Tiểu sử, Hồi ký
Tác giả: Lưu Trọng Lân

Ký ức Đường Trường Sơn

Chương 15: Thơ Trịnh Quý

Quảng Bình được giao nhiệm vụ góp phần xây dựng và bảo vệ tuyến đường ống vận chuyển xăng dầu từ Bắc vào Nam, theo các trục đường 12A, đường 10, đường 18, vượt đỉnh Trường Sơn, toả đi các hướng chiến trường.

Để góp phần bảo vệ tuyến chi viện chiến lược, phối hợp với lực lượng phòng không của Đoàn 559 và Quân chủng Phòng không-Không quân, Quảng Bình có những đơn vị súng, pháo cao xạ chiến đấu giỏi và kiên cường. Từ những trận đánh mở đầu thắng lợi đến cả quá trình chiến đấu quyết liệt chống lại hai cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất và lần thứ hai của Mỹ, các lực lượng phòng không tại Quảng Bình, có cả bộ đội tên lửa, đã hiệp đồng chặt chẽ với nhau, vững vàng bám trụ trên hầu hết các trọng điểm nổi tiếng nhất. Họ đã bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, bảo vệ từng chiếc cầu, phà, từng đoạn đường xung yếu, góp phần giữ vững mạch máu giao thông thông suốt, cho những dòng xe không ngừng chảy về Nam trong suốt 10 năm. Con số 704 máy bay Mỹ bị quân dân Quảng Bình bắn rơi trong hai cuộc chiến tranh phá hoại là một dẫn chứng thật hùng hồn.

Cùng với mạng lưới đường sá giao thông và lực lượng bảo vệ giao thông như trên, còn có một hệ thống gồm những căn cứ, cơ quan đầu não, các chiến sĩ hậu cần, quân y kho tàng các binh trạm, của Đoàn 559, phần lớn được bố trí, cất giấu trên khắp các địa phương của Quảng Bình.

Về căn cứ và cơ quan đầu não: có căn cứ Đoàn 559 ở Làng Ho, có sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Trường Sơn ở Hoà Tiến, ở Xuân Ninh, Hiền Ninh. Chính sở chỉ huy của Bộ chỉ huy chiến dịch Đường 9-Nam Lào, năm 1971, cũng đặt tại núi An Mã trong địa phận Quảng Bình.

Về kho tàng: có những tổng kho lớn ở Hoá Tiến thuộc huyện Tuyên Hoá, Phong Nha thuộc huyện Bố Trạch, Xuân Bồ thuộc huyện Lệ Thuỷ. Còn có những kho trung chuyển ở Rào Đá, Rào Trù... cùng hàng trăm chân hàng trên các bến bãi, ven đồi ven núi, trong những rừng cao su, cạnh xác xóm làng. Lại thêm hàng ngàn khó nhỏ lẻ giấu trong các đền chùa hoặc gửi trong nhà dân, hoàn toàn ký thác cho dân.

"Nhà dân là kho hàng, gia chủ là thủ kho", nhưng hàng của nhà nước, của quân đôi không hề mất mát. Khẩu hiệu của dân Quảng Bình là: "Cho không lấy, thấy không xin, của công giữ gìn, của rơi trả lại"; "Hàng ta, ta quý ta yêu, hàng ra tiền tuyến, hàng tiêu diệt thù".

Nhân dân Quảng Bình coi việc bảo vệ tuyến đường chi viện cho miền Nam là nhiệm vụ đầu tiên, là tình cảm thiêng liêng của mỗi người. Phong trà "Xe chưa qua, nhà không tiếc" bắt nguồn từ xã Quảng Thuận, huyện Quảng Trạch. Để cứu một xe chở hàng bị sa lầy, đằng sau là cả đoàn xe đang ùn lại, mẹ Choàng đã cho dân quân xã phá dỡ ngôi nhà thân yêu của mình, để lấy gạch ngói, cột kèo lát đường cho xe qua.

Khẩu hiệu "Đường chưa thông, không tiếc máu, tiếc xương" được nhân dân Quảng Bình thể hiện khắp nơi, trên mọi nẻo đường, trên mỗi dòng sông, bến nước, ở bất cứ xóm thôn nào, trong những cánh rừng và cả ngoài khơi biển rộng. Điển hình nhất là sự kiện xảy ra vào một đêm tháng 6 năm 1972. Đoạn đường ngầm ở Hói Hạ ở bờ nam sông Gianh bị bom phá hỏng. Nhân dân các xã lân cận đã được huy động, cùng thanh niên xung phong của Đoàn 559 ra sửa gấp. Máy bay Mỹ lại đến giội bom. 48 người dân quê tôi cùng 40 thanh niên xung phong nam nữ quê Hà Tây đã ngã xuống. Những hàng trăm người khác, ngay đêm sau lại xông ra, lấp bằng các hố bom, san phẳng mặt ngầm, rồi làm cọc tiêu hướng dẫn cho các đoàn xe vượt ngầm tiếp tục đi vào phục vụ chiến dịch Trị Thiên.

Có thể nói nhân dân Quảng Bình đã chấp nhận một sự trả giả lớn lao về sinh mạng và của cải cho sự sống còn của con đường lịch sử. Biết bao tên người như: mẹ Suốt chèo đò qua sông Nhật Lệ, anh hùng Võ Xuân Khuể lái canô, kéo phà, anh hùng Nguyễn Văn Tương lái đò chở bộ đội, chở súng đạn, Nguyễn Viết Lân dũng sĩ phá bom nổ chậm ở Cà Tang, tiểu đội thanh niên xung phong Trần Thị Lý bám trụ kiên cường trên đèo Ba Trại, tiểu đôi Nguyễn Thị Kim Huế thuộc đại đội 759 anh hùng trên ngọn đồi 37, đường 12... đã đi vào huyền thoại, cùng với sự nghiệp hơn mười năm bảo vệ mạch máu Bắc-Nam.

Biết bao tên đất, tên làng của Quảng Bình như: La Trọng, Bãi Dinh, Khe Ve ở đường 12; đèo Đá Đẽo, phà Xuân Sơn, phà Long Đại, phá Thác Cốc trên đường 15; phà Ròn, phà Gianh, phà Quán Hàu trên đường 1; cua 68, cua chữ A, ngầm Tà Lê, đèo Phu-la-nhích trên đường 20... đã trở thành những địa danh lịch sử cùng với đường Hồ Chí Minh.

Trong những tháng năm đánh Mỹ, tôi đã cùng với đơn vị mấy lần vượt Trường Sơn vào Nam ra Bắc. Quảng Bình đã từng là chặng đường dừng chân của chúng tôi, trước lúc đi vào chiến trường hoặc sau khi ở chiến trường ra. Ở nơi đâu trên đất Quảng Bình, chúng tôi cũng được sống trong tình thương của các "bọ, mạ" (Bọ, mạ: bố mẹ) của các anh chị, các em. Tuy cuộc sống khó nghèo, nhưng tấm lòng của bà con luôn rộng mở.

Làm sao quên được những đêm mưa gió, xe pháo chúng tôi bị sa lầy, bà con thôn xóm xung quanh đã đem những bó cây, gánh củi, có khi cả cột nhà, tấm phản, lát đường cho xe pháo vượt qua. Nhà nào cũng vậy, khi bộ đội qua làng, nửa đêm ghé lại, cả gia đình dồn xuống nhà dưới, nhường nhà trên cho bộ đội ở. Có giường ngủ giường, có nống ngủ nống (nống: cái nong phơi lúa). Có lần chính tôi đã được phép ngả lưng ngay trên chiếc "hòm" của cụ Hậu, thôn Cổ Giang, chiếc quan tài đóng sẵn cho cụ đợi ngày đi xa.

Đồng bào Minh Hoá dọc đường 15, nghèo nhất tỉnh, phần lớn các tháng trong năm chỉ ăn sắn, ăn bồi (bồi: hạt bắp giã nhỏ, nấu thành cơm ăn) nhưng quanh năm không mất khi vắng mặt các anh bộ đội trú quân trong làng. Những đoàn quân nối tiếp nhau ra trận, hoặc từ mặt trận trở về, đơn vị này vừa đi, đơn vị khác lại đến, cứ thế ròng rã hàng chục năm.

Tôi còn nhớ hình ảnh mẹ Bào, bà mẹ hiền từ chất phác ở thôn Đại Hữu, từ bếp bưng lên một rá khoai còn nóng hổi: "Khoai con Cẩn vừa mới bới trên nương. Các con ăn đi! Nhà mẹ nghèo nỏ có chi (không có gì) cho các con cả". Ôi! Chỉ mấy củ khoai lang với một tấm lòng của bà mẹ già mà thân thiết bao nhiêu.

Mấy ngày trú quân ở thôn Cổ Giang, sau khi đánh trận ở Quảng Trị trở ra, các thương bệnh binh đơn vị chúng tôi đã được các mẹ đưa về gia đình chăm sóc tận tình chu đáo. Thấy áo quần anh em bộ đội không lành lặn, các chị em đã đề nghị với cấp chỉ huy cho tập trung quần áo lại để chị em vá giúp. Thôn xóm vắng bóng những nam thanh niên, vì các anh đã lên đường chiến đấu. Các mẹ, các chị, các em dồn tình thương cho các anh bộ đội qua làng. Có những đêm, thấy các chị không ở nhà, chúng tôi hỏi, các mẹ cho biết: "Chúng nó tập trung đi sửa đường, san lấp hố bom".

Người dân Quảng Bình gắn bó với đường Trường Sơn, mạch máu chảy từ Bắc vào Nam như máu thịt, như ruộng đồng quê hương mình. Mỗi đoạn đường của tuyến chi viện chiến lược đi qua đều có đóng góp to lớn của quân dân Quảng Bình.

Chiến tranh qua rồi. Quá khứ không bao giờ trở lại. Ghi chép những dòng hồi ức trên đây, tôi tự hào về Quảng Bình quê tôi một thời đánh Mỹ, đã có hơn ba ngàn ngày "sống chết" với đường Hồ Chí Minh.

Hết Chương 15: Thơ Trịnh Quý
Thông tin sách