Hôm ấy đoàn cán bộ chúng tôi đi công tác từ Na Pang ra Tà Mí. Mỗi người một ba lô con cóc trên vai và với chiếc gậy Trường Sơn trong tay. Chúng tôi không hành quân bằng đường giao liên mà đi bộ dọc theo trục đường 128. Nhiệm vụ của chúng tôi là đi nghiên cứu địa hình, tìm nơi đặt các trận địa pháo cao xạ để bảo vệ hệ thống ngầm vượt sông Sê-băng-phai, ở khu vực Nha Vai.
Vào những ngày đầu thực hành vận chuyển bằng xe cơ giới, để vượt khúc sông này, xe ôtô ta chỉ đi qua những đoạn ngầm, trên một trục đường chính. Nhưng rồi sự khống chế quyết liệt ngày càng tăng của không quân Mỹ, bộ đội ta đã phải làm thêm nhiều đường tránh. Số lượng những chiếc cầu, ngầm qua sông cũng theo đó mà mỗi ngày một tăng thêm. Từ trạm điều chỉnh Z25 đến trạm Z26, quãng đường không xa, nhưng có tới hơn chục chiếc ngầm, được đặt tên bằng những âm chữ cái: A-B-C-D-A'-B'-C'-D'-U1-U2...
Trên đường Hồ Chí Minh trong những năm tháng đánh Mỹ, hệ thống đường tránh và đường ngầm đã phát huy tác dụng diệu kỳ: Nếu máy bay đánh hỏng đường này thì xe ta vòng tránh sang đường khác. Khi chúng khống chế ngầm A thì xe ta "bẻ ghi" sang ngầm B. Nếu đoàn xe từ Bắc vào vượt ngầm C thì đoàn xe từ Nam ra chạy hướng ngầm D, v.v... Với tinh thần "Địch phá ta sửa ta đi", "Địch đánh ta tránh ta đi", bộ đội ta trên Trường Sơn ngày đêm vật lộn với bom đạn Mỹ, với từng chiếc ngầm, từng đoạn đường tránh, để bảo đảm cho các đoàn xe ta đi về Nam không một ngày bị tắc.
Theo sự chỉ dẫn của trạm điều chỉnh giao thông, hôm nay đoàn chúng tôi chọn hướng vượt sông qua lối ngầm C. Khi còn cách ngầm vài trăm mét, chúng tôi dừng lại. Trước mắt chúng tôi là một vùng đồi núi dày đặc những hố bom, loang lổ. Hai bên bờ sông tất cả đều trơ trụi, không còn một bóng cỏ cây. Chỉ có một con đường ôtô, rộng chừng 4 mét, ngoằn ngoèo lượn vòng trên bờ những hố bom. Dưới sông là một đoạn ngầm lát đá, trên đó dòng sông Sê-băng-phai chảy qua, băng băng như thác đổ.
Anh em công binh làm nhiệm vụ ở ba-ri-e này cho biết: máy bay Mỹ đến ném bom không theo quy luật thời gian gì cả, nay đánh giờ này, mai đánh giờ khác. Muốn vượt qua, phải tranh thủ đi thật nhanh, hoặc lội thẳng qua ngầm, hoặc đi ngược ven bờ sông, lên phía thượng nguồn cách đây nửa cây số, rồi làm phao bơi qua sông.
Các bạn trong đoàn đều chọn cách thứ hai, tuy xa một chút, nhưng an toàn. Riêng tôi, vì sức yếu do bị một đợt sốt rét mấy ngày qua, nên tôi quyết định đi theo hướng ngắn nhất. Tiểu đội trưởng quản lý ngầm C cử một chiến sĩ trẻ tên là Tấn giúp tôi mang ba lô và hướng dẫn tôi qua ngầm. Tôi hẹn các bạn trong đoàn sẽ gặp lại nhau ở trạm ba-ri-e bên kia bờ bắc.
Trời trong xanh không một gợn mây. Nắng mùa khô bắt đầu đổ lửa. Tôi lao theo cậu Tấn băng qua bãi trống, vừa chạy vừa lắng nghe tiếng máy bay trinh sát OV.10. Chạy trên đất đá gập ghềnh, có lần vấp ngã, tôi suýt lăn nhào xuống một hố bom sâu.
Ra đến bờ, nhìn sông rộng với dòng nước cuồn cuộn qua ngầm, tôi bỗng cảm thấy ngần ngại. Nhưng, rồi ngó sang cậu Tấn, thấy anh chàng đang nhoẻn miệng cười, tôi lại thấy yên tâm.
-Ta đi thôi, Tấn!
Người bạn trẻ đồng hành, trần trùng trục với chiếc quần đùi bộ đội, nước da ngắm đen, trông chắc nịch như một pho tượng đồng. Anh xốc lại quai đeo ba lô rồi dặn tôi:
-Thủ trưởng đi theo em nhé! Đừng bước chệch! Nước hôm nay không sâu lắm đâu. Cứ chầm chậm mà đi.
