Tôn giáo, Tư tưởng
Tác giả: Dẫn Vào Thần Học

Thomas P. Rausch, S.J.

Chương 9: THẦN HỌC LUÂN LÝ: ĐỨC TIN VÀ LỐI SỐNG KITÔ GIÁO

John R. Popiden

Bạn còn nhớ điểm cao trào của bộ phim Bố Già nổi tiếng không? Anh chàng Michael, con trai của Don Vito Corleone, đã chính thức trở thành một Bố Già khi - tại lễ rửa tội của đứa cháu trai mình - anh thề hứa từ bỏ Satan và tất cả những công việc của Satan. Cũng chính trong những giây phút đó, các thuộc hạ của Michael đang ám sát hàng loạt các tay trùm găng-tơ là đối thủ cạnh tranh của anh. Trong số nhiều ghi nhận có thể rút ra từ tình tiết đầy ấn tượng này của bộ phim, người ta có thể tố giác rằng Michael là một kẻ đạo đức giả. Michael tỏ ra là một người Công Giáo tốt; thế nhưng, anh ta là kẻ đáng kinh tởm.

Cảnh phim ấy chỉ là một trò lừa khán giả, vì khán giả biết rằng làm một Kitôhữu có nghĩa là phải sống theo lối sống Kitô giáo. Kitô giáo hiện diện bất cứ nơi đâu mà người ta được thúc đẩy sống cuộc sống của họ theo con đường Kitô giáo. Ở đây chúng ta không chủ ý nhắm lên án những loại người như Michael Corleone, thay vào đó, tiêu điểm tập chú của chúng ta ở đây là các động lực sống của đời Kitôhữu.

ĐỨC TIN VÀ LUÂN LÝ KITÔ GIÁO

Cốt lõi của đời sống người Kitôhữu xét như là Kitôhữu chính là đức tin vào Chúa Giêsu Kitô. Người Kitôhữu biết Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Lời vĩnh cửu phát xuất từ Chúa Cha. Đức Giêsu là trung gian giữa con người và Thiên Chúa, là Đấng dạy các môn đệ mình gọi Thiên Chúa là « Abba » (Cha ơi!) để mạc khải cho thấy sự gần gũi của Thiên Chúa. Như vậy, đi theo Đức Giêsu, người Kitôhữu tôn thờ Thiên Chúa đích thực và là Tạo Hóa của mọi sự. Thiên Chúa là chính nguồn mạch của sự thiện và là thước đo của mọi sự. Hơn nữa, như Đức Giêsu đã hứa, các Kitôhữu có Chúa Thánh Thần hướng dẫn mình trong đường lối của Thiên Chúa. Sự hiện diện của Chúa Thánh Thần sẽ trao ban động lực và phương hướng cho đời sống tín hữu. Nói tắt, đức tin của người Kitôhữu vào Thiên Chúa Ba Ngôi làm cho đương sự trở thành một con người mới vì đương sự có mối quan hệ cá nhân với Đấng là nguồn mạch và là thước đo của mọi điều thiện hảo.

Một cách để phân tích các khía cạnh liên quan tới bản ngã của đức tin Kitô giáo, đó là sử dụng ý niệm về sự lựa chọn nền tảng vốn được quảng bá bởi Bernard Haring. Bernard nối kết hai ý niệm Thánh Kinh, giao ước và tấm lòng, để trình bày nền tảng cốt yếu của đời sống Kitô giáo. Các Sách Tin Mừng làm chứng rằng Thiên Chúa đã ban cho mọi người một giao ước mới qua Đức Giê-su Kitô. Vì thế mọi người có thể trở thành Kitôhữu bằng cách đặt tấm lòng mình đúng chỗ, nghĩa là bằng cách dấn thân trọn vẹn cho Thiên Chúa. Sự lựa chọn nền tảng là hành vi hoàn toàn tự do của đức tin - tự nguyện đưa tấm lòng mình vào giao ước với Thiên Chúa vốn đã được ban cho sẵn nhờ Đức Giê-su Kitô.

Như Haring diễn tả, sự lựa chọn nền tảng không phải là một sự lựa chọn nhất thời mà người ta thực hiện, chẳng hạn, một người lớn quyết định nhận Phép Rửa. Đúng hơn, nó liên quan đến định hướng căn bản của đời sống người ta - đến nơi mà người ta đặt tấm lòng mình. Nó không phải là một hành động nào đó, nhưng là chiều hướng tổng quát của nhiều quyết định và hành động có tính khác biệt và xung khắc làm nên đời sống người ta. Sự lựa chọn nền tảng của người Kitôhữu được thực hiện một cách hoàn toàn tự do bởi chính bản thân đương sự. Nó không thể được quyết định bởi người khác. Như vậy, một sự lựa chọn nền tảng của người Kitôhữu sẽ thiết lập đường ranh giới từ đó những hành vi đặc thù trong đời sống của người Kitôhữu ấy có thể được nhìn thấy và đo lường.

Việc lựa chọn nền tảng để tin vào Thiên Chúa, để đi vào trong giao ước mà Thiên Chúa đã mở ra, cần đến tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân như chính mình để làm chuẩn mực hướng dẫn và đo lường những hành động cụ thể trong đời sống con người. Trong tư cách là sự hướng dẫn, các chuẩn mực tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với tha nhân giúp người Kitôhữu đưa ra những quyết định hệ trọng trong cuộc sống, chẳng hạn kết hôn hay sống đời tu trì, chọn nghề này hay nghề khác, như là những thể hiện của sự lựa chọn nền tảng của đương sự. Trong tư cách là thước đo, tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân thiết lập chuẩn mực giúp người Kitôhữu phán đoán rằng một số hành động nào đó là không đáp trả trọn vẹn tiếng gọi yêu thương của Thiên Chúa, và do đó làm nảy sinh cảm thức tội lỗi nơi đương sự.

Thần Học Luân Lý

Thần học trong tư cách là công việc học thuật rút chủ đề của nó ra từ cuộc hiện sinh của các Kitôhữu xét như là cộng đoàn của những người tin vào Đức Giê-su Kitô. Các Kitôhữu thực hành việc cầu nguyện, đọc Thánh Kinh, cố gắng trở thành những con người tốt hơn, và vật lộn với những vấn đề trong đời sống thường ngày. Luân lý Kitô giáo - tức là những niềm tin và những thực hành của các Kitôhữu chiếu theo điều gì tốt và điều gì xấu, điều gì đúng và điều gì sai trong đời sống hằng ngày của họ - đã trở thành một phần của Kitô giáo kể từ các giáo huấn của Đức Kitô và của các Tông Đồ. Cho tới thế kỷ 16, các giám mục và các nhà thần học đề cập đến các vấn đề luân lý như là một phần của tổng thể giáo huấn Kitô giáo. Không có lãnh vực thần học chuyên biệt dành riêng cho luân lý.

