay xé gió, tiếng bom, tiếng rốc két cũng dội vào vòm hang và cái tiếng ầm ào ấy cứ âm vang mãi hồi lâu mới thoát ra ngoài. Tiếng ầm ào ấy quen thuộc đến nỗi dường như chúng càng ru Mùi thêm ngon giấc. Đêm nào chị em trong quán cũng thức đến ba giờ sáng mới được ngủ, nên dậy muộn... Vậy mà hôm nay... Mùi mỉm cười, khẽ khàng rời khỏi sạp nằm để yên cho cái Phượng nó ngủ. Nom Phượng ngủ thật dễ thương, đôi má phinh phính như má trẻ con, đôi môi thật thắm chúm chím như đang trong một giấc mơ vui. Dưới chiếc chăn dù pháo sáng còn nguyên màu trắng là bộ ngực nở nang của tuổi hai mươi đang phập phồng theo nhịp thở đều đều. Là con gái, Mùi vẫn mê huống gì tay Quỳnh. Chẳng riêng gì Quỳnh. Mùi xem ra cánh lái xe trẻ anh nào gặp nó cũng xoắn xuýt vồ vập làm quen. Phượng ngoan nết, vui tính, chỉ phải tội còn vô tâm Cái nết ngủ thì đến khiếp. Chỉ có dựng mới dậy. Có lúc dựng dậy rồi, nó còn nằm vật xuống, co rúm người như con tôm, mắt vẫn ríp lại không mở ra được. Nó thì bom đạn không thức nổi, yên tĩnh cũng vậy thôi. Biết thế, nhưng Mùi vốn có thói quen ý tứ, đi đứng nhẹ nhàng tránh gây tiếng động. Mùi nhìn đồng hồ, mới sáu giờ rưỡi sáng. Cô đi ra suối đánh răng rửa mặt, nhân thể đãi mớ đỗ để tối thổi xôi làm hàng.

Dòng suối Nậm Bu khi sương tan muộn thường mang vẻ ngái ngủ. Trên mặt nước chảy lững lờ, những đám sương bay la đà, chỗ đậm đặc như khói đốt rạ, chỗ mỏng tang như dải khăn voan. Vẻ ngái ngủ của con suối còn ở tiếng róc rách khe khẽ của dòng nước luồn qua các kẽ đá về mạn hạ lưu, chỗ ấy lúc này chỉ thấy lờ mờ một dãy rì rì đổ nghiêng xuống mặt nước. Bên kia suối, hòn núi đá Phun Kha sừng sững như chàng lực sĩ khổng lồ, lưng chừng núi trở lên quang cảnh đã hiện rõ nét nhưng về phía dưới hãy còn nhòa trong sương, cây cối ẩn hiện như cảnh trong giấc mơ. Trong không khí mát mẻ ban mai, thoang thoảng có mùi hoa lan rừng lẫn vào trong gió nhẹ.

Ngắm nhìn quang cảnh yên tĩnh bên dòng suối Nậm Bu, Mùi thẫn thờ mất một lúc như còn lưu luyến điều gì rồi mới xắn quần lội xuống suối đánh răng rửa mặt. Nước trong leo lẻo soi rõ những viên đá cuội màu trắng và đàn cá niên bơi tung tăng. Dòng nước mát lịm vuốt ve trên bắp chân trần, và khi cúi xuống đãi mớ đỗ xanh, Mùi bỗng nhớ cái bến sông La ở quê mình. Chiều chiều Mùi cùng các cô gái trong xóm thường ới nhau gánh gạo đi ngâm về làm miến - một nghề thủ công cổ truyền của quê Mùi. Khi những rá gạo đã đặt chìm trong nước, chỉ còn chừa những tao gióng khẽ run run theo dóng nước chảy, đám con gái thường tụ tập quanh gốc bàng trên bến, rì rầm với nhau đủ các thứ chuyện trên đời. Đợi lúc nhá nhem tối, họ bắt đầu hát, thoạt đầu khe khẽ càng về sau càng vang hơn. Bao giờ cũng thế, đám con trai trong xóm nghe tiếng hát là kéo nhau ra. Và dĩ nhiên, những chàng trai mới lớn chẳng tha gì mà không trêu chọc. Tiếng cười đùa ồn ĩ bến sông. Trong đám con trai nghịch như quỷ nhà giời ấy có anh Hân, bấy giờ đã học hết lớp 10, người hay để ý đến Mùi. Một buổi tối sau lúc đùa vui, trêu chọc chủ yếu là ghép đôi với nhau, đến lúc ra về, thì Mùi mất đòn gánh. Cả đám con gái quả quyết là chỉ anh Hân cầm thôi, chứ còn ai vào đấy. Trong tiếng cười, tiếng đấm lưng nhau thùm thụp, chúng nó hè nhau gánh gạo về trước để mặc Hân và Mùi ở lại.

