Tiểu sử, Hồi ký
Tác giả: Lưu Trọng Lân

Ký ức Đường Trường Sơn

Chương 8: Dưới đáy ba lô người chiến sĩ

Nguyễn Văn Tài là chiến sĩ trinh sát đại đội 837 pháo cao xạ, trực thuộc trung đoàn tôi lúc còn ở Hải Phòng, những năm 1966-1967. Tuy mới quen nhau, nhưng ở Tài có một cái gì đó làm tôi hết sức quý mến: tác phong nhanh nhẹn, giọng nói chân tình, đặc biệt là đôi mắt sáng, rất thông minh.

Tài không còn cha mẹ, từ nhỏ Tài ở với cậu, được cậu mợ thương, cho đi học đến lớp sáu. Hùng, đại đội trưởng 837, vẫn thường khen Tài là một chiến sĩ gan dạ. Mỗi lần máy bay Mỹ đến bao giờ Tài cũng là người phát hiện sớm nhất.

Tôi coi Tài như em ruột của mình. Thỉnh thoảng gặp nhau, anh em chúng tôi vẫn dành thời gian tâm sự. Tôi nhắc nhở Tài hãy luôn xứng đáng với danh hiệu đoàn viên và hãy cố gắng phấn đấu trở thành đảng viên.

Sau Tết Mậu Thân (1968), đại đội 837 được cấp trên chọn đi tăng cường cho mặt trận phía Nam. Tuy xa nhau, nhưng chúng tôi vẫn liên lạc được với nhau qua địa chỉ hòm thư quân đội. Trong một lá thư, tài cho tôi biết đơn vị em đang dừng chân chiến đấu bảo vệ tuyến vượt khẩu Trường Sơn, đoạn đường từ Khe Ve đến Cổng Trời. Em đã thực hiện được lời tôi dặn, được kết nạp vào Đảng, sau một trận chiến đấu quyết liệt với không quân Mỹ.

Thế rồi bẵng đi một dạo, tôi không còn nhận được thư của Tài nữa. Nghe tin em đã hy sinh vào một ngày tháng chạp năm 1970 trên trận địa Bãi Dinh. Nhớ đến Tài, tim tôi quặn thắt lại vì thương xót. Em đã ra đi giữa tuổi đời đẹp nhất. Núi rừng Trường Sơn lại có thêm một đứa con của miền Bắc ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng miền Nam thân yêu.

Cuối năm 1971, tôi đã tìm đến thăm đại đội 837 trong một chuyến đi công tác ở Trường Sơn. Một số cán bộ đại đội cũ đã lên tiểu đoàn, chỉ còn lại Lê Hoài trước là đại đội phó, nay trở thành chính trị viên.

Gặp lại nhau, anh em mừng rỡ. Hoài kể cho tôi nghe tình hình đơn vị kể từ khi rời xa thành phố Cảng. Sau một thời gian lạ lẫm trên mặt trận bảo vệ giao thông, dần dà tích lũy kinh nghiệm, đơn vị đã đánh tốt, góp phần cùng tiểu đoàn bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, bảo vệ tốt đoạn đường được giao và những đoàn xe nối nhau ra phía trước. Thành tích nhiều, nhưng cũng có mấy lần đại đội bị bom đánh vào trận địa, có tổn thất, thương vong.

Lê Hoài đọc tên những cán bộ, chiến sĩ trong đó có Nguyễn Văn Tài đã dũng cảm hy sinh trên mảnh đất Bãi Dinh này, rồi anh kể tiếp:

Hôm ấy, theo tay chỉ của Tài, đại đội đã sớm bắt mục tiêu, tung lưới lửa, bắn rơi một chiếc A6. Những chiếc còn lại lao xuống ném bom. Hoả lực mạnh của tiểu đoàn đã làm cho những tên phi công loạng choạng, ném bom chệch ra ngoài gần hết. Chỉ còn một quả trúng vào trận địa. Tài bị một mảnh bom vào đầu, khi đang đứng cao người trên công sự để cùng tiểu đội quan sát máy bay. Chiếc ống nhòm nhuộm máu rời khởi bàn tay người tiểu đội trưởng trinh sát. Tài gục xuống trong vòng tay thân thương của đồng đội.

Sau khi hoàn tất thủ tục mai táng, chúng tôi tiến hành kiểm kê di vật của liệt sĩ. Trong ba lô của Tài có hai bộ quần áo, chăn màn, tấm áo mưa, chiếc võng bạt với một chiếc hộp thiếc đựng đường, một hộp nữa đựng bàn chải, thuốc đánh răng và một cái lược làm bằng mảnh xác máy bay Mỹ. Tìm kỹ ở ba lô còn thấy một gói ni lông bọc cẩn thận.