Tuy nhiên, gần đây hơn, thần học đã phát triển một sự chuyên môn hóa trong lãnh vực luân lý. Thần học luân lý là ngành thần học lấy luân lý Kitô giáo làm chủ đề chính của mình. Tính chuyên môn hóa này đã phát triển trong truyền thống Công Giáo như một phần của nỗ lực của Giáo Hội Công Giáo Rôma nhằm phản kháng lại phong trào Cải Cách Tin Lành. Công Đồng Trentô (1545-1563) nhấn mạnh đến tầm quan trọng của bảy bí tích, nhất là bí tích sám hối. Công Đồng này đòi hỏi mỗi người Công Giáo phải xưng thú các tội trọng rõ loại và rõ số lượng. Thần học luân lý là môn học trong chủng viện được hoạch định để đào tạo cho người linh mục biết trao ban bí tích sám hối.

Phần lớn hình thức và nội dung riêng của thần học luân lý vốn đã được xác định bởi một mối quan tâm thực tiễn đối với việc cử hành bí tích này. Mỗi linh mục cần biết không chỉ các quy cách của việc thực hành bí tích, mà còn phải có đầy đủ khả năng để giải quyết bất cứ vấn đề nào liên quan đến việc xác nhận một điều cụ thể nào đó là tội hay không phải là tội. Ở đây sẽ rất hữu ích việc khảo sát việc thực hành xưng thú tội lỗi từ nhãn quan của hối nhân. Hối nhân đến với linh mục sau khi đã khảo sát lương tâm mình. Đương sự ý thức rằng mình đã làm một số điều gì đó mà đương sự biết là tội. Đương sự cũng có thể nghi ngờ về một số hành vi khác của mình. Phải chăng chúng cũng là tội? Cũng rất thường, đương sự cũng có thể phân vân về một điều gì đó sắp xảy ra và đương sự tìm kiếm sự hướng dẫn luân lý nơi cha giải tội của mình. Đương sự kỳ vọng vị linh mục sẽ sẵn sàng và có thể cung ứng sự hướng dẫn này một cách trực tiếp và chính xác.

Môn thần học luân lý nhằm để chuẩn bị cho người linh mục đương đầu với tình huống này. Trong bốn trăm năm giữa Công Đồng Trentô và Công Đồng Vatican II, môn học này thường được chứa đựng trong một bộ sách gọi là « giáo trình » thần học luân lý. Mỗi giáo trình thường được chia thành hai phần: thần học luân lý tổng quát và thần học luân lý chuyên biệt. Thần học luân lý tổng quát bao gồm những chủ đề như bản chất của luân lý tính, một phân tích về hành vi nhân linh, lương tâm, luật, vv... tất cả đều phù hợp với tổng hợp của Thánh Tôma Aquinô trong bộ Tổng Luận Thần Học của ngài. Tuy nhiên, phần lớn hơn của giáo trình thì liên quan tới thần học luân lý chuyên biệt, một bàn luận mở rộng về các loại tội khác nhau, đâu là tội trọng và đâu là tội nhẹ. Một tội trọng liên quan tới một sự khước từ Thiên Chúa cách trực tiếp và do đó đánh mất ơn cứu độ của Thiên Chúa. Để thành một tội trọng cần có đủ ba điều kiện: (1) phải liên quan tới một điều hệ trọng, (2) đương sự phải suy xét đầy đủ về nó, và (3) nó phải được thi hành với sự ưng thuận hoàn toàn của ý chí. Một tội nhẹ là bất cứ tội nào không phải là tội trọng.

Để tổ chức nhiều vấn đề của đời sống luân lý, các giáo trình đã hệ thống hóa các tội theo những sự vi phạm đối với Thập Giới hay đối với các nhân đức đối thần và các nhân đức căn bản. Trong mỗi chủ đề có giới thiệu một bảng liệt kê dài các trường hợp đặc trưng để chỉ cho biết cách vận dụng các chuẩn mực luân lý vào mỗi trường hợp. Tiến trình hệ thống hóa hàng lố trường hợp luân lý đặc trưng này được gọi là thuật giải nố (casuistry). Giải nố là thuật vận dụng các chuẩn mực luân lý tổng quát vào các hành động luân lý riêng biệt. Mỗi linh mục được kỳ vọng biết phân tích rành mạch và có thể giải quyết một cách thích đáng cho nhiều loại hối nhân khác nhau với đủ thứ khả năng phạm tội của họ.

Thần học luân lý đã thay đổi rất nhiều kể từ Thế Chiến II và nhất là sau Công Đồng Vatican II. Môn học này trong các chủng viện nói chung đã bỏ không dùng các giáo trình nữa. Thêm vào đó, có một thay đổi quan trọng khác nữa trong thần học luân lý do bởi một sự thay đổi có tính xã hội học của khung cảnh. Thần học luân lý hầu như không còn chỉ giới hạn riêng cho việc đào tạo linh mục. Nhiều nhà thần học luân lý giờ đây ở trong các đại học. Ngày nay họ bị thách đố phải giáo dục cả các sinh viên lẫn các chủng sinh. Hơn nữa, trong hàng ngũ các giáo sư thần học luân lý giờ đây có bao gồm các giáo dân Công Giáo, cả nam lẫn nữ, với các học vị đại học chứ không phải chỉ là những người đã trải qua học trình chủng viện với chứng chỉ do Giáo Hội cấp. Các mục tiêu của việc giáo dục ở đại học hoàn toàn khác biệt với các mục tiêu ở chủng viện, nhất là vì bối cảnh đời sống bí tích của Giáo Hội có thể không được tính đến ở đây.

Vì vậy, thần học luân lý đã trở thành rất giống như lãnh vực đạo đức học Kitô giáo. Đạo đức học Kitô giáo, từ ngữ thường được sử dụng bởi các học giả Tin Lành để qui chiếu đến ngành thần học khảo sát các khía cạnh luân lý của đời sống Kitô giáo, được phát triển trong tư cách là một lãnh vực chuyên biệt trong thần học Tin Lành chỉ trong 100 năm gần đây. Sự chuyên môn hóa này đã xảy ra khi các trường cao đẳng và đại học của Tin Lành tập chú đến việc chuẩn bị cho các sinh viên sống trong một xã hội ngày càng thế tục hóa nhiều hơn. Nội dung luân lý của Kitô giáo, nhất là các nguyên tắc và các lý tưởng, rất phù hợp để xây dựng một xã hội công bằng. Một kết quả của các khuynh hướng gần đây trong cả hai truyền thống, đó là các học giả Công Giáo và Tin Lành giờ đây thường xuyên đọc và dựa vào các tác phẩm của nhau. Trong quá trình này, các học giả Công Giáo và Tin Lành đã đề ra thuật ngữ « đạo đức học thần học » để nói đến ngành thần học chuyên môn về luân lý vốn đã được gọi tên là thần học luân lý hay đạo đức học Kitô giáo.

CÁC VẤN ĐỀ TRONG

THẦN HỌC LUÂN LÝ/ĐẠO ĐỨC HỌC KITÔ GIÁO/

ĐẠO ĐỨC HỌC THẦN HỌC

Thánh Kinh Xét Như

Một Nguồn Của Luân Lý

Đối với cả người Công Giáo lẫn người Tin Lành, các Sách Thánh là nguồn chính yếu cho đức tin và đời sống Kitô giáo. Vấn đề đặt ra cho các nhà đạo đức học Kitô giáo và các nhà thần học luân lý là phải hiểu nhiều cách thế trong đó Thánh Kinh cho biết luân lý Kitô giáo và đời sống luân lý của Kitôhữu.