- Giả em đây! - Mùi van vỉ.

- Giả là thế nào? Mùi phải chuộc cơ!

- Em chẳng có gì để chuộc cả.

- Mùi có ối cái để chuộc!

- Em không có.

- Có!

- Thôi giả em, kẻo về muộn mẹ mắng chết.

- Mẹ mắng, có anh xin.

- Thật không?

- Anh thề.

Anh Hân bạo dạn nắm tay Mùi kéo lại chỗ gốc sồi nơi anh thu đòn gánh. Và chiếc hôn đầu xảy ra ở đó, chiếc hôn làm Mùi run lẩy bẩy cả tay chân. Rồi anh đi nghĩa vụ quân sự. Anh hẹn ba năm trở về sẽ cưới. Vậy mà chỉ sáu tháng sau anh đã cưới vội trước lúc đi B. Ôi, thế mà đã hơn hai năm trôi qua kể từ ngày anh đi xa. Mùi chỉ nhận được vài lá thư trong mấy tháng đầu rồi sau đó chỉ là mong đợi. Mùi viết thư cho anh, viết hoài mà chức gì anh đã nhận được. Anh vào tận miền tây Nam Bộ xa lắc. Lúc này anh đang làm gì hở anh Hân? Người ta bảo lúc nhớ nhau hai người đều có cảm giác sốt ruột. Dù anh có đang sốt ruột, anh cũng không thể hình dung nổi lúc này Mùi đang đứng trên dòng suối Nậm Bu tuyệt đẹp này. Không phải đi ngâm gạo làm miến mà là đãi đỗ về thổi xôi bán hàng...

Đi thanh niên xung phong ra tiền tuyến mà làm nghề bán hàng hẳn ai cũng ngạc nhiên. Quả thật, giữa đường Trường Sơn bom đạn như vãi trấu, cây cối cháy khô vì chất độc hóa học mà vẫn có một chiếc quán bán cái ăn đêm cho cánh lái xe cũng là chuyện độc đáo. Đấy là sáng kiến của binh trạm trưởng Lâm. Ông thiếu tá này đã ngót nghét năm mươi tuổi, vẫn nổi tiếng là "chuyên gia lùng sục". ít khi ông ở binh trạm. Cứ đánh một đôi ủng cao tận gối, khoác khẩu ca bin, giắt con dao găm, tay chống gậy hèo, cùng với Ku Xê, anh chiến sĩ bảo vệ người dân tộc Pakoh, ông lùng hết cánh rừng này sang cánh rừng khác suốt cả đoạn đường dài hàng trăm kilômét thuộc phạm vi binh trạm của ông. Hôm ấy, cay cú vì đoàn xe thường bị đánh ở đèo Tà Muộn, ông quyết định tìm mở đường tránh. Và ông chợt phát hiện ra chiếc hang xinh xắn này. Kỳ lạ thay, chiếc hang được thiên nhiên cấu trúc như một chiếc quán. Phía trong cửa hang, sau một phiến đá dựng đứng như tấm bình phong che chắn là một chiếc bàn đá hình bán nguyệt cao đến ngang ngực, trông hao hao như bàn "bar" ở các khách sạn sang trọng. Dưới vòm hang hình bán cầu, một hàng thạch nhũ màu lam hệt như có bàn tay nào cố tình trang trí sẵn những chùm đèn. Hang chia làm hai ngăn, một phiến đá dính liền vào mé hang bên trái, còn bên kia vẫn chừa một lối đi thoải mái. Từ ngăn trong dẫn qua một hành lang hẹp là lối thông ra ngoài. Ngoài ấy, lúc thiếu tá Lâm nhìn ra đang là một mảng nắng đung đưa trên đám lá lụi bắt gió. Qua đám lá lụi, đã có thể thấy rõ dòng suối Nậm Bu chảy lững lờ giữa hai bờ đỗ quyên đang mùa hoa đỏ rực. "Chà, chà! Một nơi tuyệt vời". Thiếu tá Lâm sắm súi đi nghiêng ngó xung quanh, và khi trở lại chiếc bàn đá, ông áp ngực vào chỗ hình vòng cung phía trong, hai tay xoa xoa trên mặt bàn tuy lồi lõm nhưng nhẵn thín và reo lên: "Chà! Cái quán Tiên các cậu ạ!" Các trợ lý và chiến sĩ bảo vệ đi theo ông đềuu có chung một cảm giác nửa tin nửa ngờ rằng, lẽ nào đây đúng là cái quán Tiên. Thiếu tá binh trạm trưởng quyết định nghỉ đêm lại đấy. Khi ngọn lửa bắt đầu cháy lên trong hang, trên cánh võng mắc rết khéo vào các mấu đá, thiếu tá Lâm nằm ngửa mặt nhìn lên vòm hang nơi có vài giọt nước tụ lại bắt ánh lửa lóng lánh. Dường như từ trong sắc màu lóng lánh ấy vụt ra một ý nghĩ lóa sáng làm ông bật nhổm dậy, ông kêu lên như cháy nhà, khiến đám tùy tùng sửng sốt:

