Tiểu sử, Hồi ký
Tác giả: Lưu Trọng Lân

Ký ức Đường Trường Sơn

Chương 9: Dặm đường Trường Sơn

"Nếu hy sinh, em muốn nằm kề trọng điểm,

Để ngày ngày em được nghe tiếng xe qua..."

Trọng Khoát

Buổi trưa hôm ấy, tôi lim dim mắt nằm nghe cậu Tám hát bài "Miền Nam nhớ mãi ơn Người" của nhạc sĩ Lưu Cầu. Tâm là một chiến sĩ thông tin, có giọng hát rất hay và cũng rất hay hát. Những lúc rảnh rỗi, trong khung cảnh kỳ vĩ của Trường Sơn, chúng tôi vẫn thường nghe Tâm hát như thế:

"Mây trắng Trường Sơn quanh năm thương nhớ Người. Sông nước Cửu Long không phút giây nào nguôi niềm thương nhớ Bác đến muôn đời..."

Giọng hát ngọt ngào và sâu lắng của người chiến sĩ trẻ làm tôi bồi hồi nhớ lại bao kỷ niệm đẹp về những lần tôi may mắn được gặp Bác Hồ trước đây. Chợt có tiếng cậu Ngàn, nhân viên cơ yếu, cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi:

-Báo cáo thủ trưởng, có điện khẩn!

Cầm lấy quyển sổ, tôi đưa mắt lướt nhanh:

"Anh Lân thu xếp tối nay lên Bộ Tư lệnh Đoàn 559 nhận chỉ thị. Xong, về ngay Sở chỉ huy cơ bản họp. Ký điện: Chi".

Tôi vội gọi anh Khâm, tham mưu phó trung đoàn, lên thay tôi trực chỉ huy, để tôi tranh thủ đi tắm một lát. Suốt tuần qua tôi chẳng được tắm giặt gì cả. Áo quần ẩm mồ hôi rất khó chịu. Chẳng phải vì lười, mà là do quá bận, hơn nữa việc đi tắm ở đây không phải chuyện dễ dàng. Mỗi lần đi tắm, chúng tôi phải đi lẻ từng một, hai người, vượt qua bãi trống khá rộng chi chít những hố bom, rồi phải đi thêm chừng một cây số đường rừng nữa mới ra đến bờ suối.

Giữa mùa khô Trường Sơn, nước trong các hố bom hầu như cạn kiệt, Duy chỉ còn một hố bom lớn nhất là có nước, nhưng cũng đã nỏi váng màu vàng. Vì không còn nhiều thời gian, tôi quyết định ra tắm ngay tại hố bom kia, mặc dầu biết rằng ở trên trời luôn luôn có máy bay trinh sát Mỹ hay lượn lờ, soi mói. Đến đầu bãi trống, không nghe tiếng động cơ, tôi đi nhanh ra bố bom, đặt quần áo lên đó, tôi bắt đầu tắm.

Đang mải mê kỳ cọ, tôi chợt nghe tiêng vo vo... từ xa vọng lại. Vừa ngửa mặt nhìn lên, đã thấy ngay một chiếc OV10 đang lao tới. Vội khom người xuống, đưa tấm lưng trần lên trên-cho giống hòn đá bên cạnh-tôi ngồi yên không nhúc nhích. Chỉ có cái đầu nghiêng nhẹ để theo dõi đường bay của tên do thám. Ở đường Trường Sơn, lính ta rất ghét tên giặc chỉ điểm lợi hại này. Nó bay dai như đỉa đói, hết vòng trái sang vòng phải, hết quành số 8 sang lượn vòng tròn. Hễ thấy mục tiêu là nó phóng ngay pháo khói. Một cột khói trắng bùng lên và lập tức bọn cường kích địch ào tới quẳng bom liền.