Xắn ống quần cao lên quá gối, tay chống gậy Trường Sơn, tôi bước theo chan người chiến sĩ. Mới đầu đi dễ, vì nước còn nông. Nhưng ra được chừng mươi mét, tôi đã thấy bước đi không vững. Dòng nước tuôn tràn qua mặt ngầm cứ như muốn đẩy tôi về một phía. Người tôi lảo đảo. Nhiều lúc tôi phải cố hết sức mới gượng lại được. Cậu Tấn đi trước, thỉnh thoảng ngoái lại trông chừng tôi, nhưng do tôi đi chậm nên khoảng cách giữa hai người cứ xa dần. Khi tôi chỉ còn cách bờ khoảng chục mét thì bỗng một hòn đá dưới chân làm tôi trật dép. Chiếc gậy nghiêng đi, không còn giữ cho tôi được thăng bằng nữa. Tôi gọi to: Tấn ơi! Tấn xoay người, thấy tôi đang chới với, liền gỡ ngay chiếc ba lô, ném mạnh lên bờ, rồi vội vàng quay lại, đúng lúc tôi ngã nhào xuống nước.
Người tôi lăn qua bờ thác của ngầm, rồi bị dòng nước cuốn đi. Mặc dầu tôi biết bơi, nhưng khốn nỗi tất cả quần áo, dép mũ, ống nhòm, bi đông, súng ngắn lỉnh kỉnh giờ đây trở thành những quả tạ níu kéo, đè nặng lên người, khiến tôi dường như bất lực. Bằng bản năng của mình, tôi cố gắng vùng vẫy, ngoi lên để bơi vào bờ, nhưng dòng nước chảy mạnh cứ đẩy tôi đi và dìm đầu tôi xuống. Vai tôi đập vào một tảng đá giữa dòng. Mồm tôi đã bắt đầu uống nước. Chợt nhớ đến Vinh, người bạn đã hy sinh giữa dòng nước lũ trong mùa mưa trước, tôi cảm thấy bắt đầu hoang mang.
Vừa lúc đó một bàn tay túm lấy áo tôi. Đúng là cậu Tấn rồi, cái thân hình trùng trục khoẻ mạnh ấy. Giống như một con rái cá, Tấn vừa bơi vừa kéo tôi trôi theo dòng một quãng, rồi lựa chiều sang ngang, cuối cùng Tấn đưa được tôi lên bờ. Người tôi lạnh cóng. Tấn nhìn tôi ái ngại:
-Lỗi tại em quá chủ quan, không đi sát bên thủ trưởng...
-Cậu không có lỗi gì đâu. Chỉ tại mình sức yếu và không quen lội ngầm đó thôi.
Tấn giúp tôi gỡ mọi cái trên mình, rồi chạy trở lại đầu ngầm lấy chiếc ba lô cho tôi. Sau khi tôi thay xong quần áo, Tấn dìu tôi vượt bãi trống để đến trạm ba-ri-e.
Các cán bộ trong đoàn lúc đến chỗ hẹn, lâu không thấy tôi, vội bổ đi tìm. Chúng tôi gặp nhau giữa bãi hố bom hoang vắng, dở khóc dở cười. Mấy bạn giúp tôi mỗi người đeo một thứ, kể cả bọc quần áo ướt vừa thay.
Chia tay Tấn, tôi thấy trong mắt cậu ta như có chút gì ân hận. Nhưng rồi lại nhoẻn miệng cười, cái cười thật dễ mến và hồn nhiên quá đỗi.
-Cám ơn cậu Tấn nhiều lắm! Hẹn gặp lại lần sau.
-Tạm biệt chú! Chúc chú chóng khoẻ! Em chào các anh!
Tấn vụt chạy đi. Bóng anh nổi bật lên trên một vùng đất trắng. Tôi bỗng thần người vì sực nghĩ ra: mình đã quên không kịp hỏi quê hương của anh.
Đoàn chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình đi tìm nơi đặt trận địa pháo. Khoảng một giờ sau có tiếng động cơ phản lực ào tới. Bốn chiếc máy bay A7 lượn một vòng trên không rồi bổ nhào ném bom xuống ngầm C. Tiếng bom nổ, rung chuyển núi rừng. Từ xa nhìn lại, tôi thấy những cột khói và bụi đất cuồn cuộn bùng lên. Nghĩ đến Tấn và anh em công binh đang làm nhiệm vụ ở ngầm, lòng tôi cảm tháy xốn xang.
Hôm sau, đoàn chúng tôi trở về đơn vị bằng con đường khác. Hỏi các anh bên binh trạm, tôi được biết hôm ấy ngầm C không bị trúng một quả bom nào. Nhưng có một chiến sĩ bị thương nặng vào đầu và anh đã hy sinh. Người chiến sĩ ấy tên là Tấn. Tôi bàng hoàng cả người. Lẽ nào người chiến sĩ trẻ măng, dễ thương dễ mến và gan dạ kia, lẽ nào người bạn đường đã cứu tôi thoát chết giữa dòng nước chảy xiết ấy, lại có thể ra đi giữa tuổi đời còn quá trẻ như vậy sao?
