Sở chỉ huy tiểu đoàn pháo cao xạ 124 đặt trên một mỏm núi đá cao. Từ đây có thể phóng tầm mắt bao quát cả một vùng khá rộng. Theo đường 128 từ Nậm Hơ đi vào, ngoài trục chính qua Seng Phan, còn có một con đường phụ đi ngả Na Tông, để tránh trọng điểm Seng Phan khi bị tắc đường. Hướng về phía nam là ngã tư Săng Lẻ, nói đúng hơn là ngã năm, nếu tính thêm một nhánh phụ từ Khôn Kèn đi tới.
Tuy vậy, ngã năm Săng Lẻ không quan trọng bằng Seng Phan, vì Seng Phan ở một vị thế vô cùng hiểm trở. Từ trạm điều chỉnh Z21 vào, các đoàn xe ta phải đi qua một đoạn đường, ven một con sông nhỏ, mà hai bên vách núi đá dựng đứng, anh em ta gọi là "Eo Chẹt". Eo là thắt lại, chẹt là ép sát vào, rất hẹp, hoàn toàn độc đạo.
Seng Phan một thời nổi tiếng với lời hô bất tử "Nhằm thẳng quân thù mà bắn" của người anh hùng Nguyễn Viết Xuân trong một ngày đáng ghi nhớ 18 tháng 11 năm 1964. Trải qua năm tháng, Seng Phan trở thành một địa danh mà cả địch và ta cùng quan tâm đặc biệt. Giặc Mỹ coi đây là một trong những yết hầu của "Đường mòn Hồ Chí Minh", phải ra tay bóp nghẹt bằng mọi giá. Chúng ta thì coi đây là một đoạn đường sinh tử mà các chiến sĩ lái xe phải liều mình vượt qua, cácpháo thủ phòng không phải hết lòng bảo vệ, các chiến sĩ công binh và thanh niên xung phong phải ra sức sửa chữa để nhanh chóng thông đường.
Máy bay Mỹ đủ loại, kể cả pháo đài bay B52, đã liên tục giội bom, cho núi phải lở ra, cho từng mảng đá lớn đổ ập xuống lấp kín mặt đường. Xưa kia núi non nơi đây mang một màu xanh thẫm của cỏ cây và rêu phong. Bây giờ vách núi trở thành trắng bạc. Khối lượng đá lở xuống đường mỗi lần bị bom như vậy thường rất lớn. Muốn thông đường, phải dọn sạch đá đi, ít nhất cũng phải tạo được một lối nhỏ, cho xe đi một chiều.
Tôi không biết lực lượng công binh và thanh niên xung phong ở đây có bao nhiêu người? Từ sở chỉ huy tiểu đoàn 124 nhìn xuống qua ống nhòm, tôi thấy khoảng vài chục người, phần đông là nữ, đang "tác nghiệp".
Vì quá xa, tôi không nghe được tiếng cười, tiếng nói của họ. Nhưng tôi hình dung những người con trai, con gái ấy, trong gian khổ, vẫn đang nói, đang cười, tiếng cười rộn rã lạc quan mà tôi đã từng nghe nhiều lần trên những nẻo đường ra trận.
Với tay không, họ không thể nào di chuyển nổi những đống đá đồ sộ. Vũ khí của họ là bộc phá, là mìn. Tiếng mìn nổ kèm theo những ánh lửa và cụm khói, làm các khối đá bị hất tung phần lớn. Số đá còn lại được dọn tiếp bằng đôi tay với những công cụ thô sơ như cuốc, xẻng, choòng, cùng với nghị lực và lòng dũng cảm vô song. Nhìn họ, niềm xúc cảm bỗng trào lên, tràn ngập cả lòng tôi.
-Báo cáo! Hướng 32, một tốp B52 đang bay vào! Tiếng hô của chiến sĩ trinh sát đột ngột vang lên. Ở dưới đường, các chiến sĩ công binh, thanh niên xung phong vẫn mải mê công việc. Tôi nói với Chương, tiểu đoàn trưởng:
-Anh cho bắn báo động B52!
Mấy giây sau, năm phát đạn pháo 37 ly của đơn vị phía trước nổ đanh, từng phát một.
-Các đại đội được lệnh ẩn nấp tránh B52 chưa? - Tôi hỏi.
