Tiểu sử, Hồi ký
Tác giả: Lưu Trọng Lân

Ký ức Đường Trường Sơn

Chương 7: Đôi bạn trên tàu

Tháng tám năm 1966, tôi về thăm quê Quảng Bình trên một chuyến tàu đêm Nam-Bắc. Ngồi bên tôi là một người đàn ông, cụt tạy, trạc ngoài 40 tuổi. Anh lên tàu sau tôi, từ ga Đà Nẵng. Qua những phút đầu yên lặng, tôi làm quen:

-Hình như anh là thương binh?

-Vâng! Sao bác biết?

-Tôi đoán thế, vì ngoài cánh tay không lành lặn của anh, tôi còn nhìn qua phong cách, cùng chiếc áo quân phục cũ mà anh đang mặc. À! Tôi cũng là bộ đội, là cựu chiến binh đây.

-Ồ! Vậy anh em ta là đồng đội!

Không khí giữa hai chúng tôi trở nên thân tình. Tôi hỏi:

-Cậu bị thương trong trận nào? Ở đâu?

-Dạ! Trong chiến dịch Đường 9-Nam Lào, ở bắc Bản Đông. Hồi đó em là lính "ép ba linh tám" (Sư đoàn 308).

-Lúc ấy mình cũng ở bắc Bản Đông, nhưng ở cánh pháo cao xạ, bảo vệ đèo 500-Mường Trương, trên đường 16 (Đường 16, một trong những tuyến vượt cửa khẩu quan trọng của đường Hồ Chí Minh từ Thạch Bàn, Quảng Bình sang tận Bản Đông).

-Thế à! Em có một kỷ niệm khó quên ở ngay căn cứ hậu cần của một trung đoàn pháo cao xạ gần đó, bác ạ!

Anh trả lời rồi bắt đầu kể:

"Hôm ấy đơn vị em bị dính dom Mỹ. Hai đứa hy sinh, ba đứa bị thương. Em bị nặng nhất nên được nằm cáng. Còn cậu bạn thì tự chống gậy đi về trạm phẫu thuật tiền phương.

Đến trạm ba-ri-e ở kilômét 80, trời vừa tối. Trạm quân y còn quá xa, lại ở sâu trong rừng, đi đêm rất dễ lạc. Anh Vận, tổ trưởng cáng thương quyết định tìm đơn vị bạn quanh đây, xin nghỉ nhờ. Không lâu, em nghe tiếng hô:

-Ai đó! Đứng lại!

-Chúng tôi là thương binh mặt trận, qua đây trời tối, xin được giúp đỡ.

Lát sau, trong tiếng lao xao phía trước, em lõm bõm nghe được đôi câu:

-Báo cáo trung đoàn phó! Hậu cứ mình làm gì còn hầm để chứa số anh em này ạ?

-Ừ, khó đấy nhỉ! Nhưng thôi được! Vẫn còn mấy cái hầm cũ ọp ẹp, chúng ta chuyển bớt sang bên đó, nhường hầm chữ A cho thương binh.

Đầu tiên, chúng em được đưa xuống một căn hầm nửa chìm nửa nổi, có nắp làm bằng những bó nứa, được che kín ánh sáng bằng những tấm bạt, để thay băng. Các anh quân y rửa và băng lại vết thương cho em dưới ánh sáng mờ nhạt của chiếc đèn pin và trong tiếng u u đều đều rất khó chịu của chiếc máy bay trinh sát Mỹ 02-A bay lượn trong trời đêm.

Bỗng một tiếng rít xé không khí. Tiếp theo là một loạt bom nổ. Mọi người nằm rạp xuống và chui tọt vào những ngách hàm ếch xung quanh. Riêng em, em vẫn nằm yên trong cáng, trải sát đất, bất động. Trong đêm tối mờ mịt, em bỗng có cảm giác như ai đó đang chồm tới nằm lên người mình.

Lại một tiếng rít dữ dội nữa. Loạt bom thứ hai nổ, chao đảo cả căn hầm. Người nằm trên em càng áp chặt vào người em thêm, dường như để che chở cho em được an toàn hơn. Một lúc sau, hết tiếng máy bay. Người vừa ôm em đó, đứng lên, cất tiếng gọi:

-Chúng nó cút rồi! Ra thôi các đồng chí ơi!

Từ các ngách hầm ếch, các anh quân y lần lượt trở lại công việc. May quá, chúng ném bom chệch, nghe nói đơn vị không ai việc gì.

Thay băng xong, bọn em được anh công vụ của trung đoàn cho uống sữa. Riêng em được đưa xuống một căn hầm chữ A, nghe nói là của trung đoàn phó. Nằm trong căn hầm vững chãi, em cứ suy nghĩ không biết giờ đây ông trung đoàn phó nằm ở đâu?

Sáng dậy, em được đưa lên mặt đất. Một cán bộ dáng cao gầy và một cán bộ nữa hơi thấp, nhỏ, đến động viên, chia tay bọn em và cử thêm người giúp đỡ dẫn đường. Anh Vận cầm tay các thủ trưởng, nói lời cám ơn.

Trên đường đi tiếp đến trạm phẫu thuật tiền phương, em hỏi anh dẫn đường:

-Hai ông cán bộ lúc nãy là ai vậy, hở anh?

-À! Đó là ông Lân, trung đoàn phó và ông Long, phó chính uỷ của bọn mình đấy!

Chuyện xảy ra đã 25 năm mà em còn nhớ rõ như mới hôm qua. Hồi đó bác ở đơn vị pháo cao xạ bảo vệ đèo 500, bác có quen ông Lân và ông Long không?

Từ nãy đến giờ nghe kể, trong tôi dần sống lại một kỷ niệm. Với nỗi xúc động khôn cùng, tôi quay sang nắm chặt tay anh:

-Thì ra anh thương binh ngày ấy là cậu à? Lân là minh đây, người đã nằm che chở cho cậu hôm ấy. Còn ông Long, mình mới gặp năm ngoái, bây giờ về hưu ở một xã ngoại thành Nam Định.

-Trời ơi! Bác là thủ trưởng Lân, ân nhân cũ của em. Em là Nguyễn Văn Toản quê ở Thanh Hà, Hải Hưng. Thật không ngờ em được gặp lại thủ trưởng trong hoàn cảnh này. Anh quàng cánh tay lên người, xiết chặt. Rồi anh cho tôi địa chỉ và mong được đón tôi về thăm quê anh.

Hai hành khách dường như xa lạ trên chuyến tàu hôm ấy bỗng trở thành đôi bạn thân thiết như đã lâu ngày.

Khi chia tay nhau, tôi choàng ôm người anh, còn anh, một cánh tay, ghì chặt lấy vai tôi. Qua ánh đèn trên sân ga Đồng Hới, ngoái đầu nhìn lại, tôi thấy đôi mắt của Toản đang ngấn nước, ướt nhoà...

Hết Chương 7: Đôi bạn trên tàu
Thông tin sách