Tiểu sử, Hồi ký
Tác giả: Lưu Trọng Lân

Ký ức Đường Trường Sơn

Chương 2: Nhớ mãi một người anh

Một buổi sáng tháng 8 năm 1965, tôi nhận được điện lên ngay Quân chủng Phòng không-Không quân nhận lệnh. Chưa biết sẽ nhận nhiệm vụ gì, nhưng lòng tôi cứ thấy lo lo. Đơn vị tôi là một tiểu đoàn độc lập, trực thuộc quân chủng, vừa mới hình thành, chưa có nền nếp. Cán bộ từ tiểu đoàn đến khẩu đội đều là sĩ quan, hạ sĩ quan. Nhưng tát cả chiến sĩ thì đều là lính mới. Họ mới được tuyển chọn từ các trường đại học và trung cấp ở Hà Nội. Anh em đa phần là sinh viên năm thứ nhất và thứ hai, chưa qua một ngày huấn luyện kỹ thuật bắn máy bay, mặc dầu trước đó, khi còn ở nhà trường, học đã được học qua về quân sự.

Vào phòng làm việc của Bộ Tư lệnh, thấy đồng chí Phùng Thế Tài, tôi liền dập gót đứng nghiêm:

-Báo cáo Tư lệnh, tôi, Lưu Trọng Lân, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 6 có mặt.

-Tốt! Cậu đến rất đúng giờ.-Và không để cho tôi nói thêm, đồng chí Tài bảo tôi lấy sổ tay ra ghi lệnh:

-Tối nay, 11 tháng 8, tiểu đoàn 6 đi nhận vũ khí.

-Ngày mai, 12 tháng 8, tổng lau toàn bộ pháo, đạn.

-Hai ngày tiếp theo 13 và 14 tháng 8, huấn luyện bộ đội. Ngay tối 14 tháng 8 ra quân chiến đấu.

Kế hoạch hành quân và nhiệm vụ phối thuộc tác chiến thế nào, Bộ Tham mưu sẽ có lệnh sau. Bây giờ cậu sang Phòng Quân lực để nghe hướng dẫn kế hoạch nhận vũ khí, rồi về đơn vị tổ chức thực hiện ngay.

Mặc dầu trong bụng tối như tơ vò, vì nhiệm vụ cấp bách quá, nhưng tôi vẫn đứng lên:

-Báo cáo Tư lệnh, rõ! Xin nghiêm chỉnh chấp hành!

Được cơ quan quân lực lượng hướng xong, tôi vội vàng lên xe ra về. Ngồi trên xe, tôi tự nhủ: phải vắt chân lên cổ mà chạy, nhưng đừng cuống. Hãy bình tâm suy nghĩ, dự kiến ngay việc phân công cán bộ và kế hoạch thời gian để lát nữa sẽ bàn với anh Thành, chính trị viên.

Vừa chui vào lều, tôi thấy anh Thành đang tiếp khách. Tranh tối tranh sáng, chưa kịp nhận ra ai, thì tôi đã nghe anh Thành nói:

-Anh Lân! Chính uỷ Đặng Tính xuống thăm...

Tôi vội đưa tay lên vành mũ:

-Xin chào thủ trưởng!

-Ngồi xuống đây!

Chính uỷ bảo tôi ngồi, rồi tự tay bưng ly nước chanh mà anh Thành vừa pha mời chính uỷ, ấn vào tay tôi:

-Tiểu đoàn đi xa về, chắc đang khát. Uống đi! Tôi sẽ uống sau.

Nhìn nét mặt ân cần của chính uỷ, cảm động quá, tôi cảm ơn, rồi bưng ly nước chanh, uống vài hơi hết sạch.

-Gặp anh Tài rồi phải không?? Nhiệm vụ khẩn cấp lắm phải không?

Tôi thưa ngay:

-Báo cáo chính uỷ, đúng là quá gấp ạ! Không có thời gian chuẩn bị huấn luyện. Thời gian huấn luyện lại chỉ có hai ngày...

