Tôi đã từng xúc động đến nao lòng khi được xem những thước phim quanh cảnh nữ dân quân La Thị Tám ở Đồng Lộc, nâng ống nhòm đến từng quả bom rơi, cảnh chị chạy như bay từ trên đồi cao xuống, cắm những lá cờ đỏ đuôi nheo, đánh dấu vị trí từng quả bom nổ chậm, bất chấp máy bay địch có thể bất ngờ quay trở lại.
Tôi cũng đã từng đứng lặng trước tấm hình cỡ lớn trong nhà truyền thống Sư đoàn phòng không 367, chụp cảnh mười cô gái thanh niên xung phong nhỏ nhắn, do tiểu đội trưởng Võ Thị Tần chỉ huy, đang hối hả đẩy những chiếc xe hai bánh, san lấp hố bom. Dưới tấm ảnh có ghi dòng chữ: "Mười cô gái Đồng Lộc đã anh dũng hy sinh trong một đợt bom thù ngày 24-7-1968".
Và mỗi lần có dịp trở lại quá khứ như vậy, đều gợi nhớ trong tôi kỷ niệm cùng đồng đội vượt qua Đồng Lộc trong một đêm đi vào chiến trường. Hôm ấy, xe tôi đi trong màn đêm, sau luồng sáng mờ nhạt của chiếc đèn gầm. Trước và sau chúng tôi là những đoàn xe vận tải chở nặng hàng, đang ngoằn ngoèo nối đuôi nhau, rầm rì lăn bánh. Máy bay Mỹ ập đến. Những chùm đèn dù toả sáng, tiếp theo là những loạt bom nổ, những loạt đạn cao xạ bắn lên... như tôi đã từng chứng kiến trên nhiều trọng điểm dọc Trường Sơn. Có những chiếc xe bốc cháy và những dòng máu đổ. Ở hai bên đường bỗng ào lên hàng chục nam nữ thanh niên xung phong trèo lên xe, dập lửa cứu hàng, băng bó cho những lái xe bị thương. Màn đêm trở lại,đoàn xe lại tiếp tục lượn vòng trên bờ những hố bom rồi chạy đi, lầm lũi, trong sự chịu đựng can trường.
Có lẽ cũng như tôi,ai đã từng đi qua đây đều hiểu rõ, Đồng Lộc không chỉ của một La Thị Tám anh hùng, một tiểu đội Võ Thị Tần gang thép, Đồng Lộc còn là nơi đọ sức, đọ trí, nơi biểu hiện rực rỡ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng của hàng ngàn chiến sĩ phòng không, công binh, công an giao thông, dân quân và nam nữ thanh niên xung phong từ mọi miền đất nước, đã có mặt ở nơi đây trong những ngày ác liệt của cuộc chiến tranh.
Là một trong những trọng điểm ác liệt nhất của tuyến giao thông chi viện cho miền Nam, Đồng Lộc không chỉ là một ngã ba (nơi cuối đường của tỉnh lộ 2 gặp đường chiến lược 15) mà còn là một vùng đồi núi rộng chừng ba kilômét vuông, với địa thế vô cùng hiểm trở. Nơi con đường độc đạo đi qua, một bên là vách đồi, một bên là đồng nước, người ta không thể mở được một con đường tránh nào khác. Quốc lộ 1 đã bị tắc từ lâu, cho nên tất cả các đoàn xe chi viện cho chiến trường đều phải đại đội qua đoạn đường 15 "yết hầu" ấy.
Biết rõ khó khăn của ta, không quân địch đã ra sức khống chế Đồng Lộc, quyết chặn đứt con đường 15 của ta ở ngay tại ngã ba này.
Tính từ 1 tháng 4 đến 31 tháng 10 năm 1968, Đồng Lộc và một số trọng điểm lân cận (Lạc Thiện, Cầu Bàng, Tùng Cốc, Khe Giao...) đã hứng chịu hàng ngàn tấn bom của hàng ngàn lượt máy bay Mỹ đến bắn phá. Đồng Lộc nhiều phen tơi bời, nát vụn. Mùa khô, Đồng Lộc chìm trong màu đỏ quạch của bụi đất. Mùa mưa, Đồng Lộc ngập trong sình lầy, đặc quánh.
Cuộc sống lao động, chiến đấu ở đây vô cùng nhọc nhằn, quyết liệt. Nhưng "Tất cả vì miền Nam", Đồng Lộc không thể một ngày bị tắc. Một lực lượng lớn đã được đưa về đây để thường trực sửa chữa bảo vệ đoạn đường.