Trong Sắc Lệnh về Đào Tạo Linh Mục, Công Đồng Vatican II (1962-1965) đã nhấn mạnh điểm này khi kêu gọi canh tân thần học luân lý, nhất là trong các giáo trình.

Phải đặc biệt chú ý cải thiện môn luân lý thần học, với lối trình bày có khoa học và thấm nhuần giáo lý Thánh Kinh nhiều hơn, sẽ minh giải vẻ cao đẹp của ơn gọi người tín hữu Kitô, cũng như nhiệm vụ của họ phải mưu cầu lợi ích cho đời sống thế giới trong đức ái. (OT 16)

Công Đồng tìm cách chỉnh đốn một số vấn đề vốn gây nhũng nhiễu cho môn thần học luân lý liên quan đến việc sử dụng Sách Thánh. Chúng ta hãy ghi nhận hai trong số các vấn đề ấy. Trước hết, về những điều tổng quát, các giáo trình thần học luân lý quá nhấn mạnh đến khía cạnh luật trong các Sách Thánh, chẳng hạn Muời Điều Răn. Nhưng các Sách Thánh không chỉ chứa đựng luật. Thứ hai, về những điều chuyên biệt, các giáo trình thần học luân lý nói chung đi theo các lập luận về luật tự nhiên và các chuẩn mực của giáo luật. Sách Thánh xem ra rất thường xuyên đóng vai trò văn bản dẫn chứng, nghĩa là sau khi đưa ra một lập luận thì thấy xuất hiện một bản văn Thánh Kinh để cho thấy lập luận ấy am hợp với Sách Thánh. Việc dẫn chứng bằng bản văn như vậy có đặt ra nhiều vấn đề; trước hết, bản văn trích dẫn có thể bị lấy ra khỏi bối cảnh, và thứ hai, các Sách Thánh không được trực tiếp tham chiếu đến trong việc xây dựng lập luận luân lý.

Theo tinh thần của Công Đồng Vatican II, việc đặt cơ sở Thánh Kinh nhiều hơn cho đời sống luân lý Kitô giáo phải được thực hiện trong sự soi sáng của khoa Thánh Kinh tốt nhất. Như vậy bản văn Thánh Kinh phải được hiểu trong khung cảnh nguyên thủy của nó và trong qui điển của nó, sao cho các Kitôhữu có thể biết bản văn ấy muốn nói gì. Rồi các Kitôhữu có thể làm công việc vận dụng bản văn ấy vào hiện tại, để xác định xem nó muốn nói gì bây giờ.

Sách Thánh, Trình Thuật, Nhân Vật

Ngày nay một số nhà thần học đang nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các trình thuật đối với thần học. Các nhà thần học này cho rằng trong các Sách Thánh có đầy những câu chuyện trình bày sự thật về Thiên Chúa và con người. Vai trò của các Sách Thánh đối với đời sống luân lý của Kitôhữu, vì thế, không chỉ nằm ở các giới răn mà các Sách Thánh ban bố. Toàn bộ những câu chuyện trong các Sách Thánh nói với chúng ta về Thiên Chúa, về thế giới trong đó chúng ta sống trong tư cách là thụ tạo của Thiên Chúa, và về bản tính và các mục đích của loài người chúng ta trong liên hệ với Thiên Chúa. Việc sử dụng những câu chuyện này sẽ soi sáng cả thế giới là chiếc nôi sống của chúng ta lẫn những khả năng để chúng ta sống trong đó.

Nhà thần học Stanley Hauerwas ghi nhận rằng không phải là chuyện ngẫu nhiên việc các tác giả Sách Tin Mừng đều ghi lại Tin Mừng của Đức Giê-su Kitô trong hình thức một câu chuyện kể về cuộc sống, cái chết và sự Phục Sinh của Người. Tự bản chất, sự hiểu biết của Giáo Hội về Đức Giêsu là sự hiểu biết về một câu chuyện. Như vậy, nhờ biết Đức Giêsu - nghĩa là biết những câu chuyện mà Giáo Hội kể về Đức Giêsu và rồi sống câu chuyện đó - các cá nhân sẽ được chuyển hóa thành những con người sống cuộc sống mình trong mối quan hệ với Đức Giêsu, với Thiên Chúa Cha của Đức Giêsu, và với Đấng Bàu Chữa tức Thánh Thần mà Đức Giêsu sai đến. Thánh Thần này hoạt động sâu thẳm trong lòng các Kitôhữu khi họ xem những câu chuyện này là câu chuyện của chính họ, suy tư về chúng và dùng chúng như những hướng dẫn cho đời sống.

Chẳng hạn, một người bị hành hung bởi một số kẻ trấn lột hỏi người Kitôhữu đã đến cứu giúp mình: « Tại sao anh cứu giúp tôi? » Câu trả lời sẽ đơn giản là: « Tôi muốn hành động như người Samari nhân hậu ». Ở đây việc qui chiếu đến người Samari nhân hậu cho thấy rằng người Kitôhữu này đang hành động theo sự hướng dẫn của câu chuyện Người Samari Nhân Hậu, một câu chuyện mà Đức Giêsu đã kể. Tổng quát hơn, các ý hướng của một người có liên hệ với những câu chuyện mà người ấy biết và là những câu chuyện có khả năng hướng dẫn các hành động của người ấy. Chính bằng cách này, chúng ta đạt được cách cụ thể những ý hướng Kitô giáo, và do đó đạt được một tính cách Kitô giáo. Một phần của đời sống Kitô giáo và của việc phát triển một tính cách Kitô giáo, đó là mô tả các hành động của mình bằng cách giải thích chúng trong ý nghĩa Kitô giáo. Chính vì vậy, Martin Luther King, Jr. quả quyết rằng chúng ta nên đánh giá một con người « không theo màu da của người ấy, nhưng là theo tính cách của người ấy ». Chúng ta thường nối kết tính cách của một con người với sự nhất quán: một người có tính cách là một người nhất quán. Chúng ta tin người này sẽ hành động một cách phù hợp với luân lý.

Trong việc suy nghĩ về tính cách có hàm chứa sự nhìn nhận rằng tính cách không phải là một cái gì bẩm sinh có tính sinh vật học và tự nhiên, như thể một người có mắt xanh, đó cũng không phải là vấn đề thuộc qui định xã hội, chẳng hạn một người có cung cách ứng xử lịch thiệp tại bàn ăn. Đúng hơn, tính cách của một người là vấn đề do người ấy tự quyết. Nó là hình thức mà người ấy trao cho các thuộc tính của mình cả mặt tự nhiên lẫn mặt giáo dục. Nói cách khác, tính cách không phải là cái gì đã được an bài sẵn, nhưng đó là cách hiện hữu có sức tổ chức và đem lại sự mạch lạc cho những yếu tố khác nhau dường như vốn có sẵn bởi di truyền và bởi môi trường. Như vậy, tính cách là cái định hình đời sống con người.