Trời nắng chang chang, da tôi nóng bỏng, nhưng tôi vẫn phải khom lưng chịu trận. Mỗi lần nó lượn ra xa, tôi tranh thủ tắm giặt. Khí nó vòng lại gần, tôi liền thu mình ngồi yên. Trò chơi ú tim ấy cứ lặp đi lặp lại đến năm, sáu lần mới kết thúc. Đợi chiếc OV10 bay xa về phía nam tôi tranh thủ mặc quần áo đứng dậy ra về. Tính ra, tôi đã mất với nó hơn một tiếng đồng hồ.

Vì xe con của đơn vị bị hỏng máy, tôi quyết định cuốc bộ ra ba-ri-e Z27 đón xe binh trạm đi nhờ. Trạm Z27 ở kilômét 53 đường 128, nằm ngay giữa ngã ba Xóm Péng, một trong những trọng điểm ác liệt của đường Hồ Chí Minh. Từ ngã ba ấy đi ngược trở ra là về lại Lằng Khằng, Mụ Giạ, Cổng Trời, Khe Ve. Hướng đi vào chia làm hai nhánh. Nhánh một: theo trục chính là đường 128, qua dốc Tha Pha Chon vào Lùm Bùm. Nhánh hai: theo đường 129, qua Dốc Nứa, Tha Khô Khèn vào Na Nhom...

Là một ngã ba nằm giữa trọng điểm, Z27 bị máy bay Mỹ đánh phá rất ác liệt. Chúng đã biến cả một khu rừng già bạt ngàn cây săng lẻ cao vút, có rất nhiều hoa phong lan, trước kia tươi tốt, xanh um, bây giờ trở thành một vùng đất hoang tàn, trơ trọi những thân cây cháy sém, ngổn ngang những cành khô đổ gục, cùng những đống tro tàn.

Tôi đứng cạnh Tuấn, tiểu đội trưởng công binh, phụ trách điều chỉnh, để đợi xe. Tuấn cho biết Z27 vừa bị một trận bom lúc chiều. Trong hoàng hôn, trước mắt tôi hiện ra hàng trăm ngọn lửa bám quanh những thây cây đơn độc, đang leo lét cháy. Những cục than hồng đây đó thỉnh thoảng lại rực sáng lên mỗi khi có luồng gió mạnh thổi qua. Tuấn nói:

-Nó đánh dữ dội lắm! Nhưng nhờ có hầm chữ A kiên cố, nên bọn em vẫn an toàn. Có một lần bom đánh sập cửa hầm. Bọn em chỉ bị sức ép thôi. À! Xe sắp tới rồi!

Trong tiếng động cơ ì ì ngày một to, một chiếc xe Zin ba cầu, "dàn mướp" kín lá nguỵ trang, lù lù đi tới. Chiếc đèn nhỏ dưới gầm xe toả ra một vầng sáng mờ nhạt. Tuấn, đeo băng đỏ trên cánh tay và chiếc còi treo ở cổ, ra hiệu cho xe dừng lại, rồi đứng lên bậc xe, nói với người lái cho tôi đi nhờ. Chiếc xe thứ hai cũng vừa đến phía sau, "phá" lên một tiếng, tiếng "phà" quen thuộc của loại phanh hơi.

Chờ cho tôi ngồi lọt vào cabin, Tuấn phất tay cho xe đi tiếp, theo lối đường 128-Tuấn chào tôi. Tôi vẫy chà lại người tiểu đội trưởng của ngã ba nổi tiếng kiên cường này. Đêm ấy, đoàn xe chúng tôi đ trót lọt, mặc dầu cũng có đôi lần bị khống chế bởi những chùm pháo sáng và mất loạt bom. Đến trạm cuối cùng, tôi xuống xe. Đoàn xe chạy tiếp vào khu kho để xuống hàng, còn tôi tìm đường đến cơ quan Bộ Tư lệnh.

Cuộc họp sáng nay diễn ra ngắn gọn. Phó chính uỷ Đoàn 559 Lê Si phổ biến nghị quyết của Đảng uỷ và chỉ thị của Bộ tư lệnh Binh đoàn về tình hình, nhiệm vụ, kế hoạch, chỉ tiêu của đợt vận chuyển lớn sắp tới. Riêng với chúng tôi, đồng chí nhắc nhở. Nhiệm vụ số một của lực lượng cao xạ là phải kiên cường đánh địch, đánh mạnh, để bảo vệ đội hình xe tiến công, nhất là trên các trọng điểm.