- Chết cha! Trời đất ơi! Ngu thật! Chính là mình ngu chứ phải ai? Tại sao lại không lập cái quánn ở đây? Một cái quán Trường Sơn hẳn hoi! Tại sao lại nỡ để anh em lái xe chạy một lèo từ cửa Rừng đến tận tít Huội Phan, Xê Khoóng mà đêm nào cũng chỉ giắt theo mấy thỏi lương khô và một bình toong nước nguội ngắt? Chà, chà giá anh em được dừng lại đây, chén một cái gì đó cho ấm bụng lại đèo thêm một bình toong nước nóng nữa, rồi sẽ tiếp tục vượt qua các trọng điểm đánh phá. Được như vậy thì tay lái càng vững chắc chứ sao? - Ông làm như ông đang tranh luận với ai đó. Thực ra đám tùy tùng sau lúc sửng sốt, đều hoan nghênh sáng kiến của ông. Họ còn tán thêm, nào là cái quán Tiên này phải chọn các cô gái bán hàng thật đẹp, nào là không những chỉ bán xôi, bán bánh chưng mà có thể bán cháo lòng tiết canh, và thêm tí "lẩu" nữa thì... cứ gọi là hết "ý thơ". Ông Lâm thật thà phản đối: Không được đâu, lái xe mà lại cho uống rượu à? Để mà lao xe xuống vực! Bậy! Còn các cô gái bán hàng càng đẹp càng rắc rối, cánh lái xe đi không dứt là hỏng. Không cần thiết phải đẹp! Tiêu chuẩn đầu tiên là phải đứng đắn! Cứng gân một tí thì chả anh nào dám ho he nhất là đối với các tay lái xe, anh nào cũng đều có máu gấu ngựa, nên càng phải...

- à đúng rồi!

Ông Lâm chợt nhớ ra...

Người con gái đầu tiên ông nhớ ra chính là cô Mùi lúc đó đang làm trung đội trưởng thanh niên xung phong mở đường ở Suối Cạn. Ông nhớ ra Mùi không phải chỉ vì cô là chiến sĩ thi đua kiện tướng chặt gỗ lát "rông đanh" mỗi ngày lên tới 100 cây. Cũng không phải vì cô tuy không sắc sảo, nhưng thật có duyên, đặc biệt cô có mái tóc dài quá gấu áo và đôi mắt đằm thắm của một người đàn bà sinh ra để lo toan. Thiếu tá Lâm nhanh chóng nhớ ra cô, là vì cô đã cho tay đại đội phó công binh ăn một cái tát. Anh chàng đại đội phó ấm ớ này lợi dụng lúc ban đêm trên đường đi làm về đã tán tỉnh rồi ôm choàng lấy cô. Thoạt đầu vì tế nhị, cô chỉ ẩy anh ta ra. Nhưng anh chàng máu gái thấy quả đỏ tưởng chín, cứ lao vào và liền bị trừng phạt bằng một cái tát nhớ đời. Câu chuyện lan đi khá nhanh và khi đến tai binh trạm trưởng thì ông ra lệnh hạ tầng công tác tay đại đội phó xuống trung đội trưởng và thuyên chuyển đến đơn vị khác. Chỉ riêng một cái tát cũng đủ để ông đánh giá Mùi là người con gái đúng như tiêu chuẩn ông chọn vào phụ trách cái quán vừa hình thành trong đầu ông.