Anh Đặng Tính cười độ lượng:

-Quân chủng rất hiểu nỗi băn khoăn của các đồng chí. Nhưng các đồng chí thấy đấy, không quân Mỹ đã vượt vĩ tuyến 20. Chúng đang mon men đến gần Hà Nội. Chúng ta phải chạy đua với địch, chạy đua với thời gian. Cụm Tiền phương I của quân chủng đang chờ sự có mặt của tiểu đoàn 6. Thời gian ngắn thì ta huấn luyện theo kiểu ứng dụng, cần gì học nấy. Không được bắn đạn thật trên trường bắn thì các đồng chí sẽ bắn đạn thật ngay trong trận nổ súng đầu tiên vào máy bay Mỹ. Hiểu được như thế, các đồng chí sẽ có đầy đủ quyết tâm khắc phục khó khăn về thời gian để hoàn thành nhiệm vụ.

Đôi mắt hiền từ của anh nhìn tôi ánh lên niềm vui. Anh lại cười, hỏi:

-Thế nào? Được chứ!

-Báo cáo thủ trưởng, chúng tôi đã hiểu và xin chấp hành nghiêm chỉnh chỉ thị của Bộ Tư lệnh.

Anh Đặng Tính đứng lên, cùng mấy cán bộ đi cùng, vui vẻ bắt tay chúng tôi ra về. Mà cũng không biết anh về nhà, về cơ quan hay là anh lại tiếp tục đến với đơn vị nào đó đang chờ sự có mặt của anh.

Đợi xe anh Đặng Tính đi khuất, chúng tôi quay vào lều hội ý Đảng uỷ và Ban Chỉ huy tiểu đoàn. Chúng tôi phân công nhau: anh Thành, anh Thường chính trị viên tiểu đoàn cùng các chính trị viên đại đội lo phần công tác chính trị, lãnh đạo tư tưởng. Tôi với anh Tý tham mưu trưởng, cùng các đại đội trưởng lo khâu huấn luyện. Anh Bằng tiểu đoàn phó cùng các đồng chí đại đội phó lo việc tiếp nhận và bảo quản vũ khí. Trong khi bộ đội tiến hành lau pháo, đạn, thì hệ thống cán bộ quân sự cấp trưởng tập trung bồi dưỡng giáo viên. Nội dung huấn luyện lấy thực hành là chính. Ngày đầu huấn luyện pháo thủ. Ngày thứ hai, huấn luyện hiệp đồng khẩu đội, trung đội và đại đội.

Thế rồi ba ngày ngắn ngủi qua trong sự cập rập, vội vã nhưng cũng ăn khớp, nhịp nhàng. Chấp hành mệnh lệnh, ngay đêm 14 tháng 8, tiểu đoàn chúng tôi "xe pháo hành quân" lên hướng Phú Thọ, để cùng với cụm Tiền phương I của quân chủng dàn trận phục kích đánh địch, bảo vệ nhà máy phốt phát Lâm Thao. Trưa 16 tháng 8, trận đánh diễn ra thắng lợi. Riêng lực lượng pháo cao xạ, trong đó có tiểu đoàn 6, hiệp đồng bắn rơi ba chiếc F105.

Vậy là tiểu đoàn 6 chúng tôi, trong bước đi chập chững ban đầu đã hoàn thành nhiệm vụ. Vui mừng trước sự trưởng thành của đơn vị, lòng toi nhớ về anh Đặng Tính.

Trong những tháng năm diễn ra cuộc chiến tranh phá hoại khốc liệt ở miền Bắc, là một cán bộ ở dưới trung đoàn, tôi ít được gặp anh Đặng Tính, nhưng nghe kể về anh thì lại rất nhiều. Là tư lệnh kiêm chính uỷ Quân chủng Phòng không-Không quân (Tháng 8 năm 1967, đồng chí Phùng Thế Tài lên làm Phó tổng Tham mưu trưởng,đồng chí Đặng Tính kiêm luôn Tư lệnh Quân chủng) anh thực sự là linh hồn của toàn quân chủng.