Sau cuộc họp, các thủ trưởng binh trạm còn phải ở lại thêm một ngày để làm việc với cq. Riêng tôi, phải về gấp cho kịp cuộc họp mà anh Chi, trung đoàn trưởng, đã triệu tập. Tôi chọn hướng đi về theo đường 20, bằng xe vận tải của binh trạm 14.

Nhẹ nhàng với chiếc ba lô con cóc, tôi tìm đến bãi xe của tiểu đoàn vận tải 102. Khoảng 18 giờ, đội hình xe đã có mặt đầy đủ ở tuyến xuất phát. Trước mắt tôi, đội ngũ các chiến sĩ lái xe trẻ, khoẻ trong bộ áo giáp và chiếc mũ sắt trên đầu, trông thật hùng dũng. Tôi hình dung các anh giống như những chàng kỵ sĩ trước giờ ra trận.

Một cán bộ đứng ra phổ biến tình hình đường sá. Vì đứng xa, tôi chỉ nghe được mấy câu, đại ý:

-Ngầm Ta Lê bị trúng một quả bom; kilômét 78 cua chữa A còn bom nổ chậm; Ngầm Cà Roòng mực nước cao 60 phân... Công binh đang nỗ lực khắc phục hố bom. Anh em hạ quyết tấm đến 18 giờ 30 thông đường.

-Đội hình xe đi ra chia làm hai mũi. Từ Kà Tốc, mũi thứ nhất gồm phân đội 1 và 2 đi theo đường E và C; mũi thứ hai gồm phân đội 3 và 4 đi theo hướng A và B. Chú ý các ngầm vì hôm nay mực nước lên hơi cao. Cẩn thận khi qua đèo Ba Thang, đường trơn, vì mới có trận mưa lúc chiều.

Tôi được giới thiệu đến phân đôi 3, lên một chiếc xe Zin bị bẹp tai và một bên cửa đã mất kính.

Anh lái xe rất trẻ, khoảng 18-19 tuổi. Còn anh lái phụ, ngồi trong, tuổi khoảng 22-23. Mấy phút sau, binh trạm thông báo: "Toàn tuyến đã thông đường!". Xe bắt đầu lăn bánh. Tôi cũng bắt đầu làm quen với anh lái phụ. Anh ta gọi tôi bằng thủ trưởng và tự xưng bằng em. Được biết anh tên là Độ, 22 tuổi, quê Đức Thọ, Hà Tĩnh. Tôi hỏi:

-Nhà Độ có gần Linh Cảm không?

Độ trả lời:

-Em quê Châu Phong, cách bến phà Linh Cảm chừng dăm cây số về phía thị trấn.

-Châu Phong, một làng khoa bảng nổi tiếng! Thế cậu học văn hoá lớp mấy trước khi đi bộ đội?

-Tốt nghiệp lớp 10! Nhưng em không thi vào đại học...

-Theo tiếng gọi của miền Nam? Khá lắm! Cậu làm lái phụ đã được bao lâu?

-Dạ... Em lái xe trên Trường Sơn đã được 5 năm rồi ạ! Tôi đang tròn mắt ngạc nhiên thì cậu Hoàn, người đang cầm lái, nói chõ sang:

-"Bê" trưởng của chúng em đấy, thủ trưởng ạ!

À lên một tiếng, tôi quay sang vỗ vai Độ:

-Thế mà mình cứ ngỡ cậu là phụ lái. Xin lỗi trung đội trưởng nhé!

Tuấn nhũn nhặn:

-Có gì đâu thủ trưởng!

Tôi bỗng cảm thấy mến anh cán bộ trẻ này. Chuyện trò dăm ba câu, phút chốc Độ trở thành người thuyết minh cho tôi nghe những câu chuyện về đường 20, nơi mà anh đã từng nhiều năm gắn bó. Độ nói năng lưu loát. Tôi chú ý lắng nghe, quên cả bụi đường và sương lạnh lùa qua ô cửa không kính.