Lực lượng ứng cứu sửa đường và thông đường có:
-Một tiểu đoàn công binh.
-Một tiểu đội cảnh sát giao thông của Ty Công an Hà Tĩnh.
-Một đơn vị dân quân của ba xã Thượng Lộc, Trung Lộc, Mỹ Lộc.
-12.000 nam nữ thanh niên xung phong của hai tổng đội 553 và 555.
Lực lượng đánh máy bay địch bảo vệ đường có:
-Một tiểu đội súng phòng không 12,7 ly của dân quân xã.
-Một tiểu đoàn pháo phòng không 37 ly của Quân khu 4.
-Một trung đoàn pháo phòng không 57 ly của Sư đoàn 368, thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân.
Tất cả ngần ấy lực lượng ngày đêm bám chặt con đường, quyết tâm giải toả bằng được Đồng Lộc. Kết quả, Đồng Lộc luôn được khai thông, số ngày đường bị tắc bớt lại. Có đợt số lượng xe chở hàng vượt qua Đồng Lộc tăng gấp ba lần so với mức bình thường, như trong ba đêm 15, 16, 17 tháng 6 năm 1968.
Trên mảnh đất nhỏ hẹp và đầy bom đạn ấy, các lực lượng phòng không, công binh, công an giao thông, dân quân và thanh niên xung phong, giống như những người anh em ruột thịt, luôn gắn bó bên nhau, cùng sống chết để bảo vệ con đường, bảo vệ những đoàn xe.
Quyết liệt nhất là lực lượng súng pháo phòng không. Bố trí trên những ngọn đồi gần như trọc, giữa những công sự lộ thiên, dưới những trận mưa bom, họ đã chiến đấu như những người anh hùng.
Trung đoàn 210 có năm đại đội pháo 57 ly, luôn là mục tiêu, đối tượng đánh phá chủ yếu của không quân Mỹ. Kẻ địch muốn nhổ bật các chốt thép ấy. Có ngày cả năm đại đội đều bị đánh bom, có đến bốn đại đội pháo bị mất sức chiến đấu.
Riêng trận địa Ngô Đồng, ở ngay cạnh ngã ba, chỉ trong ngày 25 tháng 8, đã có tới 24 lần chiếc A6 thay nhau dội bom vào trận địa, với đủ loại bom bi, bom sát thương, bom phát quang. Hai khẩu pháo bị bom vẹo nòng, nhiều cán bộ chiến sĩ thương vong. Đại đội đã nhanh chóng giải quyết thương binh, tử sĩ và dồn ghép số pháo thủ còn lại về hai khẩu đội cuối cùng, tiếp tục nổ súng.
"Có tiếng súng" để công binh, thanh niên xung phong vững tin lên mặt đường. "Có tiếng súng" cho những đoàn xe yên tâm vượt qua trọng điểm.
Trong cuộc chiến đấu sinh tử ở đây, có những con số làm phấn chấn lòng người như hàng chục máy bay Mỹ đã bị bắn hạ trên bầu trời Đồng Lộc, hàng vạn tấn hàng đã được vận chuyển trót lọt qua trọng điểm, đi tiếp về phương Nam.
Nhưng cũng có những con số làm tim ta đau nhói, xót xa như mười cô gái thanh niên xung phong dễ mến, dễ thương đã bị một đợt bom thù sát hại; 122 cán bộ chiến sĩ trung đoàn pháo 210 đã hy sinh cùng 259 người khác bị thương, trong vòng 147 ngày đêm chiến đấu tại khu vực Đồng Lộc. Và còn biết bao những chàng trai cô gái đã vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất kiên cường này. Các anh, các chị đã cùng Đồng Lộc góp phần buộc đế quốc Mỹ phải chấm dứt cuộc chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc và góp phần cho công cuộc giải phóng miền Nam.
Giờ đây cuộc chiến đã đi qua. Đất nước đã được thanh bình và đang trên đà phát triển. Mỗi người đang sống và đang được hưởng độc lập, hoà bình hôm nay, xin hãy đừng quên những người con thân yêu của Tổ quốc đã ngã xuống trong chiến tranh. Và xin hãy nhớ trong cuộc chiến tranh ấy, ở một vùng đồi núi phía tây tỉnh Hà Tĩnh trên con đường chi viện cho sự nghiệp giải phóng miền Nam đã từng có một Đồng Lộc, mang tên "Ngã ba Đồng Lộc" như thế.