Đêm hôm ấy, tôi đi nhờ xe tiểu đoàn 65, thuộc binh trạm 12, xuất phát từ tây bắc Khôn Kèn, để vào Tà Lom công tác. Vì trong cabin chật chội, để không làm vướng tay lái, tôi đề nghị với Hùng lái xe, cho tôi được ngồi trên thùng. Thùng xe không mui, chở toàn là gạo, những bao gạo của hậu phương gửi vào chiến trường. Lên xe, tôi sắp xếp lại mấy bao, tạo chỗ dựa để ngồi cho thoải mái.
Đoàn xe chuyển bánh. Tất cả đều đi đèn gầm. Chiếc đèn nhỏ lắp dưới gầm xe chỉ đủi soi sáng một vùng nho nhỏ, vàng nhạt. Xa xa phía trước đã thấy lơ lửng những ngọn đèn dù cho máy bay Mỹ thả xuống, giăng hàng. Đoàn xe cứ chạy. Khi sắp đến ngầm U trên một nhánh sông Xê Băng Phai, các xe tạm ngừng, chờ cho những chiếc đèn dù tắt hẳn.
Lợi dụng thời cơ khi đèn dù tắt, mấy chiếc xe đi đầu tranh thủ lao xuống suối, chiếc nọ nối chiếc kia, lội qua ngầm (Ngầm: đường chìm vượt qua suối, lát bằng đá, sâu khoảng 50, 60 cm). Mỗi chiếc xe qua, nước bắn tung toé làm ướt cả quần áo của các chiến sĩ công binh đứng bên đường làm lộ tiêu.
Sắp đến lượt xe tôi, thì trên không bỗng "bụp", "bụp"... hai chiếc, rồi bốn chiếc, tám chiếc đèn dù bật sáng, chói loà. Xe nào đã lỡ xuống, lập tức tăng ga, lao nhanh lên bờ. Xe nào chưa qua thì dừng ngay tại chỗ, lái xe tìm chỗ ẩn nấp. Tôi cũng nhảy xuống xe, tìm ngay được một hố cá nhân đào sẵn bên đường. Tiếng máy bay phản lực gầm lên như xé không khí. Tiếp theo những loạt bom phá rung chuyển trời đất là những loạt bom bị nổ ran ran. Sau khi bọn "chó ngao" cút đi, hình như không có ai việc gì. Máy bay Mỹ ném bom chệch mục tiêu cùng là chuyện bình thường.
Các chiến sĩ lái, cả tôi nữa, lại trèo lên xe tiếp tục cuộc hành quân. Xe tôi vừa chớm mép nước thì đã thấy các anh công binh làm lộ tiêu đứng cả dưới nước rồi.
-Anh Cư ơi! Thằng Ngoan đâu không thấy?-Một chiến sĩ hỏi anh cán bộ.
-Ngoan ơi! Ngoan ơi!-Tiếng gọi của người tên là Cư ấy ngân dài trong đêm. Bỗng một bóng người lao vút từ trên bờ xuống.
-Ngoan đây! Ngoan đây! Trung đội trưởng cứ yên trí! Hà hà! Chiếc dẹp tụt quai, em phải ngồi xâu lại một chút thôi mà.
Hình như Cư là trung đội trưởng, trực tiếp làm nhiệm vụ với các chiến sĩ công binh ở ngầm U này. Ngồi trên thùng xe, tôi đưa tay vẫy chào Cư và các chiến sĩ công binh mà cảm thấy có cái gì nghèn nghẹn ở cổ. Giữa cái nơi bom đạn liên miên ấy, cái sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc mà sao các anh lại bình thản đến lạ lùng. Nhiệm vụ của các anh là bám ngầm, làm "lộ tiêu sống", cho xe qua trong đêm tối. Khi ngầm bị bom đánh trúng, các anh liền ra tay sửa chữa. Bằng những thỏi mìn, bằng cuốc xẻng và cả bằng tay không, các anh hối hả chuyển hàng chục mét khối đá, san lấp hố bom, cái công việc mà các anh thường gọi là "vá ngầm", để bảo đảm ngầm thông với thời gian nhanh nhất. Khi đoàn xe qua hết, họ kéo nhau xuống mấy căn hầm chữ A nào đó, rít vài hơi thuốc lào, nhấm nháp mấy thỏi lương khô, dốc bi-đông nước tu một hơi, rồi lăn ra ngủ, chờ một đoàn xe khác lại đi qua.
Tôi là con nhà pháo, pháo cao xạ bảo vệ Trường Sơn, gắn bó với từng con đường, với mỗi bánh xe lăn. Vì vậy tôi hiểu khá rõ về các anh, những chiến sĩ lái xe can trường, những chiến sĩ công binh và thanh niên xung phong dũng cảm, thấu hiểu công sức và tâm hồn cao đẹp của các anh, chị em, những con người quên mình, ngày đêm bám trụ con đường chiến lược chi viện cho miền Nam.