Từ Lùm Bùm, qua ba-ri-e Kà Tốc, xe chúng tôi chạy thẳng theo đường A.

-Chúng ta đang đi vào trọng điểm A.T.P đấy!-Độ nói với tôi.

A.T.P, với cua chữa A, ngầm Tà Lê, đèo Phu-la-nhích, là cụm trọng điểm bị không quân Mỹ đánh phá quyết liệt nhất của toàn tuyến Trường Sơn. Xe qua đây coi như đi vào "cửa tử". Biết bao nhiêu chiến sĩ lái xe, cao xạ, công binh, thanh niên xung phong đã ngã xuống nơi này.

Là cán bộ của tiểu đoàn vận tải 102 anh hùng, nhưng Độ ít kể về lái xe, trái lại anh nói nhiều về lực lượng công binh và thanh niên xung phong.

-Công binh và thanh niên xung phong ở đây dũng cảm lắm!

Độ kể cho tôi nghe về Nguyễn Thị Liệu, một nữ thanh niên xung phong xinh đẹp mà gan góc, hát rất hay phá bom nổ chậm cũng rất cừ! "Trước ngày hội bắn" là bài hát tủ của Liệu. Với trang phục cô gái dân tộc Mèo, Liệu đã làm say đắm bao chàng trai. Giữa đại ngàn Trường Sơn, Nguyễn Thị Liệu như một đoá hoa rực rỡ. Vậy mà cô đã vĩnh viễn nằm xuống, trong một buổi chiều, giữa độ tuổi hai mươi.

Còn cô Vũ Tiến Đè, một thanh niên cao lớn, khoẻ mạnh và rất dũng cảm. Đề là người đầu tiên đưa xe ủi C.100 lên cua chữ A, lên tận đỉnh đèo Phu-la-nhích. Tại những cua tay áo, cua A mẹ, A con... Đề đã san bằng hàng vạn mét khối đất đá, gạt luôn cả hàng trăm quả bom nổ chậm và hàng ngàn quả bom bi lăn xuống vực sâu, mở lối an toàn cho những đoàn xe cơ giới đi vào chiến trường. Thành tích của Vũ Tiến Đề đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi.

Cậu Hoàn đang lái xe vượt đèo Phu-la-nhích, bỗng lên tiếng, cố tình nói to cho tôi nghe:

-Anh Độ có một cô bạn gái đồng hương rất xinh, công tác ở C5...

-Cái cậu này! Ai hỏi ma khai. Đừng tin nó thủ trưởng ạ!

-Ơ hay! Em nói sự thật mà. Dạo ấy, một lần xe anh Độ bị AC130 bắn cháy ở đây. Các cô thanh niên xung phong của đ 5 lao ra dập lửa, cứu hàng. Có một cô tên là Lan, lọt vào mắt của anh Độ. Thế là... Ối! Sao anh lại véo em?-Cậu Hoàn nói tiếp-Nhưng gần đây cô Lan đã chuyển đi nơi khác rồi. Cô nàng vẫn gửi thư cho anh Độ đều đều đấy ạ!

Tôi nắm chặt tay Độ. Độ mắng vào tai Hoàn:

-Mày chỉ được cái lẻo mép!-Hoàn ta khoái chí, cười hề hề.

Chúng tôi qua ngầm Tà Lê. Giữa dòng suối, khoảng 10 cô gái khoác vải dù trắng đang đứng làm cọc tiêu. Khi xe qua, các cô giơ tay vẫy chào, nhưng Hoàn không chào lại. Cậu ta đang tập trung tư tưởng cao độ. Dòng nước chảy xiết, ngầm vừa bị bom mới được sửa chữa một lần, nên còn lổn nhổn, khó đi. Độ nhắc Hoàn:

-Tăng ga lên một chút, giữ vô-lăng thật chắc vào!

Vượt qua ngầm, xe tiếp tục lên dốc, đi vào những vòng cua. Cua chữa A, bên đèo, bên suối, bên vách núi dựng đứng, bên vực sâu thăm thẳm đến ghê người. Rải rác hai cạnh đường, mấy xác xe bị bom đánh hỏng, chỏng chơ.