Những câu chuyện về cuộc đời các thánh giúp chúng ta nhận biết những khả năng của tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta. Chẳng hạn, quyển Tự Thú của Thánh Augustinô, cổ xưa nhất trong số các hồi ký của Kitô giáo, ngày nay vẫn còn được đọc với đầy tâm tình cầu nguyện để nhận ra Thiên Chúa và những gì Thiên Chúa có thể làm cho con người. Hơn nữa, một số Kitôhữu còn đang sống hôm nay, chẳng hạn Mẹ Têrêsa, vẫn được nhìn thấy như là những vị thánh, vì câu chuyện của họ phản ảnh ân sủng của Thiên Chúa và các khả năng của ân sủng ấy chuyển hóa đời sống người ta.

Nhân Đức Và Các Nhân Đức

Sống một cuộc sống phù hợp với luân lý không phải là điều dễ dàng. Giá phải trả cho việc « làm điều đúng » là gì? Duy chỉ việc biết điều gì đúng để làm thì không đủ. Có những lúc mà người Kitôhữu biết nên làm điều gì đó, song vẫn không làm. Tông Đồ Phao-lô, trong Thư Rôma, đã thốt lên:

Tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì tức là tôi đồng ý với Lề Luật và nhận rằng Lề Luật là tốt. Vậy thật ra không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi. Tôi biết rằng sự thiện không ở trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi. Thật vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm... Tôi thật là một người khốn nạn! (Rm 7,15-19.24).

Vấn đề này được gọi là sự yếu đuối của ý chí: tôi biết điều đúng, muốn làm nó, nhưng lại không làm nó. Đây là một kinh nghiệm rất thông thường.

Một cách để hiểu vấn đề này là nói về các thói quen hay các khuynh hướng. Chẳng hạn, Mary có thể chọn bỏ hút thuốc lá, nhưng cô ta không thành công bởi vì thói quen của cô quá mạnh. Sự kiện Mary đã hút thuốc trong nhiều năm đã thiết lập một thói quen khó dứt bỏ. Như nhiều người nghiện thuốc lá nhìn nhận, sức mạnh của ý chí vẫn không đủ. Vì thế, việc lặp đi lặp lại một hành động nào đó bắt người ta phải tiếp tục thực hiện hành động ấy. Dĩ nhiên, không phải mọi thói quen đều tai hại cho sức khỏe của người ta như việc hút thuốc lá. Đa số các khả năng căn bản của chúng ta, như đi bộ và chạy, hay những hoạt động phức tạp hơn như cưỡi xe đạp, đọc sách, tính toán, ... đều thực sự là những thói quen. Chúng ta vẫn thường nói: « thực hành sẽ làm cho thành thạo ». Rất nhiều tài năng của chúng ta được đặt nền trên việc chúng ta phát triển các khả năng của mình thành những thói quen tốt.

Trong lãnh vực đạo đức, tên gọi khác của một thói quen tốt là một nhân đức. Một nhân đức là sự hoàn hảo của một năng lực hay khả năng của con người. Sự hoàn hảo này đòi hỏi hai khía cạnh. Một khía cạnh liên quan đến chất lượng tuyệt vời của hành động, nghĩa là có thể làm nó cách « ngon lành ». Hãy nhớ lại niềm tự hào mà mỗi chúng ta cảm thấy khi cuối cùng chúng ta không những biết cưỡi xe đạp mà còn biết cưỡi xe đạp « không cần đến hai tay ». Tuy nhiên, ý nghĩa đầy đủ nhất của sự hoàn hảo đó là hành động của thói quen cần được định hướng về một mục đích tốt. Ví như có hai người tài xế đều lái xe rất thành thạo, nhưng một người là kẻ cướp nhà băng và lái xe tẩu thoát, còn người kia là nhân viên cảnh sát lái xe truy đuổi. Tâm hướng lái xe giỏi để đi ăn cướp sẽ hủy hoại giá trị luân lý của hành vi lái xe.

Các nhân đức có rất nhiều, nhiều như những khả năng mà con người có thể có được, nhưng một số nhân đức có tầm quan trọng nhiều hơn đối với đời sống luân lý. Người Hi Lạp nhận ra bốn nhân đức căn bản (nhân đức trụ), các nhân đức khác đều xoay quanh bốn nhân đức này. Đó là khôn ngoan, công bình, tiết độ và dũng cảm. Khôn ngoan, hay cẩn trọng, là nhân đức nhờ đó người ta biết điều gì đúng để làm trong bất cứ vấn đề thực tiễn nào. Công bình là nhân đức nhờ đó người ta biết trao cho người khác những gì thuộc về người khác. Tiết độ là nhân đức nhờ đó người ta biết điều hòa các khao khát của mình. Dũng cảm, hay kiên cuờng, là nhân đức nhờ đó người ta có thể vượt qua các khó khăn và các trở ngại để thực hiện những hành động tốt. Nếu thiếu bất cứ nhân đức nào trong bốn nhân đức nói trên thì đó sẽ là hiểm họa cho chất lượng luân lý của người ta.

Cắm rễ trong Thánh Kinh, suy tư Kitô giáo thêm vào ba nhân đức khác nữa, đó là các nhân đức đối thần: tin, cậy, mến - như là tiêu chuẩn của đời sống Kitô giáo. Đức tin là lòng tín nhiệm mà người tín hữu đặt để nơi Thiên Chúa và nơi lời hứa ơn cứu độ xuyên qua Đức Giê-su Kitô. Đức cậy là nhân đức chiến đấu với sự ngã lòng và mong đợi sự hoàn thành các lời hứa trong tương lai. Đức mến, hay tình yêu, là tất cả đời sống Kitô giáo: tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với tha nhân.

Các nhân đức đối thần khác với các nhân đức căn bản về một điểm cốt yếu. Tất cả các nhân đức đối thần đều là ơn huệ của Thiên Chúa. Ở bình diện sâu xa nhất, chúng không phải là kết quả đạt được của con người mà chính là kết quả của ân sủng Thiên Chúa. Như vậy, các nhân đức đối thần tin, cậy, mến không thể đạt được bằng cách lặp đi lặp lại một số hành động theo kiểu những thói quen thông thường. Tuy nhiên, chúng có thể định hướng toàn bộ bản ngã người ta về phía Thiên Chúa. Nói cho cùng, đức ái, tức tình yêu nồng nàn đối với Thiên Chúa, sẽ sắp đặt các phần khác nhau của đời sống luân lý, sắp đặt các nhân đức khác nhau và các hành động mà các nhân đức ấy thể hiện, thành một đời sống hoàn toàn qui hướng về Thiên Chúa. Sự tốt đẹp đích thực đòi hỏi phải qui hướng toàn bộ về sự thiện, về Thiên Chúa.

Một Khoa Đạo Đức Học Về Bản Chất

Và Một Khoa Đạo Đức Học Về Hành Động

Khi các nhà đạo đức học suy tư về bản chất của luân lý, họ thường ghi nhận rằng có hai tiêu điểm khác nhau - tương tranh nhau nhưng độc lập nhau - để suy nghĩ về luân lý tính. Một là tập chú đến một khoa đạo đức học về bản chất. Khoa đạo đức học về bản chất tập chú đến loại người nào mà người ta nên trở thành. Giòng tư tưởng của chương này cho đến đây đã sử dụng một khoa đạo đức học về bản chất làm tiêu điểm. Các vấn đề như tính cách và các nhân đức đối thần đã trở thành những chủ điểm chính yếu.