-Tình huống này đã có sẵn trong phương án. Khicó B52, các đại đội được phép tự động cho chiến sĩ vào vị trí ẩn nấp. Xin thủ trưởng yên tâm!-Tiểu đoàn trưởng Chương đáp.
Mắt tôi vẫn không rời mặt đường, bồn chồn lo lắng. Nhưng hình như đã quá quen, sau khi nghe năm tiếng pháo cao xạ bắn báo hiệu quy ước, các chiến sĩ công binh và thanh niên xung phong vẫn rất bình tĩnh. Họ dừng tay làm việc, không tỏ vẻ cuống quít, vác xẻng quốc lên vai, rồi kéo nhau chạy về hang. Nghe nói ở đó có một hang sâu khá lớn, chứa được hàng trung đội. Một cô gái vấp ngã. Hai cô khác dừng lại, đỡ lên, rồi dìu nhau chạy tiếp. Mỗi bước chạy của họ là một phấp phỏng trong tôi. B52 sắp rải bom rồi. Liệu các cô các cậu có vào kịp trong hang?
Nhìn lên trời hướng tây nam, tôi thấy 24 luồng khói trắng, toả đuôi dài. Mỗi chiếc B52 gắn tám động cơ phản lực. 24 luồng khói tức là có ba chiếc B52. Seng Phan sắp phải chịu đựng chín tấn bom của giặc Mỹ. Lúc đầu tôi chỉ thấy những luồng khói. Mãi mấy phút sau, qua ống kính nhìn xa, tôi mới bắt đầu thấy máy bay, nhỏ xíu. Hình thù ba chiếc B52 to dần. Rồi từ trong bụng của chúng tuôn ra hàng chục, hàng trăm quả bom, ào ào rơi xuống.
Những cột khói bùng lên nối tiếp nhau, thành một chuỗi dài, cuồn cuộn như một đám mây bông xám xịt khổng lồ. Tiếng bom rền lâu như sấm động. Chắc ở trong hang đá Seng Phan, anh chị em ta đang phải trải qua những giây phút căng thẳng bởi vì phải chịu đựng những tiếng nổ lộng óc cùng với cơn chấn động cực mạnh.
Trên trời cao, những chiếc máy bay đến gieo tội ác đã vòng ra, bay về hướng đông nam. Chúng đang trở về căn cứ Guam hoặc sân bay Utapao bên Thái Lan, để rồi ngày lại ngày, có thể vài giờ sau, những chiếc khác lại mò đến, "rải thảm" lên đầu chúng ta những chùm bom độc ác. Không biết ở bên kia Thái Bình Dương, liệu nhân dân Mỹ có biết được những tội ác man rợ này không?
Tiểu đoàn trưởng Chương ra lệnh báo yên. Ba phát đạn pháo 37 ly hai loạt nối tiếp nhau. Ở phía dưới kia, trong đổ nát tan hoang và trong đám khói bụi còn đang mờ mịt, tôi thấy thấp thoáng mấy bóng người, có lẽ là cán bộ trung đội, ra trước quan sát hiện trường và bàn biện pháp khắc phục. Một lát sau nhiều người nữa kéo đến. Họ lại tiếp tục "tác nghiệp" cái công việc nặng nề trước mắt. Giờ thông đường cho các đoàn xe sẽ đi qua đêm nay như đang thúc giục họ nhanh tay hơn nữa. Trên vách đá Seng Phan không có khẩu hiệu "vì miền Nam", nhưng hai tiếng "miền Nam" thân yêu đã khắc sâu trong trái tim họ từ lâu rồi. Không phải chỉ ở Seng Phan, mà cả trên tuyến đường Trường Sơn này, tất cả đều mang nặng tình cảm thiêng liêng đó.
Tuy chỉ được một lần chứng kiến, từ bên ngoài và cũng chỉ là một phần nhỏ của thực tế thôi, nhưng ấn tượng về những con người ở giữa cái trọng điểm cực kỳ ác liệt kia, thật là sâu đậm: tâm hồn và hành động của tuổi trẻ nơi đây thật là đẹp đẽ, quá đỗi anh hùng! Tầm cao khí phách của họ hơn hẳn sức mạnh ghê gớm của pháo đài bay B52 Mỹ. Giữa cái vĩ đại vô cùng của Trường Sơn, các chàng trai cô gái Seng Phan giống như những bông hoa rực rỡ.