Xe đang xuống dốc thì bỗng một chùm đèn dù bật sáng, chếch về phía sau chúng tôi một ít. "Nó sắp ném bom đấy! Tăng ga, vọt lên, Hoàn!". Chiếc xe lao nhanh, ngoặt trái, ngoặt phải theo những vòng cua ngoằn ngoèo lượn quanh bờ những hố bom. Nhìn ra hai bên, cả phía trước và phía sau, tôi thấy từng loạt lưới lửa cao xạ tung lên, đầy trời. Tiếng theo là động cơ phản lực vút qua. Mấy loạt bom bi nổ ran phía sau. Mặc! Xe chúng tôi vẫn chạy. Những luồng đạn vạch đường tiếp tục nối nhau vút lên. Tiếng máy bay gầm rú lẫn trong tiếng bom nổ ầm ầm. Cuối cùng rồi chúng nó cũng cút. Độ nói với tôi:

-Mỗi lần qua trọng điểm, thấy các trận địa cao xạ bắn mãnh liệt, bọn em yên tâm lắm! Bom nó ném chệch ra ngoài hết. Rất ít khi bị dính bom. Chỉ ngại thằng AC130 bắn 40 ly thôi!

Đến kilômét 74, Độ bảo Hoàn nép xe sang bên lề đường, để anh xuống nắm tình hình. Từng chiếc, từng chiếc một, các xe của phân đội 3 lần lượt đi qua. Các chiến sĩ lái xe tươi cười, trao đổi với trung đội trưởng của mình những câu gì đó. Tôi đoán là phân đội đã vượt qua trọng điểm an toàn. Đến đây, Độ bảo Hoàn ngồi sang phải cho tôi ngồi vào giữa, rồi trèo lên, ngồi trước vành tay lái, cài số cho xe lao đi. Đi được một quãng, chúng tôi gặp một đoàn xe đi ngược chiều. Theo nguyên tắc, xe đi ra phải ưu tiên nhường đường cho xe đi vào. Gặp nhau kẻ xuôi người ngược, cánh lái xe lại rộn lên những câu chào tiếng hỏi, ấm tình đồng đội, ấm cả cung đường.

Một loạt bom toạ độ ném xuống ngầm Cà Roòng trước khi chúng tôi đến. Rất may là bom ném trượt ra ngoài khoảng năm chục mét. Ở đây cũng vẫn có những cô gái thanh niên xung phong khoác vải dù trắng làm cọc tiêu giữa sương khuya và trong làn nước giá lạnh. Ngồi trên xe nhìn xuống, tôi cảm thấy thương các em vô cùng.

Tiếp theo, chúng tôi vượt dốc Ba Thang. Nghe nói trước khi có đường ôtô, các đồng chí bộ binh ta phải trèo hết ba cái thang mới qua được một quãng dốc dựng đứng này. Đường rất trơn, nhưng Độ vẫn vững vàng tay lái cho xe đi qua không mấy khó khắn. Đến khoảng kilômét 25, đoàn xe bị ùn lại. Thỉnh thoảng có tiếng rồ máy vang lên, kéo dài, rồi im bặt. Chắc là có xe nào đó đang bị "pa-ti-ê" (trượt bánh xe, sa lầy). Tôi theo Độ đi nhanh ra phía trước.

Anh lái phụ đang ôm mấy cây gỗ nhỏ, nhét thêm vào chỗ đất lún. Chiếc xe lại rồ ga, nhưng bánh xe vẫn cứ quay tròn tại chỗ. Đó là do hố bom lấp vội để kịp thông đường, gặp trận mưa ban chiều, nên đất bị nhão ra. Bánh xe càng quay tít, chiếc xe càng lún xuống sâu hơn. Nhìn thấy chiếc xe nghiêng về phía vực như sắp đổ, tôi rất lo. Đồng chí lái xe vẫn ngồi trong buồng lái. Anh định nhấn ga thêm lần nữa. Bỗng có tiếng Độ ra lệnh:

-Xe đồng chí vượt lên trước, kéo xe đồng chí Xuân!