Mỗi lần có dịp lên thăm Bác Hồ trở về, anh đều kể lại cho cán bộ nghe về niềm vui của Bác mỗi khi nhận được tin các đơn vị phòng không hoặc các chiến sĩ lái máy bay của ta lập công bắn rơi máy bay giặc; về sự quan tâm của Bác theo dõi từng bước hành quân của trung đoàn tên lửa 238 vào giới tuyến tìm cách bắn rơi B52, hoặc về mối băn khoăn của Bác đối với sức khoẻ của chiến sĩ trên trận địa trong mùa nắng nóng, đối với mỗi nhịp cầu, mỗi góc phố bị bom Mỹ đánh sập, cả đến mỗi trường hợp đạn tên lửa của ta, do bị mất điều khiển, rơi trúng nhà dân...

Từng lời, từng lời, anh truyền đến cho mỗi cán bộ niềm kính yêu vô hạn đối với Bác Hồ.

Càng leo thang, giặc Mỹ càng điên cuồng, tàn bạo, cường độ ném bom càng dữ dội, quyết liệt. Là Tư lệnh kiêm Chính uỷ quân chủng, nhưng bất chấp đạn bom, anh Đặng Tính có mặt ở mợi nơi nóng bỏng nhất: Hà Nội, Hải Phòng, đường 5, đường 1 Nam, đường 1 Bắc. Rồi anh đi vào tuyến lửa Quân khu 4, vượt qua nhiều trọng điểm ác liệt để đến với các chiến sĩ phòng không giữa chiến trường.

Trên các trận địa pháo cao xạ bốn bề bom đạn, với chiếc mũ sắt trên đầu, anh đứng thẳng người theo dõi cuộc chiến đấu, quan sát máy bay quân thù đang lao xuống và luồng đạn của pháo ta bắn lên, để góp ý với cán bộ chỉ huy về thời cơ bắt đầu bắn.

Trong đài điều khiển chật hẹp của tiểu đoàn tên lửa, nơi mà bất kể lúc nào cũng có nguy cơ bị những quả tên lửa không đối đất (Shrike) của địch phóng trúng, anh Đặng Tính không nề hiểm nguy, đứng sau lưng các trắc thủ, sĩ quan điều khiển, quan sát diễn biến trận đánh trên màn hiện sóng, để từ đó có cơ sở thống nhất những ý kiến về phương pháp đánh của bộ đội tên lửa trong điều kiện bị địch gây nhiễu nặng.

Đến với các đơn vị ra-đa được trang bị những bộ khí tài cũ kỹ từ thời chiến tranh thế giới lần thứ II, anh dặn dò các trắc thủ: "Máy cũ nhưng tinh thần chúng ta mới. Khí tài thô sơ, nhưng chúng ta có những bộ óc sáng tạo của trắc thủ ra-đa Việt Nam. Nhất định chúng ta sẽ hoàn thành nhiệm vụ".

Bám sát cuộc sống chiến đấu của bộ đội Phòng không-Không quân, anh Đặng Tính lắng nghe từng hơi thở, từng tiếng lòng của chiến sĩ. Anh vui nỗi vui của chiến sĩ khi quật ngã được máy bay thù, anh đau nỗi đau của chiến sĩ khi xảy ra tổn thất, hy sinh. Có lúc cả hội trường quân chủng lặng đi khi nghe anh kể về những tấm gương chiến đấu kiên cường của các pháo thủ bảo vệ Thủ đô, hoặc nhộn nhịp hẳn lên khi nghe anh đọc những lời thơ hùng tráng của các pháo thủ bảo vệ đường 5. Anh đọc thơ chiến sĩ, anh đọc cả thơ anh. Hồn thơ anh hoà quyện cùng hồn thơ chiến sĩ.

Sau những "chuyến đi thực tế" của anh Đặng Tính trở về, người ta thấy trong nghị quyết của Đảng uỷ, trong chủ trương của Bộ Tư lệnh Quân chủng có thêm những điều mới, những chất xúc tác mới, tạo nên những sự chuyển mình mới trong toàn quân chủng.

Mùa khô 1971-1972, trung đoàn 227 của tôi làm nhiệm vụ bảo vệ đường 12, từ Khe Ve đến Ka Vát. Là trung đoàn phó chỉ huy cụm tác chiến tiền phương, vào một ngày tháng 11 năm 1971, tôi được lệnh lên sở chỉ huy Đoàn 559 dự hội nghị. Ở đây, tôi may mắn gặp lại anh Đặng Tính, lúc này đã là Chính uỷ Bộ Tư lệnh Trường Sơn.