Trong khi đó việc tập chú đến hành động luân lý, tức một khoa đạo đức học về hành động, là một cách suy nghĩ khác về đời sống luân lý. Một khoa đạo đức học về hành động tập chú đến hành động đúng đắn, đến việc đưa ra quyết định. Một Kitôhữu nên làm gì về [ ]? Độc giả có thể điền vào khoảng trống ấy bằng bất cứ vấn đề luân lý thông thường nào vốn đang làm chúng ta bối rối hôm nay: sự phá thai, chiến tranh và hòa bình, cái chết êm dịu, tội ác, lạm dụng ma túy, li dị, bạo hành đối với phụ nữ, lạm dụng trẻ em, nạn đói nghèo, những vấn đề tính dục, hiếp dâm, bất trung, buôn lậu, chủ nghĩa apácthai, và bất cứ vấn đề gì trong vô số những vấn đề ưu tư nóng bỏng của chúng ta.

Đối với cá nhân, một khoa đạo đức học về hành động tập trung chú ý đến việc huấn luyện lương tâm. Tôi nên làm gì? Tôi đưa ra quyết định luân lý của mình dựa trên cơ sở nào? Để trả lời những câu hỏi này chúng ta phải chuyển sang một phân tích về bản chất của lương tâm.

Lương Tâm

Hai tiếng « lương tâm » đã được sử dụng bởi nhiều người khác nhau trong nhiều cách thế khác nhau, nhưng trong truyền thống Công Giáo nó có một ý nghĩa rõ ràng. Công Đồng Vatican II trong Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội Trong Thế Giới Hôm Nay (Gaudium et spes) trình bày giáo huấn Công Giáo về lương tâm một cách cô đọng.

Con người khám phá ra tận đáy lương tâm một lề luật mà chính con người không đặt ra cho mình, nhưng vẫn phải tuân theo, và tiếng nói của lương tâm luôn luôn kêu gọi con người phải yêu mến và thi hành điều thiện cũng như tránh điều ác. Tiếng nói ấy âm vang đúng lúc trong tâm hồn của chính con người: hãy làm điều này, hãy tránh điều kia. Quả thật con người có lề luật được Chúa khắc ghi trong tâm hồn. Tuân theo lề luật ấy chính là phẩm giá của con người và chính con người cũng sẽ bị xét xử theo lề luật ấy nữa. (GS 16)

Những thảo luận gần đây về lương tâm, nhất là trong ánh sáng của giáo huấn Công Đồng Vatican II, cho thấy rằng từ ngữ lương tâm ngày nay được sử dụng trong ba trường hợp khác nhau. Thứ nhất, lương tâm chỉ phương tiện nhờ đó chúng ta biết các nguyên tắc đệ nhất của luân lý, nghĩa là lề luật được ghi khắc trong tâm hồn người ta. Nguyên tắc thứ nhất của luân lý là « hãy làm lành lánh dữ ». Các nguyên tắc luân lý tổng quát bổ sung vào sẽ nêu rõ những sự thiện phải theo đuổi và những sự dữ phải tránh. Thứ hai, lương tâm là toàn bộ tiến trình phân tích và phản tỉnh trước khi làm công việc phán đoán, đôi khi được gọi là khoa học luân lý. Thứ ba, theo nghĩa hẹp nhất, lương tâm là chính hành vi phán đoán. (32) « Hãy làm điều này, hãy tránh điều kia! » Một cách chuyên biệt nhất, lương tâm được định nghĩa là hành vi phán đoán về tính đúng đắn hay tính sai trái của những điều đã được làm hay sẽ được làm.

Nhận hiểu của Công Giáo về lương tâm phải được phân biệt rõ với những ý nghĩa khác có thể có. Một số người có thể thiên về quan niệm lương tâm như cảm xúc dằn vặt hay cảm thức tội lỗi. Mặc dù khía cạnh cảm xúc của đời sống đóng một vai trò trong đời sống luân lý, lương tâm vẫn chủ yếu là một khía cạnh của lý trí, không phải của tình cảm chúng ta. Thường có thể xảy ra trường hợp một phán đoán của lương tâm dẫn tới những cảm thức tội lỗi bởi vì người ta đang hay đã đi ngược lại với phán đoán của lương tâm. Những người khác, theo các nhãn quan của Sigmund Freud, có thể thay thế lương tâm bằng thuật ngữ « siêu ngã ». Đối với Freud, siêu ngã được hình thành trong năm hay sáu năm đầu tiên của đời người, khi đứa trẻ nội tâm hóa những mệnh lệnh của người lớn xung quanh nó. Mặc dù siêu ngã là một phần quan trọng của tiến trình trưởng thành vì nó là phương pháp kiểm soát xung lực, nó phải bị thay thế bởi sự kiểm soát của lý trí đối với bản ngã. Cùng chia sẻ quan điểm này, truyền thống Công Giáo xem lương tâm vừa thuộc lý trí vừa có tính phát triển suốt cuộc sống khi các khả năng lý trí của con người phát triển. Như vậy, lương tâm không phải là siêu ngã, không phải chỉ là một vết tích nào đó của tuổi ấu thời phải được vượt qua. Đúng hơn, lương tâm phải không ngừng được hình thành trong suốt đời người.

Khi Công Đồng Vatican II dạy rằng mỗi người và mọi người đều có bổn phận theo tiếng nói lương tâm của mình, thì lương tâm mà người ta phải theo ấy là sự phán đoán mà người ta thực hiện (« tôi có bổn phận làm điều này »; « tôi sẽ sai nếu làm thế »). Sự phán đoán này hoàn toàn có tính cá nhân. Nó được dùng để hướng dẫn các hành động của mình, không phải của người khác. Có thể lấy một ví dụ tốt về điều này trong vở kịch A Man for all Seasons của Robert Bolt về Thomas More:

NORFOLK: Tôi không phải là một học giả, như Cromwell vẫn luôn nghĩ thế, và thú thật tôi không biết cuộc hôn nhân này có hợp pháp hay không. Nhưng này, Thomas, đâu phải chỉ một mình tôi, còn biết bao người khác nữa cũng làm thế! Bạn quá biết họ đấy chứ! Bạn không thể làm điều chúng tôi đã làm, không thể theo chúng tôi, cho có bạn bè à?

MORE: (trầm ngâm) Ông nghĩ coi, khi chúng ta đứng trước mặt Chúa, và ông được đưa vào thiên đàng vì đã làm theo lương tâm của ông, còn tôi phải lãnh án phạt vì đã không làm theo lương tâm của tôi, liệu ông có sẽ đi với tôi cho có bạn bè hay không?

CRANMER: Thế thì ai trong chúng ta là những kẻ bị nguyền rủa, hở Thomas?