Sau tiếng "rõ" đáp lại, người lái tên là Dậu cho xe từ từ chuyển bánh, chầm chậm đi sát vào ta-luy (vách đứng cạnh đường) theo bàn tay đánh xi-nhan (tín hiệu) của Độ. Giây phút thật căng thẳng! Tôi chỉ lo xe của Dậu đụng vào chiếc xe đang bị sa lầy. Nhưng may quá! Xe đi vừa khít, lọt qua an toàn. Một sợi dây cáp được móc vào hai xe. Sau đó, việc kéo chiếc xe bị lún thoát khỏi chỗ lầy đã kết thúc trôi chảy trong tiếng reo vui của mọi người.

Đoàn xe được lệnh đi tiếp, hết xuống đèo lại lên đèo. Đến một cái dốc khá cao gọi là dốc Đồng Tiền, Độ kể: cách đây sáu năm, vào dịp kỷ niệm 21 năm ngày thành lập quân đội, để thực hiện quyết tấm mở đường 20 thông sang nước bạn, bộ đội Đoàn 559 đã tiến hành một "đợt nổ súng Him Lan". Tôi chưa kịp hỏi tại sao, thì Đội đã tiếp: "Các chú các anh hồi đó ví đợt tiến công hạ dốc Đông Tiền giống như trận đánh hạ cứ điểm Him Lam năm xưa. Trận Him Lam mở đầu đi đến chiến thắng Điện Biên Phủ thì trận nổ mìn bạt dốc Đồng Tiền mở đầu cho cuộc chinh phục đỉnh Trường Sơn".

Độ tỏ ra có nhiều hiểu biết. Tôi thầm phục anh cán bộ trẻ thông minh và dễ mến này.

-Năm 1954 mình cũng được dự trận Him Lam đấy! Tôi khoe. Đại đội pháo cao xạ của mình hồi ấy trực tiếp bảo vệ Sư đoàn bộ binh 312 trong đợt xuất phát tiến công...

-Ôi! Vinh dự quá nhỉ!

Sau khi qua ngầm Chà Ang, Độ kể cho tôi nghe về tám cô gái thanh niên xung phong (về sau xác minh lại là có 13 người hy sinh, gồm 4 nữ, 4 nam thanh niên xung phong và 5 anh bộ đội), tất cả đều ở lứa tuổi đôi mươi, đã cùng hy sinh ở một hang đá, gần kilômét 16, trong một đợt bom của kẻ thù. Tôi thầm nghĩ: không biết mai sau con cháu chúng ta có hiểu được rằng mỗi ngọn đèo, mỗi con suối của Trường Sơn, trong cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do của dân tộc, đã từng ghi sâu tội ác man rợ của giặc Mỹ như thế nào không?

Gần sáng, đoàn xe chúng tôi về đến kilômét "không" đường Quyết Thắng. Đó là Phong Nha. Tôi lưu luyến chia tay hai người bạn đường. Nhìn thẳng vào khuôn mặt trẻ trung và cương nghị của Độ, tôi xiết chặt bàn tay anh.

Phong Nha thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, quê hương tôi. Hồi kháng chiến 9 năm tôi đã từng hoạt động ở vùng này. Chính tại làng Phong Nha, nơi ở của cơ quan Huyện uỷ Bố Trạch, năm 1948 tôi đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Đêm nay, bến nước sông Son còn đấy, hang động Phong Nha còn kia. Nhẩm tính mới đó mà đã hơn hai mươi năm.

Đêm sau, tôi theo xe Cục Vận tải vượt phà Xuân Sơn đúng lúc máy bay Mỹ đến dội bom. Những cột nước vọt lên, thẳng đứng giữa dòng sông, được soi rõ bởi những chùm pháo sáng. Đến bờ, xe chúng tôi tranh thủ vọt lên, rồi theo đường 15, lần lượt qua các trọng điểm đèo Đá Đẽo, ngầm Khe Rinh, đến ngã ba Khe Ve. Từ Khe Ve, tôi nhảy sang xe binh trạm 12, ngược đường qua La Trọng, Bãi Dinh, lên tới Cổng Trời (Địa danh).