Nỗi xót xa khôn cùng cứ làm tôi day dứt mãi. Và trong ký ức sâu thẳm của mình, hình ảnh của Tấn mãi mãi là một ấn tượng sâu sắc không bao giờ mờ phai.
Năm tháng trôi đi, thấm thoắt đã hơn một phần tư thế kỷ. Tháng 7 năm 1998, từ thành phố Hồ Chí Minh, tôi theo đoàn du lịch Lửa Việt làm một chuyến hành hương ra miền Trung. Sau khi xem lăng tẩm Huế, dịp may hiếm có, chúng tôi được ra thăm Thành cổ Quảng Trị, rồi lên xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh thăm Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.
Nghĩa trang nằm trên 9 ngọn đồi quần tụ bên nhau, với diện tích hơn trăm ngàn mét vuông, ôm ấp trong mình hàng vạn người con đã hiến dâng cả đời mình cho Tổ quốc. Bên trong cổng chính, sừng sững tượng dài bốn chữ vàng "Tổ quốc ghi công". Phía sau và bên trái tượng đài hình thành năm khu vực, ở đó yên nghỉ 10.327 liệt sĩ Trường Sơn, là con em của 42 tỉnh thành trong cả nước. Không ai không xúc động khi nhìn thấy hàng vạn ngôi mộ, hàng hàng lớp lớp nối tiếp nhau, kéo dài.
Tôi đến khu vực Bình Trị Thiên và tìm được mộ người em họ tên là Lưu Trọng Vấn. Sang khu Hải Hưng-Thái Bình-Hà Bắc tôi cũng tìm thấy mộ của Nguyễn Văn Tài, người chiến sĩ thân thiết của tôi đã ngã xuống trên trận địa Bãi Dinh năm xưa. Từ khu này sang khu khác, mắt tôi lướt nhanh trên những hàng bia, với hy vọng tìm được một cái tên đã bao năm hằn sâu trong trái tim tôi: đó là Tấn, chiến sĩ công binh, người mà tôi mãi mãi mang ơn.
Tôi đã tìm thấy bốn tấm bia có ghi tên liệt sĩ Tấn. Nhưng Tấn mà tôi muốn tìm là ai đây? Tấn Nghệ An hay Tấn Hà Nội? Tấn Sơn La hay Tấn Hoà Bình? Tôi cứ tự trách mình trong cái hôm chia tay Tấn ở ngầm C năm ấy, đã quên không hỏi họ và quê anh. Giờ đây làm thế nào để phân biệt được Tấn của tôi trong bốn ngôi mộ này? Dẫu sao, các anh mang tên Tấn nằm đây đều là đồng đội của tôi. Tôi quỳ xuống cắm lên ngôi mộ một nén hương trầm ngào ngạt-nén hương của lòng tôi.
Vào một ngày gần đây, tình cờ tôi gặp một bà cụ ngoài 70 tuổi, đang đứng ngắm hoa, cây cảnh ở góc công việc Hoàng Văn Thụ. Nhìn dáng vẻ và nghe giọng nói, tôi đoán bà cụ ở Bắc vào.
-Cụ vào Sài Gòn lâu chưa? Tôi gợi chuyện làm quen.
-Đã được nửa năm rồi ông ạ. Vào ở với con gái. Mà tôi cũng sắp phải trở ra-Bà cụ đáp, giọng buồn buồn.
-Tại sao cụ không ở trong này với con cháu nữa?
-Con gái và con rể của tôi đều rất tốt. Tôi rất thương các cháu ngoại. Nhưng, chẳng giấu gì ông, tôi phải về quê để hàng ngày còn lo hương khói cho thằng Tấn và bố nó. Bà cụ nâng tay áo chấm nước mắt.
Nghe nói đến Tấn, tôi sốt ruột hỏi dồn:
-Anh ấy hy sinh năm nào và ở đâu, thưa cụ? Có phải Tấn nước da ngăm đen và giỏi bơi lội không?
-Thằng Tấn nhà tôi nước da trắng trẻo cơ! Má nó lúc nào cũng trắng hồng như con gái. Mà làm gì nó biết bơi với lội. Quê tôi đâu có gần sông nước. Nó hy sinh tháng 10 năm 68, ở mặt trận phía Nam. Còn bố nó thì hy sinh hồi 54 ở Điện Biên Phủ.
-Xin lỗi cụ... Bởi vì tôi có người cùng đơn vị cũng tên là Tấn, cũng hy sinh nhưng chưa tìm ra địa chỉ...
Một lần nữa tôi lại thất vọng trong việc tìm kiếm bóng hình của Tấn. Tấn ơi! Em nằm ở đâu? Em đã được đưa về nghĩa trang cùng đồng đội, hay em vẫn còn nằm lại ở một nơi nào đó trên dãy Trường Sơn quanh năm lồng lộng gió ngàn?