MORE: Tôi không biết. Thưa ngài. Tôi không thể nhìn thấy được lương tâm của một người khác. Tôi không lên án ai. (33)

More đã phán đoán rằng ông không thể đoan chắc về điều mà ông không tin; song ông chấp nhận sự kiện rằng người khác có thể tin tưởng khác với mình và do đó có thể theo lương tâm ngay lành của họ để tuyên thệ một điều mà ông không thể.

Công Đồng Vatican II dạy rằng

Lương tâm nhiều khi lầm lạc vì sự ngu dốt không thể được vượt qua, nhưng cũng không vì thế mà mất hết phẩm giá. Nhưng không thể nói như vậy khi con người thiếu quan tâm đến việc tìm kiếm chân lý và sự thiện, hoặc khi lương tâm dần dần trở nên mù quáng do thói quen phạm tội (GS 16).

Công Đồng muốn nói gì khi nói "sự ngu dốt không thể được vượt qua"? Nói về "sự ngu dốt không thể được vượt qua" chính là nói về khả năng lương tâm người ta có thể bị lung lạc. Phải chăng một người phải theo lương tâm của mình, ngay cả khi lương tâm đó đang ở trong tình trạng sai lầm?

Rõ ràng, khỏi bàn đến trường hợp mà một người biết rằng lương tâm của mình sai lầm. Bấy giờ đương sự sẽ theo sự phán đoán của lý trí sau khi đã cân nhắc một cách sáng suốt. Nhưng trong trường hợp khác, khi lương tâm của một người sai lầm nhưng đương sự không hề ý thức được sự sai lầm này, thì sao? Ở đây mở ra vấn đề nên hay không nên trách người ta vì họ đã không hiểu biết tốt hơn. Phải chăng một người phải chịu trách nhiệm về sự nhầm lẫn? Hay, theo truyền thống, câu hỏi được đặt ra là: sự ngu dốt này có thể hay không thể được vượt qua?

« Sự ngu dốt có thể được vượt qua" là loại sai lầm mà người ta không nên làm. Người ta đáng lẽ phải hiểu biết hơn. Chẳng hạn, trường hợp một người lái xe khi say rượu. Có phải là một lời bào chữa hợp lý cho hành động khi người tài xế ấy nói rằng anh ta say quá không thể biết rằng mình không nên lái xe? Hay phải chăng là có lý việc lập luận rằng anh ta đã không biết việc lái xe trong khi say rượu là vi phạm luật? Trong trường hợp thứ hai, để được cấp bằng lái xe, mỗi người chắc chắn đã chứng tỏ mình hiểu biết căn bản về luật cùng với kỹ năng lái xe căn bản. Việc không biết trách nhiệm không phải là sự biện minh hợp lý. Còn trong trường hợp thứ nhất, biện hộ cho việc say rượu là biện hộ cho tội lỗi.

« Sự ngu dốt không thể được vượt qua" là tình huống trong đó người ta không thể bị qui trách nhiệm vì lý do không hiểu biết. Mặc dù đương sự làm điều sai trái, đương sự đã không làm thế một cách hữu ý và vì thế được miễn chấp. Hành động của đương sự ở đây không được đánh giá là tốt; đúng hơn đương sự có lỗi nhưng không bị bắt lỗi.

Việc bàn luận về sự ngu dốt có thể được vượt qua và sự ngu dốt không thể được vượt qua dẫn tới kết luận rằng mỗi người có trách nhiệm phải biết đâu là điều đúng để làm. Mỗi người chúng ta phải tích cực tìm hiểu mình nên làm gì và nên không làm gì. Tiến trình này trong đời sống luân lý được gọi là huấn luyện lương tâm. Huấn luyện lương tâm là một tiến trình tiếp tục không ngừng suốt cuộc sống, vì chúng ta không ngừng tiếp xúc với những tình huống mới yêu cầu sự phân định về luân lý.

Theo Công Đồng, "lương tâm ngay thẳng càng thắng thế thì những cá nhân và cộng đoàn càng tránh được độc đoán mù quáng và càng nỗ lực tuân phục những tiêu chuẩn khách quan của luân lý." (GS 16)

Trong một tình trạng thay đổi liên tục về luân lý như nhiều người có thể cảm thấy hiện nay, ngày nay liệu có ai có thể bị qui trách nhiệm phải biết các chuẩn mực khách quan của luân lý hay không? Đứng trước những bất đồng sừng sững về luân lý đang tràn ngập trong xã hội Mỹ hôm nay, phải chăng chúng ta phải tự mình thiết định riêng cho mình những nguyên tắc? Phải chăng luân lý là cái gì hoàn toàn có tính tương đối?

Luật

Trong hai ngàn năm nay Kitô giáo đã dạy rằng luân lý không duy chỉ có tính chủ quan, nhưng còn có những chuẩn mực khách quan. Cách thông thường để nói về tính khách quan của các chuẩn mực luân lý đó là sử dụng ý niệm về luật. Nguồn tổng hợp truyền thống và các giáo huấn Công Giáo về luật có thể được tìm thấy nơi Thánh Tôma Aquinô (1224-1274).

Quan điểm của Tôma về luật cắm rễ nơi nhận thức của ngài về tầm quan trọng của lý trí. Lý trí là nguyên tắc hành động của con người; nó là qui tắc và là thước đo của hành động con người. Vì luật cũng chi phối và đo lường hành động của con người nên luật cũng đóng vai trò của lý trí. Định nghĩa tổng quát về luật được Tôma nêu ra là "một qui định của lý trí về điều tốt tổng quát, phát xuất từ người có mối quan tâm đến cộng đoàn, và đã được ban bố". (34)

Phân tích trên đây về luật được Tôma áp dụng cho giáo huấn Kitô giáo về Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa và là nguồn của mọi điều thiện hảo. Vì Thiên Chúa là Nhà Cầm Quyền trên vũ trụ, nên các Kitôhữu nói về sự quan phòng thần linh theo nghĩa Thiên Chúa cai quản sao cho toàn thể được tốt đẹp. Lý Trí Thần Linh cung ứng một kế hoạch cai quản mọi sự mang đặc tính của luật. Bởi vì Thiên Chúa là Đấng tác tạo nên thời gian và Lý Trí Thần Linh ở ngoài thời gian, nên qui tắc và thước đo của mọi sự nơi Thiên Chúa được gọi là "luật vĩnh cửu". Luật vĩnh cửu là kế hoạch của Thiên Chúa Thượng Trí.

Cách này hay cách khác, mọi sự đều có thông dự vào luật vĩnh cửu. Con người được ban cho lý trí, và vì thế con người thông dự vào luật vĩnh cửu một cách đặc biệt. Tôma gọi sự thông dự của thụ tạo có lý trí vào luật vĩnh cửu là "luật tự nhiên". Nội dung của luật tự nhiên bắt đầu với nguyên tắc thứ nhất của luân lý: làm lành, lánh dữ. Con người thiên về hướng làm điều lành. Bản năng tự tồn, duy trì nòi giống loài người, sự hiểu biết Thiên Chúa và việc sống trong xã hội, ... vì thế là nền tảng cho các nguyên tắc luân lý đóng vai trò chuẩn mực và thước đo của hành động con người. Những mối quan tâm luân lý như thế áp dụng cho mọi người ở mọi nơi và mọi thời. Tuy nhiên, khi chúng ta đi từ những vấn đề tổng quát tới những vấn đề chuyên biệt hơn, Tôma nhận ra rằng các chuẩn mực luân lý cũng phải trở thành chuyên biệt hơn một cách tương ứng. Ngài gọi những chuẩn mực chuyên biệt này là "những qui tắc đệ nhị của luật tự nhiên". Trong tư cách là những xác định của các qui tắc đệ nhất có tính tổng quát hơn của luật tự nhiên, những qui tắc đệ nhị này thay đổi theo với những sự khác biệt nơi những vấn đề liên hệ.