Tôi chào anh. Anh nhìn tôi ngờ ngợ, rồi như chợt nhận ra, anh bắt tay tôi thật chặt, và với nụ cười rộng mở, anh hỏi:

-Lưu Trọng Lân phải không? Cậu vào Trường Sơn từ bao giờ?

-Thưa anh từ năm ngoái. Anh em ngoài quân chủng vẫn thường nhắc tới anh.

-Mình cũng nhớ anh em ngoài đó lắm! Thôi! Vào đây uống nước đã!

Anh dẫn tôi vào phòng của anh, đưa tôi mấy thỏi lương khô màu nâu và phối hợp cho tôi một ca nước sâm rừng.

Sáng hôm sau, tại hội nghị có đông đủ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp ở các binh trạm, các trung đoàn, chúng tôi nghe Bộ Tư lệnh phổ biến tình hình, nhiệm vụ mới. Cho mãi tới bây giờ tôi vẫn không quên hình ảnh của anh Đặng Tính, tiếng nói của anh trong cuộc họp hôm đó. Anh nói:

-Không quân địch quyết ngăn chặn chiến dịch vận chuyển mùa khô 1971-1972 của ta. Trong khi xe ta vẫn chạy ban đêm trên những đoạn đường hở, thì những máy bay AC130 của Mỹ, được lắp máy ngắm bằng tia hồng ngoại, đã tiến hành săn đuổi đội hình xe của ta rất gắt gao, gây cho ta nhiều tổn thất. Muốn hoàn thành kế hoạch vận chuyển, chúng ta phải khẩn trương mở những con đường kín, như kinh nghiệm ở binh trạm 32 đã làm, chuyển số lớn đội hình xe từ chạy đêm sang chạy ngày. Lực lượng pháo cao xạ sẽ được tập trung ở các khu vực trọng điểm trên tuyến đường hở còn lại, để trị "bọn" AC130.

Mắt anh Đặng Tính hướng về các cán bộ trung đoàn pháo cao xạ, như để nhắc nhở. Rồi anh lại nói tiếp:

-Trước đây ta chỉ có đường H (hở). Nay phải có thêm đường K (kín). Anh em ta sẽ vừa "ca" vừa "hát" suốt dọc Trường Sơn. Nhất định chúng ta sẽ giành thắng lợi trong mùa khô 71-72 này. Anh Đặng Tính lại cười, nụ cười luôn rạng rỡ của anh. Cả hội trường cùng cười theo. Riêng tôi thầm nghĩ: anh Đặng Tính quả là con người có sức thuyết phục lớn. Bằng lời lẽ giản dị, dí dỏm, những nội dung phức tạp đã được anh chuyển hoá thành những điều đơn giản, dễ hiểu, lôi cuốn lòng người.

Sau hội nghị đó, lực lượng pháo cao xạ chúng tôi (37 ly, 57 ly, 100 ly) dồn cả về các trọng điểm trên tuyến đường hở, để sống mái với bọn AC130, bảo vệ đoàn xe (Trung đoàn tôi dồn phần lớn lực lượng về trọng điểm nổi tiếng ác liệt: Xóm Péng). Kế hoạch mở đường kín được tiến hành hết sức khẩn trương. Chỉ trong một thời gian ngắn đường lớn đã trở thành hệ thống đường chủ lực, có hiệu quả cao, phục vụ đắc lực cho chiến dịch vận chuyển mùa khô.

Sau Hiệp định Pari, tôi về cơ quan Quân chủng Phòng không-Không quân, công tác ở Bộ tham mưu. Tôi thầm mong có dịp được gặp lại anh Đặng Tính. Nhưng rồi một tin đau xót đã đến: "Ngày 4 tháng 4 năm 1973, đồng chí Đặng Tính, Chính uỷ Binh đoàn Trường Sơn, đã hy sinh trên đường công tác".

Mắt tôi nhoà lệ và lòng tôi quặn đau. Tôi đã vĩnh viễn mất một người đồng chí, một người anh.

Hết Chương 2: Nhớ mãi một người anh
Thông tin sách