Về đến Sở chỉ huy cơ bản-cách Cổng Trời vài kilômét đường rừng-tôi được nghỉ một buổi sáng. Ngay chiều hôm đó, tôi dự luôn cuộc hội nghị Đảng uỷ và Ban chỉ huy trung đoàn. Họp xong, vì nhiệm vụ khẩn trương, tôi cùng anh Khôi, chính uỷ trung đoàn phải đi ngay vào sở chỉ huy tiền phương. Lại vượt qua đèo Mụ Giạ, "eo chẹt" Seng Phan, những trọng điểm nổi tiếng ác liệt của đường 12 và đường 128, tôi lại về Xóm Péng.

Thếlà chỉ trong bốn đêm, tôi đã đi một lượt giáp vòng hai đoạn đường Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây (đường 15 và đường 128), qua hai tuyến cửa khẩu quan trọng (đường 12 và đường 20). Từ Xóm Péng ra đi, hôm nay tôi trở về nơi xuất phát (Trong những năm tháng ở Trường Sơn, tôi đã từng đi qua các trục đường chính chạy dọc Đông, Tây Trường Sơn: đường 15, đường 128, đường 129, đường 14 (từ Hướng Hoá vào tận Lộc Ninh) và trục ngang vượt khẩu: đường 12, đường 20, đường 10, đường 16).

Biết bao khó khăn gian khổ trên đường đã giúp mình thêm kinh nghiệm. Nhưng điều quan trọng hơn có lẽ là những điều tai nghe mắt thấy qua chuyến đi, đã giúp tôi mở rộng thêm tâm hồn.

Từ tháng 11 năm 1946, trên trận địa Seng Phan đã vang lên lời hô nổi tiếng của Nguyễn Viết Xuân: "Nhằm thẳng quân thù mà bắn!". Rồi những năm sau đó, trên khắp tuyến đường Trường Sơn lần lượt xuất hiện những khẩu hiệu, mà tôi đã thuộc lòng:

"Mở đường mà tiến! Đánh địch mà đi!"

"Địch đánh, ta sửa ta đi!"

"Địch đánh, ta cứ đi!".

Nhưng xin thú thật, phải qua chuyến đi xuyên Trường Sơn lần này, tôi mới hiểu hết được ý nghĩa lớn lao của nó. "Mở đường mà tiến! Địch đánh, ta sửa ta đi!" là hành động kiên cường của các chiến sĩ công binh và thanh niên xung phong ngày đêm lấy mặt đường làm trận địa. "Đánh địch mà đi!" là ý chí gang thép của các xạ thủ, pháo cao xạ, nối tiếp truyền thống của Nguyễn Viết Xuân. "Địch đánh, ta cứ đi" là khí phách ngàn lần dũng cảm của các chiến sĩ lái xe khi vượt qua các trọng điểm, dưới những chùm pháo sáng và những loạt bom của Mỹ.

Thêm nữa, những khẩu hiệu đó không chỉ thấy trong hành động của lực lượng công binh, cao xạ, lái xe mà còn thể hiện ở những lực lượng khác, cũng không kém phần anh hùng, như các chiến sĩ đường giao liên, gùi thồ, đường dây thông tin, đường sông vận chuyển, đường ống xăng dầu, các chiến sĩ quân y, chiến sĩ hậu cần...

Tất cả các lực lượng trên, trong bão đạn mưa bom, trong mưa ngàn suối lũ, với muôn vàn gian khổ hy sinh, hàng chục năm qua đã theo những tiếng gọi ấy, để làm nên sự nghiệp phi thường: "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước".

Những khẩu hiệu nói trên trở thành bất tử cùng với đường Trường Sơn, con đường vĩ đại mang tên Bác kính yêu, mà đối với tôi, mãi mãi là tình cảm thiêng liêng trong suốt cuộc đời.

Hết Chương 9: Dặm đường Trường Sơn
Thông tin sách