Mở bọc ra, chúng tôi nhìn thấy những lá thư anh Lân gửi cho Tài, còn nguyên phong bì, xếp ngay ngắn ở trên cùng. Phía dưới là một cuốn sổ tay ghi những bài thơ chọn lọc của Tố Hữu, Giang Nam, Chính Hữu, Phạm Tiến Duật... Có cả những bài thơ thiếu nhi của Trần Đăng Khoa, như bài "Bên bờ Kinh Thầy", "Trăng sáng sân nhà em"... Ở trang ghi bài thơ "Con bướm vàng", cũng của Trần Đăng Khoa, có ép một cánh bướm Trường Sơn.

Nửa sau cuốn sổ tay là những trang nhật ký, ghi chép ngắt quãng, năm thì mười họa mới có mươi dòng. Chắc không phải vì Tài không muốn viết, mà là do hoàn cảnh chiến đấu, xây dựng trận địa, hành quân cơ động liên miên, nên Tài đã không có thời gian để viết đều đặn.

Dưới cuốn sổ tay là năm chiếc phong bì đề tên người gởi: "Em gái phương xa", được gói trong một chiếc khăn, thêu dòng chữ "Yêu nhau mãi mãi" cùng đôi chim bồ câu tung cánh bay.

Qua những trang nhật ký ít ỏi của Tài và những dòng thư của người em gái phương xa mà chúng tôi "trộm" đọc, đơn vị mới biết hóa ra Tài đã có người yêu lúc còn ở Hải Phòng. Cô tên là Thu Hương, dân quân xã T, huyện Thủy Nguyên. Họ quen nhau trong những lần dân quân xã đến giúp bộ đội đào đắp công sự và phối hợp chiến đấu. Hai người đã trao tặng phẩm cho nhau, của Tài là một chiếc bút máy có khắc hai chữ T và H lồng vào nhau, còn của Hương có chiếc khăn thêu. Không hiểu sao mà không có tấm ảnh nào của Hương cả. Lặng im một chút, chính trị viên Lê Hoài tiếp tục câu chuyện, giọng anh trầm xuống như để nói với riêng mình: trong cái đêm đơn vị lên đường đi B, chắc sau khi chia tay với Tài, Thu Hương trở về nhà không khỏi xúc động một mình. Trong nỗi nhớ người yêu, Hương còn mong gì hơn là nhanh đến ngày chiến thắng để được gặp lại Tài trên thành phố Cảng. Đọc thư Thu Hương, cuối mỗi lá thư thường là những câu cháy bỏng yêu thương: "Đừng quên em nghe anh!" hoặc: "ở phương trời xa, em yêu anh và nhớ anh vô cùng; Gửi đến anh nghìn vạn cái hôn...". Lúc còn sống, mỗi lần nhận được thư "em gái phương xa", nếu ai hỏi, Tài chỉ trả lời qua quít "ồ, thư của cô bạn gái ở quê ấy mà". Cứ như vậy và mối tình thầm kín ấy chỉ được "tiết lộ" sau khi Tài đã vĩnh viễn ra đi...

Theo chân người cán bộ dẫn đường, tôi đến thăm những ngôi mộ liệt sĩ đặt trên một ngọn đồi ven suối. Không có hương, tôi đặt lên mộ các anh những nhánh hoa rừng. Quỳ xuống trước mộ Tài, hình dung lại khuôn mặt sáng sủa và đôi mắt thông minh của em, nghĩ đến câu chuyện tình dang dở của em và Thu Hương do đồng đội kể lại cùng với những kỷ vật còn lại trong ba lô người chiến sĩ, lòng tôi trào dâng nỗi xót thương. Mắt tôi mờ đi và những giọt nước mắt nóng lăn dài trên má...

Hôm nay, giữa nhộn nhịp phố phường, giữa mùa xuân phương Nam, mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh ngập tràn ánh nắng, nhìn những "xe hoa", những bạn trẻ hạnh phúc bên nhau trong ngày cưới, chuyện tình của Tài và Hương trong nghiệt ngã của chiến tranh lại tái hiện trong tôi. Đã có bao nhiêu cuộc tình duyên như vậy trong 30 năm chiến tranh? Chỉ biết rằng sự hy sinh của những người như Tài và của cả những người còn sống như Thu Hương đã góp phần làm cho cây đời hôm nay nở hoa kết trái. Tôi thầm nghĩ như vậy.

Hết Chương 8: Dưới đáy ba lô người chiến sĩ
Thông tin sách