Nếu Nguyễn Thị Thanh Bình có bút pháp thẳng băng, cái gì nói đúng cái đó, thường dùng các từ giản dị thường ngày, ít ấn tượng, ẩn dụ bóng bẩy, Nguyễn Thị Ngọc Nhung ngược lại, có bút pháp cổ điển, trau chuốt hơn. Lối đặt câu ngắn dài xen kẽ nhau, dùng từ chọn lọc. Sự miêu tả được đặt trong khung cảnh nhất định, thí dụ như những ngày có thứ gió được gọi là "...gió Santa Ana ngặt nghèo. Mang theo hơi nóng. Mang theo bụi bặm. Mang theo bông phấn. Mang theo mọi thứ mà nó mang được, phủ cho chỗ này, vất cành khô lá rụng bên kia. Những thứ không mang được, nó lung lay vật vạ cho đến đứt ngang hay lật lìa phất phơ. Cơn gió Santa Ana thổi sạch đường này bằng cách vứt rác sang đường kia..."
Nhân vật chính của truyện về ngày gió lớn và khét nóng cỏ đồi cháy miền Cali Hạ, là cô gái Cảo có bồ trai là một ông có vợ, sau một thời gian sống chung, vừa bỏ đi về với gia đình. Cảo là một người nữ trưởng thành về tình dục, có thói quen đêm ngủ thường hay nắm lấy con chim của chàng, không khóc lóc vì chuyện tình dang dở. Thức dậy trong tiếng gió mạng khi chàng đã đi rồi, nàng pha cà phê, trong khi đợi cà phê chảy nàng đọc thư trên mạng, chợt nghe thấy tiếng vật thủy tinh rơi bể trong sân nhà bên cạnh thấp hơn. Nàng vén màn nhìn xuống và được chứng kiến một hoạt cảnh diễn ra, như trên sân khấu thấp:"...người đàn bà đưa lưng trần về phía Cảo cúi khom nhặt vật gì quanh quẩn chiếc ghế lưng ngửa dài... Hai trái vú tròn đong đưa khi cô ta cúi khom. Thứ vú to khi thõng lại gợi tính kích thích... Người đàn ông nhìn quanh rồi nhìn người đàn bà nói gì, cô ta cười, tiếng cười dòn theo gió lúc lớn lúc nhỏ... Cô lắc lắc đầu theo chiều gió để tóc bay cùng hướng, một tay gom tóm tóc nơi gáy, tay kia vén mấy sợi tóc chạy lạc. Dáng đứng của người đàn bà gợi cảm. Hai tay giơ lên bận bịu với tóc, cặp vú tròn, đầu vú nổi bật hai vết sẫm lớn, mông vun cao, đường eo uốn cong khúc quanh gắt. Chợt người đàn ông vất cái chổi, sấn lại gần, từ sau lưng ôm vòng ra trước úp chụp lấy một vú. Người đàn bà ôm giữ cánh tay hắn... Cả hai đều cười. Tiếng cười vỡ lớn được gió đưa lên dốc đến tận nơi Cảo đứng, màn cửa sổ giữ trong tay.
Cảo thản nhiên đứng nhìn... người đàn bà trẻ ôm người đàn ông trong tay âu yếm hơn... Gió thổi hốt xoáy lá quay vòng nơi sân sau của ngôi nhà đó. Bàn tay người đàn ông lần cởi cái quần pyjama thắt dây hững hờ nửa bộ mông của người đàn bà. Cô ta cười, Cảo không nghe rõ tiếng. Gió vút mạnh. Cô nhỏm người lên, lấy sợi dây lưng quần của mình nơi tay người đàn ông, nới lỏng mối cột. Hắn buông dây cho cô rồi đưa tay vuốt hai bầu vú. Đầu hắn gục sát ngực cô, một tay vẫn vần vần xoay xoay đầu vú khi cô rướn mình lên cao hơn tí nữa để tuột quần khỏi bàn chân. Bên này rồi bên kia. Gió vẫn mạnh hơn, hơi rít rồi hú lớn, vụt chạy đâu đó rượt đuổi. Hai ba chiếc lá khô rơi trên vai trần của người đàn bà trẻ rồi trên ngực người đàn ông. Hắn phủi phủi lá rồi một tay ôm người đàn bà nơi mông, tay kia chống xuống mặt ghế lấy thế từ từ nhỏm dậy. Người đàn bà ôm cổ hắn, cười hắt tiếng lục khục đứt đoạn, hai chân cô quấn chặt lưng người đàn ông... Thoáng cô ngẩng lên. Cảo không tránh. Người đàn bà nhìn lên. Hình như cô mỉm cười rất tự nhiên, với Cảo." {Ngày gió, HL69, 2-2003}
Thời tiền chiến trước 1945 là thời của tình yêu lãng mạn, romantic, ...thời của Tự Lực Văn Đoàn, có một cảnh đôi trẻ tình tự trên đồi sắn một ngày gió lộng, lá khô rơi tơi bời trên hai người. Nhưng hai người quần áo chỉnh tề và không ai đụng chạm tới áo quần, không cởi cho mình và cũng không cởi cho ai hết, gió thổi phần phật, mặc gió, lá rơi mặc lá muốn rơi đâu thì rơi. Trong một truyện khác cũng nổi danh của văn đoàn này, một đôi nam nữ đi chơi trên đồi cỏ, rất yêu nhau nhưng chàng và nàng chỉ nằm dài trên cỏ, nhìn mắt nhau qua lớp cỏ may. Thế thôi. Và như thế được coi như những cảnh lãng mạn điển hình không những trong tiền chiến ở Việt Nam, mà còn cả bên Pháp, bên Âu Châu từ thế kỷ 19. Còn bây giờ, đầu thế kỷ 21, nhà văn dù lãng mạn hay không, ít khi tả cảnh trai gái yêu đương như thế nữa, mà tả xa hơn đến chỗ ôm nhau và hôn môi hôn miệng, rồi thông qua chuyện làm tình (độc giả hiểu ngầm cho), chuyển đến hồi sau khi làm tình. Còn tả đại khái như nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Nhung trong đoạn văn trích trên, dứt khoát đi xa hơn thời tiền chiến nhiều chặng, dù chưa tới giai đoạn làm tình đích danh, cũng thừa đủ các ông đồ của nhà thơ Vũ Đình Liên ở nơi nội địa và hải ngoại chê là khiêu dâm.
Phần người viết bài, khi đọc Ngọc Nhung, vẫn thấy phảng phất một không khí lãng mạn đâu đây, dù sự miêu tả đã đi tới chặng đôi trẻ cởi quần áo cho nhau rồi quấn chặt, bồng bế nhau đi vô nhà, trong cơn gió Santa Ana khô nóng làm lá khô rơi rụng nhiều như trong Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng ngày nào. Chỉ khác một điểm là lãng mạn bây giờ là lá rụng tơi tả trên da thịt trần truồng của đôi trẻ. Như một lời thơ nhạc của Lê Uyên Phương: Hãy ngồi xuống đây yêu nhau trần truồng kiếp sống hoang sơ... Thế thôi. Vẫn tình yêu như thế đó, vẫn gió mạnh và lá rụng tơi tả, khác nhau giữa lãng mạn thời xưa và hiện nay là ở chỗ xưa mặc quần áo, còn bây giờ thì không chăng?