Con người cũng còn có một nhu cầu tổ chức mình trong xã hội. Như vậy một loại luật khác được cần đến để thiết định các phán quyết khác nhau về một số vấn đề, Tôma gọi đây là "luật của con người". Mặc dù các tập tục của một dân tộc được bao gồm trong ý niệm của Tôma về "luật của con người", nói chung những luật này được đưa ra bởi nhà cầm quyền hợp pháp để phục vụ cho công ích của toàn thể cộng đồng. Nếu các luật này đúng đắn, thì dân chúng có bổn phận theo lương tâm phải tuân theo luật này. Nhưng cái gì sẽ xác định tính đúng đắn của các luật này? Rốt cục, luật cao nhất, luật vĩnh cửu là nguồn của công lý. Luật của con người phải phù hợp với luật vĩnh cửu bằng cách thích nghi với luật tự nhiên. Nếu luật của con người chà đạp luật vĩnh cửu, nó sẽ không đúng đắn và sẽ không ràng buộc được lương tâm của bất cứ ai.

Việc bàn luận về luật tới đây vẫn chưa hết, vì các Kitôhữu cần hội nhập vấn đề Thánh Kinh nữa. Luật của Thiên Chúa như được tìm thấy trong Thánh Kinh sẽ ăn khớp với phân tích của Tôma như thế nào? Tôma sử dụng thuật ngữ "luật thần linh" để qui chiếu đến luật được tìm thấy trong các Sách Thánh. Như vậy, luật thần linh gồm hai phần: Luật cũ được tìm thấy trong Cựu Ước và Luật mới được tìm thấy trong Tân Ước. Tôma dạy rằng luật thần linh cần cho con người hơn cả sự hướng dẫn của luật tự nhiên và luật của con người - để cho người ta có thể biết chắc điều gì nên làm và điều gì phải tránh.

Như giáo huấn của Tôma về luật cho thấy rõ, luật vĩnh cửu, tức luật trong thượng trí của Thiên Chúa, được con người biết đến qua hai nguồn: lý trí con người xét như luật tự nhiên và mạc khải thần linh trong Thánh Kinh tức luật thần linh. Trong tư tưởng Công Giáo, hai nguồn này phải hòa hợp với nhau một cách cốt yếu. Thế nhưng suy tư của cả Công Giáo lẫn Tin Lành đều không đồng hóa luân lý Kitô giáo với luân lý Thánh Kinh. Kitô giáo nhìn nhận rằng Đức Giêsu và Tân Ước nối tiếp với Giao Ước cũ nhưng đồng thời cũng có những vấn đề thay đổi. Vì thế giáo huấn của Cựu Ước phải được điều hợp vào đời sống Kitô giáo, mặc dù Muời Điều Răn vẫn được áp dụng cho các Kitôhữu.

Các Nhân Vị Và Trách Nhiệm

Trong quá khứ, các Kitôhữu thường nghĩ về luân lý Kitô giáo với một não trạng có tính pháp lý, nghĩa là đời sống Kitô giáo được cho là tốt nhất khi tuân giữ luật. Theo quan điểm này thì tất cả những gì chúng ta phải làm để nên tốt, để trở thành dân mà Thiên Chúa mời gọi chúng ta trở thành, đó là biết luật và giữ luật. Tuy nhiên, phần lớn đời sống chúng ta, phần lớn bản chất và hành động của chúng ta thì vượt quá phạm vi của những gì có thể được ấn định trong các khoản luật thành văn.

Với sự hiệu chỉnh của thần học luân lý, đã có một chuyển hướng sự nhấn mạnh sang các ý niệm về nhân vị và trách nhiệm. Hình ảnh được quan tâm hàng đầu ngày nay, đó là mỗi người chúng ta là những nhân vị phải hành động một cách có trách nhiệm trong quan hệ với các nhân vị khác. Các nhân vị là thịt và máu, tinh thần và con tim, với những nhân đức và tính cách. Các nhân vị có quá khứ, hiện tại và tương lai. Các nhân vị biết mình và biết người khác, biết (theo các mức độ khác nhau) về các sắc thái riêng của cuộc sống của nhau. Trong khi biết những con người cụ thể và những hoàn cảnh trong đó mình sống, chúng ta kinh nghiệm các bổn phận luân lý vượt quá những gì có thể được ấn định bởi luật. Các thực tại khách quan của con người và các giá trị nhân linh gợi lên nơi sâu thẳm của nhân vị những thái độ đáp trả đầy tự do, sáng tạo và trung tín. Đây là ý nghĩa đích thực của mệnh lệnh "hãy yêu thương tha nhân như chính mình". Trái tim con người cảm thấy được thúc đẩy vượt quá bất cứ những gì mà luật qui định để đáp ứng các nhu cầu của người khác. Tình yêu năng động này của các Kitôhữu đối với tha nhân chính là hình thức của cuộc sống mà tình yêu Thiên Chúa đòi hỏi. Nó là sự thể hiện tích cực sự chọn lựa nền tảng của người Kitôhữu: lựa chọn chính Thiên Chúa.

Luân Lý Cá Nhân / Luân Lý Xã Hội

Các Kitôhữu không được phép bỏ qua bản chất xã hội của lối sống Kitô giáo. Nếu mở Thánh Kinh ra để tìm sự hướng dẫn, chúng ta sẽ thấy rằng những ý niệm bao quát nhất không mang tính cá nhân nhưng là mang tính cộng đồng. Chẳng hạn, ý niệm về giao ước với Thiên Chúa tràn ngập trong toàn bộ Thánh Kinh. Giao ước với Môsê được thiết lập trên Núi Sinai đã tạo nên căn tính cho con cái It-ra-en xét như một dân tộc, một dân được Thiên Chúa tuyển chọn. Cũng vậy, giao ước mới được công bố bởi Đức Giêsu tại Bữa Tiệc Ly đã tạo ra một căn tính mới cho các môn đệ của Người, họ trở thành Hội Thánh. Trong cả hai giao ước này, Thiên Chúa có sáng kiến mời gọi người ta hưởng ứng một lối sống mới và người ta đáp trả bằng cách đi vào lối sống mới này với Thiên Chúa bấy giờ là trung tâm của đời sống họ.

Giáo huấn của Giáo Hội đã không bỏ qua chiều kích xã hội của lối sống Kitô giáo. Trong một trăm năm vừa qua, các giáo huấn giáo hoàng về các vấn đề xã hội hiện ra như một ngọn hải đăng soi sáng cho những vấn đề nóng bỏng của ngày nay. Để mừng kỷ niệm 100 năm các thông điệp xã hội này, Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã soạn thảo Centesimus Annus (1991) đề cập đến trật tự thế giới mới xuất hiện sau sự sụp đổ của các chế độ cộng sản ở Đông Âu và những sự cải cách trong chính Liên Bang Sô Viết.

Truyền thống hiện đại của giáo huấn xã hội Công Giáo đã nhìn thấy các giáo hoàng đề cập đến các vấn đề xã hội nổi cộm nhất của ngày nay. Truyền thống này bắt đầu từ năm 1891với Đức Leo XIII qua thông điệp Rerum Novarum của ngài, một sự bênh vực quyết liệt các quyền lợi của giới thợ thuyền tại các quốc gia công nghiệp hóa. Giáo Hoàng Piô XI trong Quadragesimo Anno, ban hành năm 1931, đã nhìn chung nhu cầu phản kháng sự trỗi dậy của các nhà nước chuyên chế và đề cập đến các vấn đề lương bổng công bằng tại các nước tư bản. Vào năm 1963, Giáo Hoàng Gioan XXIII công bố Pacem in Terris, trong đó ngài vạch ra trật tự luân lý cần thiết cho hòa bình thế giới và đưa ra sự bênh vực triệt để đối với các quyền của con người xét như một phần của trật tự luân lý ấy. Gần đây hơn, năm 1967, Giáo Hoàng Phao-lô VI trong Populorum Progressio đã tập chú suy tư Công Giáo trên nhu cầu phải phát triển các dân tộc xét như là điểm tựa chủ yếu cho trật tự quốc tế.

Những vấn đề ấy của giáo huấn xã hội cũng là mối ưu tư hàng đầu của các giám mục gặp gỡ tại Công Đồng Vatican II. Các ngài soạn thảo và ban hành vào năm 1965 Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội Trong Thế Giới Hôm Nay (Gaudium et spes) để soi rọi ánh sáng của Đức Kitô trên những vấn đề mà thế giới đang phải đương đầu. Các ngài vận dụng các giáo huấn và các lý tưởng của Đức Kitô vào năm vấn đề khẩn cấp: hôn nhân và gia đình, sự phát triển của văn hóa con người, đời sống kinh tế, xã hội, và chính trị, mối quan hệ giữa các quốc gia, hòa bình thế giới và vấn đề chạy đua vũ trang.

Kể từ Công Đồng Vatican II, các đại hội cấp vùng của các giám mục Công Giáo cũng đã suy tư về các vấn đề xã hội. Đáng kể cách riêng đó là Hội Nghị Toàn Thể Các Giám Mục Châu Mỹ Latinh lần thứ hai tại Medellin, Columbia vào mùa hè năm 1968. Các giám mục tại hội nghị này đã thảo luận các vấn đề về giải phóng, về hòa bình và công lý tại Châu Mỹ Latinh. Các ngài đề cập đến các vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội nóng bỏng tại các quốc gia của các ngài, cũng như nêu nhu cầu cải cách Giáo Hội. Từ ngữ "tạo ý thức" - nói lên tiến trình giáo dục xã hội và phát triển lương tri xã hội - đã trở thành một khẩu hiệu thường xuyên được nhắc đến.

Các giám mục Hoa Kỳ đã công bố hai thư mục vụ quan trọng vào thập niên 1980. Thách Đố Của Hòa Bình (1983) đề cập đến những vấn đề ngăn chặn vũ khí hạt nhân và chiến dịch tăng cường quân sự của chính phủ Reagan. Công Bằng Trong Kinh Tế Cho Mọi Người (1986) thảo luận về những thay đổi trong nền kinh tế Hoa Kỳ và nhu cầu phải đánh giá cả những thay đổi đó lẫn những chính sách của chính phủ trong ánh sáng của giáo huấn Công Giáo về xã hội.

Bằng cách nào những nguyên tắc tổng quát này của giáo huấn Công Giáo về xã hội có thể được sử dụng tốt nhất để thông đạt cho các lương tâm Kitôhữu và giúp biến đổi đời sống cá nhân của người ta? Sự tập chú cách chật hẹp vào việc xưng thú các tội lỗi sẽ làm cằn cỗi các cảm thức bén nhạy của người ta, làm cho người Kitôhữu suy nghĩ cách tiêu cực rằng cố sao không vi phạm các điều luật như cấm giết người, cấm ngoại tình, ... Một cách tiếp cận tốt hơn sẽ sử dụng những giáo huấn này để đề xuất những đóng góp tích cực mà các Kitôhữu có thể thực hiện cho xã hội.

KẾT LUẬN

Chương này vừa điểm qua một số trong những vấn đề mà sự suy tư về đời sống luân lý Kitô giáo khơi lên. Tầm quan trọng của lương tâm và của việc theo lề luật Thiên Chúa đương nhiên phải được đề cập tới. Tuy nhiên, còn có những vấn đề rộng hơn nữa cần được xem xét, trong đó đáng kể là bản chất của người Kitôhữu, sự phát triển của tính cách và sự đào luyện các khả năng người ta, và câu hỏi quan trọng về việc quan hệ có trách nhiệm với các anh chị em xung quanh mình. Những khía cạnh này của luân lý cá nhân cũng phải được móc nối với các chiều kích xã hội của Tin Mừng và chỗ đứng quan trọng của Thánh Kinh trong đời sống Kitô giáo. Như vậy, thách đố của thần học luân lý vẫn còn là thách đố soi rọi cho thấy cuộc sống, cái chết và sự Phục Sinh của Đức Giêsu đã mở ra loại đời sống nào.

CÂU HỎI GIÚP TÌM HIỂU

1.Hãy thảo luận ý niệm về sự chọn lựa nền tảng. Theo bạn, các hành động của một người sẽ bộc lộ hay trình bày mối quan hệ nền tảng của người ấy với Thiên Chúa qua những cách nào?

2.Hãy giải thích những cách thế trong đó lãnh vực thần học luân lý đã được phát triển trong liên hệ tới sự thực hành của Giáo Hội và hãy ghi nhận những loại thay đổi mà thần học luân lý đã trải qua trong những năm gần đây.

3.Ngoài những nhân đức được đề cập đến trong bài này, hãy ghi nhận những nhân đức khác có thể đặc trưng cho loại người mà các Kitôhữu được mời gọi trở thành.

4.Lương tâm là gì? Tại sao các Kitôhữu luôn luôn cần phải theo tiếng lương tâm của mình? Những gì gây khó khăn cho người ta trong việc tuân theo tiếng lương tâm?

————————-

(32) Xem Timothy E. O'Connell, Các Nguyên Tắc Luân Lý Công Giáo (San Francisco: Haper and Row, 1990) 109tt. Xin xem thêm A. Gula, Lý Chứng Bởi Đức Tin (NY: Paulist Press) 130tt.

(33) Robert Bolt, A Man For All Seasons (NY: Random House, Inc., Vintage Books, 1962) 76-77.

(34) Summa Theologiae I-II, Q. 90, A. 4.

Hết Chương 9: THẦN HỌC LUÂN LÝ: ĐỨC TIN VÀ LỐI SỐNG KITÔ GIÁO
Thông tin sách