Để bảo đảm an toàn, trong khi xe vẫn chạy, tôi kéo bao gạo chất cao lên, tạo thành một cái "hầm" nhỏ, đủ lọt mình nằm xuống. Tôi định đánh một giấc, nhưng làm sao ngủ được khi chiếc xe cứ xóc liên hồi, có khi còn chồm lên như ngựa. Xe qua hết trọng điểm này sang trọng điểm khác. Lại những chùm đèn dù, khi gần, khi xa, khi ngay giữa đỉnh đầu. Có lần một loạt bom thả phía sau, theo quán tính Hùng vội lái xe vươn nhanh về phía trước.
Hết đường xóc đến đoạn đường bằng, hai bên trống trải. Hơi sương lạnh buốt, tôi ôm sát chiếc ba lô vào ngực và chợt nghĩ: giá giờ đây được ngồi trong cabin xe thì ấm biết bao!
Đêm không trăng nhưng trời trong veo, sao trời dày đặc. Nằm ngửa trên xe, tôi chợt nhớ tới kỷ niệm thời thơ ấu được cậu ruột tôi là Thiềm (đã hy sinh hồi Nam tiến 1946) chỉ dẫn những chòm sao: phía bắc là sao Bắc Đẩu nằm trong chòm Đại Hùng tinh và Tiểu Hùnh tinh; phía nam là sao Nam Tào. Kia là chòm sao Chiến Sĩ, sao Tua Rua, sao Thần Nông... Vắt ngang trời là dải Ngân Hà bàng bạc, mờ ảo. Đây thực sự là những giây phút thư giãn quý hiếm. Tôi như thả hồn vào trời sao. Trong tiếng ì ầm đều đều của xe, tôi hứng chỉ ngâm nga mấy câu thơ của Lưu Trọng Lư (Nhà thơ Lưu Trọng Lư-tác giả gọi là chú ruột).
"Đây là dải Ngân Hà
Anh là chim ô thước
Sẽ bắc cầu, nguyện ước
Một đêm một lần qua".
Dõi về phương bắc, tôi nhớ da diết Hà Nội, nơi có vợ con tôi đang sống trong nỗi ước mơ từng ngày, mong sao nước nhà mau hoà bình, thống nhất, hết cảnh đạn bom, để cho tôi sớm được trở về đoàn tụ. Đang bồi hồi nhớ đến vợ con, tôi chợt phát hiện một ngôi sao đang bay. Bóng thám không chăng? Nhưng làm gì có bóng thám không thăm dò khí tượng ở giữa Trường Sơn trùng điệp này! Vệ tinh nhân tạo chăng? Có lẽ thế! Mà không phải! Không chỉ có một, mà là hai ngôi sang đang bay, cùng một hướng, di chuyển khá nhanh, lại còn chớp tắt nữa. Thôi đúng rồi, đúng là máy bay rồi! Máy bay Mỹ ném bom ban đêm, bằng phương pháp toạ độ (Do đài Loran của Mỹ đặt ở Đã Nẵng dẫn đường).
Người tôi như nổi gai ốc. Chúng lại đi gieo rắc tội ác xuống một nơi nào đó trên đường trg. Mắt tôi nhìn theo mãi hai đốm sao bay cho đến khi mất hút. Bỗng hai ánh chớp loé lên ở phía xa, không nghe tiếng nổ. Có một cảm giác vừa căm giận, vừa xót thương xen lẫn trong lòng tôi. Không biết anh chị em mình ở nơi xa ấy có ai việc gì không?
Mấy vệt sao băng nữa lại vạch trời đêm. Tôi tự hỏi: có chăng một mối quan hệ nào đó giữa những ngôi sao băng trên trời với số mệnh con người trên trái đất? Sao băng nhiều quá!
-Cán bộ ơi! Đến nơi rồi! Tiếng gọi của Hùng, lái xe, cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi, đưa tôi về với thực tế. Tôi vội vàng xách ba lô, nhảy xuống, đến bên buồng lái, xiết chặt tay Hùng và người lái phụ, nói lời cám ơn và từ biệt.
Mấy hôm sau, tôi gặp anh Lập, binh trạm phó binh trạm 12.
-Đêm 9 tháng 1 năm 1972 vừa rồi, nó cướp mất của mình một trung đội trưởng công binh - Anh Lập nói.
-Có phải Cư, trung đội trưởng công binh ở ngầm U không anh? Trời ơi! Tôi lặng người đi và sau giây phút bàng hoàng, tôi thuật lại cho anh Lập nghe chuyến đi của tôi qua ngầmU.
Anh Lập cho tôi biết: Phan Đình Cư quê ở Thạch Hà, Hà Tĩnh, đã 5 năm gắn bó với Trường Sơn, chưa vợ. Cư có yêu một cô gái thanh niên xung phong cùng quê nhưng chưa đặt vấn đề chính thức. Ban chỉ huy binh trạm đã có dự kiến đề nghị đề bạt Cư lên làm đại đội phó. Nhưng tất cả giờ đây đều đang dang dở. Cậu ấy đã vĩnh viễn ra đi rồi!
Trầm ngâm giây lát, mắt như nhìn vào cõi không, tôi nói qua hơi thở:
-Không! Anh Lập ạ! Phan Đình Cư của chúng mình, đứa con của Trường Sơn không chết! Những con người như thế sẽ sống mãi với Trường Sơn.
Những bông hoa Trường Sơn
Những bông hoa Trường Sơn
Trường Sơn xẻ dọc, rọc ngang
Xẻng tay mà viết nên trang sử hồng