Trở về binh trạm, thiếu tá Lâm gọi trợ lý quân lực lên và chọn thêm được hai cô gái khác nữa. Phượng và Tuyết Lan đều là con các gia đình bán quán cơm, quán nước. Dăm hôm sau các cô gái đã lựa chọn được lệnh về Binh trạm nhận công tác mới. Với tâm trạng thấp thỏm, các cô gái được trang bị đầy đủ từ súng ống đến thức ăn vật dụng, chỉ biết trèo lên chiếc xe com măng ca, ngồi sau lưng binh trạm trưởng. Ông cho xe chạy ban ngày thẳng một lèo tới cây số 97 trên đoạn đường tránh đèo Tà Muộn vừa mở, rẽ qua một vạt cây đại thụ mới dừng lại. Ông dẫn các cô gái vào chiếc hang tuyệt đẹp này và bấy giờ mới giao nhiệm vụ. Các cô gái sững sờ trước vẻ đẹp của chiếc hang, và công việc mở quán giữa đường Trường Sơn cũng hấp dẫn, nên họ đều vui vẻ hứa với binh trạm trưởng sẽ cố gắng hoàn thành công việc thật tốt đẹp. Trước khi ra về, thiếu tá Lâmm bảo các cô gái kiếm củi khô chụm lại để ông nhen ngọn lửa coi như khởi công dựng quán. Khi ngọn lửa đã bén, ông trao chiếc bật lửa của mình cho cô Mùi với tư cách là chị cả và là chủ quán. Với giọng vui vẻ, ông nói:

- Nó giống như trong chuyện cổ tích vậy. Ba cô công chúa bị vua cha thả vào rừng sâu: chỉ trao cho một ngọn lửa... Thế đấy! Làm sao cho ngọn lửa đừng tắt!

Ông cười hà hà và xiết chặt tay các cô gái.

Quả thật, chiếc quán tồn tại đã gần một năm và ngọn lửa ở trong hang không lúc nào tắt. Ban đêm nổi lửa lên để đồ xôi, luộc bánh chưng và để sưởi ấm đã đành, ban ngày bếp lửa được ủ giữa ba cây gỗ chụm đầu lại với nhau, than rực hồng mà không bao giờ có khói. Bây giờ thì cánh lái xe trên đường Trường Sơn dù từ ngoài chạy vào hoặc từ phía trong chạy ra đêù biết chiếc quán độc đáo này. Họ gọi nó bằng đủ các thứ tên: quán Trường Sơn, quán cô Mùi, quán ba cô, nhưng họ vẫn khoái nhất là gọi bằng "quán Tiên". Ban đêm từ khoảng chín, mười giờ đến hai ba giờ sáng thỉnh thoảng lại có khách. Cánh lái xe thường đi đoàn, nên mỗi lần dừng lại ở quán, được dịp xả hơi, họ cười nói ồn ĩ vang động cả cánh rừng. Được chén một nắm xôi hoặc chiếc bánh chưng, uống bát nước chèn nóng đã tỉnh người, mà được gặp các cô gái thanh niên xung phong bán ở "quán Tiên" họ còn coi là niềm vui mong đợi, một thứ tình cảm tự nhiên mà ngay khi đặt tay lên vô lăng chuẩn bị xuất phát họ đã nghĩ tới. Ba cô gái ở "quán Tiên": Mùi, Phượng, Tuyết Lan cũng vậy, chỉ vài tháng sau chẳng những họ thông thaoj công việc mà còn thuộc hết cả tiếng xe: tiếng nổ bành bành là đội xe "Star" của anh Quân, tiếng vo vo tròn và ấm là loại "IFA" mới cứng của đội anh Toàn, tiếng rên rỉ khổ sở và gầm xe run lật bật là đội xe "Gát" già lão của cậu Luyến, tiếng gào tưởng nổ máy kèm theo mặt đất rung chuyển là xe ủi của ông Bảo, tiếng ì ì nặng nề - một thứ tiếng gợi không khí chiến tranh đích thị là anh "Zin 157" dầu tời của tay Quỳnh... Chỉ nghe tiếng xe từ ngoài bãi đổ, các cô gái đã biết là khách nào. Cũng có lúc nghe tiếng xe lạ và họ biết đấy là đoàn xe chạy thẳng từ Hà Nội vào và sẽ còn đi rất xa. Ba cô gái, thực ra thì chưa phải sắc nước hương trời gì, mỗi người một vẻ chỉ đều là loại coi được, nhưng sống giữa rừng núi heo hút lại được cái hang đẹp đẽ trời ban cho, nên thường được khách hàng gọi là ba "nàng tiên". Cùng với ngọn lửa không bao giờ tắt, ba "nàng tiên" sống với nhau vui vẻ, êm đẹp, công việc trôi chảy đúng như đã hứa với binh trạm trưởng. Tưởng như họ sẽ sống với nhau đến khi nào đánh thắng thằng Mỹ. Thế mà chưa đầy một năm, cô gái có cái tên kép đã phải ra đi, chỉ còn Mùi và Phượng.

Hết Chương 13: Truyền thuyết về quán tiên P I
Thông tin sách