Tiểu sử, Hồi ký
Tác giả: Lưu Trọng Lân

Ký ức Đường Trường Sơn

Chương 14: Đường Hồ Chí Minh trên đất Quảng Bình

Sau gần một đêm hành quân vất vả, tôi cùng một anh bạn đồng hành ngủ thiếp đi trên chiếc giường tre, trong căn nhà nhỏ "nửa chìm" của anh chị Thón, ở một xóm nhỏ ven đường 15, gần ngã ba Vạn Ninh, lối rẽ lên đường 10.

Sáng ra, tôi bỗng giật mình thức giấc vì tiếng gọi thất thanh của một em bé:

-Các chú bộ đội ơi! Xuống hầm đi! Máy bay!

Tiếp theo là tiếng gầm rú của bầy máy bay phản lực Mỹ. Như một phản xạ tự nhiên, chúng tôi lăn người xuống đất, rồi lao vào một cửa hầm bên vách nhà.

Hai loạt bom nổ. Mái nhà tranh trên đầu chúng tôi bị bóc một mảng lớn. Tiếp sau là hai loạt bom bi. Thôn xóm yên lành, với những căn nhà tranh nhỏ bé, phút chốc ngập chìm trong lửa cháy và khói bom mù mịt.

Trong tiếng máy bay xa dần, tôi bỗng nghe từ chiếc hầm bên cạnh vang lên tiếng kêu đứt quãng: "Mạ ơi! Mẹ ơi!" Hai chúng tôi vọt lên khỏi nơi trú ẩn, chạy sang. Một cảnh tượng thương tâm bầy ra trước mắt: bé Trung, đứa con trai chừng tám tuổi của chị Thón, mình trần, đang quằn quại trong đau đớn.

Xem qua một lượt, chúng tôi chợt cảm thấy vô cùng bối rối bởi vì không biết phải băng bó chỗ nào. Một quả bom bi rơi trúng miệng hầm. Những viên bi độc ác bắn thủng khắp người em. Từ hàng chục vết thương lỗ chỗ trên đầu, mặt và toàn thân em bé, những dòng máu tươi ứa ra, tràn lênh láng...

Lòng tôi đau như cắt. Bé Trung đã cứu sống chúng tôi, nhưng chính em lại không thoát được bàn tay giết người của giặc Mỹ. Sáng sớm hôm nay, khi vác cuốc đi làm, có ý để chúng tôi ngủ thêm lấy sức hành quân tiếp, anh chị Thón đã để bé Trung ở nhà, với mấy củ khoai lang trong rổ, cùng lời dặn: "Khi mô có máy bay, phải chạy ngay xuống hầm và nhớ kêu mấy chú bộ đội, nghe con!".

Vậy mà...

Đêm ấy theo kế hoạch, chúng tôi tiếp tục lên đường, nhưng với cõi lòng nặng trĩu. Tiếng gọi "Các chú bộ đội ơi! Xuống hầm đi!" và tiếng khóc xé lòng của người mẹ ôm xác con trên tay đã khắc sâu trong trái tim một nỗi xót đau không bao giờ nguôi.

Tôi bắt đầu bằng câu chuyện có thật trên đây, để tiếp theo, xin được giới thiệu đôi nét về đường Hồ Chí Minh trên đất Quảng Bình, quê tôi.

Ngày 16 tháng 12 năm 1963, khi vào thăm đồng bào Quảng Bình, Vĩnh Linh, Bác Hồ đã nói: "Nếu kẻ địch gây ra chiến tranh đối với miền Bắc, thì Quảng Bình, Vĩnh Linh là nơi đụng đầu trước hết; quân dân Quảng Bình, Vĩnh Linh phải bảo đảm đánh thắng chúng trước hết". (Tư liệu "Những sự kiện trong chiến tranh chống Mỹ trên đất Quảng Bình (1954-1975) của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Bình).

Thực tế đã diễn ra như thế nào?

Ngày 5-8-1964, khi đế quốc Mỹ bất ngờ cho 64 chiếc máy bay từ hai hàng không mẫu hạm Ticonderoga và Constellation vào ném bom nhiều nơi trên miền Bắc, thì chính Quảng Bình là nơi diễn ra trận đánh đầu tiên. Tám máy bay A4D ném bom Cảnh Gianh và Mũi Ròn (cùng đợt với 8 chiếc khác đánh Vinh-Bến Thuỷ), Quảng Bình cũng là nơi đầu tiên bắn rơi máy bay Mỹ. Một chiếc A4D cắm đầu xuống biển (cùng lúc với Vinh-Bến Thuỷ bắn rơi 2 chiếc khác).

Sang đầu năm 1965, cùng với việc ồ ạt đưa quân viễn chinh vào miền Nam nước ta, đế quốc Mỹ đã tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc. Trong hai ngày 7 và 8 tháng 2 năm 1965, Mỹ đã mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại đẫm máu và kéo dài ấy bằng những cuộc giội bom xuống Đồng Hới và Vịt Thu Lu của Quảng Bình, Hồ Xá của Vĩnh Linh. Trong hai ngày đó, quân dân Quảng Bình, Vĩnh Linh đánh giỏi thắng lớn, bắn rơi 8 máy bay Mỹ. Thế là đúng như lời Bác Hồ dự báo, trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ với miền Bắc: Quảng Bình, Vĩnh Linh đã là nơi đụng đầu trước hết, quân dân Quảng Bình, Vĩnh Linh đã đánh thắng chúng trước hết.

Quay lại thời điểm tháng 1 năm 1959. Từ máu lửa sục sôi của cách mạng miền Nam, Đảng ta đã cho ra đời một văn kiện lịch sử đó là Nghị quyết 15. Nghị quyết của Trung ương Đảng chỉ rõ phương pháp chiến lược mới của cách mạng miền Nam nước ta là: "Đấu tranh vũ trang kết hợp đấu tranh chính trị, nhằm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hoà bình thống nhất nước nhà".

Thực hiện chủ trương chiến lược nói trên, ngày 19 tháng 5 năm 1959, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương đã quyết định thành lập Đoàn 559, với nhiệm vụ: "Mở đường giao liên, mở đường vận tải quân sự, để chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam".

Những cán bộ, chiến sĩ tiên phong của Đoàn 559 đã lấy Khe Hó thuộc huyện Vĩnh Linh làm căn cứ đầu tiên. Nhưng chỉ ít lâu sau, họ đã chuyển sang địa điểm mới. Đó là Làng Ho, thuộc huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình, một thung lũng rộng, có nhiều điều kiện thuận lợi hơn, để làm bàn đạp cho nhiệm vụ mở đường.

Từ Khe Hó của Vĩnh Linh, Làng Ho của Quảng Bình, những chuyến gùi thồ đầu tiên mang gạo, muối, súng đạn tiếp tế cho Trị Thiên và Khu 5, cùng những chuyến giao liên đưa cán bộ, bộ đội ra vào và chuyển thương binh từ Nam ra Bắc, góp phần thúc đẩy cách mạng miền Nam đi lên.

Cách mạng miền Nam càng phát triển, quân dân miền Nam càng cần có vũ khí, đạn dược, lương thực, thuốc men... Không thẻ nhờ mãi vào đôi chân, đôi vai và những chiếc xe đạp thồ nhỏ bé. Đã đến lúc phải vận chuyển hàng bằng ôtô, phải cơ giới hoá đường chi viện chiến lược.

Để có một tầm bao quát trên thực địa, hướng tới việc thiết lập một hệ thống giao thông vận tải quân sự trên tuyến 559, vào một ngày cuối tháng 2 năm 1960, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã cùng Bí thư Tỉnh uỷ và Trưởng ty Giao thông Quảng Bình, bằng máy bay lên thẳng, bay khảo sát một vòng, từ Đồng Hới lên Làng Ho, dọc theo Trường Sơn, ra tận Tuyên Hoá rồi quay trở lại Đồng Hới (Theo tư liệu đã dẫn).

Từ đây, nhiệm vụ xây dựng hệ thống đường ôtô vận tải quân sự được tổ chức thực hiện hết sức khẩn trương. Bộ Giao thông cùng với tỉnh Quảng Bình và Đoàn 559 đã phối hợp thành lập hàng chục công trường, gồm hàng ngàn thanh niên nam nữ, con em của sáu huyện thuộc Quảng Bình, để gấp rút mở những đường lớn. Trước tiên là con đường từ Thạch Bàn qua Vịt Thu Lu lên Làng Ho (về sau gọi là đường 16). Tiếp theo là củng cố, sửa chữa, mở rộng đường 15, từ Khe Ve, Đá Đẽo vào đến Thác Cóc, Bến Quang.

Tháng 5 năm ấy, cũng tại Quảng Bình, sau khi đến thăm và biểu dương các lực lượng làm đường. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói với đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ: "Để bảo đảm sự chi viện với mức độ ngày càng tăng cho miền Nam, chúng ta nhất thiết phải có đường ô tô vận tải quân sự phía bên kia Trường Sơn, nhất thiết phải có những con đường lớn vượt Trường Sơn qua phía tây".

Công trường 12A được thành lập để củng cố đoạn đường từ Khe Ve đến đèo Mụ Giạ. Sau đó, được sự chấp nhận của bạn Lào, thông qua một văn bản hiệp định, chúng ta thành lập thêm công trường 129, để làm tiếp con đường từ Mụ Giạ đến ngã ba Lằng Khằng.

Không khí lao động trên các công trường làm đường rất sôi nổi. Đâu đâu cũng mọc lên những khẩu hiệu nói lên quyết tâm của nhân dân đến Quảng Bình, của các chiến sĩ công binh và thanh niên xung phong Đoàn 559: "Một người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt", "Tất cả cho tiền tuyến", "Tất cả vì miền Nam thân yêu".

Do vị trí đặc biệt của mình, trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cùng với Vĩnh Linh, Quảng Bình đã trở thành hậu phương trực tiếp của miền Nam. Nếu tính riêng hai cuộc chiến tranh phá hoại thì Quảng Bình là tỉnh đi trước, về sau, cũng là tỉnh chịu đựng nhiều nhất sức nặng của cuộc "Chiến tranh ngăn chặn, huỷ diệt" hết sức tàn bạo của Mỹ, nhằm bóp nghẹt cái nơi mà chúng gọi là "yết hầu", "cổ chai", "cán soong", chỗ hẹp nhất trên bản đồ đất nước.

Sau khi Đoàn 559 thành lập, rồi Bộ Tư lệnh Trường Sơn ra đời, Quảng Bình trở thành căn cứ chủ yếu của tuyến chi viện chiến lược, là xuất phát điểm của hầu hết các con đường vượt khẩ từ đông sang tây. Từ những chuyến giao liên và giao hàng nhỏ lẻ của thời kỳ gùi thồ, cho đến những binh đoàn lớn, điệp trùng ra trận trong mùa xuân 1975, tất cả đều đến đây, qua đây, dừng chân ở đây và từ đây xuất phát.

Nhìn lên tấm bản đồ tổng thể của đường Hồ Chí Minh chạy dài từ Hương Khê (Hà Tĩnh) đến Đồng Xoài (Sông Bé), ở khu vực Quảng Bình ta thấy chi chít những đường dọc, đường ngang.

Các tuyến dọc có:

-Quốc lộ 1A: từ Đèo Ngang đến Hạ Cờ.

-Quốc lộ 15A: từ Khe Ve đến Thác Cốc.

Đó là chưa kể các con đường tránh 22A, 22B ở huyện Quảng Trạch và rất nhiều đường nhánh khác ở phía nam sông Gianh.

Các tuyến ngang trên địa bàn Quảng Bình (một phần tiếp qua Vĩnh Linh hoặc sang phía tây, bên đất bạn) có:

-Đường 12A: từ Khe Ve đến đèo Mụ Giạ, xuôi xuống ngã ba Lằng Khằng (Tiếp theo là những con đường dọc: 128-129 đi về phía Nam).

-Đường 20 (còn gọi là đường Quyết Thắng): từ Phong Nha đến ngã ba Lùm Bùm.

-Đường 10: từ ngã ba Áng Sơn đến ngã ba Dân Chủ.

-Đường 18: một nhánh tách ra từ kilômét 32 đường 20 vào đến Sêpôn.

-Đường 16 (còn gọi là đường Thống Nhất): từ ngã ba Thạch Bàn, qua Làng Ho, qua ngã ba Dân Chủ vào tạn Bản Đông.

Đây là tuyến đường vượt khẩu chủ yếu của toàn hệ thống đường Hồ Chí Minh.

Ngoài đường bộ, trên đất Quảng Bình còn có đường vận tải trên biển, trên sông. Chính từ cảng Thanh Khê, một phân đội thuyền chở vũ khí của "Tập đoàn đánh cá sông Gianh", đã rời bến vào Nam. Đó là đơn vị đầu tiên mở đường cho tuyến "đường Hồ Chí Minh trên biển". Tiếc thay, giữa đường gặp bão lớn, chuyến đi không thành. Quảng Bình còn huy động hàng trăm tàu thuyền ngày đêm vượt đạn bom ngăn chặn, ngược xuôi các dòng sông Gianh, sông Son, sông Ròn, Nhật Lệ, Long Đại, Kiến Giang để vận chuyển hàng cho Đoàn 559.

Về đường không: từ năm 1960, một cầu hàng không đã được thành lập, nối tiền Đồng Hới với Làng Ho, bằng những chiếc máy bay An-2 nhỏ bé, tạo chân hàng cho các đơn vị vận tải gùi thồ vượt tuyến. Đến tháng tư năm 1961, có thêm một cầu hàng không khác, từ Đồng Hới đến Thà Khống (Nam Lào), để phục vụ cho chiến dịch mở rộng vùng giải phóng của bạn Lào ở Tây Trường Sơn. Lại có cả những cánh bay MiG-17, xuất kích từ sân bay dã chiến Khe Gát ở huyện Bố Trạch, ngày 19 tháng 4 năm 1972 đã lập công đánh trọng thương tàu khu trục Mỹ.

Ngoài đường bộ, đường thuỷ, đường không, đi qua Quảng Bình còn có một tuyến đường đặc biệt, cũng là đường thuỷ, nhưng:

"Là nước mà không phải sông.

Là đường mà có nước bên trong

Đó là đường ống"

Hết Chương 14: Đường Hồ Chí Minh trên đất Quảng Bình
